Rối loạn hoang tưởng: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Rối loạn hoang tưởng là bệnh lý tâm thần nghiêm trọng khiến người bệnh không thể phân biệt chính xác, rạch ròi đâu là sự thật khách quan và đâu là kết quả của sự tưởng tượng.
Rối loạn hoang tưởng là bệnh gì?
Hoang tưởng là những phán đoán, ý tưởng lệch lạc, không chính xác, không phù hợp với thực tế khách quan, bắt nguồn từ các căn bệnh tâm thần và chỉ biến mất đi khi những vấn đề này thuyên giảm. Rối loạn hoang tưởng là một dạng bệnh tâm thần thể nặng, thường liên quan đến chứng loạn thần cấp, loạn thần do nghiện rượu, tâm thần phân liệt…).
Khi mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân vô cùng tin tưởng vào những câu chuyện, tình huống, sự kiện trong tâm trí họ (mà người bình thường biết rõ rằng không có thật) chính là sự thật khách quan. Sự sai lệch nặng nề trong nhận thức này khiến chúng ta không thể thuyết phục, giải thích, chứng minh cho người bệnh hiểu được họ đang bị lạc lối trong suy nghĩ.
Các nhà khoa học cho biết, quá trình hình thành chứng rối loạn hoang tưởng khá phức tạp và thường liên quan mật thiết đến một số dạng rối loạn tâm thần khác. Nếu diễn ra trong một khoảng thời gian dài, rối loạn hoang tưởng có thể khiến bệnh nhân biến đổi nhân cách. Điều này sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến những hoạt động tinh thần khác của họ.
Biểu hiện điển hình của chứng rối loạn hoang tưởng là thường xuyên gặp phải ảo giác. Bệnh nhân thường tưởng tượng ra nhiều sự kiện, tình huống có thật nhưng khó có thể xảy ra trong thực tế (chẳng hạn bị đầu độc, bị theo dõi, được yêu thầm…). Tình trạng ảo tưởng này liên quan đến nhiều nhận thức sai lầm, lệch lạc.
Trái lại, tình trạng “ảo tưởng kỳ quái” xuất hiện ở người bệnh rối loạn hoang tưởng khi họ liên tục tưởng tượng và ám ảnh về những câu chuyện phi thực tế như: biến hình, xuyên không, quái vật, đĩa bay, người ngoài hành tinh…
Sự bất ổn trong tâm trí bệnh nhân có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nặng nề cho bản thân. Theo thời gian, chứng rối loạn hoang tưởng ban đầu sẽ phát triển thành chứng rối loạn hoang tưởng dai dẳng. Vì vậy, những người này rất dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Căn bệnh này cần được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực càng sớm càng tốt. Mức độ bệnh lý, thể trạng bệnh nhân cũng như các phương pháp chữa bệnh sẽ quyết định thời gian điều trị. Đặc biệt, công tác điều trị sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn khi bệnh nhân có thể nhận thức được vấn đề bản thân đang gặp phải và cố gắng đối diện với chúng.
Đặc điểm của chứng rối loạn hoang tưởng
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, tình trạng hoang tưởng mang 2 tính chất nổi bật sau:
- Lập luận lệch lạc: Bệnh nhân có thể đưa ra nhiều lý lẽ. Thế nhưng, cơ sở tư duy rất hỗn loạn, không chính xác, kém thuyết phục. Do đó, họ dễ đưa ra kết luận lệch lạc.
- Niềm tin cố định, vững chắc: Tuy những phán đoán, ý tưởng của bệnh nhân rất mâu thuẫn với thực tế khách quan nhưng họ luôn có niềm tin vững chắc, tuyệt đối đối vào chúng (thậm chí tôn sùng như một chân lý không thể nào lung lay hay bác bỏ).
Đối với các trường hợp rối loạn hoang tưởng dai dẳng, những phán đoán và niềm tin sai lầm của họ không quá kỳ quặc, xa lạ với cuộc sống thường ngày.
Khi mới nghe qua lần đầu, chúng ta có thể tin những điều đó là thật (ví dụ việc bệnh nhân bị cô lập ở cơ quan, bị ganh ghét trong trường học, bị nhà nước ruồng bỏ…). Họ luôn cho rằng mình chính là nạn nhân của sự theo dõi, trù dập đến từ nhiều phía.
Những hoang tưởng này tồn tại lâu dài theo năm tháng và hầu như không tác động tiêu cực đến đời sống tình cảm và chất lượng công việc của bệnh nhân. Thế nhưng, họ lại từ từ tách rời cộng đồng và ôm ấp niềm tin bí ẩn, lạ lùng của bản thân.
Lúc này, hoang tưởng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của họ. Chỉ những người thân thiết, gần gũi với người bệnh mới có thể nhận ra tính chất phi lý trong lập luận và những bất ổn nội tâm mà họ hiếm khi bộc lộ với thế giới bên ngoài.
Đây là bệnh lý không quá phổ biến (chỉ chiếm 0.003% dân số và khoảng 1 – 2% số lượng bệnh nhân điều trị nội trú trong những bệnh viện tâm thần). Căn bệnh này thường xuất hiện ở người trung niên và người cao tuổi. Trong đó, nguy cơ bị bệnh của phụ nữ cao hơn đàn ông. Tỷ lệ mắc bệnh trong suốt cuộc đời của mỗi người là khoảng 0.05 – 0.1%.
Chứng rối loạn hoang tưởng có xu hướng tiến triển mạn tính và ảnh hưởng một phần đến khả năng lao động. Trong nhiều trường hợp, tình trạng bệnh lý sẽ ổn định trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể bị tái phát thường xuyên.
Thông thường, người bệnh có thể giải thích và biện luận tương đối hợp lý với hoàn cảnh hiện tại của bản thân (chẳng hạn nếu bị mắc chứng hoang tưởng gán ý, bệnh nhân sẽ cố tình gán ghép một ý nghĩa đặc biệt nào đó cho những sự kiện thường ngày, trong khi đó, một số người khác lại biểu hiện khí sắc bị hành hạ, kích thích, nổi điên, ghen tuông, kiện cáo hoặc có hành vi bạo lực).
Các nhà khoa học đã quan sát được dấu hiệu nhận biết của giai đoạn trầm cảm nhẹ hoặc trầm cảm chủ yếu ở những người bị rối loạn hoang tưởng. Ngoài ra, rối loạn cảm giác bản thể, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách thể paranoid… cũng thường xuất hiện đồng thời với chứng rối loạn hoang tưởng.
Trong quá trình đánh giá bệnh lý này, các yếu tố tôn giáo, văn hóa, giới tính… của bệnh nhân cần được xem xét khách quan và toàn diện. Một số niềm tin đặc biệt của nền văn hóa này lại bị coi là hoang tưởng ở nhiều nền văn hóa khác. Nhìn chung, chứng rối loạn hoang tưởng không tồn tại sự khác biệt nào về giới tính. Tuy nhiên, rối loạn hoang tưởng ghen tuông thường gặp ở đàn ông hơn phụ nữ.
6 dạng rối loạn hoang tưởng phổ biến
Căn cứ vào đặc điểm triệu chứng, các chuyên gia tâm thần đã phân chia bệnh rối loạn hoang tưởng thành 6 dạng sau:
1. Rối loạn hoang tưởng được yêu (Erotomania)
Dạng rối loạn hoang tưởng này được xây dựng trên niềm tin mãnh liệt rằng chắc chắn đang có một người nào đó rất yêu mến và mong muốn cưới được mình.
Bệnh nhân cho rằng đó là một tình yêu chân thành, sâu sắc, lý tưởng, lãng mạn, có xu hướng kết nối tâm hồn hơn là tiếp xúc tình dục. Đặc biệt, người bệnh tin tưởng rằng đối phương hoàn toàn xa lạ và có thể có vị thế xã hội cao hơn họ (ví dụ các bậc vĩ nhân hay những người nổi tiếng).
Do đó, bệnh nhân luôn tìm mọi cách để tiếp cận, liên lạc (thậm chí rình rập) đối phương thông qua việc viết thư, tặng quà, gọi điện, viếng thăm… Tỷ lệ rối loạn hoang tưởng được yêu trong lâm sàng ở cả hai giới tương đương nhau.
