Migraine tiền đình là gì? Chẩn đoán và điều trị thế nào?
Những dấu hiệu nhận biết điển hình của bệnh Migraine tiền đình thường xuất hiện trong độ tuổi trưởng thành. Để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng, bệnh nhân cần kết hợp điều trị nội khoa và áp dụng các biện pháp hỗ trợ không cần dùng thuốc.
Bệnh Migraine tiền đình là gì?
Bệnh Migraine tiền đình (bệnh đau nửa đầu) là tập hợp những cơn đau đầu với mức độ từ vừa đến nặng, đi kèm biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, nhạy cảm với âm thanh và nhạy cảm với ánh sáng.
Các cơn đau nửa đầu sẽ diễn ra trong vài phút đến vài ngày và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải trải qua một giai đoạn cảnh báo (dấu hiệu thoáng qua) trước khi cơn đau đầu chính thức xuất hiện. Lúc này, họ cũng có thể gặp một số rối loạn thị giác (có điểm mù, thấy tia sáng lóe lên), ngứa ran tay chân, một bên mặt, khó nói chuyện…
Nhìn chung, những cơn chóng mặt tự phát của bệnh Migraine tiền đình thường xuất hiện khi bệnh nhân thay đổi vị trí đầu đột ngột và kéo dài khoảng 5 phút đến 3 ngày.
Gần đây, các tiêu chuẩn chẩn đoán căn bệnh này đã được Hiệp hội Đau đầu Quốc tế và Hiệp hội Bárány cập nhật rõ ràng trong tài liệu Phân loại Quốc tế các Rối loạn Đau đầu (ICHD) phiên bản thứ 3. Việc chẩn đoán bệnh lý dựa trên thời gian mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng, đặc điểm triệu chứng, tiền sử bị Migraine cùng mối quan hệ về mặt thời gian của các cơn chóng mặt với những triệu chứng khác.
Biểu hiện đau đầu thường không diễn ra cùng lúc với những cơn bệnh cấp tính. Vì vậy, các đặc trưng khác của bệnh Migraine tiền đình (chẳng hạn dấu hiệu thoáng qua hoặc trạng thái sợ ánh sáng) cần được khai thác cẩn thận.
Trong khoảng thời gian chưa hình thành triệu chứng, công tác thăm khám và chẩn đoán khó phát hiện ra những đặc điểm đáng kể và đặc hiệu. Hiện nay, sinh lý bệnh của bệnh Migraine tiền đình vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Có ba dạng Migraine tiền đình, đó là:
- Migraine tiền đình có dấu báo thoáng qua: Bệnh nhân trải qua nhiều dấu hiệu cảnh báo về sự xuất hiện của cơn đau nửa đầu (ví dụ nhìn thấy tia sáng lóe lên).
- Migraine tiền đình không có dấu báo thoáng qua: Đây là dạng bệnh phổ biến nhất, với những cơn đau xuất hiện bất ngờ và không thể lường trước.
- Migraine tiền đình có dấu báo thoáng qua nhưng không đau đầu (đau nửa đầu thầm lặng): Người bệnh gặp nhiều triệu chứng báo trước nhưng cơn đau đầu lại không xảy ra.
Bệnh Migraine tiền đình có thể hình thành ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Chứng bệnh này rất phổ biến ở nữ giới và người cao tuổi. Đối với bệnh nhân lớn tuổi (nhất là phụ nữ sau mãn kinh), đôi khi, những cơn đau nửa đầu điển hình có thể được thay thế bằng vài đợt xuất hiện độc lập và thoáng qua của biểu hiện choáng váng, chóng mặt, mất thăng bằng.
