Trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 20% trẻ vị thành niên trên toàn thế giới mắc rối loạn tâm thần. 50% bệnh nhân trầm cảm xuất hiện biểu hiện ban đầu trong độ tuổi 14. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật và tàn tật hàng đầu ở trẻ vị thành niên. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên trong bài viết dưới đây.
Khi bước vào giai đoạn vị thành niên, trẻ trở nên đặc biệt nhạy cảm với mọi thay đổi đến từ thế giới xung quanh. Ở lứa tuổi này, các em thường dễ dàng chịu tác động bởi căng thẳng, áp lực, lối sống, suy nghĩ tiêu cực, từ đó hình thành tâm lý chán nản, bi quan, thậm chí nảy sinh ý định tự sát.
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên được đặc trưng bởi triệu chứng uể oải, buồn rầu, ủ rũ, mất hứng thú kéo dài. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường như: sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, làm đau bản thân, tự tử nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Lứa tuổi vị thành niên nằm giữa ranh giới mong manh giữa trẻ em và người lớn. Trong giai đoạn này, các em đang phải đối mặt với rất nhiều khúc mắc trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhận thức và hành vi.
Trong xã hội hiện đại tất bật và bận rộn, những ảnh hưởng từ gia đình và môi trường sống khiến số lượng trường hợp trầm cảm ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng cao. Các chuyên gia cho biết, những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý này bao gồm:
- Yếu tố di truyền
Nguy cơ bị trầm cảm ở những trẻ có người thân từng bị trầm cảm cao hơn đáng kể so với các trẻ khác.
- Nguyên nhân sinh học
Những chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến từng thành phần khác nhau của bộ não và cơ thể. Khi chúng bị biến đổi hoặc phá hủy, chức năng thụ cảm của hệ thần kinh cũng bắt đầu thay đổi nghiêm trọng. Đây chính là nguồn cơn của căn bệnh trầm cảm.
- Sự thay đổi tâm sinh lý
Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý của các em thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa thể nhận thức đầy đủ và toàn diện về những vấn đề trong cuộc sống.
Trong khoảng thời gian này, các em có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ, hành vi tiêu cực xung quanh. Nếu không được định hướng đúng đắn, những yếu tố bất lợi đó sẽ ám ảnh tâm trí bé, từ đó sinh ra cảm xúc, suy nghĩ lệch lạc và dẫn đến hành động đáng tiếc.
- Tổn thương trong quá khứ
Những chấn thương tâm lý thời thơ ấu như: bị lạm dụng, ngược đãi, cô lập, bắt nạt, người thân qua đời… có thể tạo nên những thay đổi lớn trong não bộ, khiến trẻ vị thành niên dễ mắc bệnh trầm cảm hơn.
- Lối sống không lành mạnh
Những thói quen xấu như: ăn uống không điều độ, thức khuya, nghiện chơi game, lười vận động, sử dụng chất kích thích… là nguyên nhân phổ biến khiến các em suy nhược thần kinh và suy giảm thể chất.
- Ngủ không đủ giấc
Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của mỗi chúng ta. Giấc ngủ ngon có thể đảm bảo thể chất khỏe mạnh, tâm lý ổn định và nhận thức sáng suốt.
Rối loạn giấc ngủ là một trong những dấu hiệu nhận biết điển hình của căn bệnh trầm cảm. Ngày nay, vì bận rộn học hành, thi cử, đa số trẻ vị thành niên không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon giấc. Điều này dẫn đến tình trạng chán nản, cáu gắt, ủ rũ.
- Tác động của công nghệ
Sự xuất hiện thường trực của các thiết bị điện tử trong cuộc sống hàng ngày khiến trẻ vị thành niên cảm thấy thế giới thực và thế giới ảo dường như tương đồng. Các em thường dành quá nhiều thời gian trong ngày để truy cập vào mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến sinh động, hấp dẫn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự gia tăng tình trạng trầm cảm và tự tử trong giới trẻ có liên quan đến xu hướng kết nối với các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Ví dụ, nhiều thanh thiếu niên tự đánh giá giá trị bản thân dựa trên số lượt thích và bình luận từ những người bạn ảo. Nếu phụ thuộc vào “thước đo” này, các em sẽ dễ dàng lung lạc, thất vọng và bế tắc khi gặp phải những nhận xét không hay đến từ thế giới ảo.
- Ảnh hưởng của gia đình và xã hội
Vị thành niên là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm gắn liền với hàng loạt biến đổi về cảm xúc và tính cách của trẻ. Thế nhưng, trong giai đoạn “bản lề” này, cha mẹ đã vô tình đặt lên đôi vai con trẻ những áp lực không cần thiết về điểm số, thành tích.
Lúc này, các em rất cần được định hướng, dẫn dắt, khuyến khích, chia sẻ và đồng hành. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại thúc ép học tập hoặc áp đặt định kiến. Đây chính là nguồn cơn của mọi bất an, mệt mỏi trong tâm trí non trẻ của bé.
Triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Những biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên tương đối khác biệt so với những biểu hiện của bệnh trầm cảm ở người lớn. Chẳng hạn, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và thường xuyên ủ rũ hơn. Thêm vào đó, giấc ngủ của các em bị rối loạn nghiêm trọng. Đồng thời, bé cũng có xu hướng tự cô lập bản thân.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trẻ vị thành niên không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, không được quan tâm phát hiện đúng lúc và điều trị kịp thời. Đây chính là lý do khiến số lượng trường hợp trầm cảm ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng.
Để xác định chứng trầm cảm ở trẻ vị thành niên, chúng ta cần theo dõi các triệu chứng của bé ít nhất hai tuần. Bên cạnh tình trạng uể oải, cáu kỉnh, chán nản, mất hứng thú, thiếu sức sống hoặc hình thành một số khoái cảm mất kiểm soát, người bệnh có thể:
- Trở nên nóng tính, giận dữ, la hét, đập phá đồ đạc
- Suy nghĩ, nói năng, phản ứng chậm chạp
- Thờ ơ, không hăng hái, nhiệt tình với thế giới bên ngoài, không còn quan tâm đến những sở thích, thú vui nào trước đây
- Tự ti, bi quan, cảm thấy bản thân vô dụng, kém cỏi
- Thích ở một mình, tự cô lập bản thân, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh
- Khí sắc trầm buồn, u sầu, ủ rũ
- Mất tập trung, khó tiếp thu bài giảng, kết quả học tập sa sút hoặc đột ngột hưng phấn, tăng cường khả năng học tập, chăm chỉ rèn luyện, kết quả ban đầu rất tốt nhưng sau đó thành tích lại giảm sút đáng kể
- Rối loạn ăn uống: chán ăn, ăn uống không ngon miệng, không có hứng thú ăn uống (dẫn đến tình trạng sút cân) hoặc ăn uống quá độ (gây ra hiện tượng tăng cân)
- Rối loạn giấc ngủ: ngủ ít, mất ngủ, dậy sớm, thức giấc giữa đêm, thường xuyên gặp ác mộng hoặc nằm lâu nhưng không thể ngủ được
- Rối loạn cảm xúc và hành vi: quậy phá, chống đối cha mẹ, chống đối xã hội, trộm cắp, trốn học, chơi với bạn xấu, thành lập băng đảng, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện
- Xuất hiện các triệu chứng bất thường trên cơ thể: nhức đầu, đau ngực, đau bụng, khó thở, tức ngực… không rõ nguyên nhân
- Tự làm đau bản thân, thậm chí tự tử (thắt cổ, đập đầu vào tường, uống thuốc ngủ, cắt cổ tay…)
Phương pháp điều trị trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên có thể được điều trị hiệu quả bằng cách kết hợp sử dụng thuốc Tây và trị liệu tâm lý.
- Trị liệu tâm lý: Liệu pháp nhận thức – hành vi và liệu pháp nói chuyện là hai kỹ thuật trị liệu ban đầu phổ biến nhất dành cho các trường hợp trầm cảm nhẹ đến trung bình. Trong khi đó, thông qua nhiều hoạt động nhóm thú vị và bổ ích, liệu pháp nhóm giúp kết nối các bệnh nhân để chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua trầm cảm cũng như nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với gia đình và bạn bè.
- Sử dụng thuốc Tây: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là loại thuốc chống trầm cảm có lợi cho thanh thiếu niên đang được nhiều bác sĩ chuyên khoa ưu tiên chỉ định.
Khoảng thời gian mắc bệnh trầm cảm vô cùng đen tối, mệt mỏi, u ám và đáng sợ. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân buộc phải âm thầm chịu đựng trong nỗi cô đơn câm lặng. Tin vui là hiện nay, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều phương pháp điều trị trầm cảm an toàn, hiệu quả.
Do đó, nếu bản thân hoặc người thân đang phải vật vã đấu tranh với căn bệnh tai quái này, độc giả đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa, gia đình và cộng đồng. Trầm cảm có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, hãy cố gắng điều trị càng sớm càng tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!