Hội Chứng Sợ Hãi Khi Không Có Điện Thoại Bên Cạnh (Nomophobia)
Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh (Nomophobia) là vấn đề tâm lý được đề cập lần đầu tiên vào năm 2010. Hội chứng này được xem là hệ quả do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Hiện tại, Nomophobia chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm lý chính thức.
Nomophobia là gì? Thực trạng hiện nay
Nomophobia hay còn gọi là hội chứng sợ thiếu điện thoại và hội chứng sợ hãi/ ám ảnh khi không có điện thoại bên cạnh. Thuật ngữ này xuất hiện vào năm 2010 sau kết quả khảo sát của Bưu điện Anh – Ủy ban YouGov cho thấy, 53% người dùng smartphone có biểu hiện lo lắng khi điện thoại hết pin, hết tài khoản, mất điện thoại hoặc điện thoại nằm ngoài vùng phủ sóng. Trong đó, khoảng 47% nữ giới và 58% nam giới có biểu hiện sợ hãi, lo lắng thái quá khi điện thoại tắt nguồn.
Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh (Nomophobia) là một dạng rối loạn tâm lý, đặc trưng bởi nỗi sợ, sự lo lắng dai dẳng và quá mức về việc không có điện thoại bên cạnh, mất điện thoại, điện thoại tắt nguồn, hết tài khoản, không có wifi,…
Thông thường khi đối diện với những tình huống này, chúng ta cũng khó tránh khỏi cảm giác bất an vì lo sợ những thông tin mật bên trong điện thoại bị rò rỉ, phát tán hoặc lo lắng tốn chi phí để mua điện thoại mới,… Tuy nhiên, người mắc chứng Nomophobia có sự lo lắng dai dẳng, thái quá về việc không có điện thoại ở bên cạnh và đôi khi không có liên quan đến những vấn đề trên.
Sau khi khảo sát của Bưu điện Anh – Ủy ban YouGov được công bố, hàng loạt các nghiên cứu khác cũng được thực hiện để xác định tỷ lệ người mắc hội chứng Nomophobia. Các khảo sát liên tục được thực hiện và cho thấy số lượng người mắc hội chứng này đang dần tăng lên trong những năm gần đây.
Một số nghiên cứu của các giáo sư Trường đại học Purdue – Ấn Độ cho thấy, khoảng 89% sinh viên quá phụ thuộc vào smartphone (điện thoại thông minh) và cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi điện thoại không có thông báo, tin nhắn hay cuộc gọi. Điện thoại thông minh là phát minh vĩ đại có tính đột phá. Không thể phủ nhận phương tiện mang đến rất nhiều lợi ích đối với cuộc sống của con người nhưng song song đó là các mặt hạn chế, tiêu cực mà Nomophobia là ví dụ điển hình nhất.
Biểu hiện của hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh
Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng Nomophobia là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu bởi người mắc hội chứng này thường trực sự lo lắng, thậm chí sợ hãi dai dẳng và thái quá về việc không có điện thoại ở bên cạnh.
Những biểu hiện này tương đồng với ám ảnh sợ không gian hẹp, không gian kín, sợ độ cao,… Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại là một rối loạn tâm lý mới hình thành trong những năm gần đây nên tài liệu ghi chép và kinh nghiệm điều trị còn khá hạn chế.
Theo các chuyên gia, người mắc hội chứng Nomophobia có các biểu hiện như sau:
- Thường trực sự lo lắng, căng thẳng, bất an, sợ hãi hoặc thậm chí hoảng sợ về việc không có điện thoại ở bên cạnh hoặc có điện thoại nhưng không thể sử dụng do hết tài khoản, hết pin, ngoài vùng phủ sóng,…
- Lo lắng, hoảng sợ nếu không tìm thấy điện thoại.
- Thậm chí một số người có biểu hiện kích động nếu không thể sử dụng trong một thời gian và không thể đặt điện thoại xuống.
- Có cảm giác bất an, căng thẳng và lo lắng nếu không thể kiểm tra điện thoại vì đang thi cử, có cuộc họp quan trọng hoặc đang ở những nơi cấm dùng điện thoại di động (dù điện thoại không có âm thanh thông báo tin nhắn, cuộc gọi,…).
- Bên cạnh các triệu chứng về mặt cảm xúc, người mắc hội chứng Nomophobia cũng có những triệu chứng thể chất như run rẩy, tăng tiết mồ hôi, tim đập loạn nhịp, chóng mặt, choáng váng, khó thở, thở nông, tức ngực và thậm chí ngất xỉu.
Những người mắc hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại sẽ luôn giữ điện thoại ở bên cạnh để đảm bảo có thể sử dụng khi cần. Các hành vi thường gặp bao gồm:
- Luôn có sẵn cục sạc và sạc dự phòng để tránh tình trạng điện thoại hết pin.
- Giữ điện thoại bên mình 24/7 kể cả khi tắm và đi vệ sinh.
- Dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại trong ngày.
- Kiểm tra thường xuyên để chắc chắn có đem theo điện thoại trong túi, balo,…
Có thể thấy, Nomophobia gây ra các triệu chứng tương tự như rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu chỉ khác biệt về đối tượng gây ra nỗi sợ. Nếu như trước đây, nỗi sợ chủ yếu là động vật, không gian kín, hẹp, máu, các hiện tượng thiên nhiên thì với sự phát triển của xã hội, con người có thể bị ám ảnh và sợ hãi quá mức về những vấn đề khác như thiếu điện thoại, các thiết bị điện tử, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO),…
Nguyên nhân gây hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại
Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại là một dạng rối loạn tâm lý mới được phát hiện trong những năm gần đây. Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác, các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được xác định có thể gây ra Nomophobia bao gồm:
- Phụ thuộc vào công nghệ: Nomophobia thường có liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và các thiết bị điện tử. Nếu như trước đây, điện thoại chỉ là phương tiện liên lạc thì giờ đây, điện thoại lưu trữ nhiều thông tin quan trọng và có thể xử lý công việc, ghi chép các vấn đề cần thực hiện trong ngày, thông báo cuộc hẹn, hỗ trợ tính lượng calo dung nạp,… Do đó khi không có điện thoại ở bên cạnh, không ít người trở nên lo lắng, sợ hãi, bất an và căng thẳng.
- Nỗi sợ bị cô lập: Điện thoại thông minh là phương tiện để mọi người kết nối thông qua các nền tảng xã hội. Với những người không có nhiều mối quan hệ ngoài đời, họ dành nhiều thời gian để kết bạn thông qua mạng xã hội. Do đó, việc không có điện thoại bên cạnh khiến họ trở nên bất an, lo lắng vì sợ bị cô lập và lãng quên.
- Sang chấn tâm lý có liên quan đến điện thoại: Các nghiên cứu cho thấy, nhiều người mắc hội chứng Nomophobia từng phải trải qua các sang chấn tâm lý có liên quan đến việc mất điện thoại hoặc điện thoại không liên lạc được. Chẳng hạn như việc bỏ lỡ cơ hội làm việc do không nhận được cuộc gọi, email, không kịp đến bệnh viện khi người thân đang cấp cứu,… Những sự kiện này khiến bản thân hình thành nỗi sợ hãi và lo lắng khi không có điện thoại ở bên cạnh.
- Ảnh hưởng từ gia đình: Nếu sống chung với anh chị em hoặc bố mẹ có biểu hiện nghiện điện thoại quá mức, bản thân cũng sẽ hình thành suy nghĩ và hành vi tương tự. Đây cũng là lý do Nomophobia đang trở thành vấn đề tâm lý lớn mà cả nhân loại phải đối mặt trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ.
Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh thường gặp ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Nguyên nhân là những đối tượng này có hiểu biết nhất định về công nghệ, nắm bắt được xu hướng và biết ứng dụng công nghệ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Vì vậy, thanh thiếu niên và người trẻ sẽ phụ thuộc vào smartphone nhiều hơn so với người trung niên, cao tuổi,…
Ảnh hưởng của hội chứng sợ thiếu điện thoại – Nomophobia
Tính đến thời điểm hiện tại, Nomophobia vẫn chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm thần chính thức. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy hội chứng này gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống và sức khỏe của con người. Tình trạng lo lắng, sợ hãi thái quá về việc mất điện thoại hoặc không thể sử dụng điện thoại khiến người bệnh dễ bị căng thẳng, mất ngủ, tăng huyết áp, khó tập trung,…
Thậm chí, nhiều người không thể dừng sử dụng điện thoại. Điều này gây lãng phí thời gian, giảm hiệu suất lao động, học tập và ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ. Ngoài ra, việc quan tâm quá mức đến điện thoại thông minh còn khiến bản thân bỏ lỡ niềm vui và những điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Một số chuyên gia cảnh báo, con người có thể giam mình trong nhà với điện thoại di động thay vì gặp gỡ bạn bè và khám phá cuộc sống. Trong trường hợp này, Nomophobia có thể gia tăng nguy cơ stress, trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội và các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu khác.
Điện thoại di động là vật bất ly thân trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, phụ thuộc quá mức vào phương tiện này sẽ gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi người cần phải có hiểu biết nhất định về Nomophobia và các vấn đề tâm lý liên quan đến việc phụ thuộc vào thiết bị điện tử để kịp thời điều chỉnh, khắc phục.
Chẩn đoán hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại
Như đã đề cập, Nomophobia vẫn chưa được công nhận là bệnh tâm thần chính thức. Chính vì vậy, Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần Hoa Kỳ DSM-5 và ICD-10 hoàn toàn không đề cập đến hội chứng này. Tuy nhiên hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần đã tiếp nhận và điều trị hội chứng Nomophobia cho rất nhiều bệnh nhân.
Nhiều người lầm tưởng, sử dụng điện thoại trong thời gian dài là biểu hiện của Nomophobia. Tuy nhiên, hội chứng này có biểu hiện phức tạp, bao gồm cả các triệu chứng cảm xúc và thể chất. Hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng diễn ra ít nhất trong 6 tháng và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống.
Hội chứng Nomophobia thường được chẩn đoán khi bệnh nhân có những biểu hiện sau:
- Khó ngủ, thiếu ngủ
- Sử dụng điện thoại liên tục và gần như cả ngày
- Gây ra nhiều phiền toái trong quá trình làm việc, học tập và ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ
- Tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống
- Gây xáo trộn các hoạt động thường ngày
Ngoài việc chẩn đoán xác định, bác sĩ cũng sẽ thực hiện một số chẩn đoán để đánh giá mức độ của hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh. Điều này có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ thiếu điện thoại
Tùy vào mức độ của hội chứng Nomophobia, bác sĩ sẽ xem xét phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ được tham vấn tâm lý và tư vấn các biện pháp tự cải thiện. Tuy nhiên, nếu hội chứng Nomophobia gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bệnh nhân sẽ phải can thiệp liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc. Không có phương pháp điều trị cụ thể đối với hội chứng sợ thiếu điện thoại mà thường được cá nhân hóa tùy theo từng trường hợp.
Các phương pháp điều trị được xem xét cho bệnh nhân mắc hội chứng Nomophobia:
1. Liệu pháp tâm lý
Tương tự như các rối loạn ám ảnh đặc hiệu khác, Nomophobia được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp với mục đích tác động đến tâm lý của người bệnh. Đối với hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại, bác sĩ thường can thiệp các liệu pháp tâm lý sau:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp trị liệu tâm lý có hiệu quả trong điều trị rối loạn ám ảnh đặc hiệu nói chung và Nomophobia nói riêng. Liệu pháp này được thực hiện bằng tác động nhằm thay đổi suy nghĩ, từ đó giúp bệnh nhân chế ngự nỗi sợ, sự lo lắng, bất an khi không thể sử dụng điện thoại hoặc khi điện thoại không có ở bên cạnh.
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc cũng là phương pháp mang lại hiệu quả trong điều trị hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ có mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng dưới sự kiểm soát của bác sĩ/ chuyên gia tâm lý. Sau một thời gian, bệnh nhân sẽ dần quen với việc không có điện thoại ở bên cạnh và giảm sự phụ thuộc với các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, mục đích của liệu pháp tiếp xúc không phải là tránh sử dụng điện thoại hoàn toàn mà giúp bệnh nhân dùng điện thoại đúng cách và lành mạnh hơn.
Đa phần những bệnh nhân mắc hội chứng Nomophobia đều có đáp ứng tốt sau khi trị liệu tâm lý. Thông thường, bệnh nhân mắc các rối loạn tâm lý phải kết hợp phương pháp này cùng với sử dụng thuốc. Tuy nhiên, người mắc hội chứng Nomophobia đa phần đều có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý đơn lẻ.
2. Sử dụng thuốc
Rất ít bệnh nhân mắc hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh phải điều trị bằng thuốc. Chỉ những trường hợp có biểu hiện nặng hoặc đi kèm với các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu,… sẽ được xem xét dùng thuốc để cải thiện triệu chứng. Thuốc có thể được dùng ngắn hạn hoặc dài hạn tùy theo trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, phương pháp chính đối với hội chứng Nomophobia vẫn là liệu pháp tâm lý.
Các loại thuốc được xem xét sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh:
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta thường được dùng để điều trị các vấn đề tim mạch. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể được xem xét cho bệnh nhân Nomophobia trong trường hợp người bệnh gặp phải các triệu chứng thể chất như mất ngủ, tim đập nhanh, tăng tiết mồ hôi, hoa mắt, choáng váng, đau đầu,…
- Thuốc an thần: Thuốc an thần nhóm benzodiazepine được cân nhắc sử dụng để giảm bớt sự sợ hãi, lo lắng và căng thẳng khi không có điện thoại bên cạnh. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có khả năng gây nghiện nên chỉ được dùng ngắn hạn với liều thấp nhất có hiệu quả. Với những trường hợp dùng thuốc lâu dài, bắt buộc phải giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh các tác dụng không mong muốn.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Bên cạnh việc sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý, các biện pháp tự cải thiện cũng giúp ích trong việc cải thiện hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh. Đối với những trường hợp nhẹ, các biện pháp này hoàn toàn có thể cải thiện bệnh mà không cần phải can thiệp các phương pháp chuyên sâu:
- Giảm dần thời gian sử dụng điện thoại bằng cách dành thời gian cho các hoạt động yêu thích như nấu ăn, chơi với thú cưng, gặp gỡ bạn bè, viết nhật ký, đi dạo công viên,…
- Tập thói quen không sử dụng điện thoại khi không cần thiết. Chẳng hạn như bạn nên tắt điện thoại khi đi ngủ và ăn uống với gia đình. Có thể dùng thêm một số vật dụng hỗ trợ như đồng hồ báo thức, sổ ghi chép,… để giảm mức độ phụ thuộc vào điện thoại cho đến khi có thể sử dụng smartphone một cách lành mạnh nhất.
- Ưu tiên tương tác trực tiếp với những người xung quanh thay vì sử dụng điện thoại.
- Giải tỏa căng thẳng sẽ giúp ích đáng kể trong việc chế ngự nỗi sợ, sự lo lắng và bất an khi không sử dụng điện thoại. Các biện pháp bạn có thể áp dụng bao gồm ngồi thiền, tập yoga, bơi lội, liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm, nghe nhạc, ngủ đủ giấc,…
Điện thoại di động là phương tiện liên lạc quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, cần sử dụng điện thoại một cách lành mạnh và khoa học để tránh những ảnh hưởng tiêu cực. Nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh (Nomophobia), nên thăm khám và điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!