Cai Nghiện Game Cho Trẻ: Những Điều Cha Mẹ Nên Biết
Để cai nghiện game cho trẻ, bố mẹ cần có biện pháp khắc phục phù hợp và cách ứng xử thấu đáo. Những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bố mẹ biết cách giúp trẻ vượt qua tình trạng này một cách hiệu quả.
Những điều bố mẹ cần biết khi cai nghiện game cho trẻ
Trẻ nhỏ rất dễ bị nghiện game online do các trò chơi trực tuyến ngày nay đã được cải tiến rất nhiều, mang lại cảm giác hứng thú và lôi cuốn. Về mặt tích cực, chơi game giúp các con giải tỏa căng thẳng từ việc học tập và nạp nguồn năng lượng tích cực để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Ngoài ra, chơi game với tần suất vừa phải cũng giúp trẻ linh hoạt, nhạy bén và rèn cho bản thân các kỹ năng tin học cần thiết.
Tuy nhiên, chơi game online là hoạt động rất dễ gây nghiện – đặc biệt là với trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Nguyên nhân là do khi chơi game, não bộ sẽ sản sinh các morphine nội sinh có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn và thoải mái. Cảm giác này thôi thúc trẻ chơi game liên tục trong nhiều giờ liền và không kiểm soát được sự phấn khích quá độ.
Nghiện game online đang là vấn nạn toàn cầu mà học sinh, sinh viên và người trẻ phải đối mặt. Người mắc chứng bệnh này không chế ngự được cảm giác thích thú khi chơi game, từ đó có xu hướng chơi game liên tục trong nhiều giờ liền dẫn đến tình trạng bỏ bê việc học, nghề nghiệp, gia đình, bạn bè và những khía cạnh khác của cuộc sống.
Nếu để tình trạng kéo dài, nghiện game sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống. Chính vì vậy, bố mẹ cần phải nhận biết sớm các dấu hiệu nghiện game và giúp trẻ cai nghiện kịp thời. Đối với những trường hợp chưa nghiêm trọng, gia đình có thể giúp trẻ vượt qua tình trạng nghiện game online bằng cách giáo dục và quan tâm đúng mực. Tuy nhiên để cai nghiện game cho trẻ thành công, bố mẹ cần nắm rõ những điều quan trọng sau:
1. Trao đổi thẳng thắn với con cái
Việc đầu tiên bố mẹ cần làm là trao đổi thẳng thắn với con về việc con có biểu hiện nghiện trò chơi trực tuyến và giải thích cho hiểu những ảnh hưởng của chứng bệnh này đối với sức khỏe, cuộc sống. Ban đầu, trẻ có thể cảm thấy bố mẹ đang nghiêm trọng hóa vấn đề. Vì vậy, gia đình cần đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy (các bài báo, thông tin chính thống,…) để trẻ ý thức hơn về vấn đề chơi game online.
Ngoài ra, trao đổi trước cũng sẽ giúp con chuẩn bị tinh thần cho quá trình cai nghiện game. Nếu thay đổi đột ngột mà không có sự thông báo, phản ứng của trẻ thường gay gắt và đôi khi có những hành vi chống đối.
Khi trò chuyện với con cái, bố mẹ cần thống nhất trước, tránh tình trạng hai người có ý kiến khác nhau, không nhất quán. Điều này sẽ khiến cho con cái xem nhẹ lời nói của bố mẹ và không ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Đa phần trẻ nghiện game đều đã bước vào giai đoạn dậy thì nên tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Do đó, bố mẹ không nên la mắng hay đay nghiến con cái. Thay vào đó, hãy giữ thái độ bình tĩnh, nghiêm khắc nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe. Khi trao đổi với con, hãy để con biết những hậu quả do nghiện game online gây ra và lợi ích khi từ bỏ thói quen này.
2. Đặt quy định về thời gian chơi game và có hình phạt phù hợp
Nếu như trước đây, con trẻ được thoải mái chơi game thì giờ đây, bố mẹ cần quy định cụ thể về thời gian trẻ có thể chơi game giải trí. Tốt nhất, chỉ nên cho trẻ chơi từ 30 – 60 phút mỗi ngày và khoảng 1 – 2 tiếng vào cuối tuần. Tuy nhiên nếu trẻ có thói quen chơi game trong nhiều giờ liền, bố mẹ không nên giảm đột ngột thời gian vì có thể khiến trẻ có phản ứng quá khích.
Khi ra quy định, bố mẹ nên nói rõ để con hiểu cần phải thực hiện đúng nếu không sẽ bị phạt. Thời gian đầu, trẻ sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu, bứt rứt, cáu kỉnh và chống đối. Tuy nhiên, tình trạng sẽ dần được cải thiện sau khoảng vài tuần.
Nếu con trẻ vi phạm, bố mẹ cần chủ động tắt máy tính và yêu cầu con thực hiện hình phạt. Tùy vào độ tuổi, bố mẹ nên đưa ra những hình phạt phù hợp. Đối với trẻ nhỏ, nên phạt trẻ đứng úp mặt vào tường, dọn dẹp nhà cửa, chép phạt,… Với trẻ lớn hơn, bố mẹ nên yêu cầu trẻ làm việc nhà và giảm tiền tiêu vặt.
Các hình phạt này không chỉ giúp trẻ ý thức phải thực hiện đúng quy tắc mà còn rèn luyện tính trách nhiệm trước những hành vi của bản thân. Khi đưa ra hình phạt, bố mẹ nên nhắc để con cái biết những gì trẻ đang phải đối mặt là hậu quả từ hành vi của con. Nếu con có hành vi khác, con sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn.
3. Giảm dần tần suất và thời gian chơi game
Sau một thời gian áp dụng các quy định, bố mẹ nên giảm dần tần suất và thời gian chơi game. Việc này cũng có thể khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu. Vì vậy, bố mẹ nên lựa chọn thời điểm phù hợp, chẳng hạn như vào kỳ thi quan trọng. Hãy lấy lý do muốn con có nhiều thời gian để học tập nên buộc phải giảm thời gian chơi game.
Khi có lý do hợp lý, con cái buộc phải nghe theo lời bố mẹ. Trong khoảng thời gian này, bố mẹ nên khuyến khích con học thêm một số lớp kỹ năng như ngoại ngữ, học vẽ, thanh nhạc,… tùy theo năng khiếu của con. Khi trẻ không có nhiều thời gian, bố mẹ sẽ có lý do để giảm thời gian cho các trò chơi trực tuyến. Hơn nữa, niềm vui từ các lớp học năng khiếu sẽ giúp trẻ quên đi cảm giác hứng thú khi chơi game online. Dần dần trẻ sẽ giảm sự thích thú và có thể cai nghiện game hoàn toàn.
Khi giảm tần suất và thời gian chơi game của con, bố mẹ không nên giảm quá đột ngột. Điều này sẽ khiến cho con cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng. Vì vậy, hãy đưa ra lựa chọn cho con. Chẳng hạn như con muốn giảm 30 phút chơi game mỗi ngày hay chơi game theo lịch 2-4-6 hoặc 3-5-7. Cách ứng xử này sẽ giúp con giảm phản ứng quá khích và cảm thấy được bố mẹ tôn trọng.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên xem xét và đánh giá tâm lý của trẻ để có cách ứng xử phù hợp. Bởi nếu không thấu đáo trong cách hành xử, trẻ có thể nảy sinh những hành vi chống đối và không hợp tác. Thậm chí, một số trẻ còn bỏ nhà đi và giao du với đám bạn xấu.
4. Cho con tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh
Để con quên dần cảm giác hứng thú khi chơi game online, bố mẹ nên cho con tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh. Các hoạt động thể chất như bơi lội, đánh cầu lông, đá bóng,… sẽ giúp trẻ ít nghĩ đến game online và giảm dần thời gian chơi game. Ngoài ra, các hoạt động này cũng giúp con phát triển về chiều cao, thể chất và giải tỏa căng thẳng do áp lực học tập.
Nếu có thời gian, bố mẹ nên dành cuối tuần để cùng con leo núi, cắm trại hoặc chơi các trò chơi mạo hiểm. Những hoạt động vui chơi lành mạnh sẽ giúp con tìm thấy niềm vui từ nhiều khía cạnh của cuộc sống và giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, dành thời gian bên con cái cũng sẽ giúp bố mẹ thấu hiểu tâm lý và biết cách ứng xử phù hợp hơn. Sự quan tâm và thấu hiểu của bố mẹ sẽ giúp trẻ có động lực để cai nghiện game, học tập tốt, ngoan ngoãn và có ý thức rèn luyện những tính cách tích cực.
5. Yêu cầu con làm việc nhà
Game online ra đời với mục đích giải trí và giảm căng thẳng. Do đó, trẻ thường chỉ chơi game khi rảnh rỗi. Ngoài việc cho trẻ tham gia các khóa học năng khiếu và kỹ năng mềm, bố mẹ nên yêu cầu con làm việc nhà để giới hạn tối đa thời gian chơi game mỗi ngày.
Tùy vào độ tuổi của con, bố mẹ xem xét giao cho con các công việc phù hợp như quét nhà, lau nhà, lau các vật dụng trang trí, hút bụi, giặt giũ, phơi/ gấp quần áo, chăm sóc cây cối, nấu nướng,… Khi yêu cầu trẻ làm việc nhà, bố mẹ cũng nên cùng thực hiện để giúp con có ý thức về trách nhiệm đối với gia đình. Hơn nữa khi có bố mẹ làm cùng, trẻ cũng sẽ có động lực để hoàn thành tốt công việc được giao.
6. Có phần thưởng khi trẻ thực hiện tốt các yêu cầu và tuân thủ quy tắc
Để tạo động lực cho con trong quá trình cai nghiện game, bố mẹ nên có phần thưởng cho trẻ. Phần thưởng có thể là món ăn mà trẻ yêu thích, các món đồ chơi trí tuệ, quần áo, cuốn sách, giày dép,… Tránh trường hợp đặt phần thưởng là các trò chơi trực tuyến bởi điều này sẽ khiến trẻ luôn suy nghĩ đến cảm giác thích thú khi chơi game.
Nếu trẻ yêu thích khám phá, bố mẹ có thể tặng cho trẻ chuyến đi xa vào cuối tuần để con có cơ hội trải nghiệm cuộc sống. Khi có phần thưởng, trẻ sẽ hình thành tính trách nhiệm và ý thức hơn về hành vi của bản thân. Đồng thời tạo cho trẻ động lực để vượt qua cám dỗ từ các trò chơi trực tuyến và hướng đến lối sống lành mạnh, khoa học.
7. Không dùng bạo lực khi cai nghiện game cho trẻ
Cai nghiện game cho trẻ mất khá nhiều thời gian và phải đối mặt với không ít khó khăn. Phản ứng chung của trẻ là cáu kỉnh, tức giận, chống đối và thậm chí có những hành vi ngông cuồng, bạo lực. Do đó, không ít gia đình dùng bạo lực để uốn nắn con cái.
Tuy nhiên, các hành vi bạo lực từ gia đình sẽ kích thích mức độ hung hăng, liều lĩnh trong suy nghĩ và hành vi của trẻ. Vì nhiều trẻ bị “ám thị” bởi các hành vi bạo lực từ các trò chơi trực tuyến. Hơn nữa, khi bạo lực bắt nguồn từ gia đình, trẻ sẽ đánh mất niềm tin vào cuộc sống và hình thành những quan niệm sai lệch hoàn toàn.
Trong quá trình cai nghiện game cho trẻ, bố mẹ tuyệt đối không được dùng bạo lực. Thay vào đó, nên dùng lời nói và những hình phạt nghiêm khắc để con thay đổi hành vi và thái độ. Bố mẹ cũng nên xem xét cắt internet nếu trẻ tiếp tục có những hành vi chống đối. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được việc nên thỏa hiệp với những yêu cầu của bố mẹ thay vì giữ tâm lý và hành vi chống đối.
8. Nghiêm khắc và kiên trì
Cảm giác hứng thú và thỏa mãn khi chơi game online sẽ khiến trẻ không thể rời mắt khỏi các trò chơi trực tuyến. Trong khi đó, việc học lại mang đến cho đến những căng thẳng và áp lực nhất định.
Ở lứa tuổi này, trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nên phản ứng chung là chìm đắm trong game để quên đi những khó khăn và áp lực trong cuộc sống thực tại. Chính vì vậy, bố mẹ cần phải kiên trì và nghiêm khắc trong quá trình cai nghiện game cho trẻ.
Các hành vi của trẻ có thể khiến bố mẹ tức giận và có những hành vi quá khích. Do đó, gia đình phải học cách kiềm chế cơn giận để tránh những hành vi bạo lực đối với con cái. Tuy nhiên, vẫn cần giữ sự nghiêm khắc trong lời nói và yêu cầu trẻ tuân thủ tuyệt đối những quy định mà bố mẹ đặt ra.
Sự nghiêm khắc và kiên trì sẽ giúp bố mẹ vượt qua những khó khăn trong quá trình cai nghiện cho trẻ. Ngoài ra nếu có vướng mắc trong quá trình này, gia đình có thể tham vấn tâm lý để hiểu hơn về tâm lý của con, qua đó có thái độ và cách ứng xử thấu đáo.
9. Cho con đến trung tâm cai nghiện game
Trong trường hợp xấu nhất, gia đình nên cho con đến trung tâm cai nghiện game để được điều trị y tế. Trên thực tế, nghiện game online là một dạng rối loạn tâm thần với biểu hiện tương tự như tình trạng nghiện chất kích thích. Do đó, những biện pháp cai nghiện game tại nhà có thể không mang lại hiệu quả.
Nếu cần thiết, bố mẹ nên cho con đến trung tâm cai nghiện game. Tại đây, trẻ sẽ được chẩn đoán và điều trị y tế. Đầu tiên, con sẽ được điều trị nội trú trong 4 – 6 tuần nhằm cắt nhanh cơn nghiện. Sau đó, gia đình sẽ được hướng dẫn về quá trình điều trị củng cố để ngăn chặn tình trạng tái nghiện game và giúp trẻ ổn định lại cuộc sống.
Trong thời gian này, sự hỗ trợ của gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc cai nghiện game cho trẻ. Ngoài sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu, bố mẹ nên khuyến khích con vui chơi thể thao, du lịch, làm việc nhà và phát triển các năng khiếu của bản thân. Các biện pháp này sẽ giúp con tìm thấy niềm vui từ nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống và giảm dần cảm giác thích thú khi chơi game online.
Cai nghiện game cho trẻ là quá trình gian nan với nhiều khó khăn và thử thách. Chính vì vậy, bố mẹ cần trang bị những kiến thức hữu ích để giúp con vượt qua tình trạng này. Nếu cần thiết, nên cho trẻ đến trung tâm cai nghiện để được điều trị kịp thời và tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!