Cách Phòng Ngừa Và Chăm Sóc Bệnh Nhân Hysteria
Chăm sóc bệnh nhân Hysteria có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, vì người mắc bệnh lý này có biểu hiện tăng cảm xúc và dễ bị ám thị nên gia đình cần trang bị kiến thức để có thể chăm sóc đúng cách.
Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc bệnh nhân hysteria
Hysteria (chứng cuồng loạn, rối loạn phân ly) là một dạng rối loạn tâm căn gặp chủ yếu ở nữ giới và tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 0.3 – 0.5% dân số thế giới. Bệnh lý này khởi phát triệu chứng và kết thúc một cách đột ngột, không có quy luật và biểu hiện rất đa dạng. Thống kê cho thấy, hysteria khởi phát ở người từ 10 – 35 tuổi và rất ít khi gặp ở người già.
Hysteria thường xảy ra sau khi trải qua sự kiện có tính chất sang chấn (vỡ nợ, ly hôn, ly thân, thất bại trong công việc, mất người thân,…) hoặc do áp lực chồng chất trong thời gian dài. Nhìn chung, bệnh lý này không quá nặng và có thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, bản thân người mắc chứng cuồng loạn – hysteria có biểu hiện tăng cảm xúc và dễ bị ám thị nên gia đình cần phải chăm sóc đúng cách.
Thái độ và cách ứng xử của gia đình ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và khả năng phục hồi của người bệnh. Nhiều trường hợp đã ghi nhận bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn do gia đình có thái độ không phù hợp trong quá trình chăm sóc. Chính vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân hysteria cần phải được thực hiện cẩn trọng.
Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc bệnh nhân hysteria:
1. Chăm sóc ân cần nhưng không quan tâm thái quá
Trước tiên, gia đình cần chú ý đến thái độ khi chăm sóc bệnh nhân hysteria. Vì người bệnh đang gặp phải bất ổn về cảm xúc và dễ bị ám thị nên người nhà cần thể hiện thái độ chăm sóc chu đáo, ân cần và động viên để bệnh nhân nỗ lực vượt qua bệnh nhân. Thái độ thờ ơ, vô cảm có thể khiến người bệnh chạnh lòng, cho rằng bản thân bị bỏ rơi và không có ai quan tâm.
Ngoài ra, gia đình cũng cần tránh thái độ quan tâm và lo lắng thái quá khiến bệnh nhân bị ám thị rằng mình đang mắc phải bệnh lý nghiêm trọng. Trong trường hợp này, các triệu chứng sẽ trở nên nặng dần theo thời gian khiến cho quá trình điều trị gặp khó khăn và người bệnh mất nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng cuồng loạn – hysteria, nên có người thân ở bên cạnh túc trực để hỗ trợ khi người bệnh khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, thay vì giữ khuôn mặt buồn rầu và lo lắng, người nhà nên thể hiện sự lạc quan qua biểu cảm khuôn mặt và lời nói. Điều này khiến cho người bệnh không bị ám thị bởi việc bản thân mắc bệnh nặng và sẽ phục hồi nhanh hơn.
Khi nắm rõ đặc điểm tâm lý của bệnh nhân hysteria, gia đình sẽ biết cách điều chỉnh thái độ và cách ứng xử phù hợp hơn. Nếu cần thiết, người nhà nên trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để được trang bị thêm những kiến thức hữu ích.
2. Cách ly bệnh nhân với nguồn sinh ra áp lực, sang chấn
Phần lớn bệnh nhân hysteria đều là người có nhân cách yếu nên khả năng chịu đựng kém. Khi đối mặt với sang chấn hoặc bị áp lực trong một thời gian dài, người bệnh dễ xuất hiện những bất thường cả về cảm xúc, lời nói, hành vi,… Vì vậy, gia đình cần cách ly người bệnh với nguồn sinh ra áp lực như nhà trường, công ty, nhà riêng,…
Nếu bệnh nhân bị hysteria tập thể, cần tách rời người bệnh ra khỏi tập thể để tránh bị ám thị. Việc cách ly bệnh nhân với nguồn sinh ra áp lực sẽ giúp quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi và mức độ của các triệu chứng cũng sẽ giảm đi rõ rệt sau một thời gian ngắn.
Sau khi bệnh nhân phục hồi, gia đình cũng cần cách ly người bệnh với áp lực và những sự kiện sang chấn trong một thời gian để tránh tái phát. Sau đó, cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa để giúp người bệnh tăng khả năng chịu đựng với áp lực và sang chấn.
3. Hướng dẫn người bệnh hít thở sâu để kiểm soát cảm xúc
Hysteria có biểu hiện đa dạng nhưng nổi bật nhất là thở nhanh, ngất xỉu, rối loạn cảm xúc, dị cảm, ngủ lịm,… Để giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh lý này gây ra, người nhà nên cho bệnh nhân hysteria nằm ở giường lớn trong không gian thoáng đãng và dạy bệnh nhân cách hít thở sâu.
Hít thở sâu giúp điều hòa nhịp thở, cải thiện các triệu chứng thể chất và giảm phần nào sự bất ổn trong tâm lý. Khi người bệnh tỉnh táo, nên chỉ cho bệnh nhân hít thở sâu bằng mũi, sau đó giữ hơi trong vài giây và thở ra từ từ bằng miệng. Thực hiện liên tục sẽ thấy tinh thần thoải mái và giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn cảm xúc của bản thân.
Ngoài ra, gia đình cũng nên khuyến khích bệnh nhân hít thở sâu mỗi ngày để giảm các triệu chứng thực thể do hysteria gây ra như trào ngược dạ dày, đau dạ dày, đau mỏi vai gáy, đau đầu,… Khi yêu cầu người bệnh hít thở sâu, gia đình đều giải thích để họ hiểu rằng đây là phương pháp giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và mang lại kết quả cao hơn.
4. Hỗ trợ xoa bóp bấm huyệt để cải thiện triệu chứng thể chất
Bệnh nhân hysteria có thể gặp phải các triệu chứng do rối loạn thực vật – nội tạng phân ly và rối loạn cảm xúc. Để giảm nhẹ tình trạng này, gia đình có thể xoa bóp bấm huyệt theo hướng dẫn của bác sĩ. Biện pháp này giúp giảm đau nhức, thư giãn cơ và cải thiện tâm trạng thông qua việc tăng nồng độ hormone serotonin và endorphin.
5. Kiểm soát việc sử dụng thuốc của người bệnh
Đối với bệnh hysteria, điều trị chính là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc an thần để giảm lo lắng, trầm cảm, buồn bã,… Vì bệnh nhân có tinh thần không ổn định nên gia đình cần phải chú ý đến việc sử dụng khi chăm sóc bệnh nhân hysteria. Tốt nhất, gia đình nên trao đổi với bác sĩ để nắm bắt cách dùng và liều lượng thuốc. Sau đó, chuẩn bị sẵn thuốc để bệnh nhân uống vào thời điểm được chỉ định.
Khi cho bệnh nhân uống thuốc, nên trấn an và động viên để người bệnh có động lực vượt qua bệnh tật. Ngoài ra, gia đình cũng cần chú ý đến những biểu hiện khác thường trong thời gian dùng thuốc để kịp thời phát hiện và thông báo cho bác sĩ.
Cách phòng ngừa bệnh hysteria
Bệnh hysteria có biểu hiện kỳ dị, đa dạng, khởi phát và kết thúc đột ngột nên nhiều người nghĩ rằng đây là dạng bệnh tâm lý nặng. Trên thực tế, bệnh lý này không quá nghiêm trọng và đa phần bệnh nhân đều phục hồi nhanh. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tái phát khi phải trải qua những sang chấn và áp lực tương tự – đặc biệt là với người có nhân cách yếu. Do đó, sau khi chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân hysteria điều trị, gia đình cần thực hiện biện pháp phòng ngừa để phòng tránh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh hysteria:
1. Bồi dưỡng nhân cách từ khi còn nhỏ
Hysteria xảy ra chủ yếu ở nữ giới do phái nữ có tâm lý nhạy cảm hơn so với nam giới – đặc biệt, những người có nhân cách yếu (thích phô trương, muốn được chiều chuộng, thiếu khả năng tự chủ, độc lập và sức chịu đựng kém). Chính vì vậy, cách phòng ngừa bệnh hysteria hiệu quả nhất là bồi dưỡng nhân cách ngay từ khi còn nhỏ.
Các chuyên gia nhận thấy, người có nhân cách yếu thường được bố mẹ nuông chiều, bảo bọc quá mức hoặc sống trong gia đình không trọn vẹn, thiếu tình thương. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình không xem trọng việc bồi dưỡng nhân cách nên trẻ có tính cách mềm yếu, nhạy cảm và khả năng chịu đựng kém. Vì vậy khi đối mặt với căng thẳng chồng chất hoặc những sự kiện có tính chất sang chấn, hệ thần kinh sẽ bị tác động mạnh dẫn đến các triệu chứng của hội chứng cuồng loạn hysteria.
Để phòng ngừa hysteria và các rối loạn tâm lý khác, gia đình cần xem trọng việc bồi dưỡng nhân cách cho trẻ từ khi còn nhỏ. Thay vì bảo bọc quá mức, nên dạy trẻ cách đối mặt và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời hướng con cái đến những lối sống lành mạnh như tương thân tương ái, đoàn kết, vị tha, biết đồng cảm và chia sẻ.
Với những người đã từng bị hysteria, gia đình cần hỗ trợ người bệnh rèn luyện tính cách mạnh mẽ và quyết đoán. Đối với học sinh, gia đình nên trao đổi với nhà trường để xây dựng hoạt động giúp các em học sinh bồi dưỡng tâm hồn, biết cách chia sẻ, quan tâm và mạnh mẽ đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Với người trên 18 tuổi, việc thay đổi tính cách là không hề dễ dàng. Vì vậy, gia đình cần phải thay đổi từ cách ứng xử, thái độ, lời nói để rèn cho người bệnh tính trách nhiệm và trở nên bản lĩnh hơn. Nếu cần thiết, có thể tham vấn tâm lý để hướng người bệnh đến những tính cách tốt và biết cách vượt qua những thử thách trong công việc, tình cảm,…
2. Có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ
Suy nhược cơ thể là điều kiện để hội chứng cuồng loạn hysteria bùng phát. Nguyên nhân là do thiếu vi chất dinh dưỡng khiến hệ thần kinh trở nên nhạy cảm và giảm ngưỡng chịu đựng đối với căng thẳng, áp lực và những sự kiện sang chấn. Do đó, gia đình nên khuyến khích người bệnh hysteria xây dựng chế độ ăn uống – sinh hoạt điều độ để phòng ngừa bệnh tái phát.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ giúp phòng ngừa hysteria tái phát:
- Ăn uống điều độ, đủ bữa, tuyệt đối không nhịn ăn hoặc ăn uống qua loa. Mỗi bữa ăn phải cung cấp đầy đủ tinh bột, khoáng chất, vitamin, đạm và chất béo lành mạnh.
- Nếu có thể trạng kém, nên tăng cường bổ sung vitamin C, sắt, kẽm và magie để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để phục hồi tế bào thần kinh, từ đó tăng ngưỡng chịu đựng căng thẳng.
- Ngoài ăn uống, nên khuyến khích người bệnh tập thể dục hằng ngày để nâng cao thể trạng. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất cũng góp phần giải tỏa căng thẳng và áp lực – yếu tố khởi phát bệnh hysteria.
- Người chưa từng bị hysteria cũng cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để nâng cao sức khỏe. Qua đó phòng ngừa hội chứng cuồng loạn hysteria và các rối loạn tâm lý thường gặp khác.
- Bên cạnh việc ăn uống và tập thể dục, nên chú ý nghỉ ngơi và ngủ đúng giờ. Chất lượng giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với các bệnh tâm lý – tâm thần và thể chất. Chính vì vậy, cần đảm bảo ngủ đủ giấc để cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
3. Biết cách giải tỏa áp lực học tập, công việc
Ngoài những sự kiện có tính chất sang chấn, áp lực học tập và công việc chồng nhất cũng là yếu tố khởi phát triệu chứng của bệnh hysteria. Bên cạnh lối sống khoa học, bản thân người từng mắc chứng bệnh này cần biết cách giải tỏa áp lực trong học tập và công việc.
Nếu gặp phải áp lực học tập, nên chia sẻ với gia đình để được thấu hiểu và chia sẻ. Ngoài ra, cần bày tỏ với bố mẹ về việc con đang bị áp lực quá mức bởi kỳ vọng từ gia đình, đồng thời nói ra mong muốn và định hướng của bản thân. Trong trường hợp bố mẹ không thấu hiểu, nên chia sẻ cùng anh chị em trong nhà, bạn bè và thầy cô giáo để giải tỏa áp lực và cảm xúc tiêu cực.
Khi gặp phải áp lực công việc, bạn nên điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Lên kế hoạch làm việc khoa học để tăng hiệu suất thay vì làm việc trong một thời gian dài nhưng kết quả không như mong muốn. Sau giờ làm việc, nên dành thời gian để nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, tập yoga, tắm nước ấm,… Các hoạt động này giúp thư giãn đầu óc và giải tỏa căng thẳng, áp lực từ công việc.
Thông thường sau khi trị liệu tâm lý, bệnh nhân hysteria sẽ được các chuyên gia hướng dẫn cách giải tỏa stress, quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống để có thể phòng ngừa bệnh tái phát. Tuy nhiên, gia đình cũng cần hỗ trợ để hướng người bệnh đến lối sống lành mạnh, từ đó tôi luyện sự mạnh mẽ, cứng cỏi và nâng cao khả năng chịu đựng với áp lực trong cuộc sống.
4. Can thiệp trị liệu ngay khi xảy ra sang chấn tâm lý
Những sự kiện có tính chất sang chấn thường xảy ra đột ngột theo cách mà không ai mong muốn. Khi trải qua sang chấn, tâm lý sẽ bị bất ổn trong một thời gian trước khi cân bằng trở lại. Tuy nhiên với những người có nhân cách yếu, tổn thương do sang chấn gây ra chính là điều kiện để hội chứng cuồng loạn hysteria bùng phát.
Ngay khi trải qua sang chấn tâm lý, nên chủ động can thiệp trị liệu để giải tỏa cảm xúc bị dồn nén và tìm lại sự cân bằng về mặt tinh thần. Nếu phải đối mặt với căng thẳng thường xuyên, việc tham vấn tâm lý cũng rất cần thiết. Bởi căng thẳng chồng chất trong một thời gian dài sẽ tích tụ gây tổn thương về mặt tâm lý. Thay vì tự mình đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, nên tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia để được lắng nghe, chia sẻ và cho lời khuyên hữu ích.
5. Cân đối tỷ lệ nam – nữ trong tập thể
Hysteria có thể xảy ra trong tập thể – nhất là khi sự kiện có tính chất sang chấn ảnh hưởng đến nhiều người. Lúc này, những người trong cùng một tập thể dễ bị ám thị và cùng khởi phát triệu chứng của hội chứng cuồng loạn hysteria. Do đó, việc cân đối tỷ lệ nam – nữ trong tập thể là vô cùng cần thiết (nhất là với môi trường học đường).
Nam giới có tinh thần vững hơn phái nữ nên có thể trấn an tinh thần những người còn lại, nhờ đó sẽ giảm được tỷ lệ bệnh nhân hysteria.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã biết cách phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân hysteria. Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng cần ý thức việc bồi dưỡng nhân cách để có thể đối mặt và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời nâng cao kiến thức của bản thân về hội chứng cuồng loạn để giúp đỡ bệnh nhân được thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng cách.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!