2. Rối loạn hoang tưởng tự cao (Grandiose)
Rối loạn hoang tưởng tự cao còn được gọi là bệnh vĩ cuồng. Với thể bệnh này, bệnh nhân ý thức quá mức về kiến thức, sức mạnh, bản sắc và giá trị chính mình. Họ một lòng tin tưởng rằng bản thân có tài năng xuất chúng, đặc biệt hoặc sở hữu tiềm năng vô hạn vẫn chưa được khai phá.
Thêm vào đó, một số người bệnh còn cho rằng mình có mối quan hệ đặc biệt với những người tài giỏi. Ngoài ra, chứng rối loạn hoang tưởng tự cao cũng liên quan đến yếu tố tôn giáo (bệnh nhân nghĩ rằng mình được giao phó sứ mệnh truyền tải thông điệp của Thượng đế, Chúa trời).
Do đó, họ thường tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để thu hút, lôi kéo và tìm kiếm sự trợ giúp, ủng hộ từ cộng đồng mạng.
3. Rối loạn hoang tưởng ghen tuông (Othello Syndrome)
Khi bị rối loạn hoang tưởng ghen tuông, bệnh nhân luôn cho rằng, vợ/chồng hoặc người yêu của mình không chân thành, chung thủy. Những suy nghĩ ghen tuông của họ thường mang tính chất suy diễn, hoài nghi, không dựa trên bằng chứng thực tế mà được củng cố theo niềm tin hoang tưởng phi lý.
Vì vậy, họ thường xuyên thu thập, tìm kiếm bằng chứng cứ phản bội, kiểm tra, theo dõi mọi cử chỉ, hành vi, thậm chí hành hạ vợ/chồng/người yêu của mình.
4. Rối loạn hoang tưởng truy đuổi (Persecutory)
Rối loạn hoang tưởng truy đuổi khiến người bệnh tin rằng có một số đối tượng hoặc thế lực thù địch đang âm mưu chống phá họ bằng cách đầu độc, ám hại, ngược đãi, lừa đảo, theo dõi…
Một vài sai sót nhỏ hoặc sự kiện ngẫu nhiên trong cuộc sống hàng ngày có thể bị phóng đại thái quá và trở thành trung tâm của những hoang tưởng bị hại mới. Theo thời gian, bệnh nhân sẽ lặp đi lặp lại chúng để thỏa mãn chính mình.
Những người bị hoang tưởng truy đuổi rất dễ phật ý và thường hành động bạo lực với những đối tượng mà họ cho là đang cố tình chống đối mình.
5. Rối loạn hoang tưởng biến đổi cơ thể (Somatic Symptom Disorder)
Rối loạn hoang tưởng biến đổi cơ thể gắn liền với những hoang tưởng rối loạn chức năng cơ thể. Dạng hoang tưởng này rất đa dạng.
Hầu hết bệnh nhân cho rằng làn da, khuôn miệng, âm đạo, trực tràng của mình bốc mùi khó chịu, cơ thể đang bị viêm nhiễm hoặc hỏng hóc đâu đó hay một phần cơ thể trở nên bất thường, dị dạng, thậm chí nhiều nội tạng hay một phần cơ thể không còn hoạt động nữa.
6. Rối loạn hoang tưởng hỗn hợp (Mixed)
Người bệnh xuất hiện cùng lúc 2 dạng rối loạn hoang tưởng trở lên. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn thường xuyên tức giận, khó chịu và nhìn thấy/nghe thấy những điều mà bản thân tin tưởng là đang tồn tại (chẳng hạn bệnh nhân tin rằng bản thân bốc mùi hôi thối và họ thực sự đã ngửi thấy mùi cơ thể của mình – dù sự thật không phải như vậy).
Dấu hiệu nhận biết của chứng rối loạn hoang tưởng
Bệnh rối loạn hoang tưởng có thể bắt nguồn từ chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder) được hình thành trước đó. Đối với bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng, sự mất lòng tin và lòng hoài nghi đối với động cơ của những người xung quanh đã xuất hiện từ giai đoạn sớm của lứa tuổi trưởng thành và kéo dài suốt cả cuộc đời.
