Trầm cảm sau khi bị sảy thai và cách phòng tránh

Làm mẹ là thiên chức cao cả của bất cứ người phụ nữ nào, do đó khi bị sảy thai ngoài ý muốn khiến tâm trạng của người phụ nữ cực kỳ trầm trọng. Thống kê cho thấy có tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau khi bị sảy thai là rất cao, nếu không có hướng kiểm soát nhanh chóng sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, nhất là người bệnh tự tử.

Nguyên nhân trầm cảm sau khi bị sảy thai

Sảy thai là điều không bất cứ ai mỏng muốn bởi đứa con chính là kết tinh của tình yêu cha mẹ, là một sự sống đang dần hình thành trong cơ thể người phụ nữ. Những nguyên nhân gây sảy thai có thể liên quan đến những bất thường bên trong nhưng cũng có thể do sự tác động bên ngoài như va đập hay té ngã.

trầm cảm sau khi bị sảy thai
Trầm cảm sau khi sảy thai do người mẹ tự trách cứ bản thân, cảm thấy có lỗi, đau khổ và không thoát ra được những cảm xúc này

Dù là do lý do nào thì khi bị sảy thai tâm trạng của bậc làm cha mẹ cũng cực kỳ trầm trọng. Đặc biệt người mẹ chính là người mang trong mình sinh linh đó nên những áp lực tâm lý, những đau buồn thường nặng nề hơn. Với những người có tâm lý yếu, không giải thoát được những tâm lý u uất thì rất dễ dẫn đến trầm cảm.

Những yếu tố chính gây trầm cảm sau sảy thai bao gồm

  • Người mẹ tự trách cứ bản thân, cho rằng do mình con mới mất
  • Xung đột trong gia đình, với chồng, với gia đình chồng hoặc trong chính gia đình mình
  • Bị mọi người xung quanh chỉ trích, trách cứ liên tục
  • Sự thay đổi hormone đột ngột từ mang thai sang thời điểm thai mất
  • Sức khỏe yếu kém chưa hồi phục kịp thời
  • Những người hiếm muộn, lâu chưa có con nếu bị sảy thai thường cảm thấy thất vọng, buồn bã, u uất
  • Người trước đó đã bị sảy thai nhiều lần
  • Sự vô tâm của người chồng, chồng có dấu hiệu thay đổi, ngoại tình, thường xuyên cãi vã
  • Mắc cùng lúc các bệnh lý khác
  • Cảm thấy bị mọi người xa lánh, không tìm được tiếng nói chung, tự tách biệt với xung quanh

Trong đó sự tác động từ xung quanh, chẳng hạn như bị chồng và gia đình “đay nghiến” hằng ngày, bị hàng xóm chỉ trỏ, chê bai chính là những tác nhân hàng đầu khiến tinh thần người phụ nữ ngày càng bị trì trệ. Có những trường hợp người bệnh được người thân quan tâm và chăm sóc nhưng lại tự cảm thấy áp lực dày vò, không thoát ra được những ám ảnh và vẫn mắc bệnh.

Dấu hiệu trầm cảm sau khi bị sảy thai

Cảm giác đau buồn, không muốn giao tiếp với ai là những phản ứng hết sức bình thường với người phụ nữ sau sảy thai, tuy nhiên nếu có kéo dài kèm theo những thái độ bất thường thì gia đình không nên xem thường. Trầm cảm thường là tình trạng kéo dài dai dẳng với nhiều dấu hiệu kỳ lạ nên cần được phát hiện sớm.

trầm cảm sau khi bị sảy thai
Người phụ nữ luôn có cảm giác đau buồn, tự trách cứ bản thân, có thể khóc bất cứ lúc nào không kiểm soát được

Những dấu hiệu trầm cảm sau khi bị sảy thai điển hình như

  • Cảm thấy trống vắng, chán nản, không còn niềm vui
  • Cảm thấy có thể khóc bất cứ lúc nản
  • Chán nản, bực bội, không muốn được ai quan tâm, cảm thấy dễ khóc hơn khi được người khác quan tâm
  • Tủi thân, đặc biệt khi thấy con của người khác
  • Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ
  • Thời ơ trước mọi vấn đề xung quanh, không muốn trò chuyện hay tham gia vào bất cứ hoạt động nào
  • Mất tập trung, lơ đễnh với mọi thứ xung quanh
  • Cảm thấy vô dụng và tội lỗi, tự đổi lỗi cho bản thân
  • Khó khăn khi đưa ra quyết tâm
  • Tự nói chuyện một mình, có người còn tự ảo tưởng vẫn còn mang thai nếu trầm cảm trong giai đoạn nặng
  • Tự làm hại bản thân, có suy nghĩ tự tử
  • Gặp những cơn đau nhức cơ thể

Các triệu chứng trầm cảm sau khi bị sảy thai thường nghiêm trọng vào ngay sau thời điểm sảy thai và kéo dài sau khoảng 1 năm, sau đó có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên nếu trong vòng 1 năm này không có biện pháp khắc phục và cải thiện bệnh cũng có thể gây ra rất nhiều biến chứng trầm trọng khác cho sức khoẻ.

Đặc biệt trầm cảm sau sảy thai không chỉ xảy ra ở phụ nữ mà còn có thể xuất hiện ở nam giới, trên những người chồng, người cha. Họ cũng phải chịu nỗi đau mất con nhưng vẫn phải gắng gượng để làm chỗ dựa tinh thần cho người vợ, do đó cũng chịu rất nhiều áp lực mệt mỏi. Tuy nhiên khả năng lấy lại tinh thần và phục hồi ở phát mạnh thường cao hơn nên ít gây nguy hiểm hơn.

Cần chú ý rằng trầm cảm khi mang thai cũng là nguyên nhân gây sảy thai. Nếu liên quan đến nguyên nhân này thì mức độ trầm cảm sau khi sảy thai sẽ càng nguy hiểm hơn rất nhiều. Do đó cần phải nhanh chóng tiến hành thăm khám và có hướng điều trị càng sớm càng tốt để làm giảm nhẹ các triệu chứng.

Điều trị trầm cảm sau khi bị sảy thai thế nào

Tuỳ từng tình trạng mà hướng điều trị sau sảy thai khác nhau. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng, làm giảm nhưng kích thích thần kinh quá mức. Tuy nhiên nếu tình trạng chưa đến mức trầm trọng, việc dùng thuốc không được khuyến khích vì có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi sức khoẻ, thay vào đó việc trị liệu tâm lý sẽ được khuyến khích nhiều hơn.

trầm cảm sau khi bị sảy thai
Việc dùng thuốc chỉ mang tác dụng tạm thời nên thường bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị tâm lý hơn

Điều trị y khoa

Nếu người bệnh có dấu hiệu trầm cảm nặng, có các suy nghĩ tiêu cực, có xu hướng khóc lóc nhiều và tự làm hại bản thân, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc để làm giảm các triệu chứng. Việc dùng thuốc có thể phải kéo dài tuỳ từng tình trạng, người bệnh cần kiểm tra chính xác hơn để chỉ định phù hợp.

Một số biện pháp y khoa thường dùng trong điều trị trầm cảm do sảy thai như

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
  • Thuốc an thần
  • Thuốc chống loạn thần
  • Liệu pháp sốc điện (ECT) với các trường hợp trầm cảm nặng, không đáp ứng với các loại thuốc điều trị khác

Việc dùng thuốc cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào hay dùng sai kê đơn của bác sĩ. Đồng thời cần kiên trì tái khám theo từng giai đoạn để xem xét tốc độ cải thiện bệnh, qua đó điều chỉnh liều thuốc dần.

Cần chú ý rằng nếu có mong muốn mang thai lại, người bệnh cần phải kết thúc bệnh sớm, ngưng thuốc trong một thời gian để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn khác. Hãy đảm bảo kết thúc điều trị bệnh trầm cảm trước khi có thai lần tiếp theo. Trao đổi thật kỹ với bác sĩ nếu cảm thấy ổn hơn và mong muốn có con lại sớm hơn dự định.

Trị liệu tâm lý

Trong điều trị trầm cảm sau khi bị sảy thai việc trị liệu tâm lý thường được khuyến khích hơn vì không cần phải dùng thuốc nhưng vẫn có thể cải thiện đáng kể.Thông qua các cuộc nói chuyện cùng bác sĩ, tâm trí người bệnh sẽ được khai mở dần, cảm thấy thoải mái hơn, không còn quá đau khổ hay tự trách cứ bản thân.

Các liệu pháp tâm lý sẽ giúp định hướng người bệnh hướng tới những điều tích cực vui vẻ hơn, không còn cảm thấy tội lỗi. Đồng thời việc điều trị tâm lý đúng cách còn giúp ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm trong những lần mang thai sau, đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và thai nhi.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của gia đình, người thân cũng là phương pháp trị liệu tâm lý tự nhiên tốt nhất không thể bỏ qua. Hãy tạo cho người bệnh cảm giác thoải mái khi ở bên, không khiến họ cảm thấy đau khổ hay tội lỗi. Chẳng hạn người chồng có thể âm thầm giúp đỡ, đem đến những niềm vui nho nhỏ, chẳng hạn như giúp vợ làm việc nhà cũng giúp tâm trạng họ ổn hơn rất nhiều.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn

Bên cạnh việc điều trị cùng bác sĩ, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt dinh dưỡng lành mạnh hơn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng hơn. Lúc này cơ thể đang còn rất yếu, quá trình thay đổi nội tiết tố vẫn còn đang tiếp diễn nên cơ thể vẫn có nhiều sự thay đổi, vì vậy cần đảm bảo sức khoẻ luôn được duy trì ở mức tốt nhất.

Người bệnh nên chú ý những vấn đề sau

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn để nhanh chóng phục hồi sức khoẻ
  • Bổ sung các dinh dưỡng cần thiết như vitamin nhóm B, magie, omega3, canxi… để đảm bảo tốc độ phục hồi của sức khoẻ. Một số thực phẩm cần thiết cho người phụ nữ lúc này như sữa, cá béo, các loại thịt nạc, rau xanh, trái cây
  • Cố gắng đi ngủ sớm, ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi ngày, duy trì giờ ngủ ổn định
  • không nên dùng bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác với mục đích giảm sầu
  • Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường thể chất, đem lại những năng lượng tích cực cho tâm trạng
  • Tập yoga hay thiền cũng giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi thể lực, đưa đến những suy nghĩ tích cực, giảm tình trạng đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân
  • Tiến hành tái khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ

Hướng phòng tránh nguy cơ trầm cảm sau khi bị sảy thai

Tất nhiên sau khi sảy thai, bậc làm cha làm mẹ nào mà không buồn đau, muộn phiền, cảm thấy tâm trạng tụt dốc không phanh. Tuy nhiên bạn không được vì vậy mà gục ngã mà cần phải lấy đó làm động lực tiếp lên, coi đó như một bài học để có thể chuẩn bị kỹ hơn cho những lần mang thai sau. Có như thế mới phòng tránh được tối đa nguy cơ trầm cảm do sảy thai.

Nghỉ ngơi nhiều hơn để phục hồi thể lực

Sau khi bị sảy thai, không chỉ tinh thần mà sức khoẻ của người phụ nữ cũng tụt giảm nghiêm trọng. Do quá tình phẫu thuật cần thực hiện để bỏ thai lưu, người bệnh mất máu và không muốn ăn uống gì càng làm cơ thể suy nhược thấy rõ. Tình trạng này càng tác động xấu hơn đến tinh thần nên cần nhanh chóng cải thiện.

trầm cảm sau khi bị sảy thai
Giấc ngủ đủ sẽ giúp người phụ nữ nhanh chóng phục hồi năng lượng và cảm thấy ổn hơn

Hãy dành thời gian ngủ nhiều hơn để cung cấp năng lượng đã mất, hỗ trợ quá trình tái tạo lại máu tốt. Hãy cố gắng ngủ nhiều hơn về đêm, nếu cảm thấy không ngủ được có thể đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc nhẹ để làm dịu tâm trí và kích thích sự buồn ngủ. Tránh dùng điện thoại hay các thiết bị công nghệ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sóng não khiến bạn ngủ kém ngon hơn bình thường.

Trong chế độ dinh dưỡng, cần tuyệt đối tránh các đồ uống có cồn, các chất kích thích vì sẽ làm tâm trạng thêm tồi tệ. Thay vào đó, uống một cốc sữa tấm, một ly trà gừng, trà hoa cúc sẽ giúp bạn ổn định tâm trạng, đem đến một chất lượng giấc ngủ tuyệt vời hơn.

Tránh tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ

Trong thời gian nghỉ ngơi, người bệnh thường nằm nghỉ một chỗ và lướt các trang mạng xã hội để giải khuây. Tuy nhiên điều này không thực sự là có ích bởi người bệnh có thể vô tình thấy hình ảnh em bé, những câu chuyện buồn khiến tâm trạng càng thêm buồn phiền và tiêu cực. Vì thế tốt nhất hãy tạm thời tránh xa các thiết bị điện tử cho đến khi tâm trạng thực sự ổn định lại.

Thay vì nằm mãi trên giường và lướt điện thoại, bạn có thể đi dạo quanh nhà, trồng cây, tưới hoa hay chỉ đơn giản là nấu nướng để tinh thần được phấn chấn thoải mái hơn. Đừng để bản thân quá rảnh rỗi sẽ tạo điều kiện để họ nghĩ đến những điều buồn bã không vui. Chỉ đơn giản là tắm nắng sớm trong khoảng 15 phút cũng giúp tinh thần ngày hôm đó vui vẻ tích cực hơn rất nhiều.

Mở lòng với gia đình

Gia đình luôn là nơi mở rộng vòng tay đón chào bất cứ lúc nào, dù bạn là ai, bạn đang làm gì. Nếu gia đình chồng không vui vẻ thì vẫn còn gia đình bên ngoại, vẫn còn chồng là điểm tựa vững chắc. Hãy yên tâm vì trên thế giới này sẽ luôn có những con người thực sự yêu thương bạn,có thể là gia đình, cô dì chú bác hay chính là những người bạn thân hằng ngày.

Hãy tâm sự với những người thân thiết, nói ra những tâm trạng buồn phiền để cảm thấy ổn hơn. Trên thực tế việc mất đi một thai nhi không chỉ một mình bạn đau khổ mà chính những người xung quanh bạn cũng rất buồn phiền. Tâm sự chân thành cùng nhau chính là cách để chữa lành tổn thương tốt nhất mà không bất cứ loại thuốc nào có thể thay thế.

Hãy lắng nghe nhau nhiều hơn, chân thành hơn với nhau sẽ thấy cuộc đời này còn nhiều niềm vui hơn rất nhiều. Đặc biệt đừng quên quan tâm người chồng bởi họ cũng là người chịu nhiều đả kích và áp lực, nhưng với vai trò là trụ cột trong gia đình họ thường cất giấu nỗi vào bên trong. Hãy yêu thương và cùng chia sẻ với người chồng, người cùng đầu ấp tay gối với bạn mỗi ngày và cùng là người sẽ đi cùng bạn suốt những quãng đường còn lại.

Hy vọng về một tương lai tốt đẹp

Thời gian còn rất dài và bạn vẫn có thể có thêm nhiều đứa con khác. Hãy đừng quá đau buồn mà luôn suy nghĩ đến những điều tích cực hơn. trong tương lai còn rất nhiều cơ hội tuyệt vời hơn cho bạn, chỉ cần bạn lạc quan vui vẻ chân thành thì chắc chắn cuộc đời sẽ mỉm cười và dành cho bạn những món quà đáng giá.

trầm cảm sau khi bị sảy thai
Hãy cùng yêu thương nhau hơn và hy vọng về những tương lai tốt đẹp

Thay vì sống trong sự buồn rầu đau khổ, bạn hãy đứng lên và bắt đầu chuẩn bị cho mình hành trang tốt hơn cho những lần mang thai sau. Hãy rèn luyện về sức khoẻ thể chất và tinh thần mỗi ngày để cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất, sẵn sàng cho lần mang thai sau bất cứ lúc nào. Tuy nhiên do đã từng có tiền sử sảy thai nên khi mang thai lại bạn cần thực sự cẩn thận để phòng tránh nguy cơ này.

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp ích cho bạn trong cải thiện và phòng tránh nguy cơ trầm cảm sau khi bị sảy thai Mỗi sự kiện trên đời này đều xảy ra với một lý do riêng, hãy tin vào điều đó. Khi ông trời lấy của bạn thứ này chắc chắn sẽ bù đắp cho bạn một món quà xứng đáng hơn. Hãy cứ tiếp tục có niềm tin với cuộc sống, lạc quan và đối xử chân thành với mọi người hơn để thấy cuộc đời này còn rất nhiều điều tươi đẹp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *