Hội chứng sợ bị người khác nhìn: Nguyên nhân và cách khắc phục
Không phải ai cũng thích được chú ý, hay cảm thấy thoải mái khi bị nhìn chằm chằm nhưng thường cảm giác này sẽ chỉ dừng ở mức khó chịu. Tuy nhiên nếu bạn luôn bị ám ảnh, sợ hãi, trở nên hoảng loạn vì cho những đang có những ánh mắt hướng về phía mình thì rất có thể bạn đang mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn. Đây là một vấn đề tâm lý cần được can thiệp sớm để nâng cao chất lượng cuộc sống tình thần cho chính người bệnh.
Hội chứng sợ bị người khác nhìn là gì?
Hội chứng sợ bị người khác nhìn có tên khoa học là Scopophobia hoặc Ophthalmo Phobia được điển hình bằng cảm giác sợ hãi khi có ai đó nhìn chằm chằm vào họ. Một số người chỉ hoảng sợ khi thực sự có ai đó đang nhìn họ nhưng một số người có nỗi sợ lớn hơn, thậm chí khi đi qua mắt của ai đó hoặc luôn cho rằng người đó đang nhìn, đang chỉ trỏ về bản thân.
Scopophobia thuộc nhóm rối loạn lo âu và được xếp vào loại ám ảnh xã hội, mặc dù đây là nỗi ám ảnh cụ thể. Thuật ngữ Scopophobia được bắt nguồn từ chữ ‘”σκοπέω skopeō, “xem xét, kiểm tra”,và φόβος phobos, “sợ hãi” trong ngôn ngữ Hy Lạp. Ophthalmo Phobia cũng là tiếng Hy Lạp nhưng có nghĩa là “mắt” – ὀφθαλμός ophthalmo.
Căn bệnh này được nhắc đến từ khoảng năm 400 TCN nhưng còn khá mơ hồ, đến năm 1903 bác sĩ tâm thần người Pháp Pierre Janet đã chính thức sử dụng thuật ngữ Scopophobia để ám chỉ nỗi sợ hãi khi luôn có cảm giác bị theo dõi, bị ai đó nhìn cho dù ông đang vui chơi, nói chuyện, viết lách hay cả khi đang chơi piano.
Thực tế không phải ai cũng có thể tự tin hay thoải mái khi có người đang nhìn chằm chằm vào mình, kể cả những người vốn đã quen với điều đó. Tuy nhiên cảm giác này thường chỉ dừng ở mức độ khó chịu hoặc đôi khi là tức giận. Tuy nhiên cảm xúc của bệnh nhân Scopophobia lại là sự sợ hãi, hoảng loạn, tìm cách né tránh. Kể cả hiện tại không có ai nhìn họ thì người bệnh vẫn luôn bị ý nghĩ này ám ảnh và trở nên căng thẳng tột độ.
Theo các chuyên gia, Scopophobia khá tương đồng với Agoraphobia – Hội chứng sợ khoảng rộng. Các nỗi sợ của người bệnh thường là vô lý, đôi khi họ cũng biết điều này nhưng không thể kiểm soát. Mặc dù hội chứng sợ bị người khác nhìn thường không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tinh thần của người bệnh nên cần kiểm soát càng sớm càng tốt.
Biểu hiện của hội chứng sợ bị người khác nhìn
Các triệu chứng Scopophobia có thể khác nhau theo từng người, từng mức độ tuy nhiên các biểu hiện càng về sau càng có mức độ tăng lên. Có những người cảm thấy hoảng loạn tại những nơi rộng lớn, đông người nhưng có những bệnh nhân chỉ trong một khoảng nhỏ hay các tiếp xúc ngẫu nhiên, vô tình lướt qua nhau cũng có thể khiến họ trở nên căng thẳng tột độ.