Những biểu hiện sớm của rối loạn hoang tưởng bao gồm: quan tâm đến tấm lòng trung thành, thành thật của bạn bè, cảm giác bị lợi dụng, liên tục nảy sinh lòng thù hận, sẵn sàng đáp trả quyết liệt nếu nhận thấy bản thân đang bị khinh thường, có xu hướng đọc nhiều thông điệp mang tính chất đe dọa trong những vấn đề ôn hòa…
Các triệu chứng của bệnh lý thường không thực sự rõ ràng, bao gồm:
- Nghi ngờ hành động của người khác
- Lo lắng về hành động bí mật nào đó của mọi người
- Nuôi dưỡng lòng sân si, thù hận và khó có thể rộng lượng tha thứ
- Nhạy cảm quá mức và thường xuất hiện suy nghĩ tiêu cực
- Gần như không có khả năng làm việc với người khác
- Nóng tính, thường giận dữ và dễ tấn công những người xung quanh
- Xuất hiện nhiều nỗi hoài nghi không thể tự giải thích
- Sống cô lập, tách rời xã hội
- Bướng bỉnh, cứng đầu, hay tranh luận
- Đa nghi, hay lo ngại, ngờ vực bản thân sẽ bị người khác tấn công, luôn giữ khoảng cách nhất định khi nói chuyện với ai đó
- Độc đoán, cứng nhắc, không thể cởi mở lắng nghe, tiếp nhận quan điểm của người khác, không có khả năng tự đánh giá bản thân
- Phát triển cái tôi quá mức, chuyên quyền, kiêu căng, không có lòng khoan dung, xem mình là trung tâm vũ trụ, coi thường người khác
Nếu phát hiện các dấu hiệu tâm lý bất thường hoặc nghi ngờ bản thân mắc chứng bệnh này, độc giả cần mạnh dạn thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Việc điều trị càng sớm càng tốt sẽ cải thiện triệu chứng hiệu quả và làm chậm tiến triển của bệnh lý nguy hiểm này.
Cơ chế hình thành rối loạn hoang tưởng
Chứng rối loạn hoang tưởng thường liên quan đến nhiều bệnh lý tâm thần khác như: rối loạn cảm xúc (hưng cảm, trầm cảm), loạn thần thực tổn, loạn thần cấp tính, tâm thần phân liệt…
Những suy đoán mang tính hoang tưởng thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài và làm biến đổi nhân cách của người bệnh một cách rõ rệt, từ đó tác động tiêu cực đến hàng loạt hoạt động tâm thần khác. Cơ chế hình thành bệnh rối loạn hoang tưởng bao gồm:
- Hoang tưởng kết tinh: Những hoang tưởng được tạo nên và củng cố thành một hệ thống cố định, vững chắc.
- Tri giác hoang tưởng: Bệnh nhân nhìn thấy sự vật, sự kiện và những người xung quanh có một vài vấn đề đặc biệt khác thường và liên quan mật thiết đến số phận của họ.
- Suy đoán hoang tưởng: Theo thời gian, người bệnh tìm thấy những điều đặc biệt khác thường mang ý nghĩa ngày càng rõ ràng nào đó và cố gắng giải thích chúng theo suy đoán cá nhân.
- Hoang tưởng tan biến: Tình trạng hoang tưởng có thể tự động biến mất, thuyên giảm sau quá trình điều trị chuyên khoa hoặc tan rã vì trí tuệ bệnh nhân bắt đầu sa sút.
- Khí sắc hoang tưởng: Người bệnh chờ đợi, lo lắng về một sự kiện bất thường sẽ xảy đến với mình, thậm chí là một mối nguy hiểm bí ẩn đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, vận mệnh và họ hoàn toàn không thể giải quyết được niềm tin này.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn hoang tưởng vẫn chưa được các nhà tâm thần học công bố. Nhiều ý kiến cho rằng, căn bệnh này bắt nguồn từ một số ám ảnh, định kiến hay ảo giác của bệnh hoang tưởng di chứng (bệnh loạn thần còn sót lại). Các yếu tố có thể tăng cường nguy cơ mắc bệnh là:
- Di truyền: Theo thống kê, chứng rối loạn hoang tưởng xuất hiện thường xuyên hơn ở những gia đình có thành viên bị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ảo giác.
- Sinh học: Các nhà khoa học đã nghiên cứu về cách thức mà bệnh lý này diễn ra bên trong bộ não. Họ phát hiện ra rằng, vùng não bất thường có thể kiểm soát các suy nghĩ và nhận thức liên kết với những triệu chứng hoang tưởng.
