Ám Ảnh Vì Đã Từng Bị Xâm Hại Tình Dục Và Cách Vượt Qua
Ám ảnh vì từng bị xâm hại tình dục gây ra sự đau khổ sâu sắc khiến nạn nhân khó có thể học tập, làm việc như bình thường và có xu hướng sống khép kín, tách biệt. Về lâu dài, nỗi ám ảnh dai dẳng còn gây ra nhiều vấn đề về tâm lý.
Ám ảnh vì từng bị xâm tình dục – Dấu hiệu nhận biết
Xâm hại tình dục là sự kiện gây sang chấn tâm lý nghiêm trọng đối với mỗi người, đặc biệt là ở trẻ em. Trong những năm gần đây, các trường hợp bị xâm hại tình dục tăng lên đáng kể. Trung bình nước ta có khoảng 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm với nhiều mức độ và ảnh hưởng khác nhau.
So với người trưởng thành, các hành vi xâm hại tình dục sẽ gây ám ảnh nặng nề hơn cho trẻ nhỏ bởi trẻ còn rất non nớt, chưa có kinh nghiệm sống và không biết cách để vượt những tổn thương tinh thần. Bên cạnh nỗi đau thể xác, người bị xâm hại sẽ bị ám ảnh bởi khuôn mặt, giọng nói và hành vi của kẻ đã xâm hại mình trong suốt nhiều năm trời gây ra sự đau khổ tột cùng.
Ở trẻ em, sự ám ảnh vì đã từng bị xâm hại tình dục khiến trẻ đánh mất đi tuổi thơ trong sáng và khó có thể vui vẻ, lạc quan như bạn bè đồng trang lứa. Nếu nhận được sự nâng đỡ từ gia đình và những người xung quanh, người bị xâm hại có thể vượt qua nỗi đau và tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Vì vậy, gia đình cần chú ý đến những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện con cái, người thân trong gia đình đang bị ám ảnh vì đã từng bị xâm hại tình dục.
Các dấu hiệu nhận biết ám ảnh do từng bị xâm hại tình dục:
- Biểu hiện đầu tiên của nỗi ám ảnh vì bị xâm hại tình dục là hoảng loạn và sợ hãi tột độ. Trẻ nhỏ và người lớn đều có phản ứng chung là khóc lóc, khuôn mặt lộ rõ sự kinh sợ và thất thần.
- Nạn nhân của xâm hại tình dục thường có những hồi tưởng liên quan đến sự kiện này (có thể xuất hiện trong ý nghĩ, giấc mơ hoặc ảo giác). Các hình ảnh liên quan đến xâm hại tình dục lặp đi lặp lại khiến nạn nhân luôn trong trạng thái bất ổn, sợ hãi và luôn đề phòng với những người xung quanh.
- Song song với cảm giác kinh sợ là sự xấu hổ, chán ghét và tự dằn vặt bản thân. Ngoài ra, không ít nạn nhân xâm hại tình dục tỏ ra ghét bỏ chính mình và cho rằng bản thân đã bị vấy bẩn.
- Người bị ám ảnh vì đã từng bị xâm hại tình dục thường sống khép kín, tách biệt với mọi người. Trẻ em sẽ mất đi sự hồn nhiên vốn có và khó có thể có được tuổi thơ trọn vẹn như những trẻ khác.
- Những hình ảnh liên quan đến sự kiện xâm hại tình dục có thể lặp đi lặp lại gây ra sự đau khổ, lo lắng, buồn phiền, mất tự tin, xấu hổ,… Tâm lý này khiến không ít người khép mình và không dám nghĩ đến chuyện hẹn hò, kết hôn vì cảm thấy bản thân không xứng đáng.
- Tâm lý đau khổ, xẩu hổ, bi quan khiến trẻ nhỏ mất tập trung khi học tập và lâu dài sẽ gây ức chế phát triển tư duy.
Ám ảnh là phản ứng chung sau khi trải qua những sự kiện có tính chất khủng khiếp. Thông thường, phản ứng này cùng với các cảm xúc tiêu cực sẽ xuất hiện trong khoảng vài ngày đến vài tuần và sau đó sẽ thuyên giảm dần. Tuy nhiên nếu không có biện pháp khắc phục, ám ảnh về việc từng bị xâm hại tình dục có thể kéo dài đằng đẵng gây tổn thất nặng nề về tinh thần, thể chất,…
Ảnh hưởng của nỗi ám ảnh do từng bị xâm hại tình dục
Xâm hại tình dục là vấn đề nhức nhối và được quan tâm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể nhìn thấy chỉ là bề nổi của tảng băng trôi.
Thực tế, rất nhiều nạn nhân xâm hại tình dục không dám tố cáo vì ý thức chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc vì kẻ xâm hại là người thân quen. Những trường hợp này thường phải chịu đựng nỗi đau một mình nên cảm giác đau khổ, tủi nhục, xấu hổ, ám ảnh,… sẽ kéo dài trong nhiều năm và đôi khi để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Ám ảnh là phản ứng khó tránh khỏi sau khi bị xâm hại tình dục. Mức độ ám ảnh phụ thuộc vào mức độ xâm hại, tính cách và kinh nghiệm sống của từng nạn nhân. Trong đó, những người có tính cách yếu đuối và trẻ em sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Sự ám ảnh quá mức khiến nạn nhân xâm hại tình dục sống khép kín, e ngại giao tiếp, không tự tin khi bắt đầu các mối quan hệ và thậm chí có nỗi sợ mạnh mẽ đối với tình dục. Do đó, những người sau khi bị xâm hại tình dục rất khó có thể mở lòng và thường lựa chọn cuộc sống độc thân.
Ở trẻ em, sự ám ảnh vì đã bị xâm hại tình dục khiến trẻ mất đi sự hồn nhiên, vui tươi vốn có. Thay vào đó là cảm giác tự ti, xấu hổ, đau khổ, sống khép kín và tự tách biệt với mọi người. Ngay cả khi nhận được sự yêu thương và đồng cảm từ mọi người, trẻ cũng khó có thể quên được vết thương này.
Ám ảnh do từng bị xâm hại tình dục và những hậu quả khôn lường:
- Sự ám ảnh quá mức giới hạn việc trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân bao gồm cả trẻ em và người lớn.
- Các cảm xúc tiêu cực do sự kiện sang chấn gây ra khiến trẻ thụ động, học tập kém. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng tương lai và quá trình phát triển nhân cách của trẻ.
- Gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ám ảnh sợ xã hội, hội chứng Self-Harm và trầm cảm.
- Một số người tìm đến bia rượu và chất gây nghiện với mong muốn quên đi phần kí ức “đen tối” này.
- Nỗi ám ảnh quá mức về việc từng bị xâm hại có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát.
Có thể nói, xâm hại tình dục là sự kiện có tính chất vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của nạn nhân. Ở trẻ em, ảnh hưởng thường nặng nề hơn do tâm hồn còn non nớt và trẻ chưa có đủ kinh nghiệm sống để vượt nỗi đau này. Chính vì vậy, gia đình và những người xung quanh cần phải có sự quan tâm đến nạn nhân bị xâm hại .
Cách vượt qua ám ảnh vì từng bị xâm hại tình dục
Bên cạnh nỗi đau về thể chất, người từng bị xâm hại tình dục không thể tránh khỏi những vấn đề tâm lý. Để giảm thiểu các ảnh hưởng do tình trạng này, những người xung quanh cần quan tâm, chia sẻ, bày tỏ thấu cảm và bản thân nạn nhân cũng cần phải nỗ lực vượt qua.
Cách vượt qua ám ảnh vì từng bị xâm hại tình dục:
1. Sự quan tâm và chia sẻ từ những người xung quanh
Phản ứng của những người xung quanh có vai trò rất quan trọng đối với nạn nhân bị ám ảnh vì từng bị xâm hại. Để tránh khơi gợi nỗi đau, gia đình không nên đề cập đến sự kiện gây sang chấn và không tỏ thái độ trách móc, chì chiết vì cho rằng lỗi là của nạn nhân.
Thay vào đó, hãy thể hiện các hành động yêu thương để nạn nhân cảm nhận được sự che chở, bảo vệ và cảm thấy an toàn khi ở cạnh những người thương yêu. Bên cạnh đó, cần lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của nạn nhân bởi lúc này, tâm lý của người bị xâm hại rất bất ổn và cần được chấp nhận thay vì răn đe hay dạy bảo.
Vào giai đoạn này, bản thân nạn nhân sợ những lời nói, hình ảnh, hành vi,… có liên quan đến kẻ xâm hại. Do đó, gia đình cần đảm bảo nạn nhân được sống trong môi trường lành mạnh để có thể vượt qua nỗi đau và lấy lại tinh thần sống lạc quan.
Khi nạn nhân quay trở lại với công việc và học tập, những người xung quanh nên tỏ ra bình thường, tránh quan tâm thái quá hoặc cô lập nạn nhân. Tất cả những phản ứng này đều tạo ra tâm lý không thoải mái và vô tình khắc sâu nỗi đau của người bị xâm hại.
2. Học hỏi từ các nạn nhân khác
Xâm hại tình dục không chỉ gây ra sự ám ảnh cho trẻ nhỏ mà còn để lại tổn thương đối với người lớn. Với kinh nghiệm sống dày dạn, người lớn sẽ ít hoảng loạn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì đã nhận thức được sự méo mó, biến thái trong hành vi của kẻ xâm hại nên sự ám ảnh có thể dai dẳng trong nhiều năm và thậm chí kéo dài suốt cả cuộc đời.
Thay vì giữ những suy nghĩ tiêu cực, nên liên hệ với những nạn nhân từng bị xâm hại tình dục để học hỏi cách vượt qua và đương đầu với nỗi đau tinh thần. Thực tế, rất nhiều trường hợp bị xâm hại nặng nề và chịu sự chì chiết, trách móc của những người xung quanh nhưng vẫn mạnh mẽ vượt qua.
Xâm hại tình dục dù xảy ra trong hoàn cảnh nào đều không phải là lỗi của nạn nhân. Vì vậy, bạn không nên trách móc bản thân hay cảm thấy bản thân đáng ghét, kinh tởm. Cuộc sống là một hành trình dài và đôi khi sẽ có những sự kiện xảy ra không như mong muốn. Tuy nhiên, việc đương đầu để vượt qua hay gục ngã là lựa chọn của chính bạn.
3. Trị liệu tâm lý
Hầu hết những nạn nhân bị xâm hại tình dục đều phải can thiệp trị liệu tâm lý. Bởi rất khó có thể gạt bỏ hình ảnh, suy nghĩ về kẻ đã gây ra tổn thương cho chính mình. Nếu cần thiết, gia đình nên cho nạn nhân tham gia trị liệu để có thể ổn định tâm lý, vượt qua nỗi ám ảnh và tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống.
Trị liệu tâm lý là phương pháp chữa lành tâm hồn thông qua lời nói. Các chuyên gia tâm lý có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý, cảm xúc và suy nghĩ của nạn nhân. Từ đó giúp nạn nhân giải tỏa tâm trạng, gạt bỏ những suy nghĩ không đúng về bản thân và học cách buông bỏ để có thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn.
Nếu can thiệp trị liệu tâm lý sớm, nạn nhân của xâm hại tình dục có thể hạn chế nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý nặng nề như rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu, trầm cảm và các rối loạn khác liên quan đến stress. Ngoài ra, trị liệu tâm lý cũng giúp nạn nhân có thêm kĩ năng và kinh nghiệm để tự bảo vệ bản thân, học cách giải tỏa căng thẳng và trau dồi những kỹ năng cần thiết phục vụ cho cuộc sống.
Nỗi ám ảnh vì đã từng bị xâm hại tình dục gây ra sự đau khổ dai dẳng. Chính vì vậy, gia đình và những người xung quanh cần yêu thương, quan tâm và chia sẻ để nâng đỡ tinh thần cho nạn nhân. Ngoài ra, bản thân người bị xâm hại cũng cần nỗ lực để vượt qua nỗi đau và đón nhận những điều tốt đẹp đang chờ ở tương lai.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!