Những dấu hiệu điển hình của Scopophobia bao gồm
- Thường cố gắng tránh nhé những nơi đông người vì lo sợ người khác nhìn mình
- Không thể đứng trước đám đông, không thể thuyết trình
- Cảm giác xấu hổ và tội lỗi có thể đan xen
- Khi giao tiếp sẽ tránh việc nhìn vào mắt của người khác
- Thường không nhìn thẳng mà sẽ cúi gằm mặt khi di chuyển hay làm gì đó để tránh phải nhìn vào mắt ai
- Khi thấy người khác nhìn mình hoặc cảm nhận được điều đó sẽ có dấu hiệu tim đập nhanh, căng thẳng, hoảng sợ, đỏ bừng mặt, khô miệng, thở nông, hụt hơi, run rẩy và muốn chạy trốn
- Ở bệnh nhân mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn thường kèm theo hội chứng erythrophobia – đặc đặc trưng bởi sự đỏ mặt một cách thái quá. Tình trạng đỏ mặt không phải do ngại ngùng mà là do sự sợ hãi gây ra
- Cảm giác tự ghê tởm chính mình có thể gặp ở một số trường hợp
- Khi cảm thấy căng thẳng do người khác nhìn sẽ không thể nào tập trung vào suy nghĩ mà chỉ muốn chạy trốn ngay lập tức
Người mắc hội chứng sợ người khác nhìn cũng dần thu hẹp môi trường hoạt động của họ bằng cách ở trong nhà để tránh phải giao tiếp hay có ai nhìn thấy mình. Họ thường từ chối đi đến những nơi mà họ không biết, gặp gỡ những người mà họ không quen , không muốn ra ngoài một mình.. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và các mối quan hệ xung quanh của người bệnh.
Bất cứ ai cũng có thể lo lắng khi thấy có người khác đang nhìn mình, đặc biệt là những người có đời sống nội tâm, khép kín, ít giao tiếp với bên ngoài hay lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên nếu các triệu chứng lo sợ, căng thẳng, hoảng loạn diễn ra thường xuyên ngay cả với những trường hợp thông thường thì rất có thể đây là bệnh lý, cần sớm có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân của hội chứng sợ người khác nhìn
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của hội chứng Scopophobia thường bắt nguồn từ các vấn đề thời thơ ấu, những trải nghiệm tiêu cực khiến họ phải sợ hãi ánh nhìn từ những người xung quanh. Tuy nhiên nó cũng có thể bắt nguồn từ những bệnh lý tâm thần liên quan như tự kỷ hay một số vấn đề thần kinh khác. Điều này sẽ được xác định nếu người bệnh tiến hành thăm khám kiểm tra toàn diện để tìm rõ nguyên nhân.
Các trải nghiệm không tốt trong quá khứ được cho là có liên quan đến hội chứng sợ người khác nhìn ( nếu đây không phải vấn đề bẩm sinh). Nỗi sợ người khác nhìn có thể bắt nguồn từ sự xấu hổ, không tự tin với chính mình, sợ mọi người đánh giá mình vì thế mới trốn tránh mọi người xung quanh
- Bị bạn bè chế giễu, chê bai về ngoại hình, năng lực, quần áo, địa vị..
- Bị cha mẹ trách mắng hằng ngày về vấn đề học lực, so sánh với những người xung quanh
- Luôn bị đem ra so sánh với những người xung quanh và thường ở bậc thấp hơn
- Là nạn nhân của những trò đùa tiêu cực, bị đem ra giễu cợt, bi cô lập
- Người từng bị tai nạn có thương tích nặng hay người có dị tật bẩm sinh cũng là đối tượng rất dễ mắc chứng bệnh này
- Bệnh nhân rối loạn lo âu xã hội
- Thay đổi cuộc sống đột ngột, có thể là từ một người giàu thành người nghèo có thể khiến những người xung quanh sẽ chỉ trỏ bàn tán về họ trong thời gian đầu cùng với tâm lý vốn đã hoảng loạn sẵn cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh
Với những yếu tố có liên quan đến quá khứ, thường liên quan đến sự chế giễu, bắt nạt, cô lập, trách mắng trong thời gian dài và làm ám ảnh tâm trí người bệnh. Đặc biệt ở những người tâm lý yếu hay người có đời sống nội tâm không chia sẻ vấn đề của bản thân với ai, những điều này sẽ khiến họ trở nên tiêu cực, luôn suy nghĩ rằng những người xung quanh sẽ tiếp tục chế giễu, làm hại, trách mắng họ nên mới cảm giác hoảng loạn và né tránh.
Mặt khác hội chứng sợ người khác nhìn cũng có thể liên quan đến các yếu tố bẩm sinh. Theo các chuyên gia, Scopophobia có thể được bắt buồn từ các rối loạn tâm thần như tự kỷ, động kinh, hội chứng Tourette.. Những người mắc bệnh lý này thường cũng có có xu hướng né tránh ánh mắt từ những người xung quanh. Ngoài ra bệnh cũng có thể liên quan đến các rối loạn tâm thần khác nhưng có thể tách riêng để điều trị độc lập.
Hội chứng sợ bị người khác nhìn và những ảnh hưởng đến đời sống
Bất cứ vấn đề tâm lý nào cũng có thể trở thành rào cản trong việc tìm đến con đường hạnh phúc của người bệnh. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đôi khi người ta không cần dùng lời nói hay hành động để thể hiện sự quan tâm yêu thương mà hoàn toàn có thể diễn ra qua đôi mắt. Đồng thời bạn cũng hoàn toàn có thể nhận định cảm xúc, thái độ của một người nào đó thông qua ánh nhìn. Đôi mắt sẽ không bao giờ biết nói dối.
Khi không thể thực hiện việc nhìn vào mắt ai đó cũng đồng nghĩa với việc bạn mất một phần xúc cảm, thiếu sự tinh tế và các kỹ năng xã hội. Việc không tự tin nhìn thẳng cũng làm bạn mất đi rất nhiều cơ hội ngắm nhìn con người, cảnh vật, xe cộ hay rất nhiều thứ xung quanh. Đây đều là những kỹ năng rất quan trọng để thực sự có thể cảm nhận được sự tuyệt vời cuộc sống.
Bệnh cạnh đó người mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn cũng sẽ ngày càng trở nên cô lập, khép mình lại, không muốn giao tiếp với ai và mất rất nhiều cơ hội làm việc, các mối quan hệ thậm chí cả với những người trong gia đình. Cuộc sống của họ sẽ ngày càng khó khăn hơn đặc biệt nếu công việc của họ bắt buộc phải giao tiếp hay làm việc với nhiều người. Sự căng thẳng luôn tiềm ẩn trong tâm trí khiến họ không thể làm được bất cứ việc gì.
Mặt khác mặc dù các triệu chứng này rất rõ ràng nhưng không phải ai cũng cho rằng đây là bệnh lý mà thường cho rằng do người đó sống nội tâm, nhút nhát.. Khi không được ai thấu hiểu, không thể chia sẻ vấn đề với ai người bệnh rất dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm cùng rất nhiều hệ lụy nguy hiểm khác xuất hiện.
Hướng điều trị hội chứng sợ bị người khác nhìn
Việc điều trị hội chứng sợ người khác nhìn cần phải được can thiệp và điều trị càng sớm càng tốt để tránh các hệ lụy xấu có thể xuất hiện. Việc điều trị có thể kéo dài tùy theo từng tình trạng và mức độ của bệnh nhân, gia đình tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.
Mặc dù bệnh có thể liên quan đến các dạng rối loạn tâm thần như tự kỷ, động kinh nhưng thường sẽ được điều trị riêng biệt.Tuy nhiên nếu liên quan đến các vấn đề này, việc điều chỉ sẽ chỉ nhằm hỗ trợ bệnh nhân tự tin hơn, tăng cường khả năng giao tiếp mà không thể hoàn toàn giải quyết được vấn đề.
Điều trị bằng thuốc
Tương tự như các vấn đề tâm lý khác, không có thuốc điều trị tận gốc bệnh lý này mà sẽ chỉ giúp hỗ trợ ổn định tinh thần, giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi cho người bệnh. Thường bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm lo âu, thuốc an thần để ổn định người bệnh hơn. Tuy nhiên nếu chỉ dùng thuốc đơn độc sẽ không thể nào điều trị được bệnh mà cần kết hợp thêm nhiều phương pháp khác.
Trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu là biện pháp được hướng đến chính cho những bệnh nhân Scopophobia bằng cách khắc phục nỗi sợ hãi. Nhà trị liệu sẽ kết nối với bệnh nhân để hiểu rõ nguồn gốc của nỗi sợ là gì và tìm cách giải thoát được những vấn đề trong quá khứ. Bệnh nhân sẽ hiểu được vấn đề của mình nằm ở đâu, trở nên tự tin hơn và dần học được cách mắt – đối – mắt với những người xung quanh.
