Trầm cảm trước và sau kết hôn: Nguyên nhân và cách xử lý
Hôn nhân là vấn đề trọng đại của cuộc đời mỗi chúng ta. Trước và sau khi kết hôn, một số người gặp phải nhiều áp lực về mặt tâm lý, dẫn đến trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể bị bệnh trầm cảm trước và sau kết hôn.
Trầm cảm trước hôn nhân
Đúng như tên gọi, tình trạng trầm cảm trước hôn nhân xuất hiện trong thời điểm chuẩn bị đám cưới, trước khi hôn lễ diễn ra.
Trong khoảng thời gian này, nhiều cặp đôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Sau màn cầu hôn ngọt ngào, lãng mạn, cả hai bạn sẽ phải đối mặt với cảm giác mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, chán nản, cáu gắt vì bận rộn chuẩn bị cho đám cưới. Thậm chí, nhiều người còn mất đi cảm hứng với đối phương và không muốn cử hành hôn lễ.
Ngày cưới càng đến gần, tâm trạng của bạn càng trở nên bồn chồn, bất an, bí bách, khó chịu. Sự thay đổi cảm xúc, tâm trạng bất ngờ, đột ngột này chính là tình trạng trầm cảm trước hôn nhân.
Dấu hiệu nhận biết chứng trầm cảm trước khi kết hôn
Độc giả có thể bị trầm cảm trước khi kết hôn khi có những biểu hiện sau:
- Cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, suy nhược sức khỏe thể chất và tinh thần
- Mất tập trung vì quá lo nghĩ cho đám cưới, trở nên lóng ngóng, vụng về, dễ căng thẳng, hoảng loạn về các phiền toái phát sinh trong quá trình chuẩn bị hôn lễ
- Thường xuyên cáu gắt, nóng giận bởi những vấn đề vụn vặt, hay giận dỗi nếu bất đồng ý kiến với gia đình về cách thức tổ chức đám cưới
- Lo lắng thái quá về cuộc sống hôn nhân, lo sợ rằng hôn lễ không thể diễn ra suôn sẻ hoặc sau khi kết hôn nhiều năm, đối phương không còn quan tâm, chăm sóc, yêu thương bạn như hiện tại
- Nảy sinh ý định chia tay nếu không thể kiểm soát tốt cảm giác hoang mang, mệt mỏi của bản thân. Lúc này, bạn có xu hướng trở thành “chú rể/cô dâu chạy trốn” trong những giây phút cận kề đám cưới
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm trước khi kết hôn
Chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, quyết định kết hôn quá đột ngột, căng thẳng quá mức trong quá trình chuẩn bị hôn lễ, lo lắng về cuộc sống tương lai với gia đình chồng, lo ngại về trách nhiệm và nghĩa vụ sắp tới, bất an về sự nghiệp trong tương lai… chính là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng trầm cảm trước hôn nhân.
- Căng thẳng quá mức trong quá trình chuẩn bị đám cưới
Để đám cưới diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, các cặp đôi sẽ phải đắm chìm trong một chuỗi công việc bất tận như: chụp ảnh cưới, chọn lễ phục, lên danh sách khách mời, tìm địa điểm tổ chức hôn lễ, đặt tiệc, mua sắm đồ đạc cần thiết… cùng hàng loạt nhiệm vụ không tên khác.
Muốn giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ như thế, hai bạn buộc phải tất bật sắp xếp mọi thứ. Điều này tạo nên áp lực tinh thần lớn khiến cô dâu và chú rể tương lai vô cùng căng thẳng, mệt mỏi.
- Chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, quyết định kết hôn quá đột ngột
Không phải mọi cuộc hôn nhân đều dựa trên tình yêu thương và sự tự nguyện của đôi bên. Ngày nay, vẫn có một số cuộc hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt theo tiêu chí môn đăng hậu đối hay áp lực tuổi tác.
Khi không kịp tìm hiểu cẩn thận và thấu hiểu nhau sâu sắc, cả hai bạn chưa thể sẵn sàng trở thành người một nhà và cùng nhau vun đắp hôn nhân hạnh phúc. Do đó, câu chuyện trầm cảm trước khi kết hôn trong trường hợp này là điều dễ hiểu.
