Cảm Giác Xấu Hổ Là Gì? Nguyên Nhân Và 9 Cách Giúp Bạn Vượt Qua

Cảm giác xấu hổ thường xảy ra khi đối mặt với những tình huống mà bản thân bị chỉ trích và vạch trần. Trong đó, những người có tính cách yếu đuối và nhạy cảm dễ cảm thấy xấu hổ hơn so với người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán.

Cảm giác xấu hổ là gì
Xấu hổ là cảm xúc thường thấy trong cuộc sống của con người

Cảm giác xấu hổ là gì?

Xấu hổ là một trong những cảm xúc thường gặp của con người. Cảm giác này được xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực vì hình thành từ những tình huống và sự việc không mong muốn. Xấu hổ thường xuất hiện khi bản thân bị chỉ trích, đánh giá tiêu cực hoặc bị phơi bày hành vi không đúng mực. Khi đối mặt với cảm xúc này, bản thân mỗi người thường tự thừa nhận bản thân đã mắc phải sai lầm và đôi khi đi kèm với cảm giác dằn vặt, tự trách móc bản thân.

Cảm giác xấu hổ khiến chúng ta có cảm giác không hề dễ chịu và gây ra sự căng thẳng nhất định. Do đó, cảm xúc này thường đi kèm với sự bối rối, đỏ mặt, ánh nhìn xuống, cúi đầu và tư thế khúm núm. Trong một số trường hợp, cảm giác xấu hổ quá mức cũng sẽ dẫn đến phản ứng khóc lóc và các hành vi kích động.

Xấu hổ là cảm xúc thường gặp và mức độ phụ thuộc vào sự việc. Chẳng hạn như khi bạn lỡ làm đổ nước uống hay món ăn, bạn sẽ có cảm giác xấu hổ thoáng qua vì gây ra phiền toái cho mọi người.

Tuy nhiên, nếu bị người khác phát giác những hành vi không đúng mực hoặc mắc phải sai lầm nghiêm trọng trong công việc, mức độ xấu hổ sẽ tăng lên khiến bạn phải đối mặt với sự dằn vặt, căng thẳng, phiền muộn, lo lắng. Trong một số trường hợp, xấu hổ quá mức và vô lý cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề tâm lý.

Nguyên nhân gây ra cảm giác xấu hổ

Cảm giác xấu hổ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân không hoàn toàn giống nhau ở tất cả mọi người. Bởi một số người không có cảm giác xấu hổ trước một số tình huống, trong khi người nhạy cảm quá mức thường dễ xấu hổ và đỏ mặt.

Biểu hiện của xấu hổ
Cảm giác xấu hổ xảy ra khi bản thân bị vạch trần và chỉ trích do sai lầm trong công việc, các mối quan hệ,…

Một số nguyên nhân gây ra cảm giác xấu hổ:

  • Hành vi lúng túng, vụng về dẫn đến nhiều sự cố trong cuộc sống và sai lầm trong công việc.
  • Kỹ năng giao tiếp kém khiến bạn liên tục mắc lỗi giao tiếp và nói ra những lời không phù hợp với hoàn cảnh.
  • Tình yêu không được đáp lại và bị từ chối là nguyên nhân gây xấu hổ thường gặp.
  • Những hành vi bị vạch trần một cách không mong muốn cũng là nguyên nhân gây ra cảm giác xấu hổ. Mức độ xấu hổ tăng lên nếu bị vạch trần ở không gian công cộng và có sự chứng kiến của nhiều người.

Về cơ bản, tất cả các tình huống không mong muốn trong cuộc sống đều có thể gây ra cảm giác xấu hổ – nhất là khi bản thân là người có lỗi gây ra những tình huống này. Đặc điểm tính cách cũng là yếu tố chi phối cảm giác xấu hổ. Thông thường, những người nhạy cảm, nhút nhát và tự ti dễ xấu hổ hơn so với người năng động, lạc quan, bản lĩnh và mạnh mẽ.

Các rối loạn tâm thần cũng khiến cho cảm xúc xấu hổ trở nên bất thường. Cụ thể, người bị rối loạn lo âu xã hội, trầm cảm và rối loạn nhân cách né tránh thường trực cảm giác xấu hổ về bản thân. Trong khi đó, người bị rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội hầu như không có cảm giác xấu hổ, nhục nhã, ăn năn,…

9 Cách giúp bạn vượt qua cảm giác xấu hổ

Xấu hổ là cảm xúc thường thấy trong cuộc sống của con người và là một phần tất yếu bên cạnh cảm xúc buồn bã, chán nản, vui vẻ, hứng thú, phấn khích,… Tuy nhiên nếu thường xuyên xấu hổ và cảm xúc này gây ra những ảnh hưởng đáng kể cho cuộc sống, bạn cần học cách chế ngự. Xấu hổ khiến bạn luôn dằn vặt về sai lầm của bản thân, tự ti, thiếu bản lĩnh và thụ động trong cuộc sống. Thậm chí, những trường hợp xấu hổ kéo dài còn đi kèm theo nhiều vấn đề tâm lý.

Để vượt qua cảm giác xấu hổ, bạn có thể thử 9 cách đơn giản sau:

1. Hít thở sâu – Cách chế ngự cảm giác xấu hổ và lúng túng

Khi đối mặt với sự xấu hổ, bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng lúng túng, căng thẳng, lo lắng quá mức và đôi khi khóc vì xúc động. Do đó, cách đầu tiên để có thể vượt qua cảm giác xấu hổ là hít thở sâu. Hít sâu bằng mũi, sau đó thở ra từ từ bằng miệng sẽ giúp ổn định cảm xúc và điều chỉnh nhịp tim, nhịp thở.

Lặp lại kỹ thuật thở này trong vài lần sẽ nhận thấy cảm giác căng thẳng, lúng túng và xấu hổ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, những triệu chứng thể chất đi kèm như đỏ mặt, tim đập nhanh, thở nông, chân tay nóng bừng,… cũng sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Biểu hiện của xấu hổ
Bạn nên hít thở sâu để chế ngự cảm giác xấu hổ, lúng túng, sợ hãi, lo lắng,…

Nếu đang phải đối mặt với tình huống xấu hổ, bạn nên giữ cơ mặt ở trạng thái cân bằng và hít thở sâu trong vài phút. Việc giữ bình tĩnh khi đối mặt với xấu hổ sẽ giúp bạn xử lý mọi việc thấu đáo và hạn chế tối đa những phiền toái phát sinh. Ngoài ra, bạn cũng nên tập hít thở sâu vào cuối ngày và sáng sớm sau khi thức dậy để kiểm soát stress, giải tỏa cảm xúc tiêu cực và giữ cho bản thân tinh thần khỏe khoắn.

2. Chia sẻ với người thân và bạn bè

Thật không dễ chịu khi đối mặt với cảm giác xấu hổ. Nếu giữ kín tâm trạng, cảm xúc này sẽ khiến cho bạn bị căng thẳng, lo lắng, bi quan và đôi khi dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, sai lầm. Chính vì vậy, bạn nên chủ động chia sẻ với người thân và bạn bè cảm xúc bản thân đang phải đối mặt.

Làm gì khi bị xấu hổ
Chia sẻ với những người thân thiết cảm xúc của bản thân là cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực hữu hiệu

Chia sẻ là cách giải tỏa cảm xúc hiệu quả và giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Ngoài ra sau khi lắng nghe, bạn bè và người thân cũng sẽ giúp bạn nhìn nhận lại sự việc, từ đó có đánh giá khách quan hơn về bản thân. Nếu bản thân có nhiều thiếu sót, những người xung quanh sẽ giúp bạn nhìn nhận lại và đưa ra những lời khuyên hữu ích để thay đổi theo chiều hướng tích cực.

3. Nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực hơn

Đa phần những người hay xấu hổ thường có suy nghĩ tiêu cực. Họ thường nhìn nhận sự việc theo cái nhìn bi quan và luôn cho rằng bản thân là nguyên nhân khiến sự việc diễn ra theo chiều hướng tồi tệ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho cảm giác xấu hổ, dằn vặt tăng lên gây ra stress và nhiều vấn đề tâm lý khác.

Cách đơn giản giúp bạn vượt qua cảm giác xấu hổ là học cách suy nghĩ tích cực. Khi suy nghĩ tích cực bạn sẽ nhìn nhận sự việc đã xảy ra với cái nhìn đa chiều và khách quan hơn. Bên cạnh những tiêu cực, bạn sẽ nhận thấy những mặt tích cực của sự việc. Qua đó biết cách điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân để những sự việc này không lặp lại trong tương lai.

4. Chấm dứt mối quan hệ với những người cố ý làm bạn phải xấu hổ

Trên thực tế, nhiều người cố ý khiến cho bạn bị xấu hổ trước mặt mọi người. Họ cảm thấy hả hê và thoải mái khi bạn bị bẽ mặt, chỉ trích và lúng túng. Vì vậy, hãy chấm dứt mối quan hệ với những người này.

Đôi khi một số người lấy tư cách là bạn bè thân thiết để trêu chọc bạn bằng một số câu nói khiếm nhã và cho rằng những lời nói này chỉ với mục đích đùa giỡn. Trong trường hợp này, bạn nên thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ và yêu cầu họ dừng ngay hành động khiến bạn phải xấu hổ. Nếu họ tiếp tục cố chấp, hãy cân nhắc chấm dứt mối quan hệ độc hại và xây dựng cho mình những mối quan hệ tích cực hơn.

5. Phát triển bản thân

Cảm giác xấu hổ thường hình thành khi bạn nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, vô dụng, năng lực kém,… Vì vậy, cách hiệu quả nhất để vượt qua cảm xúc này là phát triển bản thân. Ngoài kiến thức chuyên môn, nên trau dồi thêm kỹ năng mềm để chủ động và linh hoạt hơn trong cuộc sống.

vượt qua cảm giác xấu hổ
Phát triển bản thân mỗi ngày là cách vượt qua cảm giác xấu hổ hiệu quả

Những người thiếu kỹ năng thường gặp phải các sự cố ngoài ý muốn và lúng túng khi đối mặt với khó khăn, thử thách. Điều này làm gia tăng những tình huống gây ra cảm giác xấu hổ, tự ti, nhục nhã,… Vì vậy, bạn nên cải thiện bản thân mỗi ngày để tự tin hơn và vượt qua cảm giác xấu hổ.

6. Tha thứ cho những sai lầm của bản thân

Sai lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn không nên giữ cảm giác dằn vặt và tội lỗi. Thay vào đó, hãy học cách tha thứ cho những sai lầm của bản thân và bù đắp bằng cách phát triển bản thân mỗi ngày. Sự thiếu sót của bản thân ngày hôm qua sẽ là động lực để bạn hoàn thiện mình ở hiện tại và tương lai.

Một số người giữ cảm giác xấu hổ và luôn nhớ đến những sai lầm của bản thân vì tính cách cầu toàn. Trong trường hợp này, bạn nên thay đổi dần tính cách của bản thân để linh hoạt hơn trong cuộc sống. Bởi sự cầu toàn không phải lúc nào cũng tốt, đôi khi tính cách này trở thành rào cản để bạn bước đến thành công và tận hưởng những niềm vui thực sự trong cuộc sống.

7. Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích

Thay vì chìm đắm trong cảm giác xấu hổ và buồn bã, bạn nên dành thời gian cho các hoạt động mà mình yêu thích như vẽ tranh, đọc sách, tập yoga, bơi lội, chơi với thú cưng, nấu nướng,… Những hoạt động này sẽ giúp tăng hormone serotonin và dopamine mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, buồn bã, lo lắng và căng thẳng.

vượt qua cảm giác xấu hổ
Nên dành thời gian cho các hoạt động yêu thích thay vì chìm đắm trong sự xấu hổ và những cảm xúc tiêu cực

Cảm xúc xấu hổ được xem là yếu tố gây stress. Nếu không giải tỏa kịp thời, những yếu tố này sẽ tích tụ gây ra những xáo trộn về chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ và hậu quả là gây ra các vấn đề tâm lý – tâm thần. Do đó, bạn nên thực hiện những hoạt động mà mình yêu thích vào cuối ngày để giải tỏa cảm xúc và giữ cho bản thân tinh thần thoải mái nhất.

8. Rèn luyện tính cách mạnh mẽ và bản lĩnh

Tính cách là một trong những yếu tố chi phối cảm nhận của mỗi người đối với các sự việc xảy ra xung quanh cuộc sống. Với những người có tính cách mạnh mẽ và bản lĩnh, họ sẽ biết chế ngự cảm xúc tiêu cực và tránh được cảm xúc xấu hổ, buồn bã quá mức trước những tình huống trong cuộc sống.

vượt qua cảm giác xấu hổ
Gạt bỏ sự tự ti và rèn luyện tính cách mạnh mẽ sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác xấu hổ, dằn vặt

Để rèn luyện tính cách mạnh mẽ và bản lĩnh không phải là việc dễ dàng. Trong quá trình rèn luyện tính cách, đòi hỏi bạn phải có sự kiên trì và cố gắng. Hãy bắt đầu bằng việc tự tin hơn vào bản thân, học cách từ chối, cải thiện kỹ năng giao tiếp, chăm chỉ học tập,…

Tính cách mạnh mẽ sẽ giúp bạn đương đầu với khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Đồng thời giúp bạn nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực và khách quan, từ đó vượt qua được sự xấu hổ và những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, mạnh mẽ và bản lĩnh cũng là chìa khóa thành công trong cuộc sống.

9. Tìm gặp chuyên gia tâm lý

Trong một số trường hợp, cảm giác xấu hổ có thể kéo dài khiến bạn căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi và bi quan. Rất nhiều người không biết cách chế ngự cảm giác của chính mình vì thiếu kỹ năng sống và tính cách yếu đuối, nhút nhát. Ngoài ra, khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề tâm lý.

Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề bản thân đang phải đối mặt và biết cách điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng có thể phát hiện những bất thường trong cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc phát hiện sớm các rối loạn tâm thần.

vượt qua cảm giác xấu hổ
Nên tìm gặp chuyên gia tâm lý nếu không thể tự mình vượt qua cảm giác xấu hổ

Không chỉ giúp bạn hiểu rõ bản thân và biết cách chế ngự cảm xúc, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bạn trang bị những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống. So với việc tự rèn luyện, sự hỗ trợ của các chuyên gia sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chuyên gia cũng sẽ giới thiệu cho bạn một số câu lạc bộ và hội nhóm sinh hoạt để nâng cao sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm,…

Cảm giác xấu hổ là một trong những cảm xúc tiêu cực. Nếu cảm xúc này xảy ra thường xuyên và gây ra cho bạn sự khó chịu nhất định, nên học cách chế ngự để giữ cho bản thân tinh thần tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *