Trắc Nghiệm Tâm Lý Là Gì? 6 Phương Pháp Khảo Sát Đánh Giá Thông Dụng
Trắc nghiệm tâm lý là công cụ đã được tiêu chuẩn hóa được sử dụng để đánh giá sức khỏe tâm thần của một người hoặc một nhóm người. Phương pháp này hỗ trợ đáng kể cho quá trình chẩn đoán, đánh giá tiên lượng và đáp ứng điều trị.
Trắc nghiệm tâm lý là gì?
Trắc nghiệm tâm lý là một phần không thể thiếu trong sàng lọc và chẩn đoán các vấn đề tâm lý, tâm thần. Ở nước ta, việc sử dụng trắc nghiệm tâm lý vào thực tiễn còn khá mới mẻ và chưa thực sự phổ biến. Hiện tại, mới chỉ có một số cơ sở y tế lớn thực hiện. Với ý nghĩa to lớn trong lâm sàng tâm thần, trắc nghiệm tâm lý sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai.
Trắc nghiệm tâm lý (Test Psychologique) là thuật ngữ được nhắc đến lần đầu tiên bởi Nhà Nhân chủng học người Anh – Francis Galton vào năm 1884. Thuật ngữ này được định nghĩa là thử nghiệm, phép đo nhằm đánh giá sức khỏe tâm thần dựa trên hoạt động của trí não.
Ngoài định nghĩa trên, trắc nghiệm tâm lý cũng được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau:
- Định nghĩa của Nhà tâm lý học B.G. Ananhep (người Nga) năm 1968: Trắc nghiệm tâm lý là một trong những hướng nghiên cứu nhằm xác định được mức độ phát triển của các chức năng, trạng thái, quá trình và thuộc tính tâm sinh lý của nhân cách.
- Định nghĩa của Nhà tâm lý học F.S. Freeman năm 1971: Ông cho rằng trắc nghiệm tâm lý là công cụ được xây dựng tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá khách quan một hoặc nhiều khía cạnh nhân cách của mỗi người thông qua các mẫu trả lời bằng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, hình ảnh,…
Tóm lại, trắc nghiệm tâm lý là hệ thống các biện pháp đã được tiêu chuẩn hóa được thực hiện nhằm mục đích đánh giá sức khỏe tâm thần của một người hoặc một nhóm người. Hiện tại, trắc nghiệm tâm lý có vai trò quan trọng trong lâm sàng và góp phần đáng kể trong công tác chẩn đoán, theo dõi bệnh.
Các tiêu chuẩn của trắc nghiệm tâm lý
Để xây dựng được trắc nghiệm tâm lý, các nhà tâm lý học phải chú ý đến 4 tiêu chuẩn sau:
- Tính khách quan: Tính khách quan là tiêu chuẩn quan trọng nhất của trắc nghiệm tâm lý. Cần đảm bảo trắc nghiệm phản ánh khách quan tình trạng sức khỏe của đối tượng và không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa đối tượng với nhà tâm lý.
- Độ tin cậy: Trắc nghiệm tâm lý phải đảm bảo được độ tin cậy, tức là kết quả giống nhau khi thực hiện nhiều lần. Ngoài ra, chuyên gia cũng cần chú ý đến mức độ phát triển và đặc điểm định tính của khách hàng dẫn đến việc kết quả có thay đổi ở những lần thực hiện.
- Độ ứng nghiệm: Độ ứng nghiệm nhấn mạnh trắc nghiệm phải xác định được vấn đề cần đánh giá và nghiên cứu. Độ ứng nghiệm của trắc nghiệm bao gồm độ ứng nghiệm đồng thời (bài test phải có giá trị đồng thời với tiêu chuẩn đánh giá), độ ứng nghiệm nội dung (nội dung bài test phải tập trung vào những vấn đề cần đánh giá) và độ ứng nghiệm cấu trúc (bài test phải đánh giá được tâm lý bên trong của khách hàng).
- Tính quy chuẩn: Tính quy chuẩn nhấn mạnh về việc các bước thực hiện, xử lý kết quả, cách cho điểm và kết quả phải được quy định chặt chẽ và chính xác.
Chỉ khi đáp ứng được 4 tiêu chuẩn này, trắc nghiệm tâm lý mới được xác định là bài test chính quy. Ngoài ra, một số cơ sở còn yêu cầu bài test phải dễ thực hiện và phù hợp với nhiều đối tượng. Đây cũng là lý do một số bài trắc nghiệm tâm lý phức tạp chưa được ứng dụng ở nước ta.