Để đẩy lùi triệu chứng, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, uống thuốc cắt cơn cấp tính và tích cực điều trị dự phòng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh Migraine tiền đình
Hiện nay, nguồn gốc phát sinh của bệnh Migraine tiền đình vẫn chưa được hiểu biết cặn kẽ. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và môi trường có thể là hai tác nhân hàng đầu gây ra vấn đề sức khỏe này. Bên cạnh đó, những yếu tố sau cũng góp phần kích hoạt triệu chứng:
- Sự biến động nồng độ nội tiết tố bên trong cơ thể phái đẹp khi đang mang thai, trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, sau khi mãn kinh
- Sử dụng những loại thuốc Tây chứa nội tiết tố (ví dụ thuốc tránh thai), tuy nhiên, một số chị em lại ít bị đau đầu hơn khi dùng các loại thuốc này
- Thói quen lạm dụng rượu bia, cà phê, trà đặc
- Thường xuyên áp lực, căng thẳng, lo âu
- Tiếp xúc với mùi mạnh, nồng của nước sơn, nước hoa, khói thuốc, âm thanh chói lai, ánh sáng lóa mắt…
- Hoạt động thể chất quá nặng nhọc (thậm chí thói quen quan hệ tình dục mạnh bạo cũng khiến nhiều người bị đau nửa đầu)
- Mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ quá ít hoặc quá nhiều
- Sự thay đổi của thời tiết và áp suất không khí
- Dung nạp nhiều loại thực phẩm mặn – ngọt hoặc chứa nhiều phụ gia (gia vị, bột ngọt, màu thực phẩm, chất bảo quản…)
Những đối tượng có nguy cơ mắc chứng Migraine tiền đình cao là:
- Phụ nữ
- Những người có người thân từng bị bệnh này
- Những người trong độ tuổi 30 (mức độ nặng nề của các cơn đau giảm dần sau mỗi 10 năm)
Dấu hiệu nhận biết bệnh Migraine tiền đình
Bệnh Migraine tiền đình có thể xuất hiện vào thời thơ ấu hoặc bắt đầu ở độ tuổi niên thiếu, trưởng thành. Bệnh lý bao gồm 4 giai đoạn cụ thể là giai đoạn tiền triệu chứng, giai đoạn dấu báo thoáng qua, giai đoạn đau nửa đầu và giai đoạn sau cơn đau nửa đầu. Thế nhưng, không phải mọi bệnh nhân đều trải qua đầy đủ những giai đoạn trên.
Giai đoạn tiền triệu chứng
Trước khi cơn đau đầu xuất hiện khoảng 1 – 2 ngày, bệnh nhân sẽ trải qua nhiều dấu hiệu cảnh báo về cơn đau nửa đầu sắp tới như: thèm ăn, cứng cổ, táo bón, khát nước, tiểu nhiều, ngáp nhiều, thay đổi tâm trạng (từ buồn chán sang hưng phấn)…
Giai đoạn dấu báo thoáng qua
Một số bệnh nhân phát hiện các dấu báo thoáng qua trước khi thực sự trải nghiệm cơn đau nửa đầu khó chịu. Các biểu hiện lộ diện từ từ, rõ ràng hơn sau vài phút và xảy ra khoảng 20 – 60 phút.
- Mất thị lực tạm thời
- Rối loạn thị giác (thấy một tia sáng lóe lên hoặc nhiều điểm sáng xuất hiện cùng lúc)
- Cảm giác châm chích ở một bên tay chân
- Tê yếu một bên cơ thể hoặc một bên khuôn mặt
- Khó nói chuyện
- Nghe thấy tiếng nhạc hoặc tiếng ồn bên tai
- Không thể kiểm soát tốt những chuyển động của cơ thể
Giai đoạn đau nửa đầu
Nếu không được can thiệp điều trị, những cơn đau nửa đầu của bệnh Migraine tiền đình thường kéo dài khoảng 4 – 72 tiếng. Trong khoảng thời gian này, người bệnh có thể:
- Đau nửa đầu bên phải hoặc bên trái
- Đau như vừa bị đập đầu hoặc nhói lên thoáng chốc
- Nhạy cảm với mùi hương, âm thanh và ánh sáng
- Buồn nôn và nôn ói
Giai đoạn sau cơn đau nửa đầu
Sau khi đối mặt với cơn đau nửa đầu, hầu hết bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thiếu tỉnh táo, cần nghỉ ngơi cả ngày. Ngược lại, một số người khác lại cảm thấy phấn chấn hơn hẳn. Lưu ý, việc vận động, xoay trở phần đầu một cách đột ngột có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu xuất hiện lần nữa.
