Rối Loạn Lo Âu Có Tự Khỏi Được Không?
Rối loạn lo âu có tự khỏi được không là thắc mắc của khá nhiều bạn đọc. Được biết, bệnh lý này không thể tự thuyên giảm mà bắt buộc phải can thiệp điều trị. Những trường hợp chủ quan không thăm khám và điều trị sớm có thể phải đối mặt với những biến chứng, ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Giải đáp – Rối loạn lo âu có tự khỏi được không?
Rối loạn lo âu (Anxiety disorder) là một dạng rối loạn tâm lý phổ biến bên cạnh trầm cảm. Hội chứng này được chia thành nhiều dạng khác nhau tùy theo biểu hiện lâm sàng. Đặc điểm chung của người bị rối loạn lo âu là trạng thái lo lắng quá mức, thái quá và không tương xứng với những vấn đề, sự kiện trong cuộc sống.
Sự lo âu và sợ hãi kéo dài, lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, nghề nghiệp, sinh hoạt và các mối quan hệ trong xã hội. Ngoài ra, lo âu quá độ và kéo dài cũng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như mất ngủ, đau đầu, cao huyết áp, giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ,…
Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm lý phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều người còn nhầm lẫn rối loạn lo âu với lo âu thông thường. Ngoài những thắc mắc về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị, “Rối loạn lo âu có tự khỏi được không?” cũng là vấn đề được khá nhiều người quan tâm.
Được biết, rối loạn lo âu không thể tự khỏi mà bắt buộc phải điều trị. Thực tế, không ít bệnh nhân nhận biết bản thân đang có nỗi sợ và sự lo lắng thừa thãi, không cần thiết về những sự kiện, vấn đề không thực sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân đều không thể kiểm soát sự lo âu, phiền muộn và sợ hãi của bản thân.
Nếu để lâu dài, rối loạn lo âu có thể chuyển biến nặng và gây ra nhiều ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống. Ảnh hưởng đầu tiên của chứng bệnh này là giảm hiệu suất lao động, học tập, mệt mỏi, căng thẳng, tâm trạng bất ổn và dễ nổi nóng. Người mắc chứng rối loạn lo âu cũng gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp và duy trì các mối quan hệ – đặc biệt là người bị rối loạn lo âu sợ xã hội. Thậm chí có những người tự thu mình, cô lập bản thân với xã hội để trốn tránh khỏi nỗi sợ.
Ngoài ra, rối loạn lo âu không được điều trị còn làm gia tăng nguy cơ trầm cảm, stress (căng thẳng thần kinh) và nhiều bệnh lý khác. Bên cạnh đó, người bị rối loạn lo âu có thể phát triển đồng thời nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Trong đó thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ám ảnh sợ,…
Các biện pháp điều trị rối loạn lo âu hiệu quả
Hiện nay, nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu vẫn chưa được biết rõ. Chính vì vậy, quá trình điều trị bệnh còn khá nhiều hạn chế. Thực tế, một số trường hợp có thể phải sống chung với rối loạn lo âu trong suốt cả cuộc đời dù tích cực điều trị.
Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát và giảm nhẹ. Đồng thời giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và hỗ trợ bệnh nhân hòa hợp với cộng đồng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết để kiểm soát căng thẳng và cân bằng cảm xúc.
Hiện nay, sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý được xem là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu:
1. Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu chủ yếu với mục đích giảm triệu chứng tâm thần và thể chất. Trong đó, một số loại thuốc có thể được sử dụng dài hạn để ngăn ngừa tái phát. Tương tự như các bệnh lý khác, bệnh nhân sẽ được ưu tiên điều trị bằng các loại thuốc an toàn, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải sử dụng thuốc có hoạt tính mạnh do không đáp ứng với các loại thuốc ban đầu.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh rối loạn lo âu:
- Các loại thuốc chống trầm cảm (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc ức chế serotonin và norepinephrine, thuốc ức chế monoamin oxydase, thuốc chống trầm cảm 3 vòng,…)
- Thuốc an thần, giải lo âu (Seduxen, Benzodiazepin,…)
- Thuốc chống loạn thần (Paliperidone, Amisulpride, Aripiprazole,…)
- Thuốc chẹn beta, vitamin và khoáng chất, một số viên uống bổ não và tăng cường tuần hoàn máu lên não,…
Đa phần các loại thuốc đều được sử dụng ngắn hạn để hạn chế tác dụng phụ. Trong đó, thuốc chống trầm cảm – đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc thường được sử dụng dài hạn để phòng ngừa tình trạng tái phát. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng viên uống bổ sung và TPCN để cải thiện giấc ngủ, giảm mệt mỏi và ngăn ngừa suy nhược thần kinh.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý (liệu pháp tâm lý) là phương pháp chính đối với bệnh nhân bị rối loạn lo âu. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp để chuyên gia nắm bắt tâm lý của bệnh nhân, sau đó tạo ra những tác động phù hợp để điều chỉnh cảm xúc, tư duy, nhận thức và hành vi sai lệch.
Ở bệnh nhân rối loạn lo âu, trị liệu tâm lý giúp giải tỏa căng thẳng, giảm lo âu và giúp bệnh nhân kiểm soát nỗi sợ, sự lo lắng. Thông thường, trị liệu thường được thực hiện với hình thức cá nhân. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định trị liệu nhóm, trị liệu cặp đôi và trị liệu gia đình để mang lại kết quả khả quan hơn.
Ngoài rối loạn lo âu, tâm lý trị liệu đang dần khẳng định vai trò trong điều trị các rối loạn tâm lý và tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, bệnh trầm cảm, stress và các rối loạn liên quan đến stress. Bên cạnh việc giải tỏa căng thẳng, sợ hãi và lo âu, bệnh nhân cũng sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để dễ dàng thích nghi với xã hội.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Bên cạnh những phương pháp y tế, bệnh nhân rối loạn lo âu cũng có thể tự cải thiện bằng một số biện pháp hỗ trợ. Các biện pháp này góp phần giảm căng thẳng, lo âu, kiềm chế nỗi sợ và giúp nâng cao sức khỏe thể chất. Hiện nay, không ít phương pháp đã được công nhận về hiệu quả hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu và các rối loạn tâm lý – tâm thần thường gặp khác.
Các biện pháp tự cải thiện dành cho bệnh nhân rối loạn lo âu:
- Tập thể dục: Tập thể dục giúp giải tỏa phần nào căng thẳng và phiền muộn ở người bị chứng lo âu. Ngoài ra, luyện tập thường xuyên còn hỗ trợ nâng cao sức khỏe, thư giãn cơ, giảm mất ngủ, khó ngủ và tăng cường trí nhớ. Chính vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân rối loạn lo âu nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
- Thiền định: Thiền định là bộ môn luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại. Bộ môn này giúp tâm trí và thể chất hòa làm một, đưa tâm trí về trạng thái tĩnh lặng và bình yên. Thiền định đã được chứng minh là liệu pháp hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân bị lo âu, căng thẳng, trầm cảm,… Ngoài ra, ngồi thiền hằng ngày cũng góp phần cải thiện sức khỏe và phòng ngừa các tâm thần hiệu quả.
- Liệu pháp mùi hương: Liệu pháp mùi hương là hình thức thư giãn được áp dụng phổ biến. Các nghiên cứu cho thấy, mùi hương kích thích khứu giác, sau đó thúc đẩy não bộ sản sinh sertonin – chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác phấn chấn, lạc quan và vui vẻ. Do đó, bệnh nhân bị rối loạn lo âu có thể áp dụng liệu pháp này để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn và chế ngự được nỗi sợ của bản thân.
- Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn cho người bị rối loạn lo âu tập trung vào việc tăng cường bổ sung khoáng chất, vitamin, đạm và các chất béo lành mạnh. Bên cạnh đó, cần hạn chế thức ăn chứa nhiều gia vị, chất béo bão hòa, đồ uống chứa cồn và caffeine. Chế độ ăn hợp lý vừa có thể giảm lo âu, căng thẳng vừa giúp nâng cao sức khỏe thể chất.
- Viết nhật ký: Vấn đề mà người bị rối loạn lo âu gặp phải là dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về nỗi sợ nhưng càng suy nghĩ, mức độ lo lắng, căng thẳng và sợ hãi càng tăng lên. Vì vậy thay vì suy nghĩ quá nhiều, bệnh nhân nên viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Cách này sẽ giúp người bệnh có cơ hội giãi bày cảm xúc, từ đó làm giảm phần nào căng thẳng và phiền muộn.
Rối loạn lo âu thật sự là vấn đề lớn nếu không được thăm khám và điều trị sớm. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ thắc mắc “Rối loạn lo âu có tự khỏi được không?” và hiểu hơn về các phương pháp điều trị bệnh lý này hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!