- Căng thẳng, lo lắng về trách nhiệm và nghĩa vụ sắp tới
Sau đám cưới, vì chưa vững vàng về mặt kinh tế hoặc do một số lý do riêng, nhiều đôi vợ chồng son buộc phải sống chung với gia đình nhà chồng. Đa số chị em đều ám ảnh, trăn trở về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Trong nhiều năm tháng sống chung sau này, liệu gia đình chồng có yêu thương, hỗ trợ mình không? Mình có thể hòa hợp với mẹ chồng hay không? Đây chính là nỗi niềm muôn thuở của phái đẹp khi vừa kết hôn.
Những ngày còn sống bên gia đình thân yêu, đa số chúng ta được cha mẹ nuông chiều hết mực, không cần phải cố gắng làm bất cứ việc gì trái với mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, dù là đàn ông hay phụ nữ, bạn đều phải chịu trách nhiệm dựng xây, vun vén tổ ấm nhỏ bé của mình.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, lúc trở về nhà, bạn sẽ tiếp tục rửa chén, nấu cơm, lau nhà, giặt giũ… Những áp lực đáng sợ này khiến nhiều người chỉ muốn sống mãi trong vòng tay ấm áp, vững chãi của phụ huynh.
Trong cuộc sống hiện đại, những câu chuyện bất hòa, ly hôn, phản bội, bạo lực gia đình đã không còn xa lạ. Tâm trạng lo sợ bị chồng ngược đãi, hôn nhân không hạnh phúc, không thể hiện được tiếng nói trong gia đình chính là nguyên nhân khiến nhiều cô dâu tương lai thở dài ngao ngán.
- Bất an về sự nghiệp trong tương lai
Với nguồn năng lượng dồi dào và tinh thần nhiệt huyết, chúng ta luôn cố gắng phát triển sự nghiệp ngay từ khi còn trẻ. Tìm được một công việc phù hợp, ưng ý chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì vậy, mọi người thường nỗ lực tối đa trong công việc để con đường thăng tiến trở nên rộng mở.
Thế nhưng, kể từ khi kết hôn, quỹ thời gian dành cho sự nghiệp và bản thân bắt đầu hạn hẹp. Bạn có thể mất nhiều lợi thế cạnh tranh và khó lòng phát triển. Đặc biệt, sau khi kết hôn, phụ nữ cần nghỉ thai sản để sinh con trong một khoảng thời gian dài, thậm chí nghỉ việc ở nhà chăm sóc chồng con.
- Buồn bã vì mất đi vẻ đẹp tươi trẻ
“Phụ nữ đẹp nhất khi không thuộc về ai”. Lúc còn độc thân, chị em luôn được các chàng trai yêu chiều, săn đón. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cuộc sống của bạn hầu như chỉ xoay quanh tổ ấm bé nhỏ của mình. Bạn không còn nhiều thời gian nâng niu bản thân và thư giãn tinh thần như trước.
Hơn nữa, tuổi tác và những lần sinh nở sẽ khiến nhan sắc lộng lẫy một thời của phái đẹp phai tàn theo năm tháng. Đây chính là một trong những nguồn cơn sâu xa của chứng trầm cảm trước khi kết hôn.
- Không chắc chắn về tình cảm của bản thân dành cho đối phương
Nhiều người bị trầm cảm trước khi kết hôn vì vẫn còn phân vân, do dự, không chắc chắn về tình cảm của bản thân dành cho đối phương. Ngược lại, chúng ta cũng thường lo lắng rằng người ấy không thực sự yêu mình như tình yêu mình dành cho họ. Do đó, khi đám cưới tới gần, họ sẽ cảm thấy băn khoăn, bồn chồn, hoang mang về quyết định về chung một nhà của bản thân.
Cách ngăn ngừa trầm cảm trước khi kết hôn
Các rối loạn cảm xúc, tâm lý trước khi kết hôn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trầm cảm trước hôn nhân. Để chủ động phòng tránh vấn đề này, độc giả cần biết cách ổn định tâm trạng và chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng trước khi cùng người thương tiến vào lễ đường. Bên cạnh đó, bạn nên:
- Dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với đối phương về cuộc sống hôn nhân sắp tới cũng như cùng nhau tìm hiểu và chuẩn bị
- Chỉ kết hôn khi đã thực sự sẵn sàng, tuyệt đối không vì những yếu tố tác động bên ngoài mà vội vàng quyết định
- Kết hôn với người bạn yêu và họ cũng yêu bạn
- Làm quen với gia đình chồng/vợ tương lai để không hụt hẫng, bỡ ngỡ nếu phải sống chung; tìm hiểu kỹ tính cách, sở thích, thói quen của họ để nhanh chóng bắt nhịp và thích nghi
- Phân chia các nhiệm vụ chuẩn bị đám cưới khoa học, hợp lý, tránh ôm đồm quá nhiều công việc, có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè
- Tham gia đầy đủ các lớp học tiền hôn nhân
- Chủ động tâm sự với đối phương và những người thân yêu về các vấn đề, vướng mắc mà bạn đang gặp phải
- Thư giãn tinh thần, nghỉ ngơi hợp lý, hít thở sâu, tập yoga, thiền định, nghe nhạc êm dịu…
Trầm cảm sau khi kết hôn
Các triệu chứng điển hình của trạng thái trầm cảm sau khi kết hôn là: mệt mỏi, chán chường, buồn rầu, mất hứng thú, mất ngủ, ăn không ngon, mất hứng thú với thế giới xung quanh, suy giảm ham muốn tình dục.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và chuyển biến nặng nề, chất lượng cuộc sống gia đình sẽ trở nên tồi tệ, từ đó dẫn đến tranh cãi, xung đột, bạo hành gia đình, ly thân, ly hôn. Thậm chí, bệnh nhân có thể tự cô lập bản thân và nảy sinh ý định tự sát.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau khi kết hôn
Những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng trầm cảm sau khi kết hôn bao gồm:
- Bị sốc vì chưa thể làm quen với cuộc sống mới sau lễ cưới, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần
- Cuộc hôn nhân này do gia đình sắp đặt hay sự cố ngoài ý muốn. Trên thực tế, hai người không thực sự yêu nhau. Do đó, cuộc sống hôn nhân vô cùng lạnh nhạt, cô đơn, không hạnh phúc
- Bạn và vợ/chồng phải sống phụ thuộc và gia đình đôi bên, chưa thể tự chủ về tài chính
- Áp lực về tài chính khi chuẩn bị lễ cưới, khả năng kinh tế của bản thân chưa đủ đáp ứng yêu cầu chu cấp cho gia đình mới
- Những mâu thuẫn, xung đột với người thân khiến cuộc sống gia đình thêm mệt mỏi
- Bất hòa giữa gia đình hai bên, nhất là mối quan hệ phức tạp giữa mẹ chồng với nàng dâu
- Thất vọng ê chề vì đặt quá nhiều kỳ vọng về một cuộc sống hôn nhân êm đềm, hạnh phúc
- Sau khi kết hôn, một trong hai bạn lộ rõ nhiều tật xấu như: cờ bạc, rượu chè, ghen tuông, phản bội…
Cách ngăn ngừa và thoát khỏi chứng trầm cảm sau kết hôn
Để phòng ngừa câu chuyện không của riêng ai đó, đầu tiên, bên cạnh việc lên kế hoạch tỉ mỉ cho đám cưới sắp tới, độc giả hãy tiếp tục bận rộn với công việc thường ngày. Các cô dâu tương lai có xu hướng tập trung tất cả năng lượng vào sự kiện trọng đại này. Đây chính là lý do họ thường cảm thấy hôn lễ kết thúc trong cảm giác chóng vánh cùng một khoảng trống mênh mang.
Vì vậy, vào khoảng thời gian nhạy cảm này, bạn vẫn nên duy trì một số công việc/dự án nho nhỏ trong khi vẫn không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức lễ cưới ban đầu.
Khi cử hành hôn lễ, cô dâu và chú rể luôn là trung tâm của buổi tiệc. Thế nhưng, điều này chỉ đúng trong lễ cưới. Do đó, đừng tổn thương nếu cảm thấy bản thân không còn được ngưỡng mộ, quan tâm, chú ý như lúc trước.
Mặt khác, nếu là một cô gái trầm lặng, nhút nhát, mọi sự quan tâm đổ dồn về bạn trong hôn lễ có thể tạo nên nhiều áp lực tinh thần vô hình cho bạn. Để vượt qua cảm giác khó chịu ấy, bạn hãy quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh ở buổi lễ, đồng thời trân trọng, tôn vinh sự trợ giúp, đóng góp của họ trong dịp trọng đại này.
Cuối cùng, đừng quên chia sẻ gánh nặng với những người thân thương. Hãy để gia đình, bạn bè san sẻ một phần công việc, tránh ôm đồm quá nhiều trước, trong và sau lễ cưới nhé!
Điều quan trọng nhất vẫn là trước khi quyết định kết hôn, độc giả hãy tìm hiểu thật kỹ về đối phương, đồng thời cùng nhau tham gia lớp học về các kỹ năng cần thiết dành cho những cặp vợ chồng mới cưới.
Hơn hết, đừng hiểu lầm rằng hôn nhân là kết thúc viên mãn của tình yêu. Trên thực tế, đây là sự khởi đầu của một hành trình gắn bó hạnh phúc, ngọt ngào nhưng cũng đầy thăng trầm, chông gai.
Khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân, người đọc cần học cách lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với vợ/chồng của mình. Bằng cách đối thoại thẳng thắn với nhau về mọi vấn đề chung, bạn và người ấy có thể tránh được nhiều bất hòa, mâu thuẫn về sau.
Hãy luôn giải quyết triệt để mọi xung đột càng sớm càng tốt trước khi những hiểu lầm, tổn thương của đôi bên trở nên sâu sắc. Việc cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng uất ức và che giấu cảm xúc thật của bản thân chính là nguồn cơn dẫn đến tình trạng trầm cảm sau khi kết hôn.
Để hạn chế suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể duy trì nhịp sống bận rộn của mình bằng cách thiền định, tập yoga, chơi thể thao, ghi danh vào một lớp học vẽ tranh, nấu ăn, chụp ảnh nào đó hoặc tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện.
Trên đời này, không ai hoàn hảo cả. Khi đã yêu thương hết mình và cùng nhau xây dựng tổ ấm, bạn và đối phương hãy cố gắng chấp nhận trọn vẹn con người của nhau, đồng thời bao dung, thấu hiểu và hỗ trợ nhau tiến bộ, hoàn thiện hơn.
Khi gặp phải trục trặc nghiêm trọng trong mối quan hệ, thay vì âm thầm chịu đựng, độc giả có thể nhờ đến sự can thiệp của chuyên gia tư vấn, bác sĩ tâm thần hay hỏi xin ý kiến của cha mẹ đôi bên. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân trầm cảm sau khi kết hôn cần được trị liệu tâm lý theo liệu pháp cặp đôi, liệu pháp gia đình, thậm chí kết hợp cả thuốc chống trầm cảm.
Nhiều phụ nữ tự tử vì bế tắc trong hôn nhân
Trong thời gian qua, đã có nhiều vụ tự tử vì trầm sau sau sinh khiến dư luận rúng động và bàng hoàng. Nhiều người phụ nữ lần lượt tự tổn thương bản thân hoặc ôm con tự sát. Không chỉ có thể mắc chứng trầm cảm sau khi, nếu hôn nhân không hạnh phúc, thuận lợi, phái đẹp cũng đứng trước nguy cơ bị khủng hoảng tinh thần do bế tắc trong hôn nhân.
Những cuộc tranh cãi, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm nhỏ nhặt sẽ tích tụ theo thời gian và hình thành những áp lực nặng nề lên đời sống hôn nhân. Đây chính là lý do khiến nhiều cặp đôi quyết định ly hôn sau nhiều năm chung sống. Sau cùng, bóng ma của cuộc hôn nhân tan vỡ có thể tàn phá sức khỏe tinh thần của đôi bên, nhất là phụ nữ. Thậm chí, nhiều chị em chọn cách tự tử vì bệnh trầm cảm sau khi kết hôn.
Một báo cáo vào năm 2017 của Viện Sức khỏe Tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, số ca tự tử do trầm cảm ở nước ta lên đến con số 40.000. Theo hội thảo cập nhật kiến thức về căn bệnh trầm cảm trong công tác chăm sóc ban đầu do Hội Bác sĩ Gia đình TPHCM tổ chức tháng 9/2018, riêng ở Việt Nam, số người tự tử vì trầm cảm vào khoảng 36.000 – 40.000 người.
Kết quả khảo sát ở những quốc gia thiếu bình đẳng giới chỉ ra rằng, tỷ lệ nữ giới tự tử cao hơn hẳn. Chẳng hạn, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Trung Quốc vượt xa đàn ông. Số lượng người Trung Quốc tìm đến cái chết chiếm đến 26% dân số thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đã có thời điểm, đến 500 phụ nữ nước này chọn cách kết liễu đời mình. Đa số họ đều quá bế tắc, tuyệt vọng sau khi kết hôn.
Trong đời sống vợ chồng, căn bệnh trầm cảm chính là một trong những “chất xúc tác” hàng đầu khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt, tan vỡ. Khi những hiểu lầm, bất hòa chất chồng theo năm tháng, những cuộc trò chuyện thường ngày trở nên vô nghĩa và sáo rỗng.
Bên cạnh đó, chứng trầm cảm sau khi kết hôn có thể dẫn đến tâm lý chán sống, tiêu cực, bi quan, căng thẳng, áp lực, mệt mỏi. Đây chính là nguyên nhân phổ biến hình thành tổn thương tâm lý của nhiều người.
Ngoài triệu chứng mất ngủ, chán ăn, suy nhược tinh thần, bệnh nhân cũng rất dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe nguy hiểm, ví dụ bệnh tim mạch, ung thư. Nặng nề hơn, một số người đã tìm cách tự hành hạ bản thân, tổn thương người thân, thậm chí tự sát.
Các chuyên gia cho rằng, những phụ nữ bị trầm cảm sau khi kết hôn thường tự tìm đến cái chết bởi họ dễ bị mệt mỏi, căng thẳng, cô đơn hơn. Trong nhịp sống hiện đại gấp gáp, bộn bề, nhiều cặp vợ chồng ít khi chia sẻ, trò chuyện và khó tìm được tiếng nói chung.
Lúc này, phái đẹp phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống, từ công việc hàng ngày trên cơ quan đến trách nhiệm chăm lo chu toàn cho chồng con và họ hàng hai bên. Vì quá bận rộn, không còn thời gian thư giãn, nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng tinh thần, nhiều chị em rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm, tổn thương tâm lý.
Giáo sư Harriet Presser của Đại học Maryland khuyến cáo, các gia đình trẻ nên cố gắng duy trì lịch sinh hoạt chung cố định với các hoạt động thường ngày đơn giản như: bơi lội, tản bộ, xem phim cuối tuần, đi du lịch… Thêm vào đó, các cặp vợ chồng hãy luôn kề vai sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh.
Đa số yếu tố khiến những cuộc hôn nhân trở nên tồi tệ đều đến từ ngoại cảnh. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất là hai người vẫn luôn đồng hành bên nhau, ủng hộ và nâng đỡ lẫn nhau. Chỉ cần luôn nỗ lực gắn bó sâu sắc và thông cảm cho nhau, bạn và người thương có thể giữ gìn hạnh phúc hôn nhân bền vững.
Ai cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh trầm cảm, trong đó có chứng trầm cảm trước và sau kết hôn. Hành trình vượt qua tình trạng này chưa bao giờ dễ dàng bởi có quá nhiều tác nhân ngoại sinh lẫn nội sinh ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người bệnh. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bạn hãy cố gắng lắng nghe, yêu thương, thấu hiểu và nhường nhịn đối phương để vun đắp tổ ấm của mình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!