Biện pháp chẩn đoán bệnh Migraine tiền đình
Độc giả hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt nếu:
- Cơn đau diễn ra bất ngờ, đột ngột, dữ dội, đau như búa bổ
- Đau nửa đầu đi kèm triệu chứng cứng cổ, sốt cao, co giật, song thị (nhìn đôi), khó nói chuyện, tê yếu chân tay, rối loạn tâm thần…
- Đau nửa đầu sau khi bị chấn thương vùng đầu, đặc biệt là khi cường độ cơn đau tăng lên nhanh chóng
- Đau nửa đầu mạn tính, kéo dài, đau nhiều hơn khi ho, thở khó lúc căng thẳng, cố sức hay cử động đột ngột
- Cơn đau đầu mới hình thành từ sau tuổi 50
Bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán bệnh lý bằng cách kiểm tra tình trạng sức khỏe thần kinh và thể chất, lắng nghe bệnh nhân mô tả triệu chứng cũng như xem xét tiền sử bệnh của họ và gia đình.
Nếu những cơn đau nửa đầu mang tính chất bất thường, diễn biến phức tạp hoặc đột ngột trở nên nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm nhằm loại trừ nguyên nhân, chẳng hạn:
- Chụp CT: Kỹ thuật này giúp thu được hình ảnh chi tiết cắt ngang bộ não bằng cách sử dụng tia X. Căn cứ vào kết quả CT, bác sĩ sẽ xác định vị trí chảy máu, tổn thương, nhiễm trùng bên trong não bộ cùng những nguyên nhân khác gây ra cơn đau nửa đầu.
- Chụp MRI: Thông qua việc ứng dụng sóng vô tuyến và từ trường nhằm tạo nên hình ảnh chi tiết của toàn bộ mạch máu và não bộ, bác sĩ có thể chẩn đoán những vấn đề dẫn đến triệu chứng đau đầu (nhiễm trùng, xuất huyết não, khối u, đột quỵ…)
Vào năm 2012, đại diện cộng đồng khoa học quốc tế, Hiệp hội Bárány đã giới thiệu một bảng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Migraine tiền đình. Có hai trường hợp chính là có thể là Migraine tiền đình và Migraine tiền đình, cụ thể:
Migraine tiền đình
- A/ có tối thiểu 5 đợt bệnh với những triệu chứng tiền đình mức độ trung bình đến dữ dội, xảy ra từ 5 phút – 72 tiếng
- B/ tiền sử trước đó hoặc bệnh sử hiện tại mắc Migraine có hoặc không có dấu báo thoáng qua theo chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn Phân loại Quốc tế về các rối loạn đau đầu (ICHD-II 2004)
- C/ có tối thiểu 1 đặc trưng của bệnh Migraine tiền đình trong ít nhất 50% tổng số đợt có biểu hiện tiền đình (đau đầu một bên từ trung bình đến dữ dội, đau theo nhịp mạch đập, sợ ánh sáng, sợ âm thanh, aura thị giác…)
- D/ không thể được giải thích hợp lý theo tiêu chuẩn Phân loại Quốc tế về các rối loạn đau đầu
Có thể là Migraine tiền đình
- A/ có tối thiểu 5 đợt bệnh với những triệu chứng tiền đình mức độ trung bình đến dữ dội, xảy ra từ 5 phút – 72 tiếng
- B/ chỉ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chuẩn B hoặc C trong chẩn đoán bệnh Migraine tiền đình (về những đặc trưng Migraine của đợt có triệu chứng tiền đình hoặc tiền sử Migraine)
- C/ không thể được giải thích hợp lý theo tiêu chuẩn Phân loại Quốc tế về các rối loạn đau đầu
Các tiêu chí chẩn đoán trên cũng được ghi nhận trong phiên bản beta (phiên bản thứ ba) của tài liệu Phân loại Quốc tế các rối loạn đau đầu (ICHD-III 2013). Tuy nhiên, văn bản này chỉ đề cập đến những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Migraine tiền đình (đã lược bỏ tiêu chuẩn chẩn đoán có thể là Migraine tiền đình theo bảng phân loại của Hiệp hội Bárány) với những đặc điểm sau:
- A/ có tối thiểu 5 đợt bệnh thảo mạn tiêu chuẩn C và D
- B/ tiền sử trước đó hoặc bệnh sử hiện tại bị Migraine có hoặc không có dấu báo thoáng qua
- C/ xuất hiện những triệu chứng tiền đình ở mức độ trung bình đến nặng, kéo dài 5 phút – 72 giờ
- D/ tối thiểu 50% tổng đợt bệnh đi kèm ít nhất 1 trong 3 điểm đặc trưng của bệnh Migraine tiền đình: đau đầu (đau đầu một bên, đau đầu theo nhịp mạch đập, cường độ đau từ trung bình đến dữ dội, đau nặng hơn khi tham gia những hoạt động thể chất hàng ngày); sợ tiếng động và ánh sáng; nhận thấy dấu hiệu thoáng báo thị giác
- E/ không thể được giải thích hợp lý theo tiêu chuẩn ICHD-III
Phương pháp điều trị bệnh Migraine tiền đình
Thông thường, công tác điều trị bệnh Migraine tiền đình được cá nhân hóa ở từng bệnh nhân. Chiến lược điều trị bệnh Migraine tiền đình tương tự chiến lược điều trị bệnh đau đầu Migraine.
Phương pháp điều trị bệnh Migraine tiền đình chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa, bao gồm điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng. Bên cạnh đó, một số phương pháp hỗ trợ không dùng thuốc (thay đổi thói quen, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu) cũng được áp dụng kết hợp.
Điều trị nội khoa
- Điều trị cắt cơn
Bệnh nhân có thể cải thiện những cơn đau nửa đầu kéo dài trên 45 phút bằng cách uống thuốc nôn (domperidone, metoclopramide) cùng thuốc kháng viêm không chứa steroid (diclofenac, ibuprofen) hay thuốc giảm đau (paracetamol dạng thuốc đạn hoặc acid acetylsalicylic dạng viên hòa tan). Đối với một số ca bệnh đơn lẻ, thuốc triptan sẽ đẩy lùi những cơn chóng mặt một cách nhanh chóng.
- Điều trị dự phòng
Công tác điều trị dự phòng thường bao gồm ba loại thuốc, đó là: thuốc chẹn kênh canxi (flunarizine), thuốc kháng động kinh (valproate, lamotrigine, gabapentin, topiramate), các thuốc chống trầm cảm (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-noradrenaline chọn lọc) và các thuốc chẹn thụ thể B.
Biện pháp hỗ trợ chữa bệnh không dùng thuốc
Độc giả có thể chủ động giảm nhẹ triệu chứng tại nhà bằng cách:
- Cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày
- Lựa chọn trang phục thoáng mát, rộng rãi
- Chườm mát vùng trán thường xuyên
- Dành nhiều thời gian thư giãn, nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, đủ tối
- Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu vùng đầu
- Quản lý công việc một cách khoa học, hợp lý
- Hạn chế thẳng, áp lực
- Luyện tập thể dục – thể thao chăm chỉ, điều độ
- Ghi chép thông tin cần thiết khi cơn đau đầu xuất hiện
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh thừa cân – béo phì
Nhìn chung, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát chứng Migraine tiền đình bằng cách chủ động thăm khám, tuân thủ phác đồ chữa bệnh, điều chỉnh lối sống và tích cực rèn luyện sức khỏe. Để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng, hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện bất cứ triệu chứng bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!