Sốc Tâm Lý Vì Nỗi Đau Mất Người Thân Và Cách Giúp Bạn Vượt Qua
Nỗi đau khi mất đi người thân là điều mà không ai mong muốn. Thế nhưng cuộc sống vẫn luôn có những sự việc đau lòng xảy ra. Điều quan trọng là mỗi người cần biết cách vượt qua nỗi đau để vực dậy tinh thần và đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Diễn biến tâm lý khi mất người thân
Có thể nói, mất người thân là sự kiện sang chấn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và thể chất. Sự ra đi của người thân lúc nào cũng để lại những mất mát, thương tổn không thể bù đắp – nhất là khi người thân ra đi đột ngột do tai nạn hoặc tự sát. Dù không mong muốn nhưng việc mất đi người thân vẫn sẽ xảy ra trong cuộc sống và điều duy nhất chúng ta có thể làm là phải học cách chấp nhận và vượt qua nỗi đau.
Trước những sự kiện sang chấn như tai nạn, thất nghiệp và vỡ nợ, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận. Nhưng để chấp nhận việc người thân ra đi mãi mãi thật sự không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh những mất mát, cuộc sống vẫn luôn tồn tại vô số điều tốt đẹp khác. Đừng vì những tổn thương và mất mát nhất thời mà bỏ qua những điều quan trọng khác.
Đối với trường hợp người thân bị bệnh lâu ngày và sức khỏe suy kiệt rõ do tuổi già, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn vì đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Tuy nhiên nếu người thân ra đi đột ngột, những người xung quanh sẽ khó có thể chấp nhận và mất một thời gian dài để bình ổn tâm lý.
Khi đón nhận tin người thân qua đời, tâm lý sẽ diễn biến qua 5 giai đoạn sau:
1. Chối bỏ, không chấp nhận
Cái chết của người thân phá vỡ cảm giác an toàn và sự bình yên trong cuộc sống. Do đó, phản ứng đầu tiên khi nghe được tin người thân qua đời là sốc và chối bỏ. Phản ứng của mỗi người có thể khác nhau nhưng trong giai đoạn này, tất cả đều có chung phản ứng là không tin việc người thân đã ra đi mãi mãi.
Một số người sẽ chết lặng khi được báo tin, khuôn mặt thờ ơ, lạnh lùng nhưng bên trong là sự vỡ vụn và đau đớn. Tuy nhiên, cũng có những người gào khóc và la hét vì không muốn tin đó là sự thật. Thậm chí, nhiều người quá xúc động và ngất xỉu ngay sau khi được báo tin.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc chối bỏ và không chấp nhận là phản ứng tâm lý thông thường trước những điều không mong muốn. Đối với những sự việc có tính chất nghiêm trọng như mất người thân, phản ứng thường mạnh hơn so với những sự kiện thông thường.
2. Tức giận
Sau giai đoạn chối bỏ là sự tức giận và phẫn nộ. Nhiều người không kiềm chế được cảm xúc và có phản ứng gào thét, trách móc bác sĩ, những người xung quanh và bản thân vì đã gây ra cái chết cho người thân. Tổn thương tâm lý đột ngột khiến cho chúng ta mất đi sự tỉnh táo và có suy nghĩ sai lệch về mọi thứ – nhất là những vấn đề liên quan đến sự ra đi của người thân.
Sau khi đổ lỗi và trút giận, nỗi đau sẽ trở lại và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người kiềm chế sự tức giận và tự dằn vặt bản thân vì đã để người thân ra đi. Dù nguyên nhân thực tế không phải do bản thân nhưng trước sự mất mát hiện tại, việc tự đổ lỗi và dằn vặt là phản ứng thường thấy.
Tâm lý của mỗi người trước cái chết của người thân là khác nhau. Có một số người đổ lỗi cho chính người chết vì đã bỏ rơi mình và cho rằng họ cố trừng phạt bản thân bằng nỗi đau khi mất đi người thân. Đây đều là những phản ứng thường gặp khi chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu và để phản kháng lại, chúng ta sẽ có những phản ứng như trên.
3. Thương lượng
Nỗi đau sẽ nhanh chóng trở lại sau khi trút giận và đổ lỗi cho bản thân, bác sĩ và những người xung quanh. Lúc này, cơ thể trở nên “tê dại” và trống rỗng. Để vơi bớt nỗi đau, chúng ta thường tự trấn an bản thân bằng những câu động viên và hy vọng vào cuộc sống tương lai.
