Nghiện Game Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Tâm Lý Như Thế Nào?
Mặc dù tỷ lệ người nghiện game có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nghiện game ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, cuộc sống. Theo các chuyên gia, bệnh lý này gây ra những ảnh hưởng không thua kém tình trạng nghiện chất.
Nghiện game online ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, sức khỏe?
Nghiện game online là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi tình trạng không thể chế ngự cảm giác thích thú khi chơi game. Hậu quả là chơi game liên tục trong nhiều giờ liền và bỏ bê những vấn đề quan trọng khác của cuộc sống như học tập, nghề nghiệp, người thân, các mối quan hệ xã hội,… Nghiện game đã được Tổ chức Y tế Thế giới – WHO công nhận là bệnh tâm thần chính thức, cần được tiếp nhận các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Đối tượng có nguy cơ nghiện game là trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Đây là giai đoạn cơ thể có những thay đổi đột ngột và bắt đầu hình thành nhận thức, suy nghĩ riêng. Tuy nhiên, do hiểu biết chưa vững vàng và thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống nên đa phần người ở độ tuổi này không làm chủ được bản thân và dễ sa đà vào các thói quen không lành mạnh, bao gồm tình trạng nghiện game online.
Mặc dù đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là bệnh tâm thần nhưng phần lớn mọi người đều chưa có những hiểu biết sâu sắc về bệnh lý này – đặc biệt là những hậu quả nghiêm trọng mà người bệnh phải đối mặt. Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, chứng nghiện game online gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm lý, thể chất và chất lượng cuộc sống.
10 Ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý, thể chất và cuộc sống mà người mắc chứng nghiện game phải đối mặt:
1. Gây suy nhược cơ thể
Có thể nói, ảnh hưởng đầu tiên của chứng nghiện game là gây suy nhược cơ thể. Người mắc chứng bệnh này dành nhiều thời gian cho các trò chơi trực tuyến, chơi liên tục không ngưng nghỉ khiến cho sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Ngoài ra, chứng nghiện game cũng khiến người bệnh không ăn uống và ngủ nghỉ điều độ. Nhiều học sinh nhịn ăn nhịn uống để sử dụng tiền phục vụ cho mục đích chơi game.
Về cơ bản, việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong nhiều giờ liền đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Chính vì vậy, tình trạng chơi game liên tục không ngưng nghỉ chắc chắn sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng hơn.
Đa phần những người nghiện game đều là học sinh và sinh viên. Đây là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, nghiện game sẽ trở thành rào cản khiến các em chậm phát triển về chiều cao, cân nặng và phải đối mặt với tình trạng suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, thiếu máu,…
2. Giảm khả năng học tập, làm việc
Đặc điểm thường thấy ở những người nghiện game là bỏ bê toàn bộ những khía cạnh khác của cuộc sống bao gồm việc học và nghề nghiệp. Người mắc chứng bệnh này chỉ chú tâm đến các trò chơi trực tuyến, nhân vật “ảo”, vật phẩm và các thành tích đạt được. Họ hầu như không còn hứng thú hay bất cứ sự quan tâm nào đối với những thứ xung quanh.
Khi chơi game, não bộ sẽ sản sinh các morphine nội sinh tạo ra cảm giác thư giãn, sảng khoái và hưng phấn. Trong khi đó, học tập và làm việc mang đến sự căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, nhiều người muốn chìm đắm trong các trò chơi ảo để trốn tránh những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Ngoài ra, cảm giác thèm muốn chơi game xuất hiện liên tục khiến người bệnh không thể duy trì sự tập trung khi học tập và làm việc. Đồng thời gây ức chế khả năng tư duy, suy nghĩ dẫn đến tình trạng chậm tiếp thu, kết quả học tập kém và thường xuyên gặp phải sai sót trong công việc. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và bỏ học giữa chừng.
3. Khó kiểm soát cảm xúc
Giống như các rối loạn tâm thần khác, nghiện game khiến người bệnh khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Người bệnh thường hưng phấn, vui vẻ và thích thú khi chơi game – đặc biệt là khi đạt được thành tích cao trong các trò chơi và nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người.
Trong thế giới ảo, họ có được những thứ mà ở ngoài thế giới thực không có. Do đó, không ít người tìm đến game online để che giấu những tổn thương tâm lý khi phải sống chung với cha mẹ độc hại, mâu thuẫn với gia đình, thầy cô đối xử thiếu công bằng, bạn bè tẩy chay và cô lập.
Nếu không đạt thành tích cao khi chơi game, tâm lý sẽ chuyển sang trạng thái căng thẳng, bứt rứt, cáu kỉnh, tức giận,… Những cảm xúc này thôi thúc họ tiếp xúc chơi game cho đến khi giành chiến thắng. Về lâu dài, người nghiện game online sẽ hình thành tính cách hiếu thắng, khó chế ngự sự nóng giận và đôi khi có những hành vi bạo lực ở ngoài đời thực.
Khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, người nghiện game thường che giấu chúng bằng các trò chơi trực tuyến. Thay vì giải tỏa bằng cách chia sẻ với những người xung quanh, họ thường kìm nén cảm xúc và giải tỏa bằng những hành vi bạo lực trong game online. Tuy nhiên, tình trạng này lại khiến cho những bất ổn về cảm xúc và hành vi trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Có những hành vi lệch lạc
Nghiện game ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý và đã được chứng minh là nguyên nhân làm gia tăng các hành vi lệch lạc. Ban đầu, trẻ sẽ nói dối để có thời gian chơi game. Sau đó, có những hành vi lừa dối bố mẹ để có tiền phục vụ cho các trò chơi điện tử trực tuyến.
Khi gia đình nhận thấy sự bất thường và từ chối đáp ứng yêu cầu, trẻ rất nhanh sẽ có phản ứng quá khích, nóng nảy và tức giận. Nhiều trẻ bắt đầu có những hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn như trộm cắp, lừa dối, trấn lột tiền của bạn bè,… Thậm chí, nhiều người không ngần ngại có những hành vi bạo lực làm tổn thương thân thể của người khác để có tiền phục vụ cho các game online.
Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với các trò game bạo lực hay trò chơi có nội dung lệch lạc, không phù hợp với xã hội cũng khiến trẻ vị thành niên và người trẻ bị “ám thị”. Dần dần, họ cũng sẽ có hành vi lệch lạc tương tự như bạo lực, hung hăng, ngông cuồng và đôi khi có các hành vi tình dục tiềm ẩn nhiều rủi ro.
5. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng rất phổ biến ở những người nghiện game online. Tiếp xúc với ánh sáng xanh trong một thời gian dài gây rối loạn đồng hồ sinh học, từ đó ức chế hoạt động sản xuất hormone melatonin của tuyến tùng. Loại hormone này thường được tiết ra vào buổi tối nhằm thư giãn các cơ, tạo cảm giác buồn ngủ và giúp cơ thể đi vào giấc ngủ sâu.
Nghiện game online khiến cho nồng độ melatonin giảm thấp. Hậu quả là gây mất ngủ, thiếu ngủ, giấc ngủ không sâu và dễ thức giấc giữa đêm. Ngoài ra, do bị ám ảnh quá mức trước các nhân vật và thành tích trong game, người bệnh dành nhiều thời gian để nghĩ đến game online. Tình trạng này khiến cho hệ thần kinh bị kích thích liên tục và rất khó có thể chìm vào giấc ngủ.
Nhiều người nghiện game online không có nhu cầu ngủ do cảm giác thèm muốn chơi game xuất hiện liên tục. Họ dành cả đêm để chơi game với mong muốn đạt được thành tích cao và khẳng định được bản thân. Tất cả những tác động này đều ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Nếu không có biện pháp cải thiện, chất lượng giấc ngủ sẽ ngày một đi xuống dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe về thể chất và tinh thần.
6. Gây ra những thay đổi bất thường trong não bộ
Trong nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, nghiện game online làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của não bộ trên hình ảnh MRI. Nghiên cứu ngẫu nhiên được thực hiện trên 22 người khỏe mạnh từ 18 – 29 tuổi chơi các game bạo lực trong 10 giờ/ ngày cho thấy, các vùng của não như vùng vỏ khứu – hải mã não, vùng thùy trán dưới trái đều có hoạt động ít hơn so với lúc trước.
Chơi game làm gia tăng các morphine nội sinh, bao gồm dopamine – chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tạo cảm giác thư giãn và sảng khoái. Tuy nhiên nếu nghiện game online, hormone này sẽ tăng mạnh khiến cho nồng độ chất sinh hóa trong não bị rối loạn dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý, thần kinh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy, chơi game bạo lực liên tục trong một thời gian dài làm giảm hoạt động của não bộ khiến cơ thể giảm khả năng tập trung, nhận thức và suy giảm trí nhớ. Đây là lý do người nghiện game rất khó có thể học tập và làm việc như trước. Nếu tình trạng không được cải thiện, não bộ sẽ có những biến đổi sâu sắc hơn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
7. Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý
Nghiện game online ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Những bất ổn về cảm xúc và hành vi do chứng bệnh này gây ra chính là nguồn cơn của một loạt các rối loạn tâm thần như:
- Trầm cảm: Các nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy, người nghiện game online có hiện tượng sụt giảm serotonin ở khe synap – cơ chế tương tự như bệnh trầm cảm. Do đó, chứng bệnh này không được kiểm soát có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm. Trầm cảm kết hợp với nghiện game online sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống.
- Rối loạn lo âu: Ngoài trầm cảm, người nghiện game online cũng có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu đặc trưng bởi tình trạng lo lắng thái quá, kéo dài, thậm chí nỗi lo xuất hiện một cách vô lý và không có nguyên nhân cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng tăng dopamine trong một thời gian dài làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và gia tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.
- Các rối loạn tâm thần khác: Bên cạnh trầm cảm và rối loạn lo âu, nghiện game online còn gây ra nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý như hội chứng Self-Harm, rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý, loạn thần, rối loạn hoang tưởng,… Nếu xảy ra trong giai đoạn vị thành niên, bệnh lý này còn gây ra những lệch lạc và méo mó về nhân cách.
8. Gia tăng tệ nạn xã hội
Nghiện game online làm gia tăng các hành vi lệch chuẩn và mức độ có thể nghiêm trọng dần theo thời gian. Tiếp xúc với các game bạo lực và trò chơi trực tuyến có nội dung lệch lạc khiến người bệnh cho rằng những hành vi bạo lực, gây hấn là hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, nghiện game cũng khiến người bệnh khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ và thường có xu hướng sống cô lập, tách biệt. Vì vậy khi phải đối mặt với khó khăn, họ sẽ phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực mà không biết cách giải tỏa lành mạnh.
Chính vì những lý do này, người nghiện game online thường sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, gây hấn, bạo lực và quan hệ tình dục không an toàn do bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lệch từ các game online. Trong những năm gần đây, rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi có những hành vi bạo lực với người thân với mục đích chiếm đoạt tài sản nhằm phục vụ cho các trò chơi trực tuyến.
Ngoài ra, người nghiện game cũng có thể tập hợp những người có cùng sở thích để thực hiện các hành vi trấn lột, lừa đảo và trộm cắp nhằm có đủ tiền phục vụ cho nhu cầu chơi game. Về lâu dài, các hành vi vi phạm pháp luật sẽ gia tăng về số lượng và mức độ nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
9. Lãng phí thời gian, tiền bạc
Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, nghiện game online còn gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Hầu hết người mắc chứng bệnh này đều dành nhiều giờ cho các trò chơi trực tuyến và không thể chế ngự cám dỗ từ các trò game online.
Thời gian chơi game chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày khiến cho các hoạt động khác bị ngưng trệ. Ngoài ra, người nghiện game cũng không dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Do đó, họ sẽ đánh mất các mối quan hệ trước đây và sẽ mất dần những kỹ năng xã hội cần thiết.
Không chỉ gây lãng phí thời gian, người nghiện game online còn lãng phí tiền bạc để phục vụ cho trò chơi. Họ thường không ngần ngại nạp một số tiền lớn để sở hữu những vật phẩm giá trị nhằm nâng cấp nhân vật của bản thân. Sự ngưỡng mộ của những người xung quanh đối với nhân vật “ảo” khiến họ cảm thấy hứng thú và dành nhiều tiền bạc cho các trò chơi trực tuyến.
Đối với trẻ vị thành niên, trẻ sẽ lừa dối gia đình hoặc trấn lột tài sản của bạn bè để phục vụ cho các trò game online. Trong khi đó, người trẻ tuổi thường dồn hết tiền bạc để mua sắm các thiết bị và vật phẩm. Ngoài ra, nhiều người không ngần ngại bán xe cộ và những vật có giá trị chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân. Các hành vi liều lĩnh này sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với chính bản thân người bệnh và gia đình.
10. Ảnh hưởng đến cuộc sống trong tương lai
Nghiện game gây ra những ảnh hưởng tương tự như nghiện ma túy. Tuy nhiên, các chất gây nghiện thường bị pháp luật cấm và không thể lưu hành một cách rộng rãi. Trong khi đó, các thiết bị điện tử là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại nên khả năng tái nghiện game là rất cao.
Để tránh tình trạng tái nghiện, người bệnh bắt buộc phải điều trị củng cố sau 4 – 6 tuần điều trị tấn công. Quá trình điều trị bao gồm sử dụng thuốc, tham gia các hoạt động thể chất, từ bỏ internet và tham gia trị liệu tâm lý. Bệnh nhân cần phải cách ly hoàn toàn với internet và không được làm những công việc sử dụng máy tính. Thay vào đó, phải lựa chọn những công việc chân tay bận rộn để không suy nghĩ đến cảm giác hứng thú khi chơi game.
Hiện nay, thời gian điều trị nghiện game sẽ kéo dài ít nhất 6 năm và một số trường hợp sẽ phải điều trị cho đến khi ngoài 30 tuổi. Trong khoảng thời gian này, người bệnh không được quyền làm những công việc tiếp xúc với máy tính và không được sử dụng điện thoại thông minh. Điều này gây ra rất nhiều phiền toái và giới hạn khả năng phát triển của mỗi người. Chính vì vậy, ngoài những ảnh hưởng kể trên, chứng nghiện game còn gây tác động tiêu cực đến cuộc sống tương lai của mỗi người.
Nghiện game ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, quá trình điều trị chứng bệnh này diễn ra trong thời gian dài và gây ra nhiều phiền toái cho chính bệnh nhân. Do đó, gia đình cần phát hiện sớm để người bệnh được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Qua đó có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và rút ngắn thời gian điều trị, giúp người bệnh nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!