Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị
Rối loạn lo âu là một trong những dạng rối loạn tâm thần thường gặp tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Người bệnh luôn bị trạng thái lo lắng, căng thẳng chi phối và không thực sự làm chủ được chính mình nên dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực. Cần can thiệp điều trị bệnh sớm để phòng tránh những hệ lụy đáng tiếc khác có thể xảy ra.
Rối loạn lo âu là gì?
Lo âu là một trạng thái cảm xúc hết sức bình thường khi bạn đứng trước một sự vật, hiện tượng mà chưa được dự báo trước, có khả năng xảy ra. Chẳng hạn học sinh đi học thì sợ bị gọi kiểm tra do chưa học bài, người lớn thì lo lắng suy nghĩ về các vấn đề tiền bạc kinh doanh. Thông thường các cảm xúc này sẽ chỉ thoáng qua và sẽ hết khi sự việc được giải quyết nên thường không quá ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của ai đó.
Tuy nhiên khi trạng thái căng thẳng kéo dài, tâm trí bạn không thể rời khỏi điều gì đó dù nó đã diễn ra hay luôn suy tưởng đến các sự việc vô hình ( sẽ hoặc không thể ) diễn ra thì đây có thể là triệu chứng của rối loạn lo âu (anxiety disorder – AD). Đây là một bệnh lý tâm thần – thần kinh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người, được đặc trưng bởi sự căng thẳng, lo lắng diễn ra một cách quá mức mà bản thân người bệnh không tự giải quyết được.
Rối loạn lo âu bắt đầu từ trạng thái bất an, lo sợ vô hình dần dần tiến đến trạng thái hoảng loạn sợ hãi cực độ dù không có bất cứ tác động nào đáng kể. Bản thân người bệnh có thể nhận thức được sự lo lắng của mình là vô lý tuy nhiên cũng có những người tin rằng sự căng thẳng của mình là chính đáng. Do đó AD rất khó để có thể phát hiện bệnh sớm dẫn đến người bệnh dần mất kiểm soát, thay đổi nhận thức và có nhiều hành vi tiêu cực.
Những dạng rối loạn lo âu điển hình thường gặp bao gồm
- Chứng sợ khoảng rộng: người bệnh căng thẳng quá mức khi ở những nơi đông người, đến những nơi xa lạ như siêu thị, rạp chiếu phim, xe bus.. Hầu hết những người mắc hội chứng này chỉ ở nhà, ở trong phòng của mình và từ chối việc phải đi ra ngoài.
- Chứng sợ xã hội: lo âu ở mức độ cao, có liên quan đến các tình huống, sự việc nhất định, chẳng hạn như đứng trước đám đông, hay đến những nơi đông người bị sợ rằng mọi người đang quan sát hay phê phán mình. Người bệnh sẽ từ chối các sự vật, công việc có liên quan đến những nỗi ám ảnh, lo sợ của mình như làm việc nhóm hay thuyết trình.
- Chứng sợ chuyên biệt: người bệnh có sự sợ hãi quá mức với một vấn đề cụ thể chẳng hạn như côn trùng, vật có cạnh nhọn, máu, nơi khép kín…
- Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): Tình trạng lo âu ở mức độ cao có thể xuất hiện trong nhiều sự kiện, tình huống vấn đề đã kéo dài ≥ 6 tháng và người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát được sự lo âu. Các triệu chứng điển hình như như dễ bị kích động, bồn chồn, khó tập trung..
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): người bệnh có những suy nghĩ, nhận thức mang tính cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện nếu không sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng, hoảng sợ.. chẳng hạn ám ảnh sợ lây bệnh nên liên tục rửa tay, ám ảnh hồi ức, ám ảnh nghi ngờ nên luôn không ngừng kiểm tra mọi thứ như đã tắt bếp, đã đóng cửa chưa. Mặc dù người bệnh nhận thức được rằng nỗi sợ của bản thân là vô lý tuy nhiên họ tin rằng nếu không thực hiện sẽ có một thảm họa nào đó có thể xảy ra chẳng hạn như không tắt bếp sẽ gây cháy nhà, gia đình và người thân phải chịu thiệt mạng..
- Rối stress sau chấn thương: nỗi lo âu, sợ hãi có thể là di chứng sau các tai nạn thảm khốc, chiến tranh, thiên tai, bị tra tấn, bắt cóc.. khiến người bệnh không thể nào quên được. Nỗi lo âu xuất hiện rõ ràng trở lại trong giấc ngủ hoặc khi thấy các sự kiện tương tự xuất hiện.
