Cảm Xúc Tiêu Cực Trong Học Tập: Ảnh Hưởng Và Cách Ứng Phó
Cảm xúc tiêu cực trong học tập có thể bắt nguồn từ kết quả học tập kém, áp lực thành tích từ gia đình, nhà trường,… Nếu không biết cách giải tỏa lành mạnh, trẻ có thể mắc phải các vấn đề tâm lý và phải đối mặt với thành tích học tập suy giảm.
Cảm xúc tiêu cực trong học tập – Nguyên nhân do đâu?
Bên cạnh cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực cũng có thể xảy ra trong quá trình học tập. Thực tế, trẻ có thể phải đối mặt với những tâm trạng tiêu cực như căng thẳng, lo âu, buồn chán, bi quan, tự ti,… do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, tình trạng này có thể không ảnh hưởng quá nhiều. Ngược lại, cảm xúc tiêu cực kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và kết quả học tập.
Cảm xúc tiêu cực có thể xảy ra với mọi đối tượng nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bởi đây là giai đoạn khá nhạy cảm do tác động của quá trình dậy thì. Lúc này, trẻ đã bắt đầu hình thành suy nghĩ, nhận thức riêng và luôn cảm thấy khó chịu khi người lớn khuyên nhủ, dạy bảo.
Tuy nhiên so với sinh viên đại học, kỹ năng và kinh nghiệm sống của trẻ còn khá yếu kém nên chưa biết cách kiểm soát cảm xúc, lời nói và hành vi. Chính vì vậy, trẻ dễ có các cảm xúc tiêu cực và hầu như không biết cách kiểm soát, giải tỏa lành mạnh. Một thực tế đáng buồn là gia đình, nhà trường luôn cho rằng cảm xúc tiêu cực là biểu hiện ở những trẻ hư hỏng, không có giáo dục mà không tìm hiểu nguồn gốc sâu xa.
Theo các chuyên gia tâm lý, cảm xúc tiêu cực trong học tập có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Áp lực thành tích từ gia đình, nhà trường
Có thể thấy, áp lực thành tích là vấn đề mà bất cứ học sinh nào cũng phải đối mặt. Áp lực này có thể đến từ gia đình và nhà trường khiến trẻ thường xuyên bị căng thẳng, chán nản, thậm chí nhiều trẻ cảm thấy đuối sức khi phải học tập liên tục trong nhiều giờ liền.
Kết quả học tập phần nào phản ánh được năng lực của học sinh và khả năng giảng dạy của giáo viên. Tuy nhiên, khả năng của mỗi học sinh là hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc so sánh thành tích và đặt kỳ vọng quá cao vào các em khiến học sinh hình thành những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như chán nản, lo lắng, căng thẳng, bi quan,…
2. Kết quả học tập không như mong muốn
Thực tế, không ít các em học sinh nỗ lực học tập nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Điều này có thể do trẻ bị căng thẳng và áp lực quá mức. Thậm chí khi gia đình và nhà trường không khiển trách, trẻ cũng có thể tự dằn vặt mình dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, bi quan, chán nản, lo âu, tự ti,…
3. Gia đình không quan tâm, chia sẻ
Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc và là nơi để trẻ dựa vào khi gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế, không ít bậc phụ huynh mải mê với công việc mà bỏ quên việc chăm sóc và chia sẻ với con trẻ – đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì từ 10 – 17 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ khá nhạy cảm và dễ đối mặt với những cảm xúc tiêu cực khi gặp áp lực trong học tập, mâu thuẫn với thầy cô, bạn bè,…
Ngoài ra, cách giáo dục quá hà khắc của một số gia đình cũng khiến trẻ tự thu mình, không chia sẻ và bày tỏ với bố mẹ những vấn đề đang gặp phải. Đặc điểm chung của những gia đình này là luôn trách móc, trừng phạt con cái khi trẻ mắc lỗi mà quên rằng trẻ cũng cần được chia sẻ và thấu hiểu.
So với những áp lực từ nhà trường, sự vô tâm, thờ ơ và thiếu thấu hiểu của gia đình khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn. Nhiều trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và ngột ngạt trong chính gia đình của mình. Nếu gia đình không thay đổi cách giáo dục, trẻ có thể phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực kéo dài. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến kết quả học tập và quá trình phát triển nhân cách của trẻ.
4. Sự bất công trong môi trường giáo dục
Thực tế cho thấy, không ít trẻ bị giáo viên “chú ý” và đối xử không công bằng. Trong khi đó, một số trẻ lại nhận được sự ưu ái quá mức. Đây cũng là vấn đề bất cập xảy ra khá nhiều trong môi trường giáo dục.
Thông thường, giáo viên thường nhẹ nhàng với những học sinh ngoan, học tập tốt và quá nghiêm khắc với học sinh thường xuyên quậy phá. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến trẻ có cách nhìn sai lệch và cho rằng bản thân đang phải đối mặt sự đối xử không công bằng – đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm như dậy thì. Chính vì vậy, giáo viên cần có cách cư xử khéo léo để học sinh có thể nhận biết được hành vi của bản thân là hoàn toàn sai và tự điều chỉnh để phù hợp hơn.
5. Phương pháp giáo dục cứng nhắc, thiếu sáng tạo
Thực tế, phương pháp giáo dục của nước ta thiên về lý thuyết hơn so với thực hành. Do đó, không ít trẻ cảm thấy ngột ngạt và khó chịu khi phải học quá nhiều khái niệm trong khi được không được thực hành và phát triển sự sáng tạo. Với những trẻ có cá tính, điều này khiến trẻ phải đối mặt với các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, bi quan, căng thẳng, lo âu, chán nản,…
Cách giáo dục có phần cứng nhắc, thiếu sáng tạo có thể khiến trẻ mất đi sự hào hứng khi đến trường. Nhiều trẻ chỉ duy trì kết quả học tập vừa phải để không bị trách phạt vì không hề tìm thấy niềm vui trong việc học. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ bị hạn chế trong quá trình phát triển năng lực và giảm tính cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Biểu hiện của cảm xúc tiêu cực trong học đường
Cảm xúc tiêu cực là một phần của cuộc sống bên cạnh những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc, hào hứng, phần khởi,… Ở học sinh, kinh nghiệm và kỹ năng sống còn hạn chế khiến trẻ không biết cách kiểm soát tâm trạng. Nếu gia đình và nhà trường không nhận biết và xử lý sớm, cảm xúc bị dồn nén có thể khiến trẻ dễ xung đột với bạn bè. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập, việc phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ.
Những biểu hiện của cảm xúc tiêu cực trong học tập:
- Trẻ luôn cảm thấy chán nản, bi quan và không có hứng thú trong quá trình học tập
- Cảm xúc tiêu cực trong học tập cũng khiến trẻ các những hành vi như mất tập trung khi học tập, trốn học, không làm bài tập và không hoàn thành những nhiệm vụ được giao
- Một số trẻ có những hành vi, cảm xúc phức tạp hơn như chống đối, nổi giận, cãi vả với bố mẹ, thầy cô
- Trẻ có tính cách nhạy cảm có thể biểu hiện qua một số hành vi như buồn bã, hay khóc lóc, tự thu mình và ít chia sẻ
- Nếu cảm xúc tiêu cực xảy ra do mâu thuẫn với thầy cô, bạn bè, trẻ có thể giữ sự thù hằn, tức giận và có những hành vi trả đũa.
- Trẻ có thể tỏ ra đố kỵ, ganh ghét bạn bè vì kết quả học tập hoặc do nhận được sự ưu ái hơn từ giáo viên, nhà trường.
Cảm xúc tiêu cực là “mầm móng” của nhiều rối loạn tâm lý ở trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Nếu không được giải tỏa, những cảm xúc này tích tụ dần khiến trẻ hình thành những suy nghĩ và hành vi sai lệch. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến quá trình học tập và phát triển nhân cách của trẻ.
Ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực đối với việc học
Cảm xúc tiêu cực không phải lúc nào cũng gây ra tác hại. Trên thực tế nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, các cảm xúc này đôi khi cũng mang lại những lợi ích như tăng khả năng tập trung khi học tập, tạo động lực để trẻ hoàn thiện bản thân và nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập. Tuy nhiên, vì bản thân trẻ còn hạn chế về kinh nghiệm sống nên không biết cách giải tỏa và kiểm soát đúng cách.
Cảm xúc tiêu cực kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng đối với quá trình học tập của trẻ. Ban đầu, trẻ sẽ đánh mất sự hứng thú và hào hứng trong học tập. Sau đó, thể hiện rõ cảm giác chán nản, bi quan và giảm khả năng tập trung. Nếu những cảm xúc tiêu cực không được điều chỉnh, kết quả học tập của trẻ sẽ bị sụt giảm, trẻ phải đối mặt với sự chỉ trích từ gia đình, thầy cô và thậm chí là bạn bè.
Ngoài ra, cảm xúc tiêu cực cũng gây ra sự ngột ngạt và mất ổn định trong tâm lý của trẻ. Chỉ với một tác động nhỏ, trẻ có thể nổi giận và nảy sinh xung đột, mâu thuẫn với những người xung quanh. Tuy nhiên, phản ứng chung của nhà trường và gia đình là trách phạt trẻ mà không hề biết rằng, các hành vi này là cách chống trả non nớt với những áp lực tâm lý và cảm xúc tiêu cực. Thậm chí, một số trẻ còn có biểu hiện trầm cảm ở tuổi dậy thì, stress (căng thẳng), rối loạn cảm xúc và hội chứng Self-Harm.
Cách đối phó với cảm xúc tiêu cực trong học tập
Cảm xúc tiêu cực trong học tập không chỉ ảnh hưởng đến thành tích của trẻ mà còn gây ra những vấn đề về mặt tâm lý và phát triển nhân cách. Như đã đề cập, bản thân trẻ trong giai đoạn này còn hạn chế về kỹ năng sống và không biết kiểm soát tâm trạng một cách lành mạnh. Chính vì vậy để đối phó với cảm xúc tiêu cực trong môi trường học đường, cần phải có sự quan tâm của nhà trường, gia đình và bản thân trẻ cũng cần có những biện pháp tự cải thiện.
1. Hướng giải quyết cho nhà trường
Nhà trường là nơi tạo ra môi trường giáo dục nên ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc và cách nhìn nhận của trẻ. Do đó để giảm các cảm xúc tiêu cực trong học tập cho trẻ, nhà trường cần có những biện pháp như sau:
- Không nên quá đặt nặng thành tích học tập, thay vào đó nên khuyến khích trẻ học tập hết mình để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Đồng thời cần giáo dục để trẻ hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của việc học đối với tương lai của trẻ, gia đình và xã hội.
- Bên cạnh lý thuyết, cần khuyến khích trẻ thực hành tại nhà để gia tăng sự sáng tạo và hứng thú khi học tập. Ngoài ra, giáo viên cũng cần chú ý đến thế mạnh của từng học sinh để hỗ trợ trẻ phát triển năng khiếu và hoàn thiện những điểm còn hạn chế.
- Bên cạnh những quy định cần phải tuân thủ, nhà trường cũng cần mềm mỏng và linh hoạt trong từng hoàn cảnh. Tránh trách phạt quá nặng nề khiến tâm lý của trẻ bị tổn thương, dẫn đến việc trẻ giữ sự thù hằn, tức giận và có những hành vi chống đối.
- Ngoài kết quả học tập, giáo viên cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần và chủ động chia sẻ khi nhận thấy trẻ có những vấn đề bất thường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình để cùng phát hiện và xử lý sớm những vấn đề tâm lý ở trẻ.
- Hiện nay, một số trường học đã phát triển các phòng ban tiếp nhận tư vấn tâm lý để kịp thời giải tỏa những vướng mắc và khó khăn về mặt tâm lý mà học sinh gặp phải.
- Đối với trẻ thường xuyên phạm lỗi, nên trò chuyện nhẹ nhàng để hiểu hơn về tâm lý và khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi tốt thông qua lời khen ngợi. Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện khác thường kéo dài, nên trao đổi với gia đình để tìm cách giải quyết. Bởi ở giai đoạn này, trẻ rất dễ bị rối loạn hành vi và tâm lý, rối loạn cảm xúc,…
- Nhà trường cần phải đảm bảo xây dựng môi trường học đường lành mạnh để trẻ có thể an tâm học tập và có điều kiện phát huy năng lực.
