Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ và những điều cần lưu ý
Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em là một trong những nỗi sợ phải xa cách cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình. Hội chứng này thường xuất hiện chủ yếu ở những trẻ từ khoảng 8 đến 12 tháng tuổi và sẽ biến mất khi trẻ được 2 tuổi.
Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ là gì?
Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em là nỗi sợ, lo lắng phải chia xa đối với cha mẹ hoặc những người đã gắn bó, quen thuộc với trẻ. Tình trạng này thường sẽ xuất hiện trước khi bé 1 tuổi và cũng là bước đánh dấu về sự nhận thấy của trẻ, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về sự tách biệt, chia ly đối với cha mẹ và những người chăm sóc chính cho trẻ.
Thông thường, tình trạng này sẽ phát triển đỉnh điểm khi trẻ trong khoảng 8 đến 12 tháng, sau đó sẽ giảm dần khi bé được 2 tuổi. Lúc này trẻ sẽ dần quen với sự vắng mặt của cha mẹ, thích nghi với môi trường thoải mái hơn, tạo điều kiện tốt để trẻ có thể giao tiếp và đến trường.
Biểu hiện đặc trưng của tình trạng này đó chính là dấu hiệu thường xuyên quấy khóc, luôn bám vào cha mẹ, thậm chí có thể đi theo vào nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo thống kê thì hiện có khoảng 15% các trẻ không thuyên giảm được chứng lo âu chia ly khi bước vào tiểu học. Ngược lại tình trạng này còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, khiến cha mẹ không thể tách rời khỏi trẻ.
Biểu hiện của chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em
Thông thường, các trẻ em có xu hướng muốn quấn lấy cha mẹ hoặc những người thường xuyên chăm sóc mình. Tuy nhiên, nếu triệu chứng lo lắng, đau buồn được thể hiện một cách thái quá khi phải xa cách cha mẹ thì có thể trẻ đang gặp phải chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em. Một số biểu hiện đặc trưng của chứng bệnh này như:
- Đau buồn, lo lắng, bồn chồn một cách quá mức khi phải xa cha mẹ hoặc những người thân yêu.
- Không muốn ở nhà một mình, sợ đi học, đi chơi vì sợ xa cha mẹ.
- Lo lắng kéo dài, các suy nghĩ tiêu cực sẽ luôn xuất hiện nếu trẻ phải xa cha mẹ.
- Thường xuyên tức giận, quấy khóc, nài nỉ.
- Đái dầm.
- Không thể ngủ được khi không có cha mẹ, gặp ác mộng khi phải chia ly.
- Chóng mặt, đau đầu, đau bụng, cảm cúm, khó thở,…khi phải rời xa cha mẹ, người thân.
Những đối tượng dễ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly
Hội chứng này có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, tuy nhiên tập trung nhiều ở trẻ nhỏ. Những đối tượng trẻ thường có nguy cơ mắc phải căn bệnh này như:
- Những trẻ có tính cách nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp với mọi người.
- Những đối tượng được sinh ra trong gia đình có tiền sử bị trầm cảm hoặc lo lắng thái quá.
- Những trẻ em được sự bảo bọc quá mức của cha mẹ.
- Trẻ bị thiếu hụt sự tương tác, quan tâm của cha mẹ.
- Những trẻ đã từng trải qua các cú sốc lớn về tinh thần, đặc biệt là sự mất mát người thân, cha mẹ li hôn.
Cách điều trị rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em
Tình trạng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em đa phần sẽ thuyên giảm khi bé bước sang tuổi thứ 2. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ không thể tự khỏi mà cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia. Một số phương pháp điều trị chứng bệnh này như:
1. Liệu pháp tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị lâu dài giúp cải thiện các triệu chứng bệnh một cách an toàn và hiệu quả. Các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng một số kỹ thuật chuyên môn để có thể thay đổi được nhận thức của trẻ về việc chia ly. Đồng thời giúp cho bệnh nhân có thể ứng phó được tốt hơn với những nỗi lo lắng, sợ hãi khi phải rời xa cha mẹ, người thân. Từ đó, giúp cải thiện chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em một cách tự nhiên và an toàn.
2. Sử dụng thuốc
Đối với những tình trạng bệnh nặng, các biểu hiện lo âu, căng thẳng xuất hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn thì cần đến sự can thiệp của một số loại thuốc điều trị. Sau khi tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh cho trẻ, các bác sĩ tâm lý sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng cho tình trạng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em như:
- Thuốc chống trầm cảm: Đối với những bệnh nhân có kèm theo triệu chứng ám ảnh thì thường được chỉ định dùng anafranin. Còn Amitriptilin sẽ được kê đơn thuốc cho các trường hợp bệnh có kèm triệu chứng trầm cảm hoặc than phiền nhiều về cơ thể.
- Nhóm thuốc giải lo âu: Tùy vào độ tuổi và thể trạng của người bệnh mà các chuyên gia sẽ hướng dẫn liều dùng phù hợp. Một số loại thuốc được áp dụng như Benzodiazepam (Seduxen, Tranxen…) hoặc atarax.
3. Hỗ trợ điều trị và cải thiện tại nhà
Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên khoa thì căn bệnh rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em cần được sự hỗ trợ từ cha mẹ, người thân trong gia đình. Các bậc phụ huynh nên áp dụng các phương pháp sau để ngăn chặn và cải thiện tốt các triệu chứng lo âu của trẻ.
- Thực hành biện pháp tách rời bằng cách để một người khác chăm sóc và theo dõi bé trong khoảng thời gian ngắn ban đầu. Khi trẻ đã dần thích nghi được với việc đó thì cha mẹ có thể tăng dần khoảng cách và thời gian rời xa trẻ.
- Phụ huynh có thể rời xa bé khi bé đang ngủ trưa hoặc sau khi ăn để tập dần thói quen cho trẻ.
- Hãy luôn cho trẻ biết rằng bạn sắp rời đi và sẽ quay trở về. Điều này sẽ giúp bé an tâm hơn khi biết trước được những sự việc sắp xảy ra.
- Giữ đúng lời hứa với trẻ, quay lại đúng vào thời gian đã nói để tạo được niềm tin cho trẻ, giúp trẻ an lòng hơn khi phải đối diện với những lần chia xa kế tiếp.
- Khi trẻ phải vắng nhà hoặc xa cha mẹ, bạn có thể gợi ý cho trẻ mang theo một món đồ quen thuộc trong nhà.
- Duy trì một người chăm sóc trẻ, đảm bảo được thời gian cho trẻ và tránh sự thay đổi đột ngột.
- Không cho trẻ xem những điều đáng sợ trên các trang mạng, những chương trình tivi.
- Các bậc phụ huynh cần phải kiên định, không được nhượng bộ khi bé quấy khóc hoặc có phản ứng không đồng tình. Điều này rất quan trọng đối với việc giúp trẻ cải thiện được chứng rối loạn lo âu chia ly. Tốt nhất luôn trấn an bé, để trẻ biết rằng trẻ sẽ ổn khi không có cha mẹ gần bên.
Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ là một hội chứng khá phổ biến, biểu hiện đặc trưng bởi sự lo lắng, bất an khi phải xa cách cha mẹ hoặc những người thân yêu. Hy vọng qua thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp cho bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này và có cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả để giúp trẻ có thể phát triển một cách toàn diện nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!