Có rất nhiều dạng rối loạn lo âu xuất hiện thường kèm theo nguyên nhân chính gây bệnh. Cần phải xác định chính xác dạng bệnh để giúp việc điều trị đạt kết quả lâu dài hơn.
Biểu hiện rối loạn lo âu
Các triệu chứng rối loạn lo âu được thể hiện khá rõ ràng qua cả mặt cảm xúc và cơ thể, tuy nhiên những người xung quanh thường chủ quan cho rằng đây chỉ là trạng thái bình thường nên không quan tâm. Việc phát hiện bệnh cần có sự giúp đỡ của chính những người xung quanh vì không phải bản thân người bệnh nào cũng có thể nhận biết được những bất thường của bản thân, thậm chí một số người còn cho rằng niềm tin về nỗi sợ của họ là hoàn toàn đúng đắn.
Những biểu hiện đặc trưng của anxiety disorder bao gồm
- Thường xuyên có sự lo lắng về nhiều vấn đề mặc dù nó không ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm hay thậm chí là không hề nguy hiểm, nỗi lo lắng ám ảnh hoàn toàn do bản thân người bệnh suy tưởng quá mức
- Nỗi lo lắng xuất hiện thường xuyên và ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, hành vi và cuộc sống của người bệnh
- Mất niềm tin vào cuộc sống, luôn có sự nghi ngờ đối với mọi vấn đề
- Luôn có cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên
- Suy nghĩ về một vấn đề nào đó đến mất ngủ
- Ám ảnh việc phải thực hiện một hành vi nào đó với người OCD, nếu không được thực hiện dễ dẫn đến hoảng loạn, sợ hãi, khó thở..
- Đứng trước một sự kiện, vấn đề nào khiến họ lo lắng thường có xu hướng sợ hãi, đổ mồ hôi, chân tay run rẩy
- Khó tập trung vào một vấn đề do tưởng tượng đến những nguy hiểm có thể xuất hiện
- Dễ bị giật mình hoảng hốt
- Cảm giác ớn lạnh trên toàn thân
- Luôn có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng do căng thẳng quá mức
- Nỗi sợ hãi xuất hiện một cách vô lý
- Hay đánh trống ngực, run rẩy, chân tay co quắp, đổ nhiều mồ hôi, nhịp tim đập nhanh
- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon, hay giật mình thức giữa đêm do gặp ác mộng
- Cảm đau nhức cơ thể, đau dạ dày hoặc đau đớn ở đâu đó nhưng không có triệu chứng thực thể rõ ràng
- Thường có xu hướng né tránh giao tiếp xã hội, ngại đến nơi đông người..
Các dấu hiệu lo âu được coi là bệnh khi đã xuất hiện kéo dài hơn 6 tháng với tần suất dày đặc, các triệu chứng diễn ra một cách quá mức. Đồng thời những triệu chứng này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe, tinh thần mà bản thân không thể kiểm soát được. Để xác định mức độ và dạng bệnh chính xác hơn người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để làm các kiểm tra chẩn đoán.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu
Hiện tại vẫn chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây rối loạn lo âu, tuy nhiên có thể tạm thời đánh giá liên quan đến các yếu tố sinh học trong não bộ hoặc liên quan đến các sự kiện tác động từ bên ngoài vượt qua khả năng chịu đựng của từng người. Cần tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị mới đạt được kết quả nhanh chóng chính xác hơn.
Những tác nhân chủ yếu có liên quan đến AD bao gồm
- Yếu tố sinh học: liên quan đến sự thiếu hụt hoặc rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ như dopamine, serotonin và norepinephrine
- Di truyền: một số nghiên cứu cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo đó những người trong gia đình nếu gặp chứng rối loạn lo âu hoặc các rối loạn tâm thần khác thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Bia rượu và các chất kích thích: những người nghiện bia rượu hay các chất kích thích quá mức hoặc những đối tượng đang cai các chất nào đều có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Sang chấn tâm lý: những người trải qua các chấn thương tâm lý trầm trọng chẳng hạn như tai nạn giao thông, chiến tranh .. nếu không vượt qua được dễ xuất hiện các triệu chứng lo âu quá mức, dần tiến tới thành bệnh nếu không can thiệp kịp thời
- Bệnh lý: những người mắc các bệnh mãn tính hay các bệnh nặng, từng trải qua thời điểm. “thập tử nhất sinh” dễ sinh nỗi ám ảnh lo âu về sức khỏe. Chẳng hạn các bệnh tim mạch, hen suyễn, bệnh xương khớp..
- Một số nguyên nhân khác: stress áp lực quá mức, lạm dụng thuốc..
Rối loạn lo âu có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, thời điểm nào đặc biệt ở những người có lối sống, suy nghĩ tiêu cực từ trước. Một số rối loạn có thể điều trị được nhưng cũng có một số rối loạn sẽ theo người bệnh đến suốt đời, chẳng hạn như hội chứng OCD. Tuy nhiên phát hiện và điều trị sớm có thể giảm nhẹ các triệu chứng để người bệnh có cuộc sống tốt hơn.
Những hệ lụy từ rối loạn lo âu
Người bệnh AD thường bị chi phối bởi những nhận thức, suy nghĩ vô lý của bản thân mình, dần dần không thể kiểm soát được các hành vi của bản thân. Một người OCD có thể rửa tay đến khi tróc da tay nếu họ vô tình chạm vào tay nắm cửa mà họ cho rằng không vệ sinh hay những người mắc chứng sợ khoảng rộng chỉ luôn nhốt mình trong nhà.
Bản thân một số người có thể nhận thức được nỗi lo của mình là vô lý, tuy nhiên họ không thể nào điều khiển hành vi của mình không thực hiện chúng. Người bệnh ngày càng có xu hướng khép mình, xa cách với mọi người và làm ảnh hưởng trầm trọng với chất lượng cuộc sống, công việc, một số bệnh nhân cần phải sống phụ thuộc vào gia đình bởi họ không thoát khỏi những nỗi lo lắng của bản thân.
Rối loạn lo âu có thể xuất phát từ trầm cảm hoặc là nguyên nhân gây trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy giữa rối loạn lo âu và trầm cảm thường có mối liên kết với nhau khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tự tử khi người bệnh không kiểm soát được các hành vi tiêu cực của bản thân.
Bên cạnh đó, anxiety disorder không chỉ gây ra các vấn đề về tinh thần là còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn diện, gây ra các bệnh lý thực thể như tim mạch, huyết áp, dạ dày, xương khớp.. khiến sức khỏe giảm sút trầm trọng. Nói chung những ảnh hưởng do rối loạn lo âu gây ra là trên toàn bộ cơ thể, liên quan đến cả sức khỏe, tinh thần và cả chất lượng cuộc sống, vì vậy cần nhanh chóng có biện pháp can thiệp kịp thời để tránh những hệ lụy xấu này.
Hướng điều trị rối loạn lo âu
Để điều trị rối loạn lo âu cần phải kết hợp giữa nhiều yếu tố như dùng thuốc, trị liệu tâm lý đồng thời thay đổi lối sống khoa học lành mạnh hơn. Quan trọng là bản thân người bệnh cần nhận thức được tình trạng của bản thân, chấp nhận điều trị và thực hiện theo chỉ định từ bác sĩ thì mới có kết quả tốt nhất. Điều trị AD là một quá trình rất dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm rất lớn của người bệnh.
Điều trị y khoa
Lo âu là một dạng cảm xúc mà không loại thuốc nào có thể làm biến mất được, do đó các biện pháp y khoa chỉ làm hỗ trợ cải thiện triệu chứng tạm thời, không điều trị bệnh hoàn toàn. Chủ yếu các loại thuốc được chỉ định mang lại tác dụng an thần, hỗ trợ giấc ngủ, giảm căng thẳng từ đó cải thiện chất lượng sức khỏe và tinh thần hiệu quả hơn. Đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng trầm cảm hay mất ngủ thì càng cần dùng thuốc để đảm bảo sức khỏe ổn định.
Một số nhóm thuốc thường được chỉ định gồm
- Nhóm thuốc an thần Benzodiazepines: thường chỉ định Alprazolam (xanax), chlordiazepoxide (librium) hay lorazepam (ativan).. Thuốc giảm giảm cảm giác lo âu chỉ sau 60- 90p sử dụng. Tuy nhiên thường kèm theo các tác dụng phụ như thiếu tỉnh táo, loạng choạng, khó tập trung, dễ gây phụ thuộc nếu sử dụng kéo dài.
- Thuốc chống trầm cảm: Fluoxetine (prozac), escitalopram (lexapro) , imipramine (tofranil), paroxetine (paxil),.. là những loại thuốc thường được chỉ định để giảm trạng tháng u buồn, chán nản của bệnh nhân.
Như đã nói các nhóm thuốc trên đều thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không tốt, nếu sử dụng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận hay gây phụ thuộc khiến bệnh dễ tái phát trở lại sau khi ngưng thuốc. Do đó người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng, không được tự ý thay đổi đơn thuốc để đảm bảo kết quả điều trị đúng như dự định.
Trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu là biện pháp chỉnh được chỉ định trong điều trị rối loạn lo âu, thậm chí có thể được yêu cầu thực hiện trước khi dùng thuốc. Do một số bệnh nhân cho rằng nỗi lo lắng của họ là đúng đắn nên thường không chấp nhận điều trị, nghi ngờ bác sĩ, vì vậy cần yêu cầu tư vấn tâm lý để bệnh nhân hiểu về bệnh và tin tưởng vào việc điều trị. Chỉ khi bệnh nhân nhận thức được tình trạng và thực hiện điều trị theo đúng phác đồ thì mới đem lại hiệu quả trong điều trị.
Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý sẽ giúp bệnh nhân hiểu được rằng nỗi lo của họ là vô lý, hiểu được bản chất của sự lo lắng. Bác sĩ có thể áp dụng các liệu pháp trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức hành vi để giúp bệnh nhân cải thiện dần sự lo âu quá mức của bản thân. Thông qua các buổi trị liệu bệnh nhân dần lấy lại được sự cân bằng, biết cách kiểm soát sự căng thẳng lo lắng và hướng tới những hành vi tích cực hơn. Đây chính là mục tiêu chính của trị liệu tâm lý.
Bên cạnh đó trị liệu tâm lý cũng có thể cải thiện được các triệu chứng mất ngủ, stress hay trầm cảm. Với những người mắc chứng sợ khoảng rộng hay hội chứng lo âu sợ xã hội bác sĩ có thể tiến hành trị liệu thực tế bằng cách để bệnh nhân đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi, từ đó giảm dần sự lo lắng căng thẳng của bản thân.
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Với những bệnh nhân ở giai đoạn lo âu nhẹ có thể cải thiện bệnh hoàn toàn bằng trị liệu mà không cần dùng đến thuốc. Tuy nhiên với bệnh nhân OCD có thể phải trị liệu tâm lý trong thời gian dài, thậm chí là phải tiến hàng gặp bác sĩ tâm lý duy trì đến suốt cuộc đời để kiểm soát các triệu chứng ở mức độ ổn định. Bệnh nhân cần thực hiện theo sự sắp xếp của các bác sĩ chuyên môn để đảm bảo sức khỏe ổn định.
Cải thiện rối loạn lo âu tại nhà
Bản thân người bệnh chính là người đóng vai trò chính trong việc điều trị cho chính mình. Không chỉ cần tuân thủ theo hướng điều trị từ bác sĩ, người bệnh cần tự nhận thức được vấn đề của bản thân và tự mình thay đổi cuộc sống của chính mình. Với rối loạn lo âu bác sĩ không thể điều trị hoàn toàn mà chỉ đánh thức bản năng của mỗi người và tự bệnh nhân cần phải nắm bắt cơ hội và giúp đỡ chính mình.
Điều trị rối loạn lo âu là một con đường rất dài cần có sự quyết tâm tối đa của cả người bệnh và những người cùng chung sống. Do đó để cải thiện bệnh hiệu quả nhất người bệnh có thể tham khảo nhưng vấn đề sau
- Thiền là liệu pháp tuyệt vời giúp thanh lọc tập trí, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực đồng thời giảm lo âu hiệu quả
- Học cách đối diện với nỗi lo lắng, thời gian đầu bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của người thân để tự tin hơn sau đó khi đã dần quen với điều đó hãy bắt đầu tập cách đối diện một mình
- Học cách giải tỏa cảm xúc, tránh suy nghĩ quá nhiều
- Với những người bị OCD nên sử dụng nhật ký hoặc bảng biểu để ghi chép lại những công việc mình đã làm, tránh lo âu nghi ngờ quá mức về các vấn đề đã thực hiện
- Rèn luyện thể dục thể thao hằng ngày vừa là các loại bỏ căng thẳng vừa nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất
- Trò chuyện với người thân về những vấn đề mà mình đang gặp phải và xin sự giúp đỡ khi cần thiết
- Tránh làm việc quá sức, luôn dành thời gian thư giãn cho bản thân
- Kiểm soát căng thẳng lo âu bằng các bài tập hít thở
- Thực hiện những hoạt động tích cực như xem phim hài, đọc sách, nghe nhạc
- Thực hiện theo đúng hướng dẫn chăm sóc tại nhà từ bác sĩ.
Rối loạn lo âu là một bệnh lý tâm thần – thần kinh ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm nên cần có biện pháp can thiệp điều trị càng sớm càng tốt. Mỗi người nên thay đổi lối sống khoa học lành mạnh, hướng tới những điều tích cực hơn để hạn chế tối đa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!