8 Cách Giúp Cha Mẹ Kiểm Soát Cơn Giận Đối Với Con Cái
Bố mẹ cần biết cách kiểm soát cơn giận đối với con cái để tránh những lời nói và hành vi gây tổn thương trẻ. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này, bố mẹ có thể thử 8 cách đơn giản trong bài viết sau đây.
Vì sao cần phải chế ngự cơn giận trước mặt con cái?
Nuôi dạy con quả thật là vấn đề không hề đơn giản. Bên cạnh việc chăm sóc về thể chất, bố mẹ cần phải có biện pháp giáp dục phù hợp để trẻ phát triển trí tuệ, tư duy và nhận thức một cách toàn diện. Tuy nhiên, việc con trẻ liên tục phạm lỗi và có các hành vi chống đối khiến bố mẹ không tránh khỏi cảm giác tức giận, nóng nảy và mất bình tĩnh.
Tức giận khiến các bậc làm cha làm mẹ khó kiểm soát được lời nói và hành vi, thậm chí có thể gây tổn thương thể chất và tinh thần của trẻ. Hành động đánh mắng có thể khiến trẻ sợ hãi và ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ. Nhưng về lâu dài, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái sẽ trở nên xa cách, trẻ không cảm nhận được chỗ dựa vững chắc về tinh thần và không thoải mái khi chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của chính mình.
Ngoài ra, cách ứng xử của bố mẹ khi nóng giận cũng ảnh hưởng đến tính cách và tư duy của trẻ. Trong khi đó, kiểm soát tốt cơn giận với con cái sẽ mang đến nhiều lợi ích như:
- Trẻ biết cách kiềm chế bản thân: Bố mẹ giữ được bình tĩnh khi đối mặt với những tình huống gây ra sự nóng nảy như con cái hư hỏng, phạm lỗi,… sẽ giúp trẻ học cách kiềm chế bản thân. Ngược lại, bố mẹ quát tháo và đánh mắng sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý thù địch, chống đối bố mẹ. Trẻ giữ những suy nghĩ tiêu cực này rất dễ gây hấn, mâu thuẫn với bạn bè và thầy cô.
- Giúp trẻ phát triển tư duy: Nếu bị la mắng thường xuyên, trẻ sẽ trở nên sợ hãi bố mẹ. Một số nghiên cứu cho thấy, đối mặt với nỗi sợ lâu dài có thể làm giảm kích thước não bộ và khiến hoạt động tư duy bị ức chế. Thay vào đó, nếu bố mẹ giữ được sự bình tĩnh khi xử phạt trẻ sẽ giúp trẻ phát triển tư duy tốt và ý thức được đúng – sai.
- Tạo chỗ dựa vững chắc cho con: Khi con phạm phải sai lầm, thái độ kiềm chế của bố mẹ sẽ giúp trẻ hiểu ra rằng, bố mẹ luôn là người yêu thương con nhất. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần nghiêm khắc để tránh tình trạng trẻ tiếp tục phạm lỗi. Ngoài ra, cách ứng xử của bố mẹ cũng giúp xây dựng mối quan hệ gắn bó với trẻ. Qua đó con có thể thoải mái chia sẻ với gia đình những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
8 Cách giúp cha mẹ kiểm soát cơn giận đối với con cái
Đối mặt với những sai lầm của con cái, bố mẹ không tránh khỏi cảm giác tức giận và nóng nảy. Tuy nhiên, cơn giận có thể khiến bạn có những lời nói và hành vi không phù hợp. Vì vậy trước khi đưa ra hình thức trách phạt trẻ, bố mẹ cần kiểm soát được cơn giận.
Nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, bố mẹ có thể thử 8 cách chế ngự cơn giận đối với con cái trong nội dung sau:
1. Tìm nơi yên tĩnh để lấy lại bình tĩnh
Khi đối mặt với những lỗi lầm của con cái, bố mẹ nên im lặng và tìm nơi yên tĩnh để lấy lại bình tĩnh thay vì quát mắng trẻ ngay lập tức. Nếu tranh luận với trẻ trong lúc này, bố mẹ có thể có những lời nói khiến trẻ bị tổn thương và hình thành suy nghĩ sai lệch.
Tách xa trẻ sẽ giúp bố mẹ lấy lại bình tĩnh trước khi trò chuyện và đưa ra hình phạt. Để kiểm soát cơn giận với con cái, bạn nên hít thở sâu và chậm trong khoảng vài phút. Cách này sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng và nóng nảy, từ đó có thể giảm thiểu những tình huống ngoài ý muốn.
Với trẻ ở tuổi dậy thì, cách cư xử của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và hành vi của trẻ. Lúc này, tâm lý của trẻ khá nhạy cảm do ảnh hưởng của hormone. Vì vậy, việc giữ bình tĩnh và kiểm soát cơn giận đối với con cái là vô cùng cần thiết. Những lời nói, hành vi không đúng mực có thể khiến trẻ ở lứa tuổi này có hành vi chống đối và cho rằng bố mẹ không yêu thương mình.
2. Đánh giá sự việc một cách khách quan hơn
Thay vì chăm chăm vào lỗi lầm của con cái, bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao trẻ có hành vi và lời nói như vậy. Là do trẻ hiếu động, nghịch ngợm hay do ảnh hưởng từ bạn bè, anh chị, được ông bà chiều chuộng quá mức,…
Khi đánh giá khách quan sự việc, bố mẹ sẽ hiểu hơn tâm lý của trẻ và tìm ra được phương án xử lý thích hợp. Trước tiên, cần nghiêm khắc chỉ cho trẻ biết trẻ đã có hành vi không đúng mực và cần có hình phạt thích đáng. Tuy nhiên thay vì đánh mắng, nên cho trẻ thực hiện các hình phạt có ý nghĩa hơn như chép phạt, dọn dẹp nhà cửa, giảm thời gian xem ti vi, chơi điện tử, giảm tiền tiêu vặt,…
Hình phạt này sẽ giúp con trẻ ý thức hơn về hành vi của mình và có trách nhiệm với bản thân. Trong khi đó, đánh mắng trẻ trong cơn tức giận sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ chống đối bố mẹ. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tìm cách giải quyết nguyên nhân sâu xa để hạn chế việc trẻ tiếp tục phạm lỗi. Bằng cách đánh giá khách quan sự việc, bố mẹ có thể chế ngự cơn giận và nói chuyện với con trẻ với tâm lý ổn định hơn.
3. Hiểu rằng con chỉ là một đứa trẻ
Trước khi quát mắng trẻ trong cơn tức giận, bố mẹ phải hiểu rằng con chỉ là một đứa trẻ. Ở độ tuổi này, bố mẹ đôi khi cũng có những hành vi không đúng mực. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và giữ bình tĩnh trước những lỗi lầm của con.
Vì chỉ là một đứa trẻ nên đôi khi con không thể hình dung được những hậu quả từ hành vi của mình. Đây là lý do bố mẹ phải giáo dục con chứ không chỉ trừng phạt bằng đòn roi và những lời quát mắng. Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng ta cũng không thể tránh khỏi sai lầm. Do đó, hãy bao dung với con cái và kiên nhẫn trong cách giáo dục để con hiểu rằng điều gì nên làm và không nên làm.
Hơn nữa, vì con là một đứa trẻ nên con sẽ học theo cách cư xử của bố mẹ. Nếu bố mẹ lúc nào cũng nóng nảy và bực dọc, con sẽ không biết cách kiềm chế cảm xúc và chế ngự sự nóng giận của bản thân.
4. Lắng nghe con giải thích trước khi xử phạt
Rất nhiều phụ huynh đánh giá sự việc hời hợt và trách phạt trẻ mà không lắng nghe lời giải thích từ con. Khác với người lớn, trẻ có thể có những quan niệm sai lệch về những vấn đề trong cuộc sống. Điều này sẽ dẫn đến các hành vi không phù hợp mà phụ huynh nghĩ rằng con trẻ hư hỏng và chống đối bố mẹ.
Để hiểu hơn về tâm lý của con và kiểm soát được cơn giận, bố mẹ nên lắng nghe con giải thích trước khi đưa ra hình phạt. Những lời giải thích của con sẽ giúp bố mẹ hiểu được con chỉ đang hiểu sai vấn đề, hoàn toàn không phải do con hư hỏng và quậy phá. Trong khoảng thời gian trò chuyện với con, bố mẹ cũng sẽ dần kiểm soát được cơn giận và sự nóng nảy.
5. Đặt ra những quy tắc dành riêng cho trẻ
Trẻ không ý thức được hoàn toàn hành vi của bản thân. Do đó, bố mẹ nên đặt ra những quy tắc dành riêng cho trẻ để tránh nóng giận trước mặt con cái. Gia đình cần giải thích để trẻ hiểu rằng vì sao cần thực hiện những quy tắc này và khuyến khích trẻ phát huy bằng lời khen hoặc các món quà nhỏ như món ăn vặt mà trẻ yêu thích, quyển truyện tranh, 30 phút chơi game,…
Khi đặt ra quy tắc, bố mẹ cũng cần có hình phạt nếu trẻ vi phạm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá mức vì điều này khiến trẻ hình thành tâm lý không sợ bị phạt.
6. Tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm
Thực tế, bố mẹ đều biết nên kiểm soát cơn giận đối với con cái nhưng để thực hiện thực sự không dễ dàng. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm như anh chị, ông bà hoặc bạn bè. Vì đã trải qua thời gian nuôi dạy con nên những người có kinh nghiệm sẽ đưa ra lời khuyên giúp bố mẹ kiểm soát tốt hơn cơn giận và những cảm xúc tiêu cực.
7. Giải tỏa áp lực cuộc sống để kiểm soát cơn giận tốt hơn
Nóng giận là phản ứng chung của bố mẹ khi con cái liên tục phạm lỗi và có hành vi hư hỏng, chống đối. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ khó giữ được bình tĩnh nếu bị căng thẳng. Chính vì vậy, một cách giúp kiểm soát tốt cơn giận đối với con cái là giải tỏa áp lực cuộc sống. Khi tâm trạng tốt hơn, bố mẹ sẽ giảm phần nào cảm giác tức giận và có những quyết định sáng suốt hơn khi giáo dục con cái.
Để giải tỏa áp lực, bố mẹ nên cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian cho các hoạt động mà mình yêu thích. Lối sống khoa học sẽ giúp bố mẹ giải tỏa căng thẳng và giữ được sự bình tĩnh khi trẻ phạm phải sai lầm.
8. Cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi
Quá bận rộn với việc chăm sóc con cái và gia đình có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và dễ tức giận. Do đó, nên cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi để kiểm soát tốt cơn giận đối với con cái. Khi tâm trạng thoải mái, mẹ sẽ kiên nhẫn hơn trong quá trình giáo dục con.
Nếu quá căng thẳng, có thể gửi trẻ đến gia đình ông bà một vài ngày để lấy lại sự cân bằng. Trong trường hợp con trẻ đã lớn, mẹ nên dành vài ngày để đi du lịch hoặc thăm họ hàng. Khi xa con một thời gian, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và nhìn nhận khách quan cách giáo dục của bản thân. Sau thời gian nghỉ ngơi, mẹ sẽ biết được nên làm gì để con thay đổi theo chiều hướng tích cực và kiểm soát cơn giận tốt hơn.
Hy vọng qua 8 cách trên, bố mẹ có thể dễ dàng kiểm soát cơn giận đối với con cái. Nếu trẻ liên tục có những hành vi chống đối và vi phạm quy tắc, nên xem xét tìm gặp bác sĩ bởi đây có thể là biểu hiện của một số vấn đề tâm lý thường gặp ở trẻ nhỏ.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!