Cảm Xúc Tiêu Cực Trong Tình Yêu Và Cách Loại Bỏ
Ghen tuông, buồn bã, giận hờn, lo lắng,… là những cảm xúc tiêu cực thường gặp trong tình yêu. Những trạng thái cảm xúc này chính là “gia vị” giúp cho tình yêu thăng hoa và mới mẻ hơn. Tuy nhiên, các cặp đôi cần học cách kiểm soát một số cảm xúc để tránh mối quan hệ trở nên nặng nề và ngột ngạt quá mức.
Những cảm xúc tiêu cực thường gặp trong tình yêu
Tình yêu là cảm xúc đặc biệt phát sinh giữa hai cá thể độc lập. Đây là trạng thái tự nhiên vốn có và xuất phát hoàn toàn từ trái tim. Có thể nói, bản chất của tình yêu là hoàn toàn đẹp đẽ và tự nhiên. Về cơ bản, tình yêu mang đến sự hạnh phúc, vui vẻ, phấn khởi, hứng thú và là nguồn đồng lực để mỗi con người nỗ lực hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, trong tình yêu cũng luôn tồn tại các cảm xúc tiêu cực. Ngược lại với cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực gây ra cảm giác đau khổ, buồn bã, bi quan và u uất. Cũng giống như cuộc sống, các cung bậc cảm xúc đều là “gia vị” giúp cho tình yêu trở nên thú vị và mới mẻ hơn. Bên cạnh đó, cảm xúc tiêu cực cũng là thử thách để cả hai học cách thấu hiểu, đồng cảm và thay đổi để phù hợp với nhau hơn.
Các cảm xúc tiêu cực thường gặp trong tình yêu bao gồm:
1. Ghen tuông
Ghen tuông là cảm xúc không thể thiếu trong tình yêu. Cảm xúc tiêu cực này phát sinh khi đối phương tỏ ra thiếu quan tâm với bản thân và có những hành vi thân thiết với người khác giới. Tùy theo tính cách của mỗi người, ghen tuông sẽ được biểu hiện qua nhiều hình thái khác nhau.
Có người lựa chọn cách im lặng, thu mình để xem xét lại hành vi của đối phương để đánh giá chính xác liệu đối phương có thực sự yêu thương mình hay không. Đi kèm với cảm giác ghen tuông là sự lo lắng, bất an và đôi khi là sợ hãi. Tuy nhiên, cũng có người bộc lộ thẳng thắn cảm xúc ghen tuông qua những lời trách móc, cãi vả. Thậm chí, một số người không thể kiểm soát cơn ghen dẫn đến các hành vi làm tổn thương tinh thần, thể chất của người khác.
Không thể phủ nhận ghen tuông chính là gia vị giúp cho tình yêu trở nên thú vị và mới mẻ hơn. Tuy nhiên, không ít mối quan hệ đi vào ngõ cụt do một trong hai người ghen tuông thái quá. Điều này sẽ gây ra sự mệt mỏi, nặng nề trong mối quan hệ và khiến đối phương ngột ngạt. Từ đó dẫn đến quyết định chia tay, ly thân và ly dị.
2. Giận dỗi
Ngoài ghen tuông, giận dỗi cũng là cảm xúc tiêu cực trong tình yêu. Cảm xúc này thường xảy ra khi người yêu tỏ ra thiếu quan tâm, vô tâm quá mức hoặc có những hành vi khiến bạn không hài lòng. Giận dỗi đôi khi đi kèm với ghen tuông nhưng cũng có thể xuất hiện đơn lẻ tùy theo từng hoàn cảnh.
Cách biểu lộ cảm xúc giận hờn có sự khác biệt rõ rệt giữa cả nam và nữ giới. Nam giới thường chọn cách im lặng và nói chuyện lạnh nhạt. Trong khi đó, cảm xúc giận dỗi ở nữ giới được bộc lộ rõ ràng hơn qua lời nói, biểu cảm khuôn mặt và đôi khi là hành động khóc lóc.
3. Lo lắng
Ở bất cứ giai đoạn nào của tình yêu, sự lo lắng cũng len lỏi vào cảm xúc hạnh phúc, phấn khích và vui vẻ. Theo các chuyên gia Tâm lý, lo lắng trong tình yêu gặp nhiều hơn ở nữ giới. Phái nữ thường lo lắng không biết liệu đối phương có thật sự dành tình cảm chân thành cho mình hay không, băn khoăn có nên tiến xa hơn và chấp nhận những lỗi lầm của bạn trai hay không. Ngoài ra, tính cách phóng khoáng, đa tình của một số chàng trai cũng khiến bạn gái không khỏi lo lắng và ghen tuông.
Nam giới cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng trong tình yêu. Tương tự như nữ giới, nam giới cũng đắn đo suy nghĩ về tình cảm của đối phương dành cho mình, lo lắng khi có ai đó thân thiết quá mức với người yêu, lo âu về tương lai khi tài chính của cả hai chưa thật sự ổn định,…
Khi có mâu thuẫn, cả hai cũng sẽ nảy sinh sự lo lắng về vấn đề liệu đây có phải là người phù hợp để đồng hành cùng mình hay không. Tuy nhiên, lo lắng là một phần tất yếu của cuộc sống và cả tình yêu. Điều quan trọng là mỗi người cần biết giới hạn nỗi lo của bản thân để tránh bỏ lỡ những điều tuyệt vời khác.
4. Buồn bã, sầu muộn
Cảm xúc lo lắng, ghen tuông có thể đi kèm với buồn bã và sầu muộn. Các trạng thái cảm xúc này thường xảy ra khi người yêu có những hành vi không như mong muốn như thiếu quan tâm, vô tư quá mức, có hành động thân thiết với người khác, thiếu tinh tế, quan tâm,… Ngoài ra, buồn bã cũng có thể xảy ra khi cả hai nảy sinh mâu thuẫn và bất đồng quan điểm.
5. Khó chịu, bứt rứt
Tương tự như buồn bã, sầu muộn, khó chịu và bứt rứt cũng là những cảm xúc tiêu cực thường gặp trong tình yêu. Cảm xúc này thường xảy ra khi cả hai bất đồng, không tìm được tiếng nói chung và thường xuyên cãi vả. Tình trạng khó chịu, bứt rứt gặp nhiều hơn ở nữ giới, nhất là khi đối phương có những hành vi khiến cho bản thân phải suy nghĩ nhiều. Những suy nghĩ bi quan khiến cho tâm trạng trở nên khó chịu, buồn bã, không ổn định và rất dễ nổi giận.
6. Thất vọng
Bên cạnh cảm giác hạnh phúc và vui vẻ, thất vọng là điều không thể tránh khỏi trong tình yêu. Khi bước vào một mối quan hệ, bất kỳ ai cũng đều mong muốn đối phương là người hoàn hảo và phù hợp với bản thân. Tuy nhiên trên thực tế, không có ai là hoàn hảo tuyệt đối. Khi nhận thấy những thiếu sót, hạn chế của đối phương, cảm giác thất vọng là điều hiển nhiên.
Với những người đã có kinh nghiệm sống dày dạn, họ sẽ xem xét về khuyết điểm của đối phương và học cách chấp nhận nếu khuyết điểm không thực sự là vấn đề lớn. Ngược lại với những người chỉ mới bắt đầu yêu đương, sự thất vọng quá lớn có thể khiến mối quan hệ đi đến rạn nứt. Thậm chí, không ít cặp đôi thường xuyên mâu thuẫn, cãi vả và luôn trách móc về khuyết điểm, hạn chế của nhau.
7. Bi quan
Khi yêu đương, tình yêu là yếu tố cần thiết để duy trì một mối quan hệ nhưng để đi đến hôn nhân, cả hai cần phải chuẩn bị nguồn tài chính vững vàng cùng với sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Ngoài ra, thái độ của người thân trong gia đình cũng ảnh hưởng đáng kể đến một mối quan hệ.
Nếu mọi thứ xảy ra không suôn sẻ, việc có cảm xúc bi quan và tuyệt vọng là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, nhiều cặp đôi đã không thể cùng nhau đi xa hơn vì hoàn cảnh không tương xứng, gia đình 2 bên không chấp nhận, tài chính bấp bênh, không ổn định,… Mặc dù ngày nay, con cái có thể thoải mái hơn trong việc yêu đương và kết hôn nhưng áp lực gia đình thực sự là rào cản lớn nếu các cặp đôi có ý định tiến xa. Nếu tình yêu không đủ lớn và bản thân cả hai không cùng nỗ lực, việc tan vỡ là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực đối với tình yêu
Cảm xúc tiêu cực luôn mang đến cảm giác không hề dễ chịu. Tuy nhiên trong tình yêu, các trạng thái cảm xúc này không hẳn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hoàn toàn. Cảm giác ghen tuông, giận hờn, buồn bã,… sẽ là gia vị giúp cho tình yêu trở thành món ăn mới mẻ, hấp dẫn và tràn đầy cung bậc cảm xúc.
Có thể thấy sau khi cùng nhau trải qua những trạng thái cảm xúc tiêu cực, các cặp đôi thường sẽ trân trọng và chú ý hơn đến suy nghĩ, lời nói của đối phương. Hơn nữa, ghen tuông, giận hờn cũng giúp làm mới mối quan hệ, đồng thời giúp các cặp đôi nhìn nhận rõ hơn về sự kiên nhẫn, cách cư xử và tình cảm mà đối phương dành cho mình.
Tuy nhiên, cảm xúc tiêu cực cũng có thể là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ trở nên ngột ngạt và nặng nề. Không ít cặp đôi thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi do không tìm được tiếng nói chung. Nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực và hòa giải mâu thuẫn, các cặp đôi có thể phải đi đến quyết định chia tay.
Cảm xúc tiêu cực vừa là gia vị vừa là thử thách trong tình yêu. Điều quan trọng là cả hai biết cách dung hòa và nhường nhịn, thấu hiểu nhau. Trong cuộc sống hôn nhân, cảm xúc tiêu cực cũng là điều không thể tránh khỏi. So với khi còn yêu nhau, hôn nhân có nhiều sự ràng buộc nên cả hai không thể lựa chọn mà bắt buộc phải nỗ lực thay đổi để hòa hợp.
Cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực trong tình yêu
Về cơ bản, cảm xúc tiêu cực không hẳn chỉ mang đến tác hại. Ngược lại, các trạng thái cảm xúc này giúp cho tình yêu trở nên thú vị và mới mẻ hơn. Bên cạnh đó, cảm xúc tiêu cực cũng giúp cho các cặp đôi học cách thấu hiểu và nhường nhịn, chia sẻ.
Tuy nhiên nếu cảm xúc tiêu cực kéo dài lấn át những cảm xúc tích cực, mối quan hệ sẽ trở nên nặng nề và ngột ngạt. Khi tình yêu mất đi cảm giác hạnh phúc và hào hứng, cả hai sẽ đi đến quyết định chia tay để giải thoát cho nhau. Vì vậy, các cặp đôi không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn cảm xúc tiêu cực mà quan trọng nhất là biết cách kiểm soát chúng để tình yêu luôn mới mẻ và mang đến nhiều cung bậc cảm xúc.
Một số cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực trong tình yêu các cặp đôi nên biết:
1. Hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh
Khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, rất ít ai có thể giữ được sự điềm tĩnh và sáng suốt. Vì vậy nếu quá tức giận và ghen tuông trước các hành động của đối phương, bạn nên hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh thay vì trò chuyện vào lúc này.
Cảm xúc là yếu tố chi phối cả hành vi và suy nghĩ. Khi giận dữ và ghen tuông, lý trí sẽ bị “lu mờ” bởi những trạng thái cảm xúc này. Do đó, việc trò chuyện vào lúc này có thể dẫn đến tranh cãi. Ngoài yếu tố thời điểm, bạn cũng cần tinh tế lựa chọn hoàn cảnh phù hợp để giải quyết vấn đề của cả hai. Tuyệt đối không nên tranh cãi ở nơi làm việc, trường học và khi có sự có mặt của người thân, bạn bè.
Nên nhớ rằng, tình yêu là chuyện của hai người. Vì vậy, hãy chọn không gian riêng tư để có thể trao đổi và tìm hướng giải quyết cho những mâu thuẫn, vấn đề của cả hai. Lúc này, cả hai sẽ thoải mái hơn trong lời nói mà không cần phải chú ý đến ánh mắt của những người xung quanh. Hơn nữa, lựa chọn không gian riêng tư cũng là cách để bạn tôn trọng đối phương và chính bản thân mình.
2. Thẳng thắn trao đổi với đối phương
Thực tế, không phải ai cũng chủ động trao đổi với đối phương về những gì bản thân suy nghĩ và cảm thấy khó chịu – đặc biệt là nữ giới. Tâm lý chung của nữ giới khi yêu là thường tỏ ra lạnh nhạt khi giận dỗi, ghen tuông và mong muốn người yêu có thể nắm bắt được tâm lý của bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng tinh tế để nhận biết rằng bạn đang giận dỗi và hiểu được nguyên nhân khiến bạn trở nên lạnh nhạt, xa cách.
Hầu hết các mối quan hệ chỉ có thể duy trì lâu dài khi cả hai thẳng thắn chia sẻ với nhau. Vì vậy khi cả hai có vấn đề, nên trao đổi để tìm hướng giải quyết, nhất là khi đó là vấn đề tài chính hoặc vấn đề từ người thân trong gia đình.
Đôi khi, một số người có xu hướng che giấu để người yêu không phải lo lắng và bận tâm. Tuy nhiên, tình yêu thật sự chính là sự chia sẻ, thấu hiểu và cùng nhau vượt qua khó khăn. Nếu một mình gồng gánh, 1 trong 2 người sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và nặng nề. Người còn lại cũng sẽ hình thành tâm lý bản thân là người thừa thãi và trở thành gánh nặng của đối phương. Dần dần mối liên hệ giữa cả hai trở nên lỏng lẽo và xa cách.
3. Nhìn nhận mối quan hệ một cách khách quan nhất
Khi cảm xúc tiêu cực kéo dài, bạn cần nhìn nhận mối quan hệ một cách khách quan nhất. Cần tìm hiểu nguồn gốc của các cảm xúc này là do đâu và tìm cách khắc phục thay vì đòi hỏi đối phương phải thấu hiểu và chủ động hòa giải.
Việc đánh giá khách quan mối quan hệ sẽ giúp bạn nhận biết rằng đây có phải mối quan hệ nên duy trì hay không. Bởi việc tìm kiếm “nửa kia” để đi đến hôn nhân là không hề dễ dàng. Nếu mối quan hệ này mang lại cho bạn chỉ toàn cảm xúc tiêu cực, hãy cân nhắc trước khi quá muộn.
Ngược lại, trong trường hợp cảm xúc tiêu cực hoàn toàn là do cách cư xử của bạn, nên thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để cả hai hòa hợp và thấu hiểu nhau hơn. Hãy nhớ rằng, cảm giác ghen tuông, buồn rầu, tức giận,… có thể làm mới tình yêu và mang lại cảm giác hứng thú cho cả hai nhưng nếu những cảm xúc này kéo dài, những cảm xúc tích cực sẽ bị lấn át hoàn toàn.
4. Học cách chấp nhận
Cảm xúc tiêu cực thường xảy ra khi bạn nhận thấy đối phương có một số khuyết điểm. Ban đầu, sẽ là cảm giác thất vọng, sau đó là buồn bã, sầu muộn và bi quan. Tuy nhiên, trong tất cả chúng ta, không có ai là hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, bạn nên xem xét khuyết điểm của đối phương có thực sự nghiêm trọng hay không. Nếu khuyết điểm không thực sự là vấn đề, hãy học cách chấp nhận và khéo léo giúp đối phương hoàn thiện theo chiều hướng tích cực.
Trong trường hợp đối phương có những khuyết điểm khó chấp nhận như lười lao động, lối sống phóng túng, thiếu lành mạnh, vũ phu,… bạn nên thẳng thắn đề nghị đối phương thay đổi để có thể kéo dài mối quan hệ. Tuy nhiên, cần khéo léo trong lời nói để hạn chế mâu thuẫn phát sinh.
5. Cân đối tình yêu và các mối quan hệ khác
Thực tế, không ít người quá coi trọng tình yêu mà bỏ quên những mối quan hệ khác như bạn bè, đồng nghiệp, người thân,… Hầu hết những người coi tình yêu là tất cả luôn thường trực cảm giác lo lắng, bất an và ghen tuông khi người yêu thiếu sự quan tâm. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá mức và đặt tình yêu lên vị trí hàng đầu có thể khiến đối phương cảm thấy nặng nề và ngột ngạt. Vì vậy, các cặp đôi cần cân đối tình yêu và các mối quan hệ khác.
Thay vì ở bên cạnh người yêu quá nhiều, nên dành thời gian để chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè, người thân và tham gia các khóa học để nâng cao năng lực. Việc cân đối thời gian sẽ giúp cả hai có cảm xúc nhớ nhung thay vì cảm thấy quá ngột ngạt và nặng nề. Hơn nữa, bất kỳ ai cũng cần phải có không gian riêng cho bản thân. Do đó, bạn nên cân đối giữa các mối quan hệ để có thể loại bỏ cảm xúc tiêu cực trong tình yêu và tìm kiếm thêm cho mình những niềm vui khác.
6. Dành cho nhau thời gian để suy nghĩ
Rất ít những cặp đôi có sự hòa hợp hoàn toàn về cách sống, quan niệm, cách cư xử,… Vì vậy, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi khi yêu đương. Nếu cả hai thường xuyên tranh cãi và không tìm được tiếng nói chung, hãy cho nhau thời gian suy nghĩ.
Thời gian sẽ giúp bạn và đối phương gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trong tình yêu. Đồng thời nhìn nhận lại liệu cả hai có thực sự phù hợp hay không. Nếu tình yêu đủ lớn, cả hai sẽ gạt bỏ “cái tôi” và học cách thấu hiểu, nhường nhịn nhau. Hơn nữa khi có thời gian suy nghĩ, cách nhìn nhận của cả hai về vấn đề sẽ trở nên khách quan hơn. Từ đó có thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung và hướng giải quyết thỏa đáng.
7. Học cách từ bỏ
Tình yêu thực sự đem lại cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, lạc quan, hứng khởi,… song song với các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, bi quan, chán nản và ghen tuông. Tuy nhiên khi những cảm xúc tiêu cực lấn át và kéo dài, mối quan hệ sẽ trở nên nặng nề và mệt mỏi.
Nếu không tìm được tiếng nói chung, hãy học cách từ bỏ. Thực sự, để tìm kiếm được một mối quan hệ có thể đi đến hôn nhân là điều không dễ dàng. Vì vậy, bạn nên dứt khoát từ bỏ những mối quan hệ mà bản thân cảm thấy không thoải mái và luôn phải lo lắng, bất an.
Cảm xúc tiêu cực chính là gia vị trong tình yêu. Tuy nhiên, để tránh mối quan hệ trở nên nặng nề và ngột ngạt, cả hai cần biết cách kiểm soát những cảm xúc này và tìm kiếm cho mình những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, vui vẻ, lạc quan, vui tươi,… Hy vọng qua những chia sẻ trên, các cặp đôi có thể dung hòa cảm xúc tiêu cực – tích cực và đồng hành cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!