Nhà trị liệu cần giúp bệnh nhân loại bỏ được sự tự ti, xấu hổ, tội lỗi đã choán lấy tiềm thức của người bệnh như một khối u ác tính. Việc loại bỏ “khối u” này có thể gặp nhiều khó khăn nhưng khi đã cắt bỏ được nó thì sức khỏe, niềm vui, niềm hạnh phúc của bệnh nhân sẽ dân quay trở lại. Chuyên gia tâm lý cần tạo được sự tin tưởng bệnh nhân, giúp bệnh nhân hiểu được giá trị của bản thân, thay đổi thái độ với thực tại và lấy quá khứ làm độc lực để phát triển.
Với hội chứng sợ bị người khác nhìn, nhà trị liệu cũng tiến hành các thực nghiệm bằng các để bệnh nhân thực hiện các trải nghiệm nhìn vào mắt người khác và để người khác nhìn. Bắt đầu từ 1 người, 2 người và rất nhiều người. Khi nỗi sợ được diễn ra thường xuyên sẽ dần giảm được sự lo lắng vốn có để bệnh nhân thực sự quay trở lại hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Người bệnh nên sớm tìm đến các trung tâm tâm lý trị liệu và gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ càng sớm càng tốt. Sự hỗ trợ của gia đình và sự quyết tâm của bệnh nhân cùng sự hướng dẫn của nhà trị liệu hoàn toàn có thể chiến thắng được căn bệnh này.
Cách biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh việc dùng thuốc và trị liệu tâm lý, các biện pháp hỗ trợ tại nhà cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc loại bỏ sớm vấn đề tâm lý này. Bệnh nhân cần giữ cho tinh thần luôn khỏe mạnh, lạc quan, tích cực, tin vào chính mình để phát triển bản thân đến những điều tốt đẹp nhất.
Theo đó bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau
- Tập thiền và yoga sẽ giúp bệnh nhân bình ổn tâm lý, nâng cao tinh thần, loại bỏ những điều tiêu cực để hấp thụ những năng lượng tích cực
- Không suy nghĩ về những tổn thương trong quá khứ mà cần lấy đó làm động lực để phát triển bản thân hơn, hướng đến những điều tốt đẹp tươi sáng phía trước
- Có niềm tin vào bản thân, tin vào giá trị tuyệt vời vào chính mình
- Nếu cảm thấy sợ hãi khi chuẩn bị phải bước ra ngoài hay đứng nơi đông người, cảm thấy có nhiều người đang chỉ trỏ hãy hít thở một hơi thật sâu để bản thân bình tĩnh, tự trấn tĩnh mình. Người bệnh cũng nên học các liệu pháp hít thở từ yoga để duy trì sự bình tĩnh cho bản thân
- Luôn nhắc nhở bản thân rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, còn rất nhiều điều tươi đẹp phía trước đang chờ đợi
- Học cách làm bạn, nói chuyện, nhìn thẳng vào nhau khi giao tiếp. Hãy bắt đầu thử thách bản thân bằng cách tập với cha mẹ, bạn bè hay những người xung quanh
- Nên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, chương trình tình nguyện sẽ giúp bạn cảm thấy có ích, tăng tính tương tác xã hội đồng thời cũng là một môi trường lý tưởng để bạn học cách chấp nhận ánh nhìn từ những người xung quanh
- Thư giãn đầu óc và cơ thể, không nên để bản thân căng thẳng
- Không nên để những vấn đề tiêu cực làm choán lấy tâm trí khiến tình trạng lo lắng, tự ti quay trở lại
- Trao đổi và duy trì thăm khám với nhà trị liệu thường xuyên cho đến khi bạn thân hoàn toàn ổn
Hội chứng sợ bị người khác nhìn tuy không phải vấn đề tâm lý quá nghiêm trọng nhưng nó cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến đời sống nên cần giải quyết càng sớm càng tốt. Mỗi người nên quan tâm đến sức khỏe tinh thần hơn và trao đổi với bác sĩ tâm lý từ sớm để giải quyết những khó khăn trong tâm trí, tránh những hệ lụy xấu nguy hiểm khác có thể xuất hiện.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!