Rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em: Nguyên nhân và điều trị
Rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em chính là sự mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thống thần kinh trung ương và não bộ của trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển hoàn thiện nên rất dễ gặp phải các vấn đề về thần kinh.
Rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em là gì?
Hệ thần kinh thực vật hay còn được gọi là hệ thần kinh tự chủ sẽ bao gồm hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Khi hai hệ thần kinh này bị mất cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Đối với trẻ em, tình trạng này càng dễ xảy ra bởi não bộ và hệ thống thần kinh trung ương đang trong quá trình hoàn thiện. Khi trẻ mắc phải chứng rối loạn này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, hệ bài tiết, tim mạch dẫn đến tình trạng sức khỏe bị giảm đi đáng kể.
Trong y học cổ truyền thì chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật là tình trạng rối loạn chức năng do những hoạt động kích thích ngoài mong muốn, hay sự căng thẳng quá mức của hệ thần kinh hoặc hệ quả của các căn bệnh nghiêm trọng kéo dài,…
Căn bệnh này sẽ làm cho trẻ em gặp phải các triệu chứng như cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, hồi hộp, rối loạn nhịp tim, lo sợ quá mức. Khi trẻ thường xuyên cảm thấy hoang mang, lo sợ, bồn chồn sẽ làm gia tăng các triệu chứng khác của bệnh hoặc làm xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân trẻ em bị rối loạn hệ thần kinh thực vật
Tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật ở người lớn đa phần sẽ xuất phát từ những căng thẳng kéo dài liên tục, bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson,…Tuy nhiên, đối với trẻ em sẽ có một số nguyên nhân như sau:
- Dây thần kinh bị tổn thương do từng phẫu thuật ở vùng cổ hoặc đã tiến hành xạ trị.
- Một số chứng rối loạn di truyền cũng có thể là nguyên nhân cho bệnh lý này.
- Những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị ung thư hay các thuốc chữa bệnh tim mạch.
- Rối loạn tâm sinh lý: Do áp lực từ phía gia đình, học tập hoặc gặp phải các sang chấn tâm lý.
- Ảnh hưởng từ một số bệnh tự miễn, các tổn thương trong bộ phận cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh. Cụ thể như lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren,…
Triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em
Bệnh rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em sẽ có những triệu chứng như sau:
- Tim mạch: Những trẻ em mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật thường dễ bị choáng váng, chóng mặt, đặc biệt là khi đứng. Triệu chứng này là do tụt huyết áp, nhịp tim tăng nhanh hoặc chậm, hụt hơi, hồi hộp, huyết áp tăng giảm bất thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của các bé.
- Hệ thần kinh: Khi trẻ mắc phải căn bệnh này sẽ dễ cảm thấy đau đầu, bị rối loạn tuần hoàn não gây nên tình trạng chóng mặt. Bên cạnh đó, trẻ còn khó tập trung, trí nhớ bị suy giảm nhiều so với các bạn cùng trang lứa, từ đó gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Hơn thế, các đối tượng bệnh còn thường xuyên buồn bực, cảm thấy lo lắng không rõ nguyên nhân.
- Hệ tiêu hóa: Chứng rối loạn thần kinh thực vật ở trẻ em có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Do các chức năng co bóp của dạ dày và ruột bị suy giảm đáng kể. Hiện tượng này sẽ làm cho trẻ cảm thấy khó chịu, ăn không ngon miệng, chán ăn, thường xuyên bỏ bữa, đầy hơi, khó tiêu sau khi ăn xong. Ngoài ra, trẻ còn có các biểu hiện kèm theo như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, ợ hơi, khó nuốt. Khi hệ tiêu hóa bị rối loạn chức năng sẽ làm cho cân nặng của trẻ bị ảnh hưởng, rất nhiều trường hợp trẻ bị giảm cân không thể kiểm soát.
- Hệ hô hấp: Các đối tượng bệnh thường sẽ gặp phải những triệu chứng về hô hấp như khó thở, tức ngực, ngạt mũi, hụt hơi, co thắt cơ trên phế quản,…Tình trạng khó thở sẽ càng nghiêm trọng khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc trẻ gặp phải những căng thẳng, áp lực từ học tập, gia đình, các mối quan hệ,…
- Hệ tiết niệu: Căn bệnh rối loạn hệ thần kinh thực vật không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn tác động đến cả hệ tiết niệu của trẻ em. Ở những trẻ mắc bệnh sẽ có những triệu chứng như đi tiểu không tự chủ, khi căng thẳng sẽ làm kích thích tình trạng tiểu tiện nhưng khi tiểu sẽ không bài tiết hết nước tiểu. Nếu tình trạng này kéo dài và không được kiểm soát sẽ làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu.
- Tăng tiết mồ hôi: Bạn sẽ thấy trẻ dễ bị ra mồ hôi ở tay hoặc chân, thậm chí trên toàn cơ thể. Tình trạng này khiến trẻ cảm thấy không thoải mái và gây ra nhiều khó khăn trong vấn đề cầm nắm các vật dụng.
Cách điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em
Chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Vì thế, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Sau khi xác định được cụ thể mức độ bệnh của trẻ, các chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng, nguyên nhân gây ra bệnh để kê đơn thuốc điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân. Thuốc chống loạn thần sẽ được sử dụng phổ biến trong trường hợp này.
Tuy nhiên, do quá trình sử dụng thuốc có thể gây nên nhiều tác dụng phụ đối với trẻ nhỏ. Vì thế, cha mẹ nên chú ý và ghi nhớ chính xác các hướng dẫn dùng thuốc mà bác sĩ đưa ra, không nên tự ý tăng giảm liều dùng để đảo bảo an toàn cho trẻ. Đặc biệt, trong thời gian điều trị có xuất hiện các triệu chứng khác lạ thì nên báo ngay với chuyên gia để được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, trong Đông y cũng có một số bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật. Các bài thuốc sẽ dựa vào từng thể bệnh khác nhau như ninh tâm an thần, trừ đàm khai hết giải uất định chí, thanh dưỡng tâm thần, giải uất, hòa vị hóa đàm,…Một số vị thuốc thường được sử dụng như táo nhân, mộc hương, hoàng kỳ, đương quy, phục thần, viễn chí, bạch truật, long nhãn, nhân sâm,…
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý một số vấn đề sau:
- Giúp bé giữ tinh thần thoải mái, tránh gây áp lực, căng thẳng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
- Cân bằng giữa thời gian học và nghỉ ngơi, có thể cho bé tham gia vào các câu lạc bộ yêu thích để thư giãn tốt hơn.
- Rèn luyện thói quen thường xuyên tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe mỗi ngày cho trẻ.
- Đảm bảo giấc ngủ của trẻ, tránh để trẻ thức quá khuya, nên chú ý đến không gian phòng ngủ, đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng phòng vừa phải để giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Các triệu chứng của bệnh rối loạn hệ thần kinh thực vật ở trẻ em nên được kiểm soát và điều trị ở những giai đoạn đầu để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, các bậc phụ huynh nên quan tâm và đồng hành cùng trẻ trong quá trình điều trị mới có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!