Trầm cảm sau ly hôn: Biểu hiện và cách vượt qua

Theo thống kê, trầm cảm sau ly hôn thường dễ gặp nhiều ở phụ nữ hơn là nam giới bởi những tổn thương sâu sắc khi tình cảm tan vỡ, sự cô độc khi phải bước sang một chặng đường mới mà lại chỉ có một mình. Người bệnh cần phải mạnh mẽ hơn, nhanh chóng lấy lại cân bằng để tiến đến một tương lai hạnh phúc hơn.

Trầm cảm sau ly hôn do đâu?

Trầm cảm là tên sát nhân vô hình có thể xuất hiện trong bất cứ giai đoạn nào của của cuộc đời, có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, giới tính nào. Trong đó tỷ lệ trầm cảm có liên quan đến vấn đề tình cảm, hôn nhân thường rất cao. Có nhiều cặp đôi bị trầm cảm trước và sau kết hôn nhưng tỷ lệ trầm cảm sau ly hôn thường cao hơn hẳn.

Trầm cảm sau ly hôn
Sự tự ti, buồn bã, trống trải, ám ảnh từ cuộc hôn nhân khiến rất nhiều người bị trầm cảm sau ly hôn

Hầu hết các cặp đôi ly hôn không phải do một nguyên nhân cụ thể mà thường do những tác động nhỏ từ trước đó dần tích tụ lại làm phá vỡ đoạn tình cảm hạnh phúc trước đó. Cả hai dần trở nên xa cách, không còn hiểu nhau, đặc biệt việc gặp gỡ nhau hằng ngày trong một căn nhà hàng khiến họ trở nên chán ghét nhau. Bất cứ một hành động nào của đối phương cũng khiến người còn lại cảm thấy bực bội, khó chịu.

Để tiến đến hôn nhân không phải là một con đường dễ dàng như để đi đến ly hôn lại trở nên rất dễ dàng với nhiều người. Cho dù trước đó họ luôn cảm thấy rằng mình phải ly hôn nhưng khi vấn đề này thực sự diễn ra thì đây vẫn là một chướng ngại rất lớn mà không phải ai cũng vượt qua được. Những nguyên nhân thường dẫn đến trầm cảm sau ly hôn như

  • Tâm lý tự ti: không phải ai cũng có thể tự hào rằng mình đã ly hôn, cho dù đối phương không phải là người tốt. Mặt khác những tác động từ những người xung quanh, bàn tán về gia đình, con người, nguyên nhân ly hôn cũng khiến bạn cảm thấy sợ hãi xung quanh, ngày càng thu mình vào vỏ kén và mất tự tin vào chính bản thân.
  • Chưa kịp lấy lại cân bằng cuộc sống: từ cuộc sống hai người nhưng giờ chỉ còn một mình, không còn ai trò chuyện mỗi ngày, phải đổi nơi ở khiến cuộc sống bạn bỗng nhiên thay đổi chóng mặt và không kịp lấy lại cân bằng.
  • Sự cô đơn: cảm giác cô đơn trống trải luôn thường trực, có người có thể cảm nhận điều này ngay từ thời gian đầu nhưng cũng có người phải một thời gian sau mới thực sự nhận thấy điều này. Dù dùng bia rượu, thuốc lá, gặp gỡ bạn bè nhưng cũng không thể xua tan đi cảm giác trống trải trong lòng.
  • Khủng hoảng tài chính: tình trạng này thường gặp nhiều hơn ở những người thực hiện nghĩa vụ nuôi con. Khi nuôi con một mình không chỉ khó khăn mà còn cần rất nhiều chi phí, đôi khi dù có tiền phụ cấp từ đối phương cũng không thể đủ. Người cha/ người mẹ phải làm nhiều công việc hơn nhưng vẫn phải nghĩ về việc chăm sóc nuôi dạy con sao cho tốt khiến tinh thần luôn trong trạng thái mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng.
  • Sợ chuyện tình cảm: người sau ly hôn thường mất rất nhiều thời gian để họ quên đi được vết thương cũ trong lòng nhưng đồng thời họ cũng khép cửa trái tim của bản thân vì sợ phải tổn thương lần nữa. Việc thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm, không có người sẻ chia cũng khiến tâm hồn họ trở nên khô cằn và dễ bị trầm cảm hơn.
  • Áp lực từ gia đình: Sau ly hôn nhiều người thường về sống với gia đình và tất nhiên không khí gia đình thường có xu hướng trầm lặng xuống. Sự quan tâm từ gia đình đôi khi càng làm những người mới đổ vỡ sau hôn nhân càng thêm áp lực, hơn hết họ cũng thường ngại ngùng khi nói các vấn đề của bản thân với cha mẹ và càng làm không khí mỗi khi về nhà trở nên ngột ngạt hơn.