2. Cách xử lý dành cho bố mẹ
Ngoài hướng xử lý từ nhà trường, bố mẹ cũng cần có cách xử lý phù hợp để giúp trẻ vượt qua và biết cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Trong giai đoạn này, bản thân trẻ sẽ có khá nhiều sự thay đổi về tâm lý, tư duy và quan niệm về cuộc sống. Chính vì vậy, bố mẹ cần có sự quan tâm đúng mực để giúp trẻ phát triển tâm lý và thể chất một cách khỏe mạnh.
Cách xử lý dành cho bố mẹ khi con trẻ có những cảm xúc tiêu cực:
- Dành thời gian trò chuyện với con cái để hiểu rõ tâm lý của con. Từ đó có thể đưa ra lời khuyên để trẻ có thể tự mình kiểm soát và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.
- Không nên tạo áp lực quá mức cho con cái. Ngoài thời gian học tập, nên cho trẻ vui chơi phù hợp lứa tuổi để trẻ có thể phát triển cả về thể chất và tinh thần.
- Thay đổi cách giáo dục hà khắc hoặc quá bảo bọc con cái. Chỉ nên quan tâm trẻ đúng mực để trẻ vừa có thể dựa dẫm vào gia đình khi cần vừa có thể phát triển tính tự lập và có trách nhiệm hơn với bản thân.
- Chú ý đến các mối quan hệ của con trẻ. Thực tế, những cảm xúc tiêu cực có thể đến từ những mối quan hệ “độc hại”. Trong trường hợp này, bố mẹ cần khéo léo đưa ra lời khuyên và hướng dẫn trẻ để có thể hạn chế những mối quan hệ này và thiết lập các mối quan hệ lành mạnh hơn.
- Khi nhận thấy trẻ giữ những cảm xúc tiêu cực lâu dài, nên cân nhắc đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và trị liệu. Thực tế, trẻ ở tuổi dậy thì đôi khi có những suy nghĩ, quan niệm cứng nhắc và không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội. Can thiệp tham vấn, trị liệu tâm lý sớm sẽ giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và các hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.
- Có các hình phạt phù hợp khi trẻ phạm lỗi nhưng cần tránh trừng phạt quá nghiêm khắc và hạn chế tối đa những lời nói nặng nề, cay nghiệt khiến trẻ bị tổn thương tâm lý.
3. Các biện pháp tự điều chỉnh cho học sinh
Ngoài hướng xử lý từ gia đình và nhà trường, bản thân trẻ cũng cần có biện pháp tự điều chỉnh để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực. Việc trang bị những kỹ năng cần thiết cũng sẽ giúp trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống.
Các biện pháp tự điều chỉnh, cải thiện những cảm xúc tiêu cực trong học tập:
- Cần hiểu được tác hại của cảm xúc tiêu cực đối với kết quả học tập và sức khỏe của bản thân để có động lực giải tỏa cảm xúc và lấy lại niềm vui, sự hào hứng trong việc học.
- Học cách chia sẻ vấn đề với gia đình, bạn bè hoặc thầy cô giáo. Nếu không sẵn sàng để chia sẻ, có thể viết nhật ký nhằm giải tỏa cảm xúc và đưa tâm lý trở về trạng thái ổn định.
- Nếu cảm thấy quá tải với việc học, nên chủ động nói với bố mẹ và thầy cô. Bố mẹ, thầy cô sẽ đưa ra những lời khuyên để trẻ có thể lên kế hoạch học tập phù hợp và có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
- Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và cải thiện khả năng học tập. Ngoài ra, thói quen này cũng giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo âu, buồn bã, chán nản,…
- Hãy nhớ rằng bất kỳ ai cũng phải trải qua khó khăn và vấn đề. Vì vậy, hãy nỗ lực vượt qua thay vì giữ sự tức giận, nóng nảy và thù hằn.
Cảm xúc tiêu cực trong học tập ảnh hưởng đáng kể đến thành tích, các mối quan hệ và thậm chí là sức khỏe. Do đó, gia đình và nhà trường cần quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng nên chia sẻ với gia đình những vấn đề đang gặp phải để nhận được những lời khuyên hữu ích.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!