Thuốc Escitalopram trị trầm cảm, lo âu có tốt không?
Thuốc Escitalopram thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ,…Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của trầm cảm, lo âu rất hiệu quả.
Công dụng của thuốc Escitalopram
Escitalopram (còn được gọi là thuốc Lexapro) là thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm, lo âu với cơ chế làm tăng hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh và cân bằng trạng thái tâm lý. Loại thuốc này sẽ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Rối loạn trầm cảm: Escitalopram là loại thuốc được chỉ định phổ biến đối với giai đoạn điều trị cấp tính và duy trì của những bệnh nhân trầm cảm nặng, chủ yếu là ở người trưởng thành hoặc những thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Thuốc sẽ hỗ trợ làm thuyên giảm và kiểm soát tốt các triệu chứng đặc trưng của bệnh như mất ngủ, buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, mất dần các hứng thú đối với những hoạt động xảy ra xung quanh, dễ kích động, suy nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát.
- Rối loạn lo âu tổng quát: Rối loạn lo âu được đặc trưng bởi trạng thái lo lắng, bồn chồn kéo dài liên tục trong khoảng 6 tháng, thậm chí tình trạng lo lắng quá mức có thể làm cho người bệnh bị mất kiểm soát. Để chẩn đoán một người mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát cần đảm bảo ít nhất 3 biểu hiện như cảm thấy căng thẳng hoặc bồn chồn, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải, mất tập trung hoặc dễ nổi nóng, cáu kính, đầu óc trống rỗng, rối loạn giấc ngủ, căng cơ.
Liều dùng thuốc Escitalopram
Liều dùng thuốc Escitalopram đối với người lớn bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu:
- Liều ban đầu: Mỗi ngày sử dụng 1 lần và dùng khoảng 10mg. Sau đó 1 tuần tăng liều lên khoảng 20mg cho 1 lần/ ngày nếu cảm thấy cần thiết.
- Liều duy trì: Mỗi ngày uống 10 đến 20 mg, uống trong 1 lần.
- Liều tối đa: Không được sử dụng quá 20mg/ ngày
Liều dùng thuốc Escitalopram cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi:
- Liều ban đầu: Sử dụng 10mg cho 1 lần uống trong ngày và cân nhắc tăng liều lượng lên 20mg sau khoảng ít nhất 3 tuần điều trị.
- Liều duy trì: Sử dụng 10 đến 20mg, mỗi ngày dùng 1 lần.
- Liều tối đa: Chỉ nên cho trẻ uống tối đa 20mg, mỗi ngày sử dụng 1 lần.
Thông tin về liều dùng thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở uy tín để được hướng dẫn liều lượng sử dụng phù hợp nhất.
Cách dùng thuốc Escitalopram
Người bệnh nên sử dụng thuốc Escitalopram theo đường uống, kèm hoặc kèm thức ăn tùy vào hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân nên uống thuốc mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Liều lượng sử dụng sẽ được bác sĩ chỉ định riêng biệt là mỗi cá nhân.
Nếu sử dụng thuốc theo dạng lỏng thì người bệnh cần phải kỹ lưỡng trong việc cân đo liều lượng. Nên sử dụng thiết bị đong đặc biệt để đảm bảo độ chính xác. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng thấp và tăng dần theo thời gian. Người bệnh có thể mất từ 1 đến 2 tuần để cảm nhận được công dụng của thuốc, đến khoảng tuần thứ 4, thứ 6 mới nhận được hiệu quả rõ rệt.
Một số tác dụng phụ của thuốc Escitalopram
Cũng như các loại thuốc hỗ trợ điều trị trầm cảm, lo âu khác thuốc Escitalopram cũng có nhiều khả năng gây nên các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, những triệu chứng sẽ thường biến mất sau khoảng vài tuần điều trị. Đôi lúc vẫn có trường hợp các tác dụng phụ không tự khỏi mà cần đến sự can thiệp của các biện pháp y tế.
Vì thế người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để tránh những tình huống không như ý muốn. Một số tác dụng phụ mà thuốc Escitalopram có thể gây ra như:
- Bí tiểu
- Chảy máu không rõ nguyên nhân, ngay cả chảy máu đường tiêu hóa
- Mắt vàng, da vàng, chức năng gan bị suy giảm.
- Dễ kích động, tay chân run rẩy, co gồng cơ, sốt cao, đặc biệt là mắc phải hội chứng serotonin.
- Rối loạn nhịp tim, tim đập không đều, có khi nhanh đột ngột, nhiều nguy cơ gây ngất xỉu.
- Mặt, môi, da, hầu họng sưng lên, phát ban, khó thở, khó nuốt.
- Xuất hiện những ý nghĩ muốn làm hại bản thân và có ý định tự sát.
Bên cạnh những tác dụng phụ thường gặp nêu trên thì thuốc Escitalopram cũng có thể gây ra một số triệu chứng bất thường khác. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện khác lạ, người bệnh cần thông báo ngay với chuyên gia để được xử lý kịp thời.
Tương tác của thuốc Escitalopram
Tương tác thuốc sẽ làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc, đồng thời làm gia tăng các ảnh hưởng của những tác dụng phụ mà thuốc gây ra. Để hạn chế được tình trạng này, người bệnh cần khai báo rõ ràng về tình trạng tương tác thuốc trước đây và những loại thuốc đang sử dụng để điều trị những bệnh lý khác.
Một số loại thuốc có thể tương tác với Escitalopram như:
- Lomitapide: Khi kết hợp cùng với Escitalopram có thể làm giảm sự trao đổi chất của Lomitapide.
- Cyproheptadine: Hiệu quả của Escitalopram sẽ bị suy giảm nếu sử dụng đồng thời với Cyproheptadine.
- Naltrexone, Pseudoephedrine, diethylpropion, Rizatriptan, Dexfenfluramin, Lisdexamfetamine, Mephentermine, Bezitramide : Nguy cơ mắc phải hội chứng serotonin sẽ tăng cao khi người bệnh sử dụng cả hai loại thuốc Naltrexone/ Pseudoephedrine/ diethylpropion/ Rizatriptan/ Dexfenfluramin/ Lisdexamfetamine/ Mephentermine/ Bezitramide và Escitalopram.
Một số lưu ý khi dùng thuốc Escitalopram
Để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu bằng thuốc Escitalopram người bệnh nên chú ý một số vấn đề sau đây:
- Chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
- Chia sẻ cụ thể với bác sĩ về những lần đã bị dị ứng với thuốc Escitalopram hoặc các sản phẩm khác.
- Người bệnh cần kiên trì uống thuốc đúng theo thời gian quy định, bởi thuốc có thể phát huy hiệu quả chậm, thông thường là sau khoảng vài tuần.
- Nên uống thuốc Escitalopram cách với các loại thuốc điều trị khác ít nhất 14 ngày, không sử dụng đồng thời để hạn chế tình trạng tương tác thuốc.
- Phụ nữ mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú nên cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc.
- Trong quá trình điều trị bằng thuốc Escitalopram, người bệnh không nên tự điều khiển phương tiện giao thông, thiết bị máy móc hoặc thực hiện các công việc đòi hỏi tính tập trung cao.
- Không uống bia rượu, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện trong quá trình điều trị trầm cảm, lo âu.
Thuốc Escitalopram là một loại thuốc có tác dụng điều trị lo âu, trầm cảm hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh cần tiến hành thăm khám để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hướng dẫn kỹ lưỡng và liều lượng, cách dùng dùng thuốc phù hợp để bệnh tình mau chóng thuyên giảm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!