Giá trị của trắc nghiệm tâm lý trong lâm sàng tâm thần
Trắc nghiệm tâm lý là công cụ quan trọng trong đánh giá sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, công cụ này chỉ có giá trị khi sử dụng đúng đối tượng và được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học.
Rối loạn tâm thần hoàn toàn không có thương tổn thực thể như các bệnh thể chất và kết quả của các xét nghiệm sinh hóa không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh. Chính vì vậy, chẩn đoán các bệnh lý này chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Trong đó, trắc nghiệm tâm lý là một trong những công cụ hỗ trợ “đắc lực” giúp các bác sĩ đánh giá sức khỏe tâm thần của từng khách hàng/ bệnh nhân.
Cũng chính vì vậy mà trắc nghiệm tâm lý được xây dựng rất nghiêm ngặt theo quy chuẩn để đảm bảo cho kết quả khách quan nhất. Ngoài ra so với việc trao đổi trực tiếp, trắc nghiệm tâm lý còn giúp bác sĩ nắm bắt rõ các triệu chứng tế nhị mà bệnh nhân khó có thể bộc lộ hết khi trao đổi bằng lời nói.
Bên cạnh đó, việc sàng lọc nguy cơ và khai thác triệu chứng thông qua lời nói không mang đến sự tin cậy cho bệnh nhân. Thời gian trò chuyện quá lâu cũng vô tình khiến cho người bệnh cảm thấy không thoải mái và giảm bớt lòng tin cho công tác thăm khám, điều trị. Vì những lý do này, trắc nghiệm tâm lý trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây và được khuyến khích sử dụng trong chẩn đoán lâm sàng.
Trắc nghiệm tâm lý có những ý nghĩa và giá trị to lớn trong lĩnh vực Tâm thần học:
- Giúp bác sĩ nắm rõ mức độ và tần suất của các triệu chứng tâm thần
- Hỗ trợ trong chẩn đoán lâm sàng bên cạnh tiêu chuẩn ICD-10 và DSM-5
- Đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng bệnh và dự báo các triệu chứng có thể xảy ra
Để đảm bảo ý nghĩa to lớn, trắc nghiệm tâm lý phải được nghiên cứu và sử dụng theo đúng nguyên tắc. Ngoài ra, trắc nghiệm viên cũng cần nắm vững các bài test sẽ được sử dụng và tác phong, thái độ phù hợp, tránh để bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Bởi điều này có thể khiến người bệnh trả lời các câu hỏi không khách quan và ảnh hưởng đáng kể đến công tác khám chữa bệnh.
Các phương pháp khảo sát đánh giá phổ biến
Có khá nhiều phương pháp khảo sát đánh giá tâm lý được áp dụng hiện nay. Trong đó, 6 phương pháp sau được sử dụng thông dụng nhất.
1. Các phương pháp khảo sát trí nhớ
Các phương pháp khảo sát trí nhớ được thực hiện nhằm đánh giá trí nhớ của đối tượng. Bởi người bị rối loạn tâm thần thường sẽ có những vấn đề về trí nhớ và sự bất thường trong trí nhớ phần nào có thể sàng lọc được nguy cơ mắc bệnh.
– Học thuộc 10 từ:
Nhà tâm lý học thần kinh người Liên Xô – Alexander Romanovich Luria đã soạn thảo phương pháp học thuộc 10 từ với mục đích khảo sát trí nhớ và đánh giá sự chú ý của người bệnh. Phương pháp này được áp dụng rất phổ biến nhờ cách thực hiện đơn giản và mang lại hiệu quả cao.
Bệnh nhân sẽ được nghe qua 10 danh từ thông dụng khác biệt hoàn toàn về âm và nghĩa. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nhắc lại và phương pháp này có thể được thực hiện từ 5 – 10 lần tùy theo từng trường hợp.
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đánh giá cảm xúc, thái độ, hành vi và lập đường cong học thuộc (trục hoành chỉ số lần người bệnh nhớ lại các từ và trục tung biểu thị số từ người bệnh nhớ đúng). Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đánh giá thêm các lỗi người bệnh mắc phải (nhớ các từ gần nghĩa, từ bịa,…).
Học thuộc 10 từ có thể sàng lọc được một số bệnh tâm thần như:
- Tâm thần phân liệt
- Động kinh tâm thần
- Các rối loạn liên quan đến stress
– Thang đánh giá trí nhớ Wechsler:
Thang đánh giá trí nhớ Wechsler cũng được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Mục đích của phương pháp này là xác định chỉ số trí nhớ. Thang đánh giá trí nhớ Wechsler bao gồm 7 bài (ghi nhớ logic, kiểm định tâm lý, thông tin cá nhân, nhớ dãy số, định hướng chung, trí nhớ liên tưởng và trí nhớ thị giác).
Mỗi bài sẽ bao gồm số lượng câu hỏi và nội dung hoàn toàn khác nhau. Ngoài các câu hỏi bằng ngôn ngữ, thang còn bao gồm các câu bằng hình ảnh và dãy số. Sau khi thực hiện 7 bài, bác sĩ sẽ cộng thêm điểm điều chỉnh theo lứa tuổi và đánh giá chỉ số trí nhớ của bệnh nhân.
2. Khảo sát trạng thái chú ý
Khảo sát trạng thái chú ý tập trung đánh giá sự chú ý của bệnh nhân. Tương tự như phương pháp khảo sát trí nhớ, phương pháp này cũng bao gồm nhiều bảng trắc nghiệm khác nhau.
– Bảng Schulte:
Bảng Schulte bao gồm một bảng bên trong chứa các con số được đặt một cách ngẫu nhiên. Sau đó, người bệnh tìm và đọc lần lượt các số theo chiều tăng dần. Lúc này, bác sĩ sẽ ghi vào phiếu thời gian người bệnh tìm kiếm số.
Thông qua bảng Schulte, bác sĩ có thể đánh giá được sự chú ý của bệnh nhân dựa trên thời gian trung bình đọc mỗi bảng số và sự thay đổi thời gian trong từng bảng. Ngoài ra, bảng Schulte cũng được thực hiện theo một số cách khác tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh lý của từng trường hợp cụ thể.
– Bảng Bourdon:
Bảng Bourdon bao gồm 50 dòng trong đó mỗi dòng sẽ chứa 40 chữ cái được đặt một cách ngẫu nhiên. Người bệnh sẽ đọc và gạch các chữ cái theo yêu cầu của bác sĩ. Thời gian thực hiện bảng Bourdon là 10 phút. Phương pháp này giúp bác sĩ khảo sát được khả năng di chuyển và sự phân bố chú ý, đồng thời đánh giá được khả năng lao động trí óc của bệnh nhân.
Bảng Bourdon cũng có khá nhiều phiên bản và cách làm khác nhau. Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, các bác sĩ sẽ lựa chọn bảng và cách thực hiện phù hợp nhất.
3. Các phương pháp khảo sát cảm xúc
Các phương pháp khảo sát cảm xúc thường được thực hiện trong chẩn đoán các rối loạn cảm xúc như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Hiện tại, đây là phương pháp trắc nghiệm tâm lý được sử dụng phổ biến nhất do tỷ lệ người bị rối loạn cảm xúc cao hơn các rối loạn tâm thần khác.
– Thang trầm cảm Hamilton:
Thang trầm cảm Hamilton bao gồm 21 câu hỏi về các triệu chứng tâm thần và cơ thể thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm. Việc cho điểm dựa trên mức độ nặng – nhẹ của triệu chứng. Thang trầm cảm Hamilton có thể đánh giá được mức độ bệnh trầm cảm và hỗ trợ rất nhiều trong việc đánh giá hiệu quả điều trị.
– Thang đánh giá trầm cảm Beck:
Thang đánh giá trầm cảm Beck là bài test tự thực hiện với tổng cộng 21 câu hỏi. Mỗi câu trả lời sẽ có mức độ khác nhau và người bệnh lựa chọn câu phù hợp nhất với trạng thái của bản thân. Bài test này cho phép bác sĩ xác định được mức độ trầm cảm ở từng trường hợp.
– Thang lo âu Spielberger:
Thang lo âu Spielberger dành cho người từ 15 tuổi trở lên nhằm phân biệt trạng thái lo âu tâm thần với tính cách lo âu. Phương pháp này có nhiều phần khác nhau và mỗi phần sẽ bao gồm số lượng câu hỏi tương ứng. Người bệnh sẽ chọn các câu trả lời và lựa chọn mức độ phù hợp với tình trạng của bản thân.
Thang lo âu Spielberger đánh giá được người bệnh có đang lo âu hay không. Nếu không có biểu hiện lo âu sẽ được chẩn đoán là stress (căng thẳng thần kinh).