- Tâm lý và môi trường: Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến nhiều dạng rối loạn tâm thần. Thói quen sử dụng bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích có thể góp phần gây ra hội chứng này. Bên cạnh đó, những người thường xuyên bị cô lập (người câm điếc, dân nhập cư…) có nguy cơ mắc chứng rối loạn hoang tưởng cao hơn những người bình thường.
- Có người cha lớn tuổi
- Bị một số biến chứng khi mới chào đời (tiếp xúc với chất độc, nhiễm virus, suy dinh dưỡng…)
- Sử dụng thuốc hướng thần (thuốc thần kinh hoặc thuốc tâm thần) trong độ tuổi thanh thiếu niên
Lưu ý, những trường hợp có hơn 3 yếu tố nguy cơ trên rất dễ bị mắc chứng rối loạn hoang tưởng. Do đó, bạn cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu đang có nhiều hơn 3 yếu tố nguy cơ.
Hệ lụy của chứng rối loạn hoang tưởng
Bệnh hoang tưởng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và nặng nề, cụ thể:
- Tình trạng hoang tưởng khiến người bệnh luôn hoài nghi, lo ngại về những người xung quanh. Điều này khiến các mối quan hệ xã hội đã từng tốt đẹp từ từ rạn nứt và đổ vỡ.
- Chứng bệnh này làm bệnh nhân gặp phải nhiều vấn đề lớn trong công việc khi hầu như không thể làm việc nhóm.
- Bệnh hoang tưởng biến người bệnh trở thành con người nóng tính, hay giận dữ và dễ dàng tấn công người khác. Nếu bị rối loạn hoang tưởng quá nặng, bệnh nhân có thể cố ý giết người hàng loạt.
- Những suy nghĩ bi quan, tiêu cực khởi nguồn từ căn bệnh hoang tưởng có thể làm nảy sinh ý định và hành vi tự sát.
Để phòng tránh những hậu quả phức tạp và khó lường trên, độc giả nên chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, rối loạn hoang tưởng là một bệnh lý tinh thần nguy hiểm cần được cứu chữa kịp thời thay vì cố tình che giấu và từ chối điều trị.
Biện pháp chẩn đoán rối loạn hoang tưởng
Rối loạn hoang tưởng có thể gây suy giảm nghiêm trọng sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm thấy giải pháp phòng tránh chứng bệnh này. Thế nhưng, việc chẩn đoán đúng lúc và điều trị tích cực sẽ góp phần cải thiện triệu chứng và đưa bệnh nhân sớm quay lại hòa nhập với cộng đồng.
Về nguyên tắc, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán rối loạn hoang tưởng khi người bệnh:
- Có 1 hay nhiều ảo tượng kỳ lạ diễn ra trên 1 tháng
- Chưa từng mắc bệnh tâm thần phân biệt
- Cuộc sống bị những ảo tưởng làm đảo lộn đáng kể
- Xuất hiện nhiều cơn trầm cảm và hưng cảm
- Không bị trầm cảm nặng, không mắc phải các tình trạng y tế khác và không có thói quen lạm dụng thuốc Tây
Nếu nghi ngờ bạn đang bị rối loạn hoang tưởng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm cụ thể nhằm loại trừ nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần tương tự do nghiện ma túy và rượu bia.
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ quan sát thái độ, biểu hiện của bệnh nhân, tìm hiểu về những suy nghĩ, tâm trạng, ảo giác, hoang tưởng, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, thói quen sử dụng chất kích thích cùng khả năng hành động bạo lực, thậm chí tự tử.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp CT hoặc MRI.
Khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu hoang tưởng, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra sức khỏe tổng quát và chuyên sâu. Hiện chưa có bất kỳ loại xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh rối loạn hoang tưởng.
Do đó, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu và nghiên cứu ảnh chụp bộ não để loại trừ một số vấn đề có triệu chứng tương tự như: bệnh động kinh, chứng mê sảng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bệnh Alzheimer…
Nếu không thể tìm được nguyên nhân vật lý cho các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định dạng rối loạn tâm thần của bệnh nhân nhờ vào công cụ phỏng vấn – đánh giá triệu chứng và hành vi.
Phương pháp điều trị rối loạn hoang tưởng
Quá trình chữa bệnh rối loạn hoang tưởng bao gồm hai phương pháp là điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý. Căn bệnh này có xu hướng phát triển mạn tính. Vì vậy, các chiến lược điều trị cần được thay đổi và điều chỉnh thường xuyên sao cho phù hợp với nhu cầu của người bệnh trong khi vẫn đảm bảo duy trì tốt chức năng xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị nội khoa
Theo nhiều nghiên cứu, gần 1/2 trường hợp sử dụng thuốc Tây đều được cải thiện bệnh tình. Nhóm thuốc chống loạn thần được sử dụng chủ yếu trong công tác điều trị rối loạn hoang tưởng.
- Thuốc chống loạn thần thông thường (thuốc an thần) được đưa vào công tác điều trị các dạng rối loạn tâm thần từ giữa những thập niên 50 của thế kỷ XX. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của các thụ thể dopamin (chất dẫn truyền thần kinh có liên quan mật thiết đến sự phát triển của những ảo tưởng) bên trong bộ não.
- Thuốc chống loạn thần không điển hình mới được nghiên cứu và phát triển gần đây. Chúng có thể kiểm soát triệu chứng loạn thần vô cùng hiệu quả và hiếm khi gây ra tác dụng không mong muốn liên quan đến vấn đề vận động (so với thuốc chống loạn thần thông thường). Những loại thuốc này giúp cản trở hoạt động của các thụ thể serotonin và dopamin bên trong bộ não (serotonin là chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới một số tình trạng rối loạn tâm thần).
Trị liệu tâm lý
Đối với những căn bệnh về thần kinh, trị liệu tâm lý luôn được các bác sĩ chuyên khoa ưu tiên lựa chọn. Phương pháp này có thể dễ dàng tiếp cận tình trạng của người bệnh và mang đến hiệu quả ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, rối loạn hoang tưởng là một chứng bệnh đặc biệt khó trị bởi đa số bệnh nhân thường thiếu hiểu biết và không thể nhận thức vấn đề của bản thân.
Công tác trị liệu tâm lý có thể kết hợp với thuốc Tây để giúp đỡ bệnh nhân quản lý hiệu quả và đối phó thành công với tình trạng căng thẳng bắt nguồn từ sự hoang tưởng. Những liệu pháp tâm lý hữu ích và phổ biến trong quá trình điều trị chứng rối loạn hoang tưởng bao gồm:
- Liệu pháp tâm lý cá nhân
- Liệu pháp nhóm
- Liệu pháp gia đình
- Liệu pháp âm nhạc
- Liệu pháp nhận thức – hành vi
Một số lưu ý trong quá trình điều trị rối loạn hoang tưởng
Theo thời gian, các bệnh nhân bị rối loạn hoang tưởng có thể mắc thêm bệnh trầm cảm nặng. Kết quả thống kê cho thấy, trên 1/2 tổng số trường hợp bị trầm cảm sau khoảng 3 – 6 tháng khởi phát rối loạn hoang tưởng.
Những hành động liên quan đến chứng hoang tưởng sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi bệnh nhân sử dụng bạo lực hoặc gặp phải rắc rối về mặt pháp lý. Hơn nữa, người bệnh cũng thường có xu hướng xa lánh thế giới xung quanh và tự hủy hoại các mối quan hệ thân thiết.
Do đó, để chủ động phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng này, trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần cố gắng:
- Chữa bệnh kiên trì, bền bỉ
- Theo dõi biểu hiện của cơ thể thật kỹ lưỡng
- Tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa
- Tuyệt đối không đột ngột ngừng thuốc khi chưa trao đổi với chuyên gia
- Điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh
- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý
- Làm việc vừa phải, nghỉ ngơi thường xuyên và ngủ đủ giấc, đúng giờ
- Tránh xa rượu bia và thuốc lá
- Không bao giờ hành động hung hăng, liều lĩnh hoặc tìm cách buông xuôi, bỏ cuộc
Rối loạn hoang tưởng là căn bệnh tâm thần mạn tính tuy khá hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Theo các chuyên gia, việc điều trị đúng cách có thể nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng và giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, ngay khi phát hiện những người thân thương có biểu hiện bất thường, bạn cần khuyên nhủ, khuyến khích họ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!