Tránh nhầm lẫn giữa chứng đau nửa đầu và rối loạn tiền đình
Đau nửa đầu và rối loạn tiền đình là hai bệnh lý thường gặp với nhiều triệu chứng tương đồng. Làm thế nào để nhận biết chính xác và phân biệt cụ thể hai chứng bệnh này? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp câu hỏi này một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất.
Thông tin cần biết về chứng đau nửa đầu
Đau nửa đầu là bệnh gì?
Đau nửa đầu (đau đầu Migraine) là tình trạng đau đầu một bên với mức độ trung bình đến nặng. Kiểu đau đầu này mang tính chất lành tính, tái phát nhiều lần và thường đi kèm triệu chứng buồn nôn, nôn ói, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Bệnh lý này xuất hiện chủ yếu ở nữ giới, phổ biến ở độ tuổi 12 – 40 và có xu hướng giảm dần theo thời gian.
Triệu chứng điển hình của chứng đau nửa đầu
Những cơn đau nửa đầu thường kéo dài 4 – 72 tiếng đồng hồ ở một bên đầu, có thể thay đổi bên đau giữa hai lần đau liên tiếp với cảm giác đau theo nhịp điệu, đi kèm biểu hiện buồn nôn, nôn ói. Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi bệnh nhân vận động mạnh hoặc đến nơi ồn ào, nhiều ánh sáng.
Đôi khi, người bệnh sẽ cảm thấy tê nhẹ một bên đầu, ù tai, nhìn thấy chớp sáng, hoa mắt… tối đa 60 phút trước khi cơn đau nửa đầu chính thức xuất hiện.
Nguyên nhân hình thành bệnh đau nửa đầu
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến bệnh đau nửa đầu vẫn chưa được làm rõ. Theo một số giả thuyết, những cơn đau phiền toái này bắt nguồn từ tình trạng rối loạn chức năng thần kinh (bao gồm trạng thái mất cân bằng của chất dẫn truyền thần kinh và hiện tượng co thắt mạch máu). Bên cạnh đó, các dạng đột biến gen nhất định có thể thúc đẩy bệnh lý khởi phát.
Ngoài ra, chứng đau nửa đầu cũng thường được kích hoạt bởi thói quen tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh (món ăn nhiều dầu mỡ, phụ gia, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh…).
Phương pháp điều trị và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu
Công tác điều trị phụ thuộc vào mức độ cơn đau. Nếu bị đau đầu từ mức độ nhẹ đến trung bình, người bệnh có thể đáp ứng tốt với những loại thuốc giảm đau thông thường. Thế nhưng, nếu các cơn đau đầu trở nên tồi tệ và thường xuyên lặp lại trong vòng một tuần, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc chỉ định thuốc đối vận dopamine, thuốc đồng vận thụ thể 5-HT1 hoặc một số loại thuốc an thần khác.
Để chủ động phòng tránh bệnh lý này, độc giả cần triệt tiêu mọi yếu tố kích thích triệu chứng khởi phát bằng cách:
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ
- Kiêng cữ rượu bia, chocolate, một số loại pho mát
- Hạn chế lao động quá sức
- Tránh xa tiếng ồn và ánh sáng chói lóa
- Dành thời gian thư giãn tinh thần
- Tập yoga, thiền định và chơi thể thao thường xuyên
Kiến thức tổng quan về bệnh rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh gì?
Rối loạn tiền đình (Vestibular Disorder) là tình trạng hệ thống tiền đình hoạt động bất thường, bắt nguồn từ dây thần kinh số 8 và liên quan trực tiếp đến khả năng duy trì thăng bằng của cơ thể. Khi cơ quan tiền đình tổn thương, những thông tin được truyền dẫn từ não bộ đến các bộ phận còn lại bị sai lệch rõ rệt. Vì vậy, bệnh nhân sẽ ù tai, hoa mắt, chóng mặt, chao đảo, mất thăng bằng…
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiền đình
Khi hệ thống tiền đình bị tổn thương, các triệu chứng rối loạn tiền đình (bao gồm buồn nôn, ù tai, chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế, di chuyển, đi lại) sẽ lần lượt xuất hiện. Bệnh lý thường khởi phát ở độ tuổi trung bình là 60 và phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tiền đình
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình thường gặp nhất là: thiểu năng tuần hoàn máu não, chấn thương não, thiếu máu cục bộ, xơ cứng, viêm nhiễm mạch máu, huyết áp bất ổn, các vấn đề về thần kinh, tim mạch khiến dây thần kinh số 8 bị tổn thương, chóng mặt tư thế kịch phát…
Phương pháp chăm sóc và điều trị
Ở giai đoạn cấp tính, nếu bị chóng mặt, nôn ói, hoa mắt, mất thăng bằng, bệnh nhân nên:
- Dùng thuốc chống nôn dạng tiêm tĩnh mạch
- Nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, rộng rãi, yên tĩnh
- Kê đầu thấp, tránh xoay lắc quá nhiều
- Bù nước và chất điện giải liên tục
- Sử dụng thuốc Tây theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: thuốc an thần benzodiazepine (valium, diazepam), thuốc ức chế canxi chọn lọc (cinnarizine, flunarizine), thuốc kháng histamin (diphenhydramine, promethazine), thuốc piracetam (piracetam, nootropyl), thuốc almitrine-raubasine (vectarion, duxil), thuốc ginkgo biloba (tanaka)…
Phân biệt chứng đau nửa đầu và rối loạn tiền đình
Chứng đau nửa đầu và rối loạn tiền đình là hai bệnh lý nội thần kinh thường gặp. Các triệu chứng của chúng luôn gây khó chịu, xuất hiện từng cơn và tái phát nhiều lần, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nếu những cơn đau đầu xảy ra lần đầu, người bệnh thường dễ dàng nhầm lẫn chứng đau nửa đầu và rối loạn tiền đình. Việc xác định sai bệnh lý và điều trị không đúng nguyên nhân có thể khiến bệnh tình nhanh chóng trở nên tồi tệ và dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những thông tin cơ bản giúp bạn phân biệt hai chứng bệnh này:
Giống nhau
Chứng đau nửa đầu và rối loạn tiền đình có cùng triệu chứng chóng mặt, đau đầu (bệnh nhân đau nửa đầu ít chóng mặt hơn), buồn nôn, nôn ói, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, suy giảm trí nhớ…
Khác nhau
Chứng đau nửa đầu
- Cơn đau đầu giật giật, như mạch đập
- Đau một bên đầu (bên trái hoặc bên phải) hay đau cả đầu
- Mức độ đau đầu từ trung bình đến nặng
- Cơn đau tăng lên rõ rệt khi bệnh nhân vận động (di chuyển, leo cầu thang…)
- Người bệnh không bị ù tai, có thể ngồi/đứng và điều khiển nhận thức bình thường
Hội chứng rối loạn tiền đình
- Cơn đau không đặc trưng ở từng vị trí cụ thể, khó xác định vị trí đau đầu
- Chao đảo, quay cuồng, mất thăng bằng
- Cơn đau nặng, gây mất nhận thức
- Thay đổi cảm xúc và tâm lý: hoảng loạn, lo âu, tự ti, trầm cảm, mất tự chủ
- Bệnh nhân bị ù tai
Độc giả cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán phân biệt và điều trị kịp thời. Việc tự ý đoán bệnh và dùng thuốc giảm đau không kê toa trong một khoảng thời gian dài có thể gây tăng huyết áp và tác động tiêu cực đến chức năng gan – thận cùng hệ tiêu hóa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!