Sau ly hôn tâm trạng của người trong cuộc sẽ rất nhạy cảm và họ thường có xu hướng khép mình hơn, không muốn chia sẻ cảm xúc của mình với cả người thân bằng cách nói “mình ổn”. Những cảm xúc rối bời không được giải tỏa, những hoài niệm về quá khứ hạnh phúc hay những nỗi ám ảnh về sự khổ đau cùng người bạn đời cứ như một vòng xoáy cuốn họ vào bóng tối và không thể thoát ra được.

Biểu hiện trầm cảm sau ly hôn

Người nặng tình hơn sẽ là người dễ bị trầm cảm sau hôn nhân hơn và thường người đó chính là người phụ nữ. Sau ly hôn nam giới thường tìm đến chuyện bia rượu, bạn bè, gái gú để tạo niềm vui cho bản thân nhưng người phụ nữ lại thường gặm nhấm nỗi đau của họ. Các chị em thường rơi vào khủng hoảng trong một thời gian dài, luôn nghĩ về chuyện ly hôn và khóc rất nhiều, nếu không có biện pháp can thiệp tâm lý kịp thời sẽ rất dễ tiến đến trầm cảm nặng.

Trầm cảm sau ly hôn
Sau ly hôn nếu bạn luôn cảm thấy kiệt quệ, đau khổ, không muốn giao tiếp với ai trong thời gian dài thì rất có thể là dấu hiệu của trầm cảm

Ngược lại nam giới cũng bị trầm cảm sau ly hôn thường xuất hiện chậm hơn so với nữ giới. Thời gian đầu họ sẽ cảm thấy tự do, vui vẻ vì không còn ai càm ràm, nói nhiều, cấm cản họ mỗi ngày. Tuy nhiên khi các cuộc vui dần tan đi họ mới cảm thấy được vai trò của người vợ, cảm thấy không khí gia đình thiếu vắng hơi ấm, món ngon của vợ, cảm thấy trống vắng vì không còn ai quan tâm mỗi ngày từ đó sinh ra cảm giác tội lỗi và sống trong hoài niệm.

Các triệu chứng điển hình của chứng trầm cảm sau ly hôn như

  • Luôn cảm thấy buồn bã, lo âu, mệt mỏi, không muốn thức dậy vào buổi sáng
  • Cảm thấy có thể khóc bất cứ lúc nào, đặc biệt khi gặp những hình ảnh làm gợi nhớ lại người cũ
  • Luôn nghĩ về quá khứ, nghĩ về những thời gian từ vui vẻ đến đau khổ cùng người bạn đời
  • Luôn cảm thấy nặng nề, mệt mỏi khi về nhà, chỉ muốn nằm ở trong phòng mà không muốn làm gì khác
  • Sụt cân nghiêm trọng
  • Chậm chạp, mệt mỏi, nhạy cảm hơn bình thường
  • Trở nên cáu gắt khi có ai nhắc hay bàn luận đến vấn đề ly hôn
  • Luôn cảm thấy những người xung quanh đang bàn tán, nói về chuyện ly hôn của mình
  • Khó ngủ, ngủ dễ giật mình, dễ gặp ác mộng hay mơ về chuyện cũ
  • Cảm thấy bản thân vô dụng hoặc cảm thấy tội lỗi
  • Tránh né những nơi gợi lại kỷ niệm đôi lứa
  • luôn sợ hãi, tránh né hay từ chối sự quan tâm từ những người xung quanh
  • Luôn muốn tìm đến bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích để giải sầu
  • Suy giảm trí nhớ, không thể tập trung làm bất cứ công việc nào khác
  • Mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
  • Luôn cảm thấy cơ thể không có năng lượng
  • Có suy nghĩ tự tử hoặc tự làm đau bản thân để giảm sự đau khổ của bản thân

Bên cạnh đó cha mẹ ly hôn rồi lại có người bị trầm cảm sẽ gây ra ảnh hưởng tâm lý lớn đến cho những người con. Đặc biệt nếu con sống cùng cha/ mẹ bị trầm cảm có thể trở thành nỗi ám ảnh theo con đến suốt cuộc đời bởi tính cách, suy nghĩ của bé cũng bị tác động thay đổi theo.

Trầm cảm là một bệnh vô cùng nguy hiểm và càng dễ tiến triển hơn ở những người vốn có vết thương lòng như những người vừa muốn ly hôn. Một số người có thể chọn cách giải thoát cho cả bản thân và con mình bằng cách tự tử. Gia đình và những người xung quanh cần nhanh chóng có biện pháp can thiệp kịp thời để phòng tránh những hệ lụy nguy hiểm này có thể xảy ra.

Hướng giải quyết trầm cảm sau ly hôn

Không phải ai cũng biết bản thân mình đang bị trầm cảm mà chỉ cho rằng đó là tâm trạng khủng hoảng tạm thời và cứ để nó diễn ra theo tự nhiên. Mặt khác những người trong gia đình cũng sợ rằng việc quan tâm hỏi han của mình có thể khơi gợi lại chuyện cũ nên muốn để cho người đó cảm thấy thoải mái nhất bằng cách không nhắc lại chuyện này. Bởi thế mà tình trạng này cứ ngày càng trầm trọng hơn.

Nên thực hiện trị liệu tâm lý sớm

Với các vấn đề tâm bệnh rất khó để bản thân người bệnh có thể tự mình giải quyết hay tìm cho mình lối thoát riêng mà sẽ chỉ càng lún sâu vào trong khổ đau. Do đó người bị trầm cảm sau ly hôn nên đến gặp bác sĩ tâm lý càng sớm càng tốt để được tư vấn, giải tỏa và hướng dẫn các phương pháp cải thiện hiệu quả nhất.

Trầm cảm sau ly hôn
Trị liệu tâm lý sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, lạc quan hơn, không còn nghĩ về quá khứ

Thông qua việc trò chuyện, các chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu được nguyên do vấn đề và gỡ các nút thắt trong tâm trí để bản thân người bệnh giảm bớt căng thẳng và thoải mái hơn. Trị liệu tâm lý cũng đưa ra các phương hướng để giải quyết các xung đột trong mối quan hệ cũ, loại bỏ cảm giác tội lỗi để hướng đến đời sống tích cực lạc quan hơn.

Bản thân người bệnh cần phải thực sự chân thành, chia sẻ những vấn đề, những suy nghĩ với các chuyên gia tâm lý để bác sĩ có thể hỗ trợ một cách tốt nhất. Quá trình trị liệu tâm lý có thể phải kéo dài trong vài tháng để người bệnh thực sự chữa lành vết thương lòng, tự tin mở rộng trái tim, sẵn sàng tiếp nhận những mối quan hệ mới. Quá trình này cần có sự hợp tác giữa cả nhà trị liệu, người bệnh và cả người thân để đem lại kết quả tốt nhất.

Học cách buông bỏ và tha thứ

Dù bạn là người đúng hay sai trong việc đổ vỡ hôn nhân bạn cũng không thể nào cứ đắm chìm mãi trong sự tội lỗi, oán hận hay dày vò bản thân mãi được. Hận thù hay tội lỗi chỉ đem đến cho bạn cảm xúc tiêu cực mà thôi. Quá khứ là điều không thể thay đổi nhưng hiện tại và tương lai thì hoàn toàn có thể. Vì vậy hãy học cách buông bỏ và tha thứ để tâm trí được thanh lọc, nhẹ nhàng hơn.

Nếu bạn vẫn không thể nào xóa đi được những cảm xúc ấy thì hãy chân thành viết hết ra những điều đang suy nghĩ vào một tờ giấy hay một cuốn sách. Khi có thể viết ra được tâm trạng của bạn cũng thoải mái hơn phần nào nhưng đừng nên giữ lại mà hãy đốt đi, chính thức bước sang một trang mới cuộc đời và không còn vướng bận những câu chuyện đã cũ.

Thay đổi bản thân

Để thoát ra khỏi bóng đen quá khứ, cách tốt nhất là làm mới bản thân. Hãy thử cắt tóc, nhuộm tóc, thay đổi phong cách trang phục, sử dụng nhiều phụ kiện hơn, tập thể dục hằng ngày để bản thân ngày càng đẹp hơn. Đôi lúc hãy thử chuyển sang một phong cách “điên loạn” một chút cũng không sao, miễn là bạn thấy vui là được.

Trầm cảm sau ly hôn
Thay đổi mái tóc đã gắn bó với người cũ sẽ đem đến cho bạn sự tươi mới và vui vẻ hơn

Hãy bắt đầu việc điều trị bằng cách thay đổi bản thân theo một hướng tích cực hơn, yêu thương bản thân mình mỗi ngày, nói lời cảm ơn với chính mình vì sự cố gắng suốt thời gian qua. Đừng cứ mãi sống trong u sầu, tội lỗi, khổ đau sẽ chỉ làm chính bạn trở nên ngày càng xấu xí hơn mà thôi. Rũ bỏ tấm áo cũ để khoác lên một tấm mới đầy màu sắc chắc chắn cũng đem đến cho bạn cuộc đời nhiều sắc màu hơn

Coi trọng giấc ngủ

Thiếu ngủ sẽ làm bạn cạn kiệt năng lượng nên dễ trở nên cáu kỉnh, phấn khích quá mức nên tinh thần cũng trở nên mệt mỏi hơn. Do đó dù bận rộng thế nào cũng nên cố gắng đảm bảo ngủ trước 11h hoặc không sau 12h đêm và ngủ đủ 7 – 8h ngày. Nếu quá bận rộn bạn nên đi ngủ sớm và dậy sớm hơn vào ngày hôm sau sẽ thấy tinh thần tràn đầy năng lượng và giải quyết công việc hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình

Một vấn đề mà những người trầm cảm hay trầm cảm sau ly hôn đều thường gặp phải chính là thường giữ mọi chuyện trong lòng mà không chịu nói ra. Những điều tiêu cực cứ tích tụ trong đầu như một loại acid cứ dần ăn mòn chiếc chìa khóa và khiến chúng bị hư, không còn mở cửa được nữa. Do đó bạn cần đổ ngay bình acid đi để không làm hỏng cái chìa khóa nữa.

Tương tự, thay vì cứ giữ mãi trong lòng thì bây giờ bạn hãy học cách nói ra. Có rất nhiều người xung quanh luôn luôn yêu thương và sẵn sàng lắng nghe, bên cạnh bạn bất cứ lúc nào. Hãy xin lời khuyên từ chính cha mẹ bạn, những người từng trải sẽ luôn đem lại cho bạn những lời khuyên tốt hay những người bạn thân – người sẽ đem đến cho bạn nụ cười ngay cả khi bạn đang khóc.

Hãy sống thật và yêu thương cảm xúc của chính mình. Nếu muốn khóc thì cứ khóc thật to, khóc cho thỏa hết nỗi lòng nhưng quan trọng là sau đó phải biết cách đứng lên và trở thành một con người mới tươi vui hơn, mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn.

Tìm kiếm những niềm vui mới

Những điều mới lạ luôn đem đến cho bạn niềm vui, sự tò mò khám phá và điều này có thể giúp ích để bạn quên đi những nỗi buồn trước đó. Hãy thử học leo núi, học làm gốm, học làm bánh, đi du lịch đến một vùng đất mới hay bất cứ ước mơ nào trước đó mà bạn chưa thể thực hiện.

Trầm cảm sau ly hôn
Tự thưởng cho mình một chuyến du lịch để đánh dấu một trang mới của cuộc đời

Hôn nhân đôi khi có thể làm dang dở một vài dự định của bạn thì đây chính là cơ hội để bạn tiếp tục khẳng định bản lĩnh của chính mình.

Duy trì thói quen tập thể dục hằng ngày

Các nghiên cứu đã chứng minh thói quen tập thể dục hằng ngày thực sự đem đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe và tâm trạng, đặc biệt giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân trầm cảm. Hãy bắt đầu buổi sáng bằng cách chạy bộ vài vòng quanh nhà, đạp xe đi dạo và hít thở không khí trong lành chắc chắn sẽ đem đến cho bạn cảm giác tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới tuyệt vời hơn.

Bên cạnh đó những người bị trầm cảm sau ly hôn cũng nên dành thời gian luyện tập yoga, thiền hằng ngày. Đây là các liệu pháp giúp ổn định cảm xúc, thả lỏng tinh thần, giúp lấy lại sự cân bằng trong tâm trí, hướng đến sự vị tha từ trong sâu thẳm mỗi người. Luyện tập yoga vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng, luyện tập vào buổi trưa có tác dụng tương đương giấc ngủ 30 phút trong khi luyện tập vào buổi tối sẽ đem đến cho bạn giấc ngủ sâu tuyệt vời.

Hãy mở cửa trái tim

Việc kết thúc một mối quan hệ có thể là tín hiệu để bạn mở đầu một mối quan hệ khác tốt đẹp hơn. Ly hôn không có nghĩa bạn là người thất bại, là kẻ xấu mà đôi khi là do bạn chưa gặp đúng người, chưa phải là định mệnh của nhau. Vì thế đừng nên quá bi quan tiêu cực mà hãy mở cửa trái tim để tìm kiếm cho bản thân những cơ hội tuyệt vời hơn.

Trầm cảm sau ly hôn
Hãy cứ tự tin yêu và yêu bởi tình yêu chính là thứ giúp chữa lành trái tim hiệu quả nhất

Đâu đó trên thế giới này sẽ luôn có những người dành cho bạn, những người sẵn sàng lắng nghe những lời than thở của bạn hằng ngày, những người yêu luôn cả những tính xấu của bạn. Hãy luôn là chính mình, tự tin vào bản thân, yêu thương chính mình, cám ơn cuộc đời và những điều tốt đẹp, hạnh phúc sẽ luôn chờ bạn phía trước.

Trầm cảm sau ly hôn rất dễ xảy ra nhưng lại không dễ dàng để điều trị. Kết thúc một mối quan hệ không phải là chấm dứt tất cả, vì vậy hãy đừng để nỗi sợ hãi, u buồn chắn đường tìm đến hạnh phúc của chính bản thân mình.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *