Hội Chứng Cuồng Loạn Hysteria: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Điều Trị
Hội chứng cuồng loạn Hysteria là một dạng rối loạn phân ly, được biểu hiện tình trạng la hét, hoảng loạn, kích động thái quá không thể kiểm soát được. Người mắc bệnh này thường được điều trị bằng tâm lý, thôi miên, dùng thuốc đồng thời phải kết hợp với một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để có thể loại bỏ bệnh hoàn toàn.
Hội chứng cuồng loạn Hysteria là gì?
Hội chứng cuồng loạn Hysteria là một trong những dạng rối loạn phân ly với nguyên nhân và những biểu hiện rất lạ kỳ. Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, nhưng đa phần là nữ giới, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 14 – 25. Trung bình cứ khoảng 1000 người thì có đến 3-5 người mắc bệnh. Chứng bệnh này thực tế đã được đề cập trong những văn tự từ thời Ai Cập cổ đại vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên.
Các triệu chứng của bệnh khá đa dạng, điển hình nhất chính là tình trạng đột ngột kích động, hứng phấn, la hét hoảng loạn mà không có nguyên nhân. Một số khác bị ảo giác, khóc lóc, khó thở, nói năng không ăn nhập với nội dung, không có logic, không có nội dung rõ ràng.
Một số thuật ngữ khác của bệnh là women hysteria – chứng cuồng loạn của phụ nữ do trước đây người ta cho rằng bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ, nhưng sau khi được bác sĩ Jean-Marie Charcot ( Pháp) đưa ra các dẫn chứng bác bỏ thì tên gọi này cũng không còn phổ biến. Ngoài ra thuật ngữ Mass Hysteria – chứng cuồng loạn tập thể cũng được sử dụng để mô tả số đông bệnh nhân cùng gặp tình trạng này. Hiện nay Hysteria còn được gọi là chứng Ictêri.
Trong lịch sử thế giới đã ghi chép lại rất nhiều ca hysteria tập thể trong nhiều thế kỷ giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về căn bệnh này. Một vài sự kiện nổi bật có liên quan đến chứng Mass Hysteria như
- Sự kiện Dancing Plague là vụ hysteria tập thể nổi bật nhất xảy ra vào 7/1518 tại Strasbourg, Pháp. Theo đó một người phụ nữ tên Frau Troffea đã khiêu vũ một cách thái quá trên đường phố Strasburg, tuy nhiên sau đó rất nhiều người đều tự nguyện tham gia sự kiện này. Trong tuần đầu chỉ có 34 người tham gia nhưng sau 1 tháng đã có đến 400 người. Điều đáng nói ở đây là hầu hết những người tham gia sự kiện này đều bị tử vong do bị kiệt sức dẫn tới đột quỵ hay bệnh tim. Sự kiện này được cho là là liên quan trực tiếp đến hội chứng cuồng loạn Hysteria.
- Penis Panic hay PP được biểu hiện bởi tình trạng ngất hàng loạt của các thiếu nữ, xảy ra rất phổ biến tại khu vực Châu Á và Châu Phi. Ở nam giới, một số người gặp tình trạng dương vật đột ngột nhỏ đi và thụt lại. Sự kiện này được xếp vào Hysteria do có dấu hiệu lây lan nhanh và mạnh. Thậm chí chính phủ Singapore đã từng phải đưa ra các cảnh báo về căn bệnh này.
- Tháng 5/2006, trên khắp đất nước Bồ Đào Nha có đến hơn 300 nữ sinh trên 14 trường học khác nhau được chẩn đoán mắc bệnh này.
- 2012 có đến 1.900 trẻ em ở khắp 15 trường học tại Sri Lanka có các triệu chứng đột ngột phát ban trên da, chóng mặt, ho và cũng được chẩn đoán là hội chứng hysteria tập thể.
Triệu chứng của hội chứng cuồng loạn Hysteria
Các triệu chứng của hội chứng cuồng loạn Hysteria khá đa dạng, không chỉ biểu hiện trên mặt tinh thần mà còn xuất hiện trên cả thể chất. Người bệnh thường gặp những cảm xúc, vận động, cảm giác.. với những triệu chứng điển hình như la hét, nói cười, gào thét, cảm xúc vui cười lẫn lộn mà không có bất cứ nguyên nhân nào rõ ràng. Một số khác sẽ xuất hiện những ảo giác, ám thị và tự ám thị hay có những nhận thức sai lệch về các sự việc xung quanh.
Các bệnh nhân cũng xuất hiện những cảm giác như bị nghẹt thở, run, co giật, đau đầu, chóng mặt.. Một số người cho biết bản thân có cảm giác như đang có gì đó bị tắc trong cổ họng khiến cổ phình to ra và làm cho các mạch máu ở cổ căng lên, không thở được và hàm răng nghiến chặt. Chính bởi điều này đã khiến cho nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề về tim mạch hay đột quỵ bất ngờ.
Nói chung các triệu chứng điển hình của bệnh thường khá giống động kinh nên nhiều người cũng có thể nhầm lẫn với căn bệnh này. Một điều đặc biệt ở hội chứng cuồng loạn Hysteria chứng tỏ nó khác hoàn toàn với động kinh chính là có xu hướng lây lan trên diện rộng. Chẳng hạn khi một bệnh nhân hét lên và bị ngất sẽ gây ra các phản ứng dây chuyền làm hàng chục người khác ngất theo. Bởi thế mới gây ra các cuộc cuồng loạn tập thể.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học hiện nay cũng đã cho biết có thể chia biểu hiện của hội chứng cuồng loạn Hysteria thành hai mức độ, bao gồm
- Mức độ 1: bệnh nhân bỗng nhiên cảm thấy chân tay nặng nề, chuột rút, bụng bị co thắt, khó thở, thở nặng nhọc, tim đập nhanh, hồi hộp. Bệnh nhân cũng có cảm giác như đang có một quả bóng trong cổ họng và làm cổ họng căng to, nghẹt thở, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Tuy nhiên nếu ở mức độ 1 thì thường người bệnh vẫn còn tỉnh táo nhưng vẫn sẽ xuất hiện những cơn co giật nhẹ khiến bệnh nhân trong tư thế uốn cong như bị phong đòn gánh.
- Mức độ 2: lúc này các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều, người bệnh có thể bị mất ý thức ( nhưng không hoàn toàn), la hét dữ dội, tim đập loạn xạ, cổ phồng to, nhổ nước bọt liên tục, toàn thân co giật đồng thời có các cơ vận động. Tình trạng này có thể kéo dài đến vài giờ, chỉ khi kết thúc thì bệnh nhân mới có thể lấy lại ý thức.
Những cảm xúc đau đớn khó chịu trên thể xác hoàn toàn là do các cảm xúc vô thức, không phải là người bệnh giả vờ hay cố ý. Dù vậy nếu làm các xét nghiệm trên thực thể sẽ hoàn toàn không có bất cứ các triệu chứng bất thường nào.
Một điều thú vị là trong các thế kỷ trước, người ta còn xếp cả việc người phụ nữ bỗng nhiên thích nói những thô tục, tăng ham muốn, hoặc ngoại tình cũng chính là biểu hiện của Hysteria. Bởi thế số lượng bệnh nhân có thời điểm đột ngột bị tăng lên đến quá tải, thậm chí các ông chồng khi thấy vợ mình có biểu hiện này cũng quả quyết rằng vợ đã mắc bệnh và gửi đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Nguyên nhân gây chứng cuồng loạn Hysteria
Thuật ngữ “hysteria” được lấy từ “hystera” -tiếng Hy Lạp có nghĩa là dạ con hay tử cung. Bởi trước đó trong các cổ thư y học Ai Cập năm 1900 trước Công nguyên, người ta cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh là do tử cung của phụ nữ tự di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể. Hippocrates – hay người được mệnh danh là cha đẻ của Y học phương Tây một trong những người đầu tiên mô tả về các triệu chứng của căn bệnh này cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do thiếu dịch tiết tại tử cung.
Đến những năm 2000 trước công nguyên nhà triết học Platon đưa ra lý thuyết cho rằng nguyên nhân làm xuất hiện Hysteria gây nên do người phụ nữ không có con. Điều này làm cho tử cung của người phụ nữ cảm thấy “đau khổ” khi không thực hiện được thiên chức làm mẹ nên mới di chuyển đi khắp cơ thể.
Thực tế thì vào thời cổ đại, con người thường tin rằng tử cung của phụ nữ có thể “lang thang” trong cơ thể nên và có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu nó đi đến phổi, gan, não …Vì thế người ta mới đưa ra các lập luận gây bệnh như thế này. Điều thú vị là quan điểm này có thể tồn tại hàng nghìn năm và dẫn đến một số phương pháp điều trị lạ kỳ, thậm chí đều đầu thế kỷ XX vẫn nhiều người thực hiện các phương pháp điều trị lạ lùng này.
Đến thời Trung Cổ lại xuất hiện một số quan điểm dị đoan cho rằng nguyên nhân khiến một người bỗng nhiên bị kích động, nói cười không rõ ràng là do bị nhập hồn, phù thủy bỏ bùa, quỷ đoạt hồn hoặc do loạn trí. Còn theo học thuyết Freud, các nhà tâm lý cho rằng, các biểu hiện của hysteria cho thấy tiềm thức đang nỗ lực bảo vệ cơ thể khỏi sự căng thẳng tâm linh.
Đến những năm XIX, hysteria các nhà khoa học đã nhìn nhận như là những rối loạn chức năng tình dục. Một số người còn gọi căn bệnh này là “thiếu hơi trai”, thường gặp ở những người con gái, phụ nữ cô đơn quá lâu, không được sinh hoạt tình dục, tuy nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi thế khi nhiều phụ nữ cùng đột ngột mắc chứng này thường bị đánh giá xấu, cho rằng họ là những người thiếu đứng đắn.
Thực tế thì các nguyên nhân gây ra hội chứng cuồng loạn Hysteria vẫn còn là một bí ẩn bởi bệnh có xu hướng xuất hiện một cách khá đột ngột. Tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện đại, các nhà khoa học đã chỉ ra bệnh có liên quan đến những vấn đề tâm lý, căng thẳng stress mệt mỏi kéo dài, người bệnh có những nỗi tức giận, bi quan, lo sợ quá mức kìm nén trong lòng.. Nếu trong một khoảng thời gian mà người bệnh có quá nhiều vấn đề về mặt cảm xúc sẽ rất dễ bùng nổi và dẫn đến hội chứng cuồng loạn Hysteria.
Cho đến nay người ta vẫn chưa thể tìm ra các bất thường trong não bộ có liên quan đến căn bệnh này. Tuy nhiên bệnh có xu hướng xảy ra ở nữ giới nhiều hơn bởi phái nữ có vốn tâm lý nhạy cảm hơn, họ thường suy nghĩ nhiều, không thể chịu được áp lực nên dễ bùng phát hơn.
Bên cạnh đó lý do vì sao hysteria có xu hướng lây lan và diễn ra tập thể vẫn là một bí ẩn lớn mà giới y học vẫn chưa thể tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng nhất.
Hướng điều trị hội chứng cuồng loạn Hysteria
Do những quan niệm về bệnh khác nhau từ những thế kỷ trước nên có rất nhiều phương pháp điều trị về căn bệnh này. Tuy nhiên hiện nay với các nghiên cứu y học hiện đại thì hội chứng cuồng loạn Hysteria sẽ được điều trị chủ yếu bằng các phương pháp tâm lý và thuốc.
Các phương pháp điều trị cổ truyền
Như đã nói, do trong các thế kỷ trước, người ta cho rằng nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến việc tử cung “chạy lung tung” nên dẫn đến các phương pháp điều trị rất lạ kỳ, trong đó liệu pháp “xoa bóp vùng chậu” chính là một trong những phương pháp được nhắc đến. Phương pháp này được xuất hiện từ những năng 1800 và thậm chí cuốn sách chuyên khảo về tâm lý y học thời bấy giờ cũng cho rằng đây một biện pháp điều trị nghiêm túc và không vấp phải bất cứ một định kiến nào từ người bệnh.
Theo đó với phương pháp này, người ta sẽ tiến hành kích thích âm vật thông qua việc dùng tay để “xoa bóp vùng chậu” giúp đưa tử cung trở về vị trí ban đầu. Trong mô tả, những người khi được điều trị bằng phương pháp này sẽ có cảm giác cơ thể nhẹ bẫng, đỏ bừng mặt và trạng thái này được mô tả là “hysterical paroxysm” (tạm dịch: cơn cuồng loạn kịch phát), hay chúng ta có thể hiểu là cơn cực khoái (orgasm) xuất hiện khi tử cung được kích thích trong khi giao hợp. Nếu bệnh nhân đạt được trạng thái này chính là đã “trị liệu đã thành công”, các triệu chứng Hysteria sẽ thuyên giảm ngay sau đó.
Ở thời điểm mà việc phụ nữ nói tục hay ngoại tình được chẩn đoán là hội chứng cuồng loạn Hysteria đã khiến các bác sĩ phải làm việc cho tới khi hai bàn tay “mỏi nhừ và co cứng” do quá tải bệnh nhân.
Vào giữa thế kỷ 19 thì phương pháp “thủy trị liệu” hay trị liệu bằng nước đã được ra đời đầu tiên tại Pháp nhằm giảm sự “vất vả” cho các bác sĩ. Theo đó người ta sẽ lắp đặt các vòi thiết bị có thể xịt nước vào vùng đùi và bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ để tạo ra trạng thái “hysterical paroxysm”. Thiết bị này thường được lắp đặt tại nhà tắm hoặc các Spa. Với thiết bị này có thể kích thích trạng thái “hysterical paroxysm” chỉ trong vòng 4 phút.
Đến cuối thế kỷ 19, với sự phát triển của công nghệ và các ngành kỹ thuật điện thì Máy mát-xa rung (vibrating massager) lại một lần nữa được ra đời để điều trị cho các bệnh nhân nữ mắc chứng tử cung tự di chuyển. Đây là một phát minh của Mỹ tên là George Taylor vào năm 1989, và được đặt tên là “Manipulator”. Theo đó những bệnh nhân mắc hội chứng cuồng loạn Hysteria sẽ được chỉ định ngồi trên một chiếc bàn đệm đã được khoét một lỗ ở phía dưới. Trong chiếc ghế này đã được thiết kế một quả cầu có chức năng rung và thực hiện được nhiệm vụ massage cho vùng đùi, chậu và bộ phận sinh dục ngoài của bệnh nhân. Và tất nhiên điều này cũng kích thích tạo ra trạng thái “hysterical paroxysm”.
Trước đó vào năm 1880, bác sĩ Mortimer Granville cũng đã phát minh ra chiếc máy tương tự nhưng được chạy bằng pin và có thiết kế khá to. Thiết kế của bác sĩ George Taylor ra đời đã được cấp bằng sáng chế cho chiếc máy rung y học đầu tiên. Thậm chí những phụ nữ giàu có thời bấy giờ còn mua chiếc máy này về dùng ở nhà để tự chữa trị khi họ có dấu hiệu bùng phát cơn Hysteria. Ngoài ra chiếc máy của bác sĩ George Taylor còn được dùng trong điều trị chứng táo bón, viêm khớp, mỏi cơ.
Thực tế trước khi các biện pháp này ra đời, các bệnh nhân mắc hội chứng cuồng loạn Hysteria đều được đưa vào các bệnh viện tâm thần để được theo dõi và điều trị. Bác sĩ thường yêu cầu người bệnh phải quan hệ tình dục, mang thai, kết hôn hoặc thoa các loại dầu thảo dược với mục đích kích thích âm đạo. Các bác sĩ cho rằng phương pháp này có thể giúp “neo” tử cung đúng về vị trí ban đầu của mình.
Thậm chí vào thế kỷ 19, khi người ta vẫn còn giữ quan niệm nguyên nhân gây ra bệnh là do tử cung đi lung tung thì không ít người đã bị cắt bỏ tử cung vô cớ và phải điều trị trong bệnh viện tâm thần một thời gian rất dài.
Tất nhiên với nền học hiện đại ngày nay các phương pháp này đã không còn được áp dụng. Dù vậy vẫn nhiều người giữ quan điểm rằng hội chứng cuồng loạn Hysteria là bệnh “thiếu hơi trai” nên bắt người bệnh phải yêu đương, kết hôn hay quan hệ tình dục.
Điều trị theo y học hiện đại
Để đưa ra hướng điều trị theo y học hiện đại, trước tiên bác sĩ cần phải loại bỏ các bệnh lý có dấu hiệu tương tự, chẳng hạn như tụt canxi, động kinh hay hạ đường huyết. Các bài test tâm lý, kiểm tra não bộ khác có thể được thực hiện. Gia đình nên đưa người bệnh đến các bệnh viện tâm thần để được kiểm tra và có hướng điều trị chính xác nhất.
Thông qua việc xác nhận nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến những căng thẳng, stress, áp lực quá mức nên cũng có hướng điều trị khoa học hơn rất nhiều. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp trị liệu tâm lý kết hợp với dùng một số loại thuốc để kiểm soát các trạng thái kích động.
Hầu hết bệnh nhân sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi, thư giãn căng thẳng, giải tỏa đầu óc. Trò chuyện và thực hiện các liệu pháp thôi miên có thể được thực hiện để tìm ra căn nguyên vấn đề. Với các trường hợp nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng kèm theo một số loại thuốc như thuốc an thần để ổn định giấc ngủ hay thuốc trầm cảm liều thấp. Một số bệnh nhân cũng cần phải truyền dịch có pha canxi hoặc kali nhằm cắt tình trạng co giật.
Một chế độ ăn uống khoa học hợp lý cũng rất quan trọng để chấm dứt bệnh nhanh chóng và phòng tránh nguy cơ tái phát. Bệnh nhân được yêu cầu không sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá và hạn chế dùng đường trắng, bột mì trắng . Ngoài ra chế độ ăn nhiều sữa, sử dụng ngũ cốc, nhiều rau xanh và trái cây cũng rất có lợi cho bệnh nhân mắc hội chứng cuồng loạn Hysteria.
Gia đình cũng cần bên cạnh, đồng hành và chia sẻ với bệnh nhân nhiều hơn để cải thiện bệnh. Việc điều trị hội chứng cuồng loạn Hysteria không quá khó khăn như trước, chủ yếu là áp dụng các liệu pháp tâm lý nhẹ nhàng để kiểm soát cảm xúc cho người bệnh.
Quan trọng nhất vẫn là tránh nhầm lẫn giữa hội chứng cuồng loạn Hysteria và động kinh nên người bệnh hãy đến những bệnh viện lớn, có chuyên khoa về tâm thần để được thăm khám và có hướng điều trị chính xác nhất.
Phòng tránh nguy cơ mắc hội chứng cuồng loạn Hysteria
Thực tế vẫn chưa khẳng định được hoàn toàn cơ chế gây hội chứng cuồng loạn Hysteria, nếu liên quan đến các căng thẳng stress thì còn rất nhiều vấn đề tâm lý có thể xảy ra. Dù vậy mỗi người vẫn có thể thực hiện một vài phương pháp đơn giản để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh này
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh để tình trạng căng thẳng áp lực trong thời gian dài
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần thường xuyên, thực hiện các biện pháp giải trí để thư giãn đầu óc
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tăng cường chế độ nhiều sữa, nhiều ngũ cốc, nhiều rau xanh và các loại trái cây
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá cùng các chất kích thích khác
- Hạn chế chế độ ăn nhiều đường hay nhiều bột mì
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày
- Yoga hay thiền cũng đều là những bộ môn rất tốt cho tâm trí
Hội chứng cuồng loạn Hysteria là một chứng bệnh vô cùng kỳ lạ mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn có thể lý giải hết. Thực tế hiện nay vẫn những cuộc Hysteria tập thể diễn ra nên mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt khoa học hơn để phòng tránh tối đa nguy cơ này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!