Trầm cảm cấp độ 2: Nhận biết và cách xử lý
Với tần suất tăng lên đáng kể, những dấu hiệu nhận biết của bệnh trầm cảm cấp độ 2 trở nên rõ ràng và đáng chú ý hơn hẳn so với bệnh trầm cảm cấp độ 1. Lúc này, chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bệnh trầm cảm cấp độ 2 là gì?
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, bi quan, xuống dốc tinh thần, từ đó dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể mạn tính. Bệnh lý này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: bệnh tật, ly hôn, phá sản, chuyển nhà, bị đuổi việc, chấn thương tâm lý, mất đi người thân, lạm dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích và chất gây nghiện.
Các thống kê cho thấy, phụ nữ dễ bị bệnh trầm cảm hơn đàn ông. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới tự sát vì dạng rối loạn này luôn cao hơn so với tỷ lệ tương ứng ở nữ giới. Nhìn chung, hàng loạt áp lực vô hình từ công việc cũng như cuộc sống có thể tác động sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân nếu họ không có tâm lý lạc quan, vững vàng.
Những biểu hiện lâm sàng của bệnh trầm cảm bao gồm:
- 3 triệu chứng chủ yếu: khí sắc trầm; giảm hưng phấn, kém hứng thú, không còn quan tâm đến các sở thích trước đây; mệt mỏi, ít hoạt động, giảm năng lượng
- 7 triệu chứng thường gặp khác: giảm chú ý, giảm tập trung; giảm sự tự tin, thiếu quyết đoán, khó đưa ra quyết định; thiếu ý tưởng, suy nghĩ bi quan, tiêu cực về tương lai; rối loạn ăn uống (tăng hay giảm cảm giác thèm ăn); rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ); thay đổi cân nặng; nảy sinh ý định/hành vi làm đau bản thân hoặc tự sát
Căn cứ vào mức độ triệu chứng, bệnh trầm cảm của bạn có thể nhẹ, trung bình hay nặng. Việc xác định chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này chủ yếu phụ thuộc vào phán đoán lâm sàng của bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học phụ trách điều trị.
Bệnh trầm cảm được phân chia thành 3 cấp độ khác nhau, đó là cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3. Đối với bệnh trầm cảm cấp độ 1, vì các dấu hiệu nhận biết vẫn còn khá mơ hồ nên độc giả rất phát hiện. Trong khi đó, khi chuyển sang cấp độ 2, các triệu chứng trở nên rõ ràng, cụ thể với tần suất và mức độ tăng lên rõ rệt, đồng thời dễ nhận biết hơn hẳn.
Lúc này, người bệnh thường mất đi lòng tự tin và sự tự trọng vốn có, trở nên thiếu động lực hơn trong cuộc sống và năng suất làm việc suy giảm đáng kể. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để tìm cách kiểm soát cũng như đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm cấp độ 2
Như bài viết đã đề cập, khi bước vào giai đoạn thứ hai, bệnh trầm cảm đã biểu hiện thành nhiều triệu chứng cụ thể, rõ ràng, có thể phát hiện dễ dàng thông qua thái độ, hành vi, lời nói và thói quen sinh hoạt hàng ngày. 6 dấu hiệu nhận biết tiêu biểu và quan trọng nhất của bệnh trầm cảm cấp độ 2 bao gồm:
1. Khí sắc trầm buồn
Sự thay đổi về trạng thái cảm xúc chính là biểu hiện nổi bật nhất của căn bệnh trầm cảm. Bệnh nhân thường xuyên sống trong tâm trạng u uất, lo âu, chán nản, buồn bã… Họ hay suy nghĩ, cảm nhận tiêu cực về con người và cuộc sống, đồng thời trở nên dễ dàng cáu giận, nổi nóng, thậm chí khóc lóc không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh khí sắc trầm buồn, bệnh trầm cảm cấp độ 2 còn khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu sức sống trong nhiều ngày, tối thiểu 2 tuần liên tục.
2. Khó ngủ, mất ngủ
Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc là những dấu hiệu nhận biết hàng đầu của bệnh trầm cảm ở giai đoạn này. Tình trạng căng thẳng, áp lực cùng nhiều suy nghĩ bi quan, tiêu cực sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, uể oải, suy kiệt tinh thần, khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thậm chí thức trắng suốt đêm. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân còn bị nhức đầu do tình trạng ức chế của các hormon bên trong cơ thể gây ra.
3. Mất hứng thú trong cuộc sống
Những người đang bị trầm cảm cấp độ 2 sẽ thể hiện một số thay đổi rõ rệt trong sở thích cá nhân và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đa số bệnh nhân không thể tìm lại hứng thú đối với những hoạt động mà bản thân đã từng đam mê/yêu thích trước đây.
Nhiều người cố tình che giấu nỗi khổ tâm của mình bằng cách hạn chế tiếp xúc tối đa với thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên bỏ bữa, chán ăn hoặc thèm ăn vô độ, ăn uống không thể kiểm soát. Kết quả là những trường hợp bỏ bê bản thân thái quá sẽ bị sụt cân nghiêm trọng hay tăng cân quá mức, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng mất đi ham muốn tình dục (phái mạnh rất dễ mắc phải chứng liệt dương). Họ luôn khao khát được ở một mình, mong muốn tự cô lập bản thân và không tha thiết tiếp xúc với bất kỳ ai (kể cả gia đình, bạn bè).
4. Mất niềm tin vào tương lai
Ở giai đoạn này, bệnh nhân dường như đã mất đi toàn bộ niềm tin vào cuộc sống và tương lai. Điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh trầm cảm sau khi trải qua quá nhiều mất mát trong cuộc đời hoặc từng đối mặt với những cú sốc tinh thần to lớn. Họ có xu hướng suy nghĩ bi quan, tiêu cực về mọi sự kiện, vấn đề trong cuộc sống và chỉ mong muốn được xoa dịu, giải tỏa bằng cách uống rượu bia hoặc dùng thuốc an thần.
Những ký ức đau khổ và các tổn thương của một thời quá vãng luôn khiến họ đau đáu, day dứt, buồn bã, bi lụy, đồng thời cảm thấy bản thân vô dụng, dư thừa và không xứng đáng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong khoảng thời gian đầu, bệnh nhân thường trừng phạt chính mình bằng cách tự trách bản thân. Thế nhưng, theo thời gian, khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng, họ có thể cố ý làm đau bản thân hoặc nảy sinh ý định tự sát.
5. Không còn cảm thấy hạnh phúc
Các triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, buồn bã kéo dài nhiều ngày liên tục khiến bệnh nhân bị suy nhược cơ thể và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Lúc này, não bộ đã ngưng sản xuất hormon serotonin (một loại hormon giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ, hân hoan và hạnh phúc). Thậm chí, nếu bị trầm cảm cấp độ 2 kéo dài, người bệnh có thể tạm thời trở nên lãnh cảm với mọi thứ xung quanh và quên mất khoảnh khắc hạnh phúc gần nhất mà mình đã từng nếm trải.
6. Giảm sút năng suất lao động
Khi bị trầm cảm cấp độ 2, bệnh nhân thường xuyên u uất, buồn bã, mất ngủ, ăn không ngon… Tình trạng này khiến sức khỏe thể chất và tinh thần xuống dốc trầm trọng. Từ đó, các triệu chứng mất tập trung, đau nhức đầu, suy giảm trí nhớ và một số vấn đề về đường tiêu hóa bắt đầu hình thành.
Vì vậy, theo thời gian, chất lượng cuộc sống và năng suất lao động của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Họ khó có thể tập cao độ để hoàn thành tốt công việc của mình như trước đây.
Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm cấp độ 2
Ở giai đoạn này, người bệnh cần kết hợp điều trị nội khoa, trị liệu tâm lý với chế độ tự chăm sóc tại nhà. Căn cứ vào thể trạng và mức độ bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cặn kẽ, chính xác về những nguyên tắc mà bạn nên tuân thủ trong quá trình điều trị.
Sử dụng thuốc Tây
Đối với bệnh trầm cảm cấp độ 2, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn một số loại thuốc sau:
- Thuốc chống trầm cảm SSRI
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: anafranin, amitriptilin (uống 25 – 75mg/ngày)
Lưu ý, các loại thuốc chữa bệnh trầm cảm thường đi kèm nhiều tác dụng không mong muốn và có thể gây ra hậu quả khôn lường nếu không được sử dụng đúng cách. Do đó, bạn tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc tăng giảm tần suất – liều lượng khi chưa tham vấn y khoa cặn kẽ. Hơn nữa, nếu bị khô miệng, chóng mặt, mờ mắt, bí tiểu, giãn nở đồng tử… sau khi uống thuốc, bạn hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Trị liệu tâm lý
Liệu pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân gặp gỡ trực tiếp và chia sẻ cởi mở với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý về vấn đề hiện tại của mình, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ khúc mắc phù hợp nhất. Phương pháp trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với bản thân, phục hồi chức năng não bộ và củng cố sức khỏe tổng thể.
Tự chăm sóc bản thân
Bên cạnh việc điều trị nội khoa và trị liệu tâm lý, bệnh nhân có thể đẩy lùi triệu chứng tại nhà bằng cách chăm sóc bản thân thật tốt. Những thói quen lành mạnh dưới đây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện và phục hồi sức khỏe của người bệnh. Đây đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu giúp chúng ta phòng ngừa bệnh trầm cảm hình thành và tái phát.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung rau củ, trái cây, thịt cá, ngũ cốc và các loại hạt
- Tránh xa đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm giàu gia vị, nhiều dầu mỡ
- Kiêng cữ rượu bia, trà đặc, cà phê, thuốc lá
- Ăn uống điều độ, ăn chậm nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn và tuyệt đối không bỏ bữa
- Nghỉ ngơi đủ 7 – 8 tiếng/đêm và hạn chế thức khuya
- Tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút/ngày
- Thư giãn đầu óc, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng, mệt mỏi, lo âu
- Chủ động tâm sự, chia sẻ vấn đề của bản thân với gia đình, người thân
- Tham gia vào nhóm hỗ trợ các bệnh nhân trầm cảm
Đa số bệnh nhân trầm cảm cấp độ 2 có xu hướng sống khép mình, ngại giao tiếp và lười vận động. Vì vậy, gia đình, bạn bè cần quan tâm, ủng hộ, khuyến khích, động viên, đồng hành với bệnh nhân xuyên suốt trong quá trình điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!