– Thang lo âu Zung:
Thang lo âu Zung là thang tự đánh giá với khoảng 20 câu hỏi. Bệnh nhân đọc các câu hỏi và lựa chọn câu trả lời phù hợp với bản thân. Ưu điểm của thang lo âu Zung là khá ngắn gọn và các bước xử lý đơn giản. Hiện tại, phương pháp này được áp dụng trong chẩn đoán rối loạn lo âu hoặc rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.
4. Các trắc nghiệm trí tuệ
Các trắc nghiệm trí tuệ được thực hiện nhằm đánh giá trí tuệ của người bệnh. Phương pháp này được sử dụng trong việc chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ, các rối loạn thần kinh ở cả trẻ em và người lớn. Các trắc nghiệm trí tuệ bao gồm một số bài trắc nghiệm trí tuệ như:
– Trắc nghiệm trí tuệ Raven:
Trắc nghiệm trí tuệ Raven được Nhà Tâm lý học người Anh – John. C. Raven phát triển vào năm 1936. Phương pháp này có thể đo năng lực tư duy của mỗi người trên bình diện rộng nhất. Trắc nghiệm được thực hiện với hình thức phi ngôn ngữ, ưu điểm là dễ xử lý và ứng dụng.
Tuy nhiên, trắc nghiệm trí tuệ Raven cũng có một số hạn chế như kém nhạy với những trường hợp suy giảm trí tuệ nghiêm trọng và phổ đo không rộng. Dù vậy với nhiều ưu điểm, phương pháp này vẫn được áp dụng rất phổ biến ở nước ta.
Trắc nghiệm trí tuệ Raven bao gồm có 60 bài được chia thành 5 nhóm và các bài phía sau thường khó hơn bài phía trước. Trắc nghiệm có thể áp dụng cho cả cá nhân và nhóm với thời gian không hạn chế. Ngoài ra, bài trắc nghiệm còn có thể thay đổi tùy vào độ tuổi của đối tượng. Từ kết quả mà đối tượng đã thực hiện, bác sĩ sẽ tra bảng để xác định chỉ số IQ.
Không chỉ hỗ trợ cho việc chẩn đoán, trắc nghiệm trí tuệ Raven còn giúp đánh giá tiên lượng của bệnh nhân tự kỷ, chậm phát triển và người mắc phải các rối loạn phát triển thần kinh khác.
– Trắc nghiệm trí tuệ Wechsler:
Trắc nghiệm trí tuệ Wechsler được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1939 và đã được sửa đổi nhiều lần trước khi hoàn chỉnh như hiện nay. Phương pháp này được phát triển bởi Nhà tâm lý học người Mỹ – Wechsler David. Các trắc nghiệm trí tuệ Wechsler bao gồm 3 bài trắc nghiệm bao gồm WAIS, WISC và WPPSI phù hợp với trẻ từ từng nhóm tuổi khác nhau.
Trước đây, thang Wechsler chỉ được thực hiện cho người lớn sau đó được phát triển thêm dành cho trẻ em. Ưu điểm của phương pháp này là có thể sàng lọc được nguy cơ chậm phát triển trí tuệ một cách chuẩn xác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện khá phức tạp và mất nhiều thời gian nên chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta.
5. Các phương pháp khảo sát nhân cách
Các phương pháp khảo sát nhân cách được sử dụng trong chẩn đoán rối loạn nhân cách và các rối loạn tâm thần có liên quan. Phương pháp này bao gồm các trắc nghiệm phóng chiếu và các bộ câu hỏi trắc nghiệm.
– Các thang đo bộ câu hỏi trắc nghiệm:
Các thang đo bộ câu hỏi bao gồm nhiều các bảng trắc nghiệm sau:
- Trắc nghiệm Eysenck: Trắc nghiệm Eysenck được phát triển bởi Giáo sư tâm lý học người Anh Hans Jürgen Eysenck vào năm 1947. Ông cho rằng, nhân cách của mỗi người được cấu trúc bởi yếu tố hướng nội – hướng ngoại và tính thần kinh (dễ bị kích thích). Bài trắc nghiệm Eysenck bao gồm 57 câu hỏi, trong đó 9 câu dành để kiểm tra độ tin cậy của câu trả lời, 24 câu khảo sát tính ổn định của thần kinh và 24 câu về tính hướng nội – hướng ngoại.
- Trắc nghiệm nhân cách Cattell: Trắc nghiệm Cattell được soạn vào năm 1949 bởi Nhà tâm lý học Raymond Cattell. Theo ông, nhân cách được cấu thành bởi 16 yếu tố và bảng trắc nghiệm giúp đo 16 yếu tố này. Chính vì vậy, trắc nghiệm của Raymond Cattell dài và phức tạp hơn so với trắc nghiệm Eysenck. Bảng trắc nghiệm bao gồm 3 phiên bản A, B và C được thực hiện nhằm sàng lọc nguy cơ tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, hưng cảm, Hysteria, hướng nội xã hội, hưng cảm nhẹ,…
– Các trắc nghiệm phóng chiếu:
Có khá nhiều tranh cãi về các trắc nghiệm phóng chiếu. Cơ sở lý luận của phương pháp này tương đối phức tạp và khó hiểu. Nói một cách đơn giản, trắc nghiệm phóng chiếu là phương pháp nghiên cứu nhân cách một cách gián tiếp được thực hiện bằng cách xây dựng những tình huống kích thích đặc trưng và linh hoạt tùy vào đối tượng bệnh.
Hiện nay, có hai phương pháp phóng chiếu được sử dụng là trắc nghiệm TAT và phương pháp Rorschach:
- Trắc nghiệm TAT: Trắc nghiệm TAT được phát triển lần đầu tiên vào năm 1935 bởi Nhà tâm lý người Mỹ Henry Murray. Trắc nghiệm này bao gồm 29 tấm hình và một tờ giấy trắng không có bất cứ chữ, số hay hình ảnh nào. Các tấm hình sẽ tạo ra những câu chuyện theo chủ đề, mỗi lần người bệnh xem 10 tấm hình và mô tả lại câu chuyện dựa trên những tấm hình đó. Tuy nhiên, trắc nghiệm TAT khá phức tạp khi thực hiện cũng như phân tích kết quả. Chính vì vậy, trắc nghiệm này vẫn chưa thực sự phổ biến ở nước ta.
- Trắc nghiệm Rorschach: Trắc nghiệm Rorschach được xây dựng vào năm 1921 bởi Nhà tâm thần học người Thụy Sĩ – Hermann Rorschach. Ông nhận thấy mối liên hệ giữa các kiểu nhân cách với sản phẩm của trí tưởng tượng. Hiện nay, cơ sở lý luận của phương pháp này còn khá nhiều tranh cãi nhưng trắc nghiệm Rorschach được sử dụng rất phổ biến trong lâm sàng. Trắc nghiệm bao gồm 10 bức tranh là những vết mực loang đều sang hai bên theo đục đối xứng. Người bệnh sẽ xem từng vết mực và trả lời những câu hỏi của bác sĩ.
6. Các phương pháp nghiên cứu tư duy
Các phương pháp nghiên cứu tư duy bao gồm 2 phương pháp chính:
– So sánh khái niệm:
Bác sĩ sẽ chuẩn bị sắc các cặp khái niệm, sau đó hỏi người bệnh về những điểm giống nhau và khác nhau. Trong đó, bao gồm nhiều cặp từ dễ so sánh và một số cặp từ không thể so sánh được. Thông qua câu trả lời của bệnh nhân, bác sĩ có thể sàng lọc được nguy cơ sa sút trí tuệ và một số vấn đề tâm thần khác.
– Phương pháp Pictogram:
Phương pháp Pictogram được sử dụng lần đầu tiên nhằm nghiên cứu trí nhớ gián tiếp. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng phương pháp này, các chuyên gia nhận thấy Pictogram phản ánh được thao tác tư duy của bệnh nhân nên bắt đầu được sử dụng để nghiên cứu tư duy. Phương pháp Pictogram thường chỉ được áp dụng cho bệnh nhân có trình độ văn hóa từ lớp 7 trở lên.
Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu nhớ khoảng 16 cụm từ bằng cách vẽ hình miêu tả cụm từ đó. Sau 60 phút, bệnh nhân nhìn những hình ảnh đã vẽ để nhớ lại từ ngữ. Các cụm từ được bác sĩ sử dụng đôi khi dễ biểu hiện bằng hình vẽ nhưng có những từ khó thể hiện bằng hình vẽ.
Thông qua phản ứng cảm xúc trong quá trình làm bài, liên tưởng, thao tác tư duy,… bác sĩ có thể đánh giá người bệnh có sức khỏe bình thường hoặc nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần như các rối loạn liên quan đến stress, tâm thần phân liệt và động kinh tâm thần.
Trắc nghiệm tâm lý có vai trò rất quan trọng trong lâm sàng tâm thần, nhất là khi tỷ lệ mắc các vấn đề tâm thần đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Hiện tại, phương pháp này đã được áp dụng ở nước ta nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!