Rối loạn tâm thần do nghiện game: Nhận biết và điều trị
Rối loạn tâm thần do nghiện game hiện gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và chất lượng cuộc sống hằng ngày. Người bệnh trong những giai đoạn nặng có thể không còn phân biệt được giữa game và đời thực dẫn đến những suy nghĩ, hành vi bất thường có tính chất nguy hiểm. Cần nhanh chóng phát hiện và khắc phục bệnh lý này để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Rối loạn tâm thần do nghiện game là gì?
Game online được sản xuất với mục đích chính là để giải trí, giải tỏa căng thẳng sau những giờ phút học tập căng thẳng.Tuy nhiên nhiều người lại không hiểu được điều này mà hoàn toàn đắm mình vào thế giới ảo, coi mình như là một nhân vật trong game, không còn phân biệt được thật – ảo. Nghiện game là vấn đề nguy hiểm không kém nghiện bia rượu hay chất kích thích. Trên thực tế đã ghi nhận không ít các trường hợp sát hại nhau có liên quan đến game online.
Nhận thức được các hệ lụy nghiêm trọng từ chứng nghiện game này, năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức bổ sung chứng “Nghiện game” vào ICD 11 – phân loại thống kê về các bệnh lý tâm thần. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên. Người trưởng thành cũng có thể nghiện game và nảy sinh các tính cách khác thường trầm trọng hơn so với thanh thiếu niên, tuy nhiên tỷ lệ này thường ít hơn.
Các dấu hiệu rối loạn tâm thần do nghiện game cực kỳ dễ nhận biết, bao gồm
- Không thể kiểm soát được mức độ chơi game, luôn có cảm giác thèm chơi game, ham muốn được chơi game bất chấp cha mẹ hay người khác cấm cản
- Luôn ưu tiên cho việc chơi game mà bỏ qua các vấn đề khác, chẳng hạn trẻ con thì trốn học, người lớn thì bỏ làm chỉ để thỏa mãn ham muốn được chơi game, thậm chí bỏ ăn, bỏ ngủ để cày game thâu đêm suốt sáng
- Các hành vi nghiện game ngày càng tiếp tục với tần suất cao hơn, cảm thấy vô cùng tức giận và khó chịu nếu có ai đó cấm cản, hoặc có thể nảy sinh ý nghĩ thù hằn
- Có dấu hiệu thay đổi tâm sinh lý theo hướng tiêu cực, người nghiện game thường có tính cách vô cùng tiêu cực, dễ cáu gắt, dễ tức giận. Chẳng hạn trẻ con thì dễ cãi lại cha mẹ, người lớn hơn thì vũ phu, đánh vợ con
- Cố gắng làm mọi cách để có tiền chơi game như ăn cắp vặt, ăn trộm, lừa đảo của cha mẹ, thậm chí có những người giết cả người thân để lấy tiền chơi game
- Nạp tiền vào game một cách không thể kiểm soát
- Có tư tưởng không phân biệt đâu là game đâu là đời thực, cho rằng mình là nhân vật anh hùng trong game
- Người nghiện game thường có tính hơn thua cực kỳ mạnh
- Một số người dù có nhân thức về việc chơi game là sai trái nhưng vẫn không thể nào dừng lại được, nếu không chơi game sẽ cảm thấy tinh thần vô cùng bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên
- Chất lượng học tập và làm việc giảm sút trầm trọng, luôn chỉ nghĩ tới game nên không thể tập trung làm một việc gì khác, thường xuyên trở nên lơ đễnh, mơ hồ
- Biểu hiện trên cơ thể như gầy gò, hốc hốc, mắt luôn trong tình trạng thâm quầng, thiếu sức sống, đầu óc rối bù..
Nếu các triệu chứng này kéo dài trên 12 tháng sẽ được coi là rối loạn tâm thần do nghiện game. Hầu hết các triệu chứng này cực kỳ dễ nhận biết, tuy nhiên do những người thân xung quanh thường chủ quan, chỉ cho rằng nghiện game là vấn đề bình thường nên chỉ can thiệp bằng các la mắng, cấm cản. Tuy nhiên điều này chỉ càng làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn, tình thù hằn tăng cao và có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần do nghiện game
Game online, đặc biệt là các trò chơi đánh trận, giả lập thường rất dễ gây nghiện. Các nhà sản xuất game cũng thường đưa vào những phần thưởng, những món quà đặc biệt dành cho những người chiến thắng để kích thích sự hấp dẫn và nạp tiền nhiều hơn. Khi thắng được trong game khiến người chơi trở nên cực kỳ vui vẻ, được các bạn game trầm trồ khen ngợi khiến họ bị “nghiện” cảm giác này. Do đó nếu bị thua sẽ khiến họ vô cùng tức tối và càng đầu tư nhiều thời gian vào chơi hơn để thành người chơi số 1.
Đặc biệt những người thường dễ nghiện game là trẻ em, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Ban đầu các bé chỉ muốn chơi để đỡ buồn, chơi vì các bạn khác cùng chơi, nhưng dần dần con lại tìm được niềm vui trong đó mà không thể nào thoát ra được. Mặt khác ở những người trưởng thành có quá nhiều áp lực, thất nghiệp hay bị người khác coi thường cũng rất dễ tìm đến game để giải tỏa cảm xúc bức bối trong lòng.
Riêng ở nhóm thanh thiếu niên đang trong thời kỳ “nổi loạn”, cha mẹ càng ngăn cấm chơi game bằng cách chửi mắng, đánh con, không cho tiền chơi thì càng kích thích bé phải chơi. Bệnh nhân sẽ tìm bằng được mọi cách để làm ngược lại lời cha mẹ khiến các mối quan hệ gia đình ngày càng trở nên rạn nứt.
Những hệ quả do rối loạn tâm thần do nghiện game để lại
Rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện game được đánh giá là một bệnh lý cực kỳ nghiêm trọng do những hệ lụy đáng buồn mà nó gây ra cho cả sức khỏe và tinh thần. Việc chơi game, tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, không còn sức sống, không muốn nói chuyện hay giao tiếp với ai. Nghiện game kết hợp với việc không ăn uống đầy đủ cũng khiến sức khỏe trở nên suy nhược, bệnh nhân cũng thường xuyên cảm thấy đau đầu choáng váng, rối loạn giấc ngủ.
Chơi game quá nhiều khiến bệnh nhân dần mất đi các kỹ năng sống ngoài xã hội, trở nên cô độc, bi quan, nhìn đâu cũng thấy game, mơ hồ giữa các thực và cái ảo. Bệnh nhân mất hứng thú với hầu hết các hoạt động xung quanh, có xu hướng khép mình, không muốn giao tiếp với chuyện với ai, trừ khi có liên quan đến các chủ đề game.
Mức độ nguy hiểm còn nằm ở việc bệnh nhân có xu hướng bạo lực, dễ bị kích động hơn. Bệnh nhân có thể thực sự coi mình là “vị tướng” tài giỏi trong game nên muốn loại bỏ hết những kẻ đang “ngáng đường” mình. Đồng thời người bệnh cũng có thể cho rằng mình đang bị làm hại nên sẽ tấn công, đánh nhau hay hành hùng tất cả những người làm trái ý họ. Bệnh càng nặng thì các trạng thái tâm lý này cũng càng phát triển theo xu hướng trầm trọng hơn và có thể dẫn bệnh nhân đến nhũng vòng lao lý.
Rối loạn tâm thần do nghiện game cũng có thể kèm theo các bệnh lý tâm thần khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu khiến việc điều trị có thể gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.
Hướng điều trị rối loạn tâm thần do nghiện game
Việc điều trị chứng bệnh này không hề dễ dàng và cần tốn thời gian dài để thực sự đưa người bệnh về với đúng những nhận thức bình thường. Người bệnh có thể cần phải yêu cầu cách ly hoàn toàn với các thiết bị công nghệ có thể gợi nhắc đến game để ngăn chặn các ham muốn chơi game. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống và tinh thần của bệnh nhân trong thời gian dài.
Điều trị y khoa
Người thân có thể đưa bệnh nhân đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để thăm khám và điều trị chính xác nhất. Theo các bác sĩ, ở những bệnh nhân rối loạn tâm thần có liên kết thường có dấu hiệu sụt giảm về nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh Serotonin tại vị trí khe sinap ở não. Do đó việc điều trị bệnh thông qua các nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc trị lo âu sẽ mang đến tác dụng khá tốt. Trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ kéo dài bác sĩ cũng chỉ định thêm các nhóm thuốc an thần.
Mục đích chính của việc dùng thuốc là để người bệnh có thể kiểm soát được những hành vi bất thường, giảm căng thẳng quá mức khi không được chơi game trong thời gian đầu. Với các bệnh nhân trong giai đoạn nặng, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị nội trú tại bệnh viện để có thể theo dõi, kiểm soát các hành vi bất thường cũng như hạn chế nguy cơ người bệnh tìm cách chơi game như ở nhà.
Trị liệu tâm lý
Việc nói chuyện với những bệnh nhân nghiện game có thể gặp khá nhiều khó khăn do bé đã sống trong thế giới ảo quá lâu nên dần mất đi một số kỹ năng xã hội, chính vì thế việc tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý là vô cùng cần thiết. Với các biện pháp chuyên môn, bác sĩ sẽ dần khai mở tâm trí giúp bệnh nhân mở lòng chia sẻ, tìm cách để giải quyết các vấn đề khúc mắc, lo lắng của họ. Bác sĩ cũng giải thích về bệnh tật để bệnh nhân hiểu được tình trạng của bản thân, từ đó cố gắng vượt qua hơn.
Thông qua các liệu pháp hành vi – nhận thức, bác sĩ tâm lý cũng giúp điều chỉnh những suy nghĩ, hành động của bệnh nhân theo đúng hướng thông thường cũng như rèn luyện các kỹ năng xã hội để giúp bệnh nhân sau điều trị sớm hòa nhập lại với cộng đồng. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể tổ chức các buổi trị liệu nhóm với những người có cùng bệnh lý tương tự để có thể cùng giúp đỡ nhau, giả lập các tình huống để bệnh nhân học cách ứng xử phù hợp hơn.
Vai trò quan trọng của gia đình trong điều trị
Theo các bác sĩ, gia đình chiếm vai trò đến 60% – 70% trong suốt quá trình điều trị. Nếu người bệnh được phép điều trị tại nhà thì gia đình cần phối hợp chặt chẽ với bệnh viện để đẩy nhanh tiến độ điều trị cũng như ngăn ngừa nguy cơ tái phát trở lại. Gia đình cũng nên tham gia các buổi trị liệu tâm lý cùng bệnh nhân để biết cách kiểm soát sớm các trạng thái bất thường nếu có.
Cụ thể, gia đình cần thực hiện các biện pháp sau
- Không nên để các thiết bị máy tính, điện thoại trong tầm nhìn của bệnh nhân. Nếu gia đinh cần sử dụng cũng nên hạn chế dùng trước mặt bệnh nhân
- Tránh nhắc tới game online các các vấn đề khác về game trong thời gian đầu
- Khuyên nhủ, động viên người bệnh nhẹ nhàng, tuyệt đối không nên la mắng hay đánh bệnh nhân
- Hướng bệnh nhân đến các hoạt động lành mạnh để quên đi những ham muốn chơi game. Chẳng hạn như cùng nhau đi du lịch, đi leo núi, học võ hay học một bộ môn nào đó. Sự bận rộn khi tìm đến những điều mới lạ giúp bệnh nhân dần quên đi cảm giác thèm chơi game
- Theo dõi người bệnh, phòng tránh tình trạng người bệnh trốn ra ngoài chơi
- Tâm sự, sẻ chia, quan tâm người bệnh
- Không nên tạo cho bệnh nhân cảm giác bản thân vô dụng, quá rảnh rỗi khiến họ cảm thấy chân tay bứt rứt. Chẳng hạn bạn có thể nhờ bệnh nhân làm các công việc nhà, cùng nhau nấu cơm, dọn dẹp đồ đạc
- Nếu có điều kiện có thể đưa bệnh nhân về các vùng quê để hít thở không khí trong lành, tránh sử dụng được các thiết bị điện tử. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc thay đổi môi trường sống lành mạnh hơn cũng rất tốt cho những bệnh rối loạn tâm thần
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cải thiện thể lực
Bên cạnh đó quan trọng hơn là bệnh nhân cần phải thực sự quyết tâm điều trị thì mới thực sự có kết quả tốt nhất. Chú ý theo các bác sĩ nên tuyệt đối cắt bỏ game hoàn toàn với bệnh nhân kể cả sau khi kết thúc điều trị. Rất nhiều người sau khi đã thuyên giảm bệnh thường cho rằng chỉ cần kiểm soát thời gian chơi dưới 1 tiếng/ ngày sẽ không sao.Tuy nhiên việc chơi game lại sẽ kích thích lại ham muốn chơi nhiều hơn và dần dần lại mất kiểm soát khiến bệnh tái phát.
Rối loạn tâm thần do nghiện game là bệnh lý rất nguy hiểm nên càng cần điều trị càng sớm càng tốt. Chơi game không xấu nhưng quan trọng là bạn cần phải hiểu được bản chất của game, không quá sa đọa vào bộ môn này. Thay vào đó bạn có thể thử giải tỏa cảm xúc bằng những hoạt động lành mạnh hơn như tập thể dục, xem phim hay chỉ đơn giản là trò chuyện cùng bạn bè. Gia đình có con nhỏ cũng cần đề cao việc quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần của con trẻ để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!