Việc trấn an bản thân bằng những suy nghĩ tích cực phần nào có thể xoa dịu cơn đau trước mất mát hiện tại. Tuy nhiên, trạng thái này chỉ có thể duy trì trong một thời gian ngắn. Nếu không chủ động vượt qua nỗi đau mất người thân, tâm lý sẽ trở nên phức tạp hơn ở các giai đoạn sau và đôi khi phát triển thành một số rối loạn tâm thần.
4. Buồn bã sâu sắc
Ở giai đoạn thương lượng, nỗi đau sẽ vơi đi đôi phần nhưng sẽ nhanh chóng quay trở lại. Đối mặt với thực tế là người thân đã ra đi mãi mãi và cuộc sống cô đơn tột cùng, chúng ta không tránh khỏi sự buồn bã sâu sắc, bi quan, lo lắng về tương lai, mất đi hứng thú và năng lượng tích cực.
Tùy vào tính cách của mỗi người, nỗi đau sẽ kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm. Những người có tính cách mạnh mẽ sẽ biết cách vượt qua nỗi đau và tiếp tục sống. Trong khi đó, người yếu đuối, nhạy cảm và tự ti rất dễ bị tổn thương và nỗi đau mất người thân sẽ hằn sâu vào tâm trí. Đây là giai đoạn các vấn đề tâm lý sẽ xuất hiện nếu không có biện pháp nâng đỡ về thể chất và tinh thần.
5. Chấp nhận
Giai đoạn cuối cùng là chấp nhận sự thật là bạn đã mất đi người thân yêu và phải học cách sống mà không có họ ở bên cạnh. Lúc này, tâm lý đã dần ổn định và bạn có thể quay trở lại cuộc sống mặc dù nỗi buồn vẫn chưa dứt hẳn.
Sau một thời gian, bạn sẽ cảm thấy thanh thản và không còn cảm giác hụt hẫng, đau khổ khi nhắc lại sự ra đi của người thân. Sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể đưa tâm lý trở về trạng thái ổn định. Thời gian phục hồi cũng sẽ phụ thuộc vào tính cách của từng người và sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý khi mất người thân
Bất cứ ai cũng phải nếm trải nỗi đau trước sự mất mát khi người thân qua đời. Tuy nhiên, một số người có thể bị sốc tâm lý nghiêm trọng khi nghe tin. Theo các chuyên gia tâm lý, những đối tượng sau sẽ bị tổn thương tâm lý nặng khi đối mặt với cái chết của những người thân yêu:
- Trẻ em và những người còn đang sống phụ thuộc vào gia đình
- Người có tính cách nhạy cảm, yếu đuối, nhút nhát, tự ti,…
- Người có các vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,…
- Người thường xuyên phải đối mặt với stress do có quá nhiều áp lực trong cuộc sống.
- Liên tục đối mặt với các sự kiện sang chấn
Ngoài ra, nỗi đau mất người thân cũng phụ thuộc vào mức độ thân thiết với người đã mất. Nỗi đau thường sâu sắc hơn nếu người đó là bố mẹ, anh chị em ruột, bạn đời, con cái, tri kỷ,… Hơn nữa, sự ra đi đột ngột bao giờ cũng gây sốc nặng hơn so với những trường hợp gia đình đã chuẩn bị sẵn tâm lý.
Nỗi đau mất người thân và những vấn đề tâm lý có thể xảy ra
Nỗi đau mất người thân có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý nếu không tìm cách ổn định và lấy lại sự cân bằng. Với những người có tiền sử bị các rối loạn tâm thần như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, rối loạn hoang tưởng, loạn thần cấp,… mất người thân được xem là yếu tố thuận lợi kích thích bệnh bùng phát.
Những tổn thương tâm lý trước sự ra đi của người thân cần một khoảng thời gian dài để có thể phục hồi. Tuy nhiên ở một số người, nỗi đau có thể sâu sắc dần theo thời gian khiến bản thân chìm đắm trong sự đau khổ, chán nản, bi quan, tuyệt vọng,… Ngoài ra, sự ra đi của người thân đôi khi để lại vô số gánh nặng. Điều này làm gia tăng mức độ lo lắng và căng thẳng.
Nếu không vượt qua nỗi đau mất người thân, bạn có thể phải đối mặt với những vấn đề tâm lý như:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu lan tỏa
- Rối loạn lo âu chia ly
- Rối loạn lưỡng cực
- Rối loạn ăn uống
Các vấn đề tâm lý này không thể tự phục hồi như sốc tâm lý thông thường. Do đó, cần phải mạnh mẽ vượt qua nỗi đau mất đi người thân để ổn định tinh thần và bắt đầu lại cuộc sống. Mất đi người thân yêu đồng nghĩa với việc bạn mất đi một phần quan trọng trong cuộc sống, thế nhưng đừng quên bạn còn rất nhiều người thân, bạn bè và những điều ý nghĩa khác.
Cách vượt qua tổn thương tâm lý và nỗi đau khi mất người thân
Trong cuộc sống có rất nhiều việc xảy ra không như mong muốn của chúng ta. Dù rất đau khổ nhưng việc mạnh mẽ vượt qua là điều cần thiết để có thể ổn định sức khỏe và bình thường hóa cuộc sống. Nếu đang trải qua nỗi đau mất người thân, những biện pháp sau sẽ giúp bạn vượt qua sự mất mát và hướng đến những điều tích cực hơn:
1. Thoải mái với cảm xúc của chính mình
Đối mặt với nỗi đau mất người thân, bạn không nên kiềm chế mà hãy thoải mái với cảm xúc của chính mình. Việc khóc lóc, la hét giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa cảm xúc và đưa tâm lý về trạng thái cân bằng. Điều này có thể nhận thấy rõ trong cuộc sống.
Những người thoải mái với cảm xúc thường vượt qua nỗi đau nhanh chóng và sẽ tìm thấy cảm giác yên bình, nhẹ nhàng sau một thời gian. Trong khi đó, những người kìm nén cảm xúc vào bên trong sẽ mất rất nhiều thời gian để xoa dịu vết thương lòng. Cảm xúc dồn nén khiến cho tâm trạng trở nên nặng nề, u uất, bản thân mất đi sự hứng thú, quan tâm với mọi thứ, khuôn mặt vô hồn và mất hoàn toàn những cảm xúc tích cực.
Với nhiều người, việc thoải mái với cảm xúc của chính mình trước mặt người khác là không dễ dàng. Vì vậy, hãy tìm không gian riêng tư để có bộc lộ tâm trạng của bản thân mà không phải e ngại trước ánh nhìn của người khác. Thoải mái với cảm xúc của chính mình là bước đầu tiên để vượt qua nỗi đau mất người thân và ổn định lại cuộc sống.
2. Chia sẻ với những người xung quanh
Trước sự ra đi của người thân, bạn sẽ có hàng loạt những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Những suy nghĩ này sẽ khiến cho bạn trở nên bi quan và nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực nhất. Khi người thân mất đột ngột và còn nhiều dự định, không ít người đối mặt với sự ân hận vì đã không dành nhiều thời gian cho gia đình và không giúp người thân hoàn thành ước nguyện sớm hơn.
Thay vì giữ những suy nghĩ này, bạn nên tâm sự và chia sẻ với những người xung quanh. Nói ra hết những suy nghĩ của bản thân là cách để giải tỏa tâm trạng và xoa dịu nỗi đau. Khi được lắng nghe và thấu cảm, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn và dễ dàng chấp nhận sự thật là người thân đã ra đi mãi mãi. Điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là bạn phải nỗ lực vượt qua và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người thương yêu.
3. Dành thời gian nghỉ ngơi
Khi đối mặt với nỗi đau mất người thân, nhiều người cố gắng vùi đầu vào công việc để không suy nghĩ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho cơ thể bị suy nhược, tâm lý bất ổn và nỗi đau trở nên sâu sắc hơn. Vì vậy, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi trước khi quay trở lại công việc.
Trong thời gian này, bạn sẽ có cơ hội để sống chậm lại, nhìn nhận bản thân và mọi thứ xung quanh. Sốc tâm lý vì mất người thân cũng cần có thời gian để hồi phục và chữa lành. Ngoài ra, dành thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp bạn cảm nhận được niềm vui từ những điều nhỏ nhặt đã bỏ quên do cuộc sống bận rộn.
Bất cứ ai cũng phải trải qua nỗi đau mất người thân. Vì vậy, hãy thoải mái với cảm xúc của bản thân và chấp nhận những việc đã xảy ra. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi, bạn không nên giam mình trong phòng. Để tâm trạng tốt hơn, nên gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, khám phá những điều mà bản thân muốn nhưng chưa thể thực hiện hoặc đơn giản là chăm sóc cho những người thân khác trong gia đình.
4. Duy trì lối sống lành mạnh
Khi buồn bã, rất khó để có thể duy trì lối sống lành mạnh và khoa học. Tuy nhiên, các thói quen xấu có thể khiến cho sức khỏe thể chất suy kiệt dẫn đến sự giảm sút về mặt tinh thần. Vì vậy để vượt qua nỗi đau mất người thân, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh nhằm nâng đỡ tinh thần và hạn chế tình trạng suy nhược cơ thể.
Trước tiên cần đảm bảo ăn uống đầy đủ, tránh tình trạng nhịn ăn hoặc ăn uống quá mức. Ngoài ra, cần đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục mỗi ngày. Trong thời gian đầu, bạn sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ và khó ngủ. Để cải thiện, nên tập yoga, ngồi thiền và sử dụng một số loại trà có tác dụng an thần.
Duy trì lối sống lành mạnh giúp tinh thần ổn định nhanh chóng và hạn chế tối đa những vấn đề sức khỏe thể chất như mất ngủ, suy nhược, sụt cân, đau nửa đầu,… Bên cạnh đó, bạn có thể dành thời gian rảnh rỗi cho những hoạt động mà mình yêu thích như vẽ tranh, nghe hòa nhạc, thêu thùa, xem triển lãm tranh,… Những hoạt động này mang đến những cảm xúc tích cực giúp bạn xoa dịu nỗi đau và bình thản vượt qua sự mất mát ở hiện tại.
5. Thay đổi suy nghĩ
Thay đổi suy nghĩ là một trong những cách giúp bạn vượt qua nỗi đau mất người thân. Khi đối mặt với sự mất mát, chúng ta thường có những suy nghĩ tiêu cực và bi quan về tương lai. Không ít người cảm thấy cuộc sống dường như chấm dứt khi mất đi người thân yêu.
Nếu giữ những suy nghĩ tiêu cực này, nỗi đau sẽ bám theo bạn suốt cả cuộc đời. Sau khi thoải mái với những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, nên thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực.
Cuộc sống vốn vô thường nên những mất mát này là điều tất yếu sẽ xảy ra. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi rất mỏng manh. Thay vì chìm đắm trong đau khổ và phí hoài thời gian, hãy lấy lại năng lượng để sống có ý nghĩa hơn. Sự nỗ lực của bạn sẽ giúp cho tương lai trở nên xán lạn, cuộc sống gia đình được cải thiện và bản thân bạn cũng tìm thấy niềm vui sau những chuỗi ngày u uất, buồn bã.
6. Tìm những niềm vui trong cuộc sống
Để xoa dịu nỗi đau mất đi người thân, bạn nên tìm những niềm vui trong cuộc sống. Những niềm vui dù nhỏ cũng sẽ là liều thuốc giúp bạn quên đi nỗi đau và tìm lại nguồn năng lượng tích cực. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc chữa lành tổn thương tâm lý và hạn chế tối đa nguy cơ trầm cảm sau khi mất người thân.
Một số cách giúp bạn tìm được niềm vui trong cuộc sống:
- Dành thời gian để nhìn ngắm thiên nhiên sau những giờ làm việc mệt mỏi.
- Làm những điều có ý nghĩa như hiến máu, hiến tóc, làm tình nguyện viên, ủng hộ từ thiện và chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
- Tránh xa những thông tin tiêu cực và nạp lại nguồn năng lượng tích cực thông qua những câu chuyện có ý nghĩa.
- Bắt đầu học một thứ mới mẻ để làm mới bản thân cũng là cách để bạn tìm thấy niềm vui.
- Tha thứ cho bản thân và những người xung quanh.
- Chăm sóc và vun đắp gia đình nhỏ.
Niềm vui hiện diện từ những điều nhỏ nhặt nhất. Sự ra đi của người thân đôi khi giúp bạn nhận ra những giá trị mình đã từng bỏ lỡ và trân quý hơn cuộc sống hiện tại.
7. Gặp chuyên gia tâm lý
Thực tế, rất nhiều người không thể vượt qua sốc tâm lý và nỗi đau mất người thân. Trong trường hợp này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý để tránh tình trạng phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu, loạn thần cấp,… Chuyên gia sẽ giúp bạn chấp nhận và vượt qua nỗi đau trước sự ra đi đột ngột của người thân.
Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ bạn tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và biết cách đối mặt với những tình huống căng thẳng. Đối với những trường hợp đã có các vấn đề tâm lý, chuyên gia sẽ can thiệp trị liệu tâm lý để tác động trực tiếp đến tinh thần. Bên cạnh đó, một số người sẽ phải sử dụng thuốc để điều chỉnh cảm xúc và cải thiện các triệu chứng thể chất đi kèm.
Không dễ dàng để có thể vượt qua nỗi đau mất người thân. Nếu không thể tự mình xoa dịu nỗi đau, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia để tránh những vấn đề về lâu dài. Hơn ai hết, bản thân mỗi người phải nỗ lực vượt qua để trở nên mạnh mẽ hơn và hướng đến cuộc sống tươi đẹp ở phía trước.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!