Hội Chứng Sợ Kết Hôn (Gamophobia): Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu, đặc trưng bởi nỗi sợ và sự lo lắng quá mức về hôn nhân. Người mắc hội chứng này sẽ phải đối mặt với nhiều phiền toái trong cuộc sống, đặc biệt là khía cạnh tinh thần.
Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì?
Hội chứng sợ kết hôn (Tiếng Anh: Gamophobia/ Fear of Marriage) là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu mà ở đây, nỗi sợ hãi và sự lo lắng quá mức liên quan đến việc kết hôn, gắn kết giữa hai cá thể trong một mối quan hệ lâu dài. Ý nghĩ gắn kết cuộc sống của bản thân với một người khác khiến người bệnh có cảm giác lo lắng, bất an, sợ hãi không thể kiểm soát. Trong nỗi sợ, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng thể chất như các dạng ám ảnh sợ đặc hiệu khác.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn giảm đi đáng kể trong khi tỷ lệ ly hôn và lựa chọn cuộc sống độc thân tăng lên rõ rệt. Theo khảo sát được thực hiện vào năm 2019 trên website fearof.net với 69.108 người tham gia, khoảng 66% nữ giới có nỗi sợ về việc kết hôn, trong khi tỷ lệ ở nam giới chỉ 34%.
Ở Hoa Kỳ, khoảng 12.5% dân số phải đối mặt với các ám ảnh sợ đặc hiệu bao gồm cả hội chứng sợ kết hôn. Dù chưa có khảo sát chính thức nhưng tỷ lệ người mắc bệnh lý này là không thấp. Có thể khẳng định tỷ lệ mắc chứng Gamophobia sẽ tăng lên khi những bất công trong xã hội về quyền lợi giữa vợ – chồng chưa được tháo gỡ. Về lâu dài, điều này thực sự sẽ gây ra vấn đề cho gia đình và xã hội.
Các triệu chứng của hội chứng sợ kết hôn
Khi trải qua sang chấn tâm lý có liên quan đến hôn nhân như bố mẹ ly dị, bạn đời ngoại tình, ly hôn, ly thân,… không ít người mất đi niềm tin và trở nên sợ hãi về việc gắn bó lâu dài với người khác. Tuy nhiên, sau khi bình ổn tâm lý, nỗi sợ sẽ giảm dần hoặc biến mất theo thời gian.
Ngược lại, những người bị hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) luôn thường trực nỗi sợ về hôn nhân và sự ràng buộc. Thậm chí, những ý nghĩ về việc kết hôn có thể khiến người bệnh xuất hiện cơn hoảng loạn cùng với một loạt triệu chứng thể chất.
Các triệu chứng thường thấy ở người mắc hội chứng Gamophobia:
- Cảm thấy sợ hãi quá mức và dai dẳng về việc kết hôn hoặc ràng buộc bản thân trong một mối quan hệ lâu dài.
- Luôn giữ suy nghĩ cực đoan về hôn nhân và các mối quan hệ tình cảm.
- Có xu hướng né tránh các cuộc trò chuyện, sự kiện liên quan đến hôn nhân.
- Nhiều người không giữ được bình tĩnh, trở nên hung dữ, tức giận, cáu kỉnh, thậm chí là mất kiểm soát khi người khác hỏi về mối quan hệ tình cảm và vấn đề kết hôn.
- Một số người cảm thấy bản thân không xứng đáng để được yêu thương hay gắn bó với bất cứ ai.
- Nỗi sợ khiến người bệnh từ chối nhiều người khi họ bày tỏ mong muốn được kết hôn.
- Một số người không có bất cứ mối quan hệ tình cảm nào vì muốn tránh xa hoàn toàn vấn đề hôn nhân.
- Luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và thường suy nghĩ bi quan về kết quả của các mối quan hệ yêu đương.
- Đôi khi ý nghĩ về việc phải kết hôn khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, tức ngực, khó thở, lâng lâng, đổ mồ hôi, buồn nôn, choáng váng, đỏ bừng mặt, thậm chí có một số người còn bị sốc và ngất xỉu (đặc biệt là khi gia đình ép kết hôn).
Hiện nay, không ít người lựa chọn cuộc sống độc thân vì yêu thích sự tự do, phóng khoáng. Họ không muốn gò bó bản thân trong cuộc sống hôn nhân và từ chối tiến đến mối quan hệ lâu dài với bạn trai/ bạn gái. Tuy nhiên, điều này khác hẳn với hội chứng sợ kết hôn.
Người mắc hội chứng Gamophobia luôn thường trực sự sợ hãi về hôn nhân, thậm chí họ nhận biết bản thân đang sợ hãi và lo lắng thái quá. Sự sợ hãi do hội chứng này gây ra thường kéo dài trong ít nhất 6 tháng và gây ra nhiều phiền toái trong việc học, công việc, các mối quan hệ,…
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ kết hôn
Tương tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, các chuyên gia không tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Gamophobia. Qua nhiều nghiên cứu và khảo sát, các chuyên gia nhận thấy hội chứng này thường là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp và hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân duy nhất.
Một số yếu tố được xác định có liên quan đến hội chứng Gamophobia:
- Gia đình không trọn vẹn: Sinh ra và lớn lên trong gia đình không trọn vẹn sẽ hình thành trong mỗi người nỗi sợ vô hình về việc kết hôn. Đa phần những người mắc hội chứng này đều sống trong gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly dị, ly thân, xung đột gia đình sâu sắc không thể hóa giải,… Nỗi sợ sẽ lớn dần theo thời gian dẫn đến hội chứng sợ kết hôn và nhiều vấn đề tâm lý khác.
- Từng thất bại trong hôn nhân: Những người từng thất bại trong hôn nhân cũng có khả năng cao mắc hội chứng sợ kết hôn – đặc biệt là khi bạn đời là người tệ bạc, vũ phu, khác hẳn so với khi chưa kết hôn. Người sống trong gia đình không hạnh phúc và từng thất bại trong hôn nhân rất dễ hình thành nỗi sợ về việc gắn bó lâu dài.
- Hội chứng tự hủy hoại bản thân: Nhiều khảo sát cho thấy, người có xu hướng tự hủy hoại bản thân sẽ dễ mắc phải hội chứng sợ kết hôn do không muốn bản thân được hạnh phúc. Họ hình thành những suy nghĩ tiêu cực về việc kết hôn và có những đánh giá méo mó về bản thân. Dần dần, những suy nghĩ này tích tụ khiến cho bản thân xuất hiện nỗi sợ dai dẳng về vấn đề hôn nhân.
- Yếu tố di truyền: Lo lắng thái quá là tình trạng có khả năng di truyền. Nếu gia đình có tiền sử rối loạn lo âu, khả năng mắc phải các ám ảnh sợ cụ thể nói chung và hội chứng sợ kết hôn nói riêng sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố thuận lợi bởi nếu không trải qua sang chấn tâm lý có liên quan đến tình cảm – hôn nhân, nỗi sợ có thể hướng đến những khía cạnh khác.
Hội chứng sợ kết hôn có ảnh hưởng gì?
Hiện nay, những hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề tâm lý còn hạn chế. Do đó, người mắc hội chứng sợ kết hôn sẽ gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Cụ thể, những người xung quanh sẽ liên tục đề cập đến việc kết hôn và các mối quan hệ tình cảm. Điều này khiến người bệnh phải đối mặt với sự lo lắng, sợ hãi dai dẳng. Nếu không có biện pháp can thiệp, bản thân bệnh nhân sẽ hình thành những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí méo mó về bản thân và vấn đề hôn nhân.
Ngoài ra, nỗi sợ về việc kết hôn cũng khiến cho người bệnh phải né tránh nhiều vấn đề trong cuộc sống. Từ đó ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất học tập và làm việc. Hơn nữa, những người xung quanh thường không hiểu được thái độ và cảm xúc của người bệnh, từ đó dễ phát sinh xung đột. Chính vì vậy, người mắc hội chứng Gamophobia thường có ít bạn bè và ngại kết giao với người khác. Rất nhiều người phải chịu cảnh sống cô độc vì né tránh những mối quan hệ tình cảm và không mở lòng với bạn bè, đồng nghiệp.
Sự sợ hãi và lo lắng dai dẳng, thái quá cũng gia tăng những vấn đề tâm lý, thể chất như mất ngủ, stress, suy nhược cơ thể, đau đầu, tăng huyết áp,… Nếu không được những người xung quanh thấu hiểu, người bệnh có thể tìm đến rượu bia, chất kích thích để quên đi sự lo lắng và nỗi sợ của chính mình. Thậm chí một số người có thể phát triển thêm một số vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm,…
Chẩn đoán hội chứng sợ kết hôn
Hội chứng sợ kết hôn là vấn đề tâm lý cần được điều trị. Người mắc hội chứng này thường né tránh nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, từ đó dần dần giảm kết nối với mọi người và có xu hướng sống cô lập. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng.
Hội chứng sợ kết hôn – Gamophobia chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng, đồng thời gây ra nhiều phiền toái và làm gián đoạn cuộc sống. Nỗi sợ, sự lo lắng mà người bệnh phải đối mặt thường quá mức so với mức độ của vấn đề. Đặc biệt, người bệnh hoàn toàn không có khả năng kiểm soát nỗi lo dù nhận thức được cảm xúc này là thái quá và không cần thiết.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia)
Bất kể nguyên nhân là gì, triệu chứng và ảnh hưởng của hội chứng sợ kết hôn đều như nhau. Để ngăn chặn những hậu quả do chứng bệnh này gây ra, bệnh nhân nên thăm khám và điều trị sớm ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường.
Mục đích của việc điều trị là giúp bệnh nhân kiểm soát nỗi sợ và những cảm xúc thái quá về việc kết hôn. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các phiền toái trong các mối quan hệ, công việc,… Hoàn toàn không hướng đến việc điều chỉnh ý thức của bệnh nhân về việc từ bỏ cuộc sống độc thân để tìm kiếm bạn đời. Phương pháp chính cho người mắc hội chứng này là liệu pháp tâm lý nhưng không có chỉ định cụ thể mà được cá nhân hóa tùy theo từng trường hợp.
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính cho việc điều trị các ám ảnh sợ đặc hiệu nói chung và hội chứng sợ kết hôn nói riêng. Tùy theo mức độ triệu chứng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định một số liệu pháp sau:
- Tư vấn tâm lý: Tư vấn tâm lý là hình thức trị liệu ít chuyên sâu nhất. Với những bệnh nhân chưa sẵn sàng cho việc điều trị, chuyên gia sẽ tiến hành tư vấn tâm lý. Dù không can thiệp sâu như trị liệu nhưng phương pháp này vẫn mang lại hiệu quả cao cho hội chứng sợ kết hôn. Tư vấn tâm lý giúp bệnh nhân có cơ hội chia sẻ nỗi sợ của bản thân và những vấn đề tình cảm đã phải trải qua (gia đình không trọn vẹn, từng ly dị, thất bại trong tình yêu,…).
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): CBT là phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng phổ biến hiện nay. Khi thực hiện liệu pháp này, chuyên gia sẽ giúp người bệnh kiềm chế và kiểm soát nỗi sợ thái quá về việc kết hôn. Mục đích của CBT là điều chỉnh hành vi, nhận thức của người bệnh, từ đó giúp thay đổi suy nghĩ và cảm xúc. Thông qua liệu pháp này, bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt nỗi sợ và giảm phần nào những phiền toái trong cuộc sống.
- Liệu pháp tâm động học: Liệu pháp tâm động học cũng được xem xét cho người mắc hội chứng Gamophobia. Trong liệu pháp này, bệnh nhân tự do bày tỏ cảm xúc và những suy nghĩ sâu kín bên trong mà không bị bất cứ ai đánh giá. Liệu pháp tâm động học thường được áp dụng cho cặp đôi hoặc nhóm để những người xung quanh thấu hiểu hơn tâm lý của người bệnh.
- Liệu pháp phơi nhiễm: Liệu pháp phơi nhiễm là một phần quan trọng trong điều trị các ám ảnh sợ đặc hiệu, bao gồm cả hội chứng sợ kết hôn. Trong liệu pháp này, bệnh nhân sẽ được tiếp xúc với nỗi sợ (việc ràng buộc, hôn nhân). Thông thường, chuyên gia sẽ đề cập đến việc kết hôn và gắn bó lâu dài với mức độ từ nhẹ đến nặng. Từ đó giúp người bệnh quen dần với vấn đề này và phần nào có thể giảm bớt nỗi sợ vô lý.
- Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên ít được áp dụng cho hội chứng sợ kết hôn. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân che giấu cảm xúc và những ký ức từ thời thơ ấu, chuyên gia buộc phải sử dụng liệu pháp này. Liệu pháp thôi miên giúp chuyên gia tâm lý thấu hiểu được những vấn đề bệnh nhân đã phải trải qua, nắm bắt được cảm xúc và suy nghĩ sâu kín. Nhờ vậy, chuyên gia sẽ đánh giá và áp dụng liệu pháp tâm lý phù hợp.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc thường không cần thiết trong quá trình điều trị hội chứng sợ kết hôn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị lo âu, căng thẳng, hoảng loạn,… quá mức, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc để giảm các cảm xúc tiêu cực và nâng đỡ tinh thần khi trị liệu tâm lý.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia):
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc giải lo âu
- Thuốc chẹn beta (được sử dụng để làm giảm các triệu chứng thể chất do hội chứng sợ kết hôn gây ra)
3. Các biện pháp tự cải thiện
Về cơ bản, người mắc hội chứng sợ kết hôn hoàn toàn ý thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể nào kiểm soát. Một số người muốn thoát khỏi chứng bệnh này để có thể tận hưởng cuộc sống độc thân một cách trọn vẹn. Số còn lại muốn vượt qua nỗi sợ vô lý để tiến xa hơn trong các mối quan hệ tình cảm.
Ngoài các phương pháp điều trị y tế, người bệnh cũng có thể tự cải thiện chứng Gamophobia thông qua một số biện pháp sau:
- Trò chuyện với những người có cuộc hôn nhân hạnh phúc: Ý nghĩa thực sự của hôn nhân là sự hòa hợp và gắn kết lâu dài. Bên cạnh những cuộc hôn nhân đổ vỡ, cũng có những cặp vợ chồng hạnh phúc và hòa thuận sau nhiều năm chung sống. Trò chuyện với những người có cuộc hôn nhân hạnh phúc sẽ giúp người bệnh giảm đi những suy nghĩ tiêu cực và dần xây dựng lòng tin, hy vọng cho sự gắn kết lâu dài.
- Tránh những điều tiêu cực về tình yêu, hôn nhân: Song song với việc trò chuyện với những cặp vợ chồng hạnh phúc, bệnh nhân nên tránh xa những điều tiêu cực về cuộc sống hôn nhân. Nếu thấy những thông tin tiêu cực về việc kết hôn, nên bỏ qua để giữ cho bản thân suy nghĩ tích cực và không bị chìm đắm trong nỗi sợ quá mức.
- Yêu thương bản thân nhiều hơn: Những người mắc hội chứng sợ kết hôn thường rơi vào trạng thái lo lắng dai dẳng, bất an, tự ti và đôi khi tự dằn vặt bản thân. Khác với những người phóng khoáng theo chủ nghĩa độc thân, người mắc bệnh lý này tự tách biệt bản thân với mọi người và đôi khi có những hành vi tự hủy hoại. Vì vậy, bước đầu để vượt qua chứng Gamophobia là yêu thương bản thân hơn. Hãy bắt đầu bằng việc ăn uống điều độ, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục mỗi ngày và ngủ đủ giấc.
Phải làm gì khi người yêu mắc hội chứng sợ kết hôn?
Người mắc hội chứng sợ kết hôn vẫn có mối quan hệ tình cảm nhưng họ thường chấm dứt mối quan hệ khi đối phương muốn tiến xa hơn. Điều này không có nghĩa là họ không dành tình yêu cho bạn trai/ bạn gái của mình. Vì bị nỗi sợ chi phối nên người bệnh đành kết thúc mối quan hệ dù còn tình cảm với đối phương. Sự kiện này sẽ lặp đi lặp lại khiến bệnh nhân đau khổ sâu sắc, u uất, chán nản,…
Nếu người yêu của bạn bị chẩn đoán mắc chứng Gamophobia, điều này không có nghĩa là họ không dành cho bạn tình cảm chân thành. Nