Rối loạn lo âu ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn lo âu ở trẻ em là một hồi chuông đáng báo động bởi nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, hành vi và sự phát triển của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm và tìm hiểu rõ thông tin này để biết cụ thể nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh tốt nhất.

Rối loạn lo âu ở trẻ em là gì?

Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức đối với những sự việc, tình huống đang xảy ra, dù là những việc bình thường không mang tính chất nguy hiểm hay nghiêm trọng. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, từ trẻ em cho đến những người già cao tuổi.

Rối loạn lo âu ở trẻ em
Rối loạn lo âu ở trẻ em là một căn bệnh phổ biến, biểu hiện đặc trưng là sự lo lắng, sợ hãi thái quá.

Rối loạn lo âu ở trẻ em nếu kéo dài và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, suy nghĩ và sự phát triển về sau của trẻ. Những trẻ gặp phải hội chứng này thường cảm thấy cô đơn, xấu hổ, không muốn giao tiếp với nhiều bạn bè, ngại tham gia các hoạt động tập thể, luôn rụt rè, nhút nhát.

Những dạng rối loạn lo âu thường gặp ở trẻ nhỏ như:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa
  • Rối loạn lo âu ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn stress sau sang chấn
  • Rối loạn lo âu chia ly
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn lo âu xã hội
  • Ám ảnh sợ chuyên biệt
  • Câm chọn lọc

Nguyên nhân gây nên rối loạn lo âu ở trẻ em

Trẻ em thường chưa có đủ khả năng để thích nghi với nhiều môi trường và tình huống khác nhau, hầu hết các trẻ vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Do đó, trẻ thường có cảm giác lo sợ phải mất đi tình yêu thương của người thân, sợ xa cách, sợ bị phạt, sợ phạm phải sai lầm,…Tình trạng này có thể được xem là bình thường, ở một số thời điểm nó còn mang lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ mà các cảm xúc lo sợ sẽ có nguyên nhân khác nhau. Thông thường các trẻ từ khoảng 8 tháng tuổi sẽ thường sợ xa cha mẹ, sợ người lạ. Khi lớn hơn một chút trẻ sẽ có nhận thức rõ ràng hơn và bắt đầu có những nỗi sợ khi phải ở một mình, sợ bóng tối, sợ ma,…Khi bước vào độ tuổi đi học trẻ thường sợ thi cử, sợ kiểm tra, sợ đến trường, sợ điểm kém,…

Khi tình trạng lo lắng, căng thẳng, sợ hãi kéo dài và biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn thì có thể nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố sinh học kết hợp cùng các yếu tố môi trường.

Rối loạn lo âu ở trẻ em
Khi gia đình xuất hiện thêm thành viên mới cũng là yếu tố khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi mất đi tình yêu thương của cha mẹ.

Một số nguyên nhân có thể làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh rối loạn lo âu ở trẻ em như:

  • Những thay đổi lớn trong gia đình: Cú sốc từ gia đình là một trong nhân tố chiếm tỉ lệ cao các đối tượng trẻ bị rối loạn loa âu. Khi trẻ phải chứng kiến những tình huống như người thân qua đời, cha mẹ li hôn, gia đình có thêm thành viên mới,…sẽ làm cho trẻ cảm thấy mất sự an toàn, cảm giác sợ bị bỏ rơi.
  • Sự bất ổn từ cha mẹ: Khi trẻ phải sống trong gia đình thường xuyên có cãi vả, mâu thuẫn, bất đồng của cha mẹ sẽ khiến cho trẻ cảm thấy căng thẳng, áp lực, sợ hãi.
  • Thời gian biểu dày đặc: Một số trường hợp trẻ đã đi học và phải chịu nhiều áp lực từ cha mẹ, nhà trường. Đôi khi phụ huynh đặt kì vọng quá nhiều về con cái, sắp xếp thời gian học tập liên tục làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của trẻ.
  • Áp lực học tập: Khi phải chịu áp lực học tập quá mức trẻ sẽ dần ám ảnh về điểm số, thành tích, luôn cảm thấy bất an khi không đạt được kì vọng của cha mẹ, thầy cô.
  • Bị bắt nạt: Thường xuyên bị bắt nạt, bạo lực, đánh đập là nguyên nhân chính khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi, bất an.
  • Thông qua các trang mạng xã hội, tivi: Nếu trẻ thường xem và đọc những thông tin về khủng bố, bạo hành, những hình ảnh mang tính chất nguy hiểm, ghê rợn sẽ dễ bị ám ảnh, dần hình thành chứng rối loạn lo âu.

Biểu hiện của rối loạn lo âu ở trẻ em

Hầu hết các tình trạng rối loạn lo âu đều có biểu hiện đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, căng thẳng thái quá. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có những triệu chứng riêng biệt. Một số biểu hiện thường gặp ở những trường hợp bị rối loạn lo âu ở trẻ em như:

Rối loạn lo âu ở trẻ em
Luôn cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi quá mức với các vấn đề xảy ra xung quanh là triệu chứng điển hình của rối loạn lo âu
  • Luôn cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi quá mức với các vấn đề xảy ra xung quanh.
  • Khó có thể tập trung vào việc gì, kể cả những việc đơn giản.
  • Trẻ thường muốn quấn lấy cha mẹ, không chịu đi học.
  • Trẻ thường quấy khóc vào ban đêm, đặc biệt là khi không được ngủ cạnh cha mẹ, cảm giác sợ bóng tối.
  • Thường xuyên giận dữ, cáu gắt không rõ lý do.
  • Rụt rè, nhút nhát, luôn muốn tránh né khỏi các tình huống xã hội, ngại giao tiếp với người lạ.
  • Trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi phải tham gia các hoạt động, tiệc tập thể như sinh nhật, họp mặt, sinh hoạt chung,…
  • Kèm theo một số triệu chứng cơ thể như đỏ mặt, đổ nhiều mồ hôi, đau bụng, rối loạn nhịp tim, tiêu chảy, tay chân run rẩy, gặp vấn đề về tiêu hóa,….

Cách điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em

Sau khi phát hiện được các triệu chứng của rối loạn lo âu ở trẻ em thì các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán chính xác tại các cơ sở y khoa uy tín. Các bác sĩ sau khi cho kết quả cụ thể về tình trạng của trẻ sẽ tiến hành áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Tùy vào mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia có thể áp dụng riêng lẻ hoặc đồng thời 2 phương pháp sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.

1. Trị liệu tâm lý

Hầu hết các trường hợp bị rối loạn lo âu đều được chỉ định áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý để kiểm soát và điều trị an toàn. Thông thường quá trình chữa bệnh sẽ cần đến sự kết hợp của cả các chuyên gia khoa tâm thần và chuyên viên điều trị tâm lý. Các bác sĩ sẽ sử dụng các liệu pháp chuyên môn để giúp trẻ dần kiểm soát được nỗi sợ và hành vi của bản thân.

Rối loạn lo âu ở trẻ em
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn lo âu đều được chỉ định áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý để kiểm soát và điều trị an toàn

Phương pháp trị liệu tâm lý sẽ giúp cho trẻ dần học được các nhận biết và thay thế các hành vi, suy nghĩ tiêu cực bằng những điều tích cực, lạc quan. Bên cạnh đó, trẻ cũng có được kiến thức, nền tảng để sử dụng cho những thời gian sắp đến. Tuy nhiên, để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất cho trẻ, cùng cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của các bậc phụ huynh. Cha mẹ phải đồng hành cùng quá trình chữa bệnh của con và giúp con vượt qua được những nỗi sợ hãi.

2. Điều trị bằng thuốc

Một số trường hợp người bệnh có xuất hiện các triệu chứng ám ảnh, hoảng sợ, lo âu chia ly thì cần kết hợp trị liệu tâm lý và cả điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc đặc trưng sẽ giúp cho các biểu hiện bệnh được kiểm soát và dần thuyên giảm. Người bệnh chỉ cần kiên trì sử dụng khoảng từ 2 đến 6 tuần là thấy được hiệu quả mà thuốc mang lại.

Rối loạn lo âu ở trẻ em
Đối với những trường hợp rối loạn lo âu có kèm theo những triệu chứng ám ánh, hoảng loạn,…thì sẽ được chỉ định sử dụng thuốc điều trị.

Tuy nhiên, khi được chỉ định sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý cho trẻ uống thuốc đúng theo hướng dẫn của chuyên gia. Cũng bởi thuốc điều trị đa phần sẽ gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn, khiến trẻ bị mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn,…Trong quá trình sử dụng nếu có xuất hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ, cha mẹ cũng nên nhanh chóng thông báo ngay với các chuyên gia để được ngăn chặn kịp thời.

Các phòng ngừa rối loạn lo âu ở trẻ em

Tình trạng rối loạn lo âu ở trẻ em cần phải được quan tâm và chú ý bởi nó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, hành vi, sức khỏe và quá trình nhận thức, phát triển của trẻ về sau. Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, các bậc phụ huynh nên áp dụng những biện pháp sau đây:

  • Các bậc phụ huynh nên xây dựng cho trẻ một thói quen sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện cho bé thực hiện một số công việc trong khả năng để nâng cao kỹ năng tự phục vụ của trẻ.
  • Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin để hỗ trợ tốt cho sự phát triển của trí não và cơ thể.
  • Cho bé tham gia vào các câu lạc bộ vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi để trẻ linh hoạt, hoạt bát và năng động hơn.
  • Hướng dẫn cho trẻ cách kiềm chế cảm xúc, nhìn nhận vấn đề ở một phương diện tích cực và lạc quan. Tốt nhất cha mẹ nên làm gương cho trẻ, tránh tức giận hay có những hành vi đập phá ngay trước mặt trẻ.
  • Thường xuyên trò chuyện, tâm sự với trẻ để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, đồng thời giúp trẻ thoải mái chia sẻ những vấn đề của bản thân.
  • Nên động viên trẻ khi trẻ gặp phải những trở ngại hoặc thất bại. Tránh chê bai, áp lực, chỉ trích, so sánh sẽ khiến trẻ tổn thương, dễ bị nản lòng, trở nên rụt rè, thiếu tự tin.
  • Chú ý đến giấc ngủ của trẻ, đảm bảo trẻ ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, rèn luyện thói quen ngủ trước 22 giờ cho trẻ và luôn giữ không gian chỗ ngủ thoáng mát, yên tĩnh, dễ chịu để không làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ.

Rối loạn lo âu ở trẻ em là một căn bệnh phổ biến, nó có thể khiến cho trẻ có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, hình thành các nỗi sợ hãi, lo âu thái quá gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Hi vọng thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý này và có cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *