Hội Chứng Tâm Lý Sợ Bị Bỏ Lỡ, Đánh Mất Cơ Hội (FOMO)
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO) là vấn đề tâm lý thường gặp ở người trẻ tuổi. Tâm lý sợ bỏ lỡ những điều thú vị và đánh mất cơ hội khiến người trẻ đưa ra các quyết định nông nổi. Hậu quả là gây ra những thiệt hại về tài chính và các khía cạnh khác của cuộc sống.
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ là gì?
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ (Tiếng Anh: Fear Of Missing Out/ FOMO) còn được gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội hoặc hội chứng sợ đánh mất cơ hội là vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay. Người mắc hội chứng này thường sợ hãi bản thân bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn và các cơ hội quý giá trong cuộc sống mà những người khác đã được trải nghiệm và nắm bắt. Hội chứng tâm lý FOMO thường gặp ở người trẻ tuổi do tâm lý không vững vàng và dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.
Hội chứng FOMO có thể gặp ở bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống như công việc, bạn bè, đời sống tình cảm và đặc biệt là đầu tư chứng khoán. Những người mắc phải hội chứng này thường lao vào một số thú vui hoặc đầu tư một cách điên cuồng vì lo sợ bản thân bỏ lỡ mất cơ hội mà không suy xét về lợi ích hay rủi ro.
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ khiến cho bản thân mỗi người hình thành nỗi sợ bản thân trở thành người lạc hậu, tối cổ và kẻ thất bại vì không nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ. Tâm lý này chi phối nhiều đến cảm xúc và dẫn đến việc đưa ra những quyết định thiếu suy nghĩ. Rất nhiều người mắc hội chứng FOMO đã phải nhận những hậu quả nghiêm trọng và khó có thể khắc phục, trong đó thường gặp nhất là những tổn thất về tài chính.
Hội chứng sợ đánh mất cơ hội được đề cập lần đầu tiên vào năm 1996 bởi Tiến sĩ Dan Hernan. Hội chứng FOMO chi phối cảm xúc của đám đông và họ thường có xu hướng mua sắm hoặc đầu tư vào những thứ mà đám đông hướng đến. Ngoài ra, người mắc hội chứng này cũng muốn trải nghiệm nhưng phong cách sống thú vị và thay đổi bản thân để phù hợp với xu hướng. Hiện nay, rất nhiều nhãn hàng đã ứng dụng hội chứng FOMO để tăng doanh số bán hàng và nâng cao lợi nhuận.
Nhận biết hội chứng sợ bị bỏ lỡ
Hội chứng sợ bị bỏ lỡ xảy ra ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Biểu hiện chung của hội chứng này là nỗi sợ mơ hồ về việc bản thân sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư và những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Tâm lý sợ bị bỏ lỡ gây ra những cảm xúc tiêu cực và thôi thúc bạn đưa ra những quyết định chóng vánh, thiếu suy nghĩ.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO):
- Luôn cập nhật xu hướng trong đầu tư chứng khoán, phong cách sống của cộng đồng,…
- Lo lắng bản thân trở thành người lạc hậu, tối cổ và mong muốn được trải nghiệm những thứ mà đám đông đã được trải nghiệm.
- Đầu tư theo đám đông mà không suy xét kỹ lưỡng về lợi ích và rủi ro.
- Không có chính kiến và mọi quyết định đều phụ thuộc xu hướng của xã hội.
- Mông lung trong định hướng và mục tiêu cá nhân.
- Căng thẳng và lo lắng thái quá khi nhận thấy bản thân vừa bỏ lỡ cơ hội.
- Không từ chối bất cứ lời mời đầu tư nào.
Hội chứng FOMO đang trở thành vấn đề lớn của người trẻ. Nếu không biết cách kiểm soát, người trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống và mông lung về định hướng tương lai.
Nguyên nhân gây ra hội chứng FOMO
Việc sợ bị bỏ lỡ và đánh mất cơ hội là tâm lý bình thường khi chúng ta nhận thấy mọi người xung quanh được trải nghiệm những điều thú vị, hấp dẫn và thu được nguồn tiền lớn từ việc đầu tư. Tâm lý này thường sẽ được kiểm soát sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số người có thể bị tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội dẫn dắt đến những quyết định nông nổi và sai lầm.
Các chuyên gia cho rằng, hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Thiếu kiên nhẫn trong việc đầu tư là lý do khiến nhiều người đầu tư theo đám đông với mong muốn thu được lợi nhuận nhanh chóng.
- Tâm lý muốn sở hữu một khoản lợi nhuận lớn.
- Quá tự tin vào bản thân và kỳ vọng vào thị trường.
- Những người tự ti và thiếu hiểu biết cũng có khả năng cao mắc hội chứng FOMO
- Cuộc sống nhàm chán và thường xuyên thất bại khiến bạn không tin vào chính mình. Do đó, bạn dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống, các quyết định trong cuộc sống và hướng đầu tư của người khác.
Những ảnh hưởng của hội chứng tâm lý FOMO
Theo số liệu thống kê, khoảng 24% người trẻ có dấu hiệu mắc hội chứng tâm lý FOMO và con số đang có xu hướng tăng lên đáng kể. Lý do người trẻ dễ mắc phải hội chứng này là do tâm lý chưa vững vàng, thiếu kinh nghiệm sống và háo thắng. Chính vì vậy, họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông và sợ bỏ lỡ những điều thú vị mà người khác được trải nghiệm.
Không giống với những hội chứng tâm lý khác, hội chứng FOMO không có biểu hiện quá rõ rệt và có thể không gây ra hậu quả trong thời gian đầu. Tuy nhiên về lâu dài, người mắc hội chứng này sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử vì lo sợ bản thân sẽ bỏ lỡ xu hướng và những cơ hội đầu tư sinh lời nhanh chóng.
- Cảm xúc lo lắng thường trực dẫn đến khó tập trung khi làm việc và hiệu suất công việc kém.
- Tiêu tốn nhiều chi phí cho việc mua sắm, du lịch và đầu tư.
- Luôn chạy theo xu hướng mà không hề biết rằng bản thân mình thích gì và mong muốn cuộc sống như thế nào.
- Tâm lý sợ bỏ lỡ khiến bạn sợ có ít bạn bè và liên tục mở rộng các mối quan hệ. Tuy nhiên, điều này khiến cho bạn mệt mỏi và dễ rơi vào các mối quan hệ độc hại.
- Tìm kiếm bạn trai/ bạn gái hoặc kết hôn chỉ vì xu hướng. Tình trạng này gia tăng nguy cơ ly thân, ly hôn và khiến cho cuộc sống trở nên trầm uất, đánh mất đi ý nghĩa thực sự.
Ngày nay, hội chứng FOMO đang trở nên phổ biến và ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả những khía cạnh trong cuộc sống. Tuy nhiên, tâm lý sợ bỏ lỡ chưa được xác định là bệnh lý tâm thần nên rất ít người nhận thấy sự bất thường của bản thân và điều chỉnh kịp thời.
Cách vượt qua hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO)
Hội chứng FOMO chính là vấn đề lớn mà người trẻ đang phải đối mặt. Ngoài những ảnh hưởng về tài chính, hội chứng này khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng và đánh mất đi những cảm xúc tích cực. Để thoát khỏi hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ, bạn có thể thử một số biện pháp sau đây:
1. Suy nghĩ đa chiều và thấu đáo
Hội chứng FOMO khiến bạn dễ đưa ra những quyết định thiếu thấu đáo và nông nổi. Những quyết định này tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu quả đi kèm từ tài chính cho đến các mối quan hệ và công việc. Không khó để nhận thấy hiện nay rất nhiều người chấm dứt công việc hiện tại chỉ vì xu hướng.
Để vượt qua hội chứng tâm lý FOMO, bạn cần suy nghĩ đa chiều và thấu đáo hơn. Trước những xu hướng đang thịnh hành, hãy xem xét liệu điều này có mang lại lợi ích cho bạn hay không và xác định một số rủi ro tiềm ẩn đi kèm – nhất là khi đầu tư chứng khoán.
Việc suy nghĩ thấu đáo sẽ giúp bạn giảm thiểu những quyết định sai lầm và tránh được những thiệt hại về tài chính. Ngoài ra, suy nghĩ đa chiều cũng là cách để vượt qua “cám dỗ” từ đám đông và chắc chắn hơn trước những quyết định của bản thân.
Để suy nghĩ đa chiều thực sự không dễ dàng vì tâm lý của chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng trước lời nói, những trải nghiệm thú vị và thành công của người khác. Vì vậy, nên trao đổi với người thân và bạn bè thân thiết để tìm lời khuyên hữu ích. Tốt nhất nên chia sẻ với những người có vốn sống phong phú và kinh nghiệm dày dạn để có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn.
2. Không đưa ra quyết định vội vàng
Tâm lý sợ bị bỏ lỡ sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định vội vàng vì sợ đánh mất cơ hội. Tuy nhiên, đa phần những quyết định này đều có tính rủi ro cao và đôi khi để lại những thiệt hại lớn về tài chính. Do đó, cần tránh tình trạng đưa ra quyết định vội vàng.
Khi đối mặt với hội chứng FOMO, cảm giác lo lắng và căng thẳng sẽ thôi thúc bạn đưa ra quyết định một cách chóng vánh. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh những quyết định sai lầm là kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Có như vậy, bạn mới có thể đánh giá khách quan mọi thứ và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
3. Hiểu rõ bản thân thích gì và muốn gì
Hội chứng FOMO khiến cho nhiều người đưa ra những quyết định và lựa chọn theo đám đông mà không biết bản thân thích gì hay muốn gì. Nhiều người lựa chọn ngành học, công việc, lối sống và hướng đầu tư theo đám đông. Điều này khiến cho bản thân mỗi người đánh mất chính mình và trở thành phiên bản của người khác.
Để vượt qua hội chứng FOMO, bạn cần hiểu rõ mình thích gì và muốn gì. Khi hiểu rõ chính mình, bạn sẽ biết nên lựa chọn và đưa ra quyết định như thế nào. Hơn ai hết, bạn phải là người chủ động trong cuộc sống và chịu trách nhiệm trước những lựa chọn của bản thân. Vì vậy, đừng để bản thân trở thành “nô lệ” của xu hướng.
4. Tập trung cho công việc hiện tại
Tâm lý sợ đánh mất cơ hội khiến bạn khó tập trung khi làm việc và dễ mắc phải các sai sót. Trước thành công của người khác, bạn thường coi nhẹ công việc hiện tại và luôn luôn tìm kiếm cơ hội để đạt thành công rực rỡ. Tuy nhiên, thành công chưa bao giờ đến một cách dễ dàng nếu không có sự cố gắng. Vì vậy, hãy dành thời gian và tập trung hết mình vào công việc.
Công việc không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp bạn trau dồi năng lực và kỹ năng sống. Khi có năng lực tốt, bạn có thể tìm kiếm công việc lý tưởng hơn và tăng nguồn thu nhập cho bản thân. Ngoài ra, thái độ cầu tiến và chăm chỉ cũng sẽ giúp bạn mở rộng cơ hội, tạo được ấn tượng tốt đối với cấp trên và thăng tiến thuận lợi.
Hãy nhớ rằng, không phải ai cũng may mắn khi kinh doanh hay đầu tư chứng khoán. Nếu không có hiểu biết về những lĩnh vực này, bạn nên đầu tư cho bản thân và công việc hiện tại. Thế mạnh của mỗi người là khác nhau nên việc so sánh bản thân với người khác là khập khiễng. Thay vào đó, nên nỗ lực làm việc và cải thiện bản thân mỗi ngày để thành công hơn.
5. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
Có thể thấy, hội chứng FOMO trở nên phổ biến hơn là do ảnh hưởng của mạng xã hội. Trước thành công của người khác, chúng ta thường xem nhẹ cuộc sống hiện tại và tìm kiếm những cơ hội hão huyền, xa rời thực tế. Vì vậy, bạn nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử khi không cần thiết.
Tránh xa những thông tin trên mạng xã hội sẽ giúp bạn giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và giữ được sự tinh thần thoải mái. Ngoài ra, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử cũng giúp bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi để thư giãn, trò chuyện với gia đình và chăm sóc những người thân yêu.
6. Học cách quản lý căng thẳng
Tâm lý sợ bị bỏ lỡ thường xảy ra khi bạn nhìn thấy người khác đạt được thành công và có những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Điều này sẽ tạo ra tâm lý căng thẳng, lo lắng dẫn đến tình trạng sợ đánh mất cơ hội và thôi thúc bản thân đưa ra những quyết định thiếu thấu đáo. Do đó, cần trang bị cho bản thân những kỹ năng kiểm soát stress để giữ tâm lý ổn định và không bị xao động trước đám đông hay bất cứ xu hướng nào.
Bạn có thể giải tỏa căng thẳng bằng những biện pháp đơn giản như tập thể dục, nghỉ ngơi, xem phim, đọc sách, vẽ tranh hay nấu nướng cùng với người thân trong gia đình. Vào những ngày cuối tuần, có thể tham gia các chuyến du lịch trong ngày với những người thân yêu. Niềm vui từ những hoạt động này sẽ giúp bạn gạt bỏ áp lực và căng thẳng do hội chứng FOMO.
7. Có mục tiêu riêng trong cuộc sống
Đa phần những người bị hội chứng FOMO đều thiếu tự tin và không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Chính vì vậy, họ rất dễ bị ảnh hưởng khi nhìn thấy thành công của người khác và không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào. Xây dựng mục tiêu riêng sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho cuộc sống và có hướng đi rõ ràng. Từ đó tránh bị xao động bởi những thành công và trải nghiệm thú vị của những người xung quanh.
Hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO) là vấn đề lớn mà người trẻ đang phải đối mặt. Hội chứng này không chỉ gây ra cảm xúc tiêu cực mà còn để lại nhiều hậu quả về lâu dài. Hy vọng qua bài viết bạn đọc đã hiểu rõ nguyên nhân, các biểu hiện và có thể vượt qua hội chứng FOMO một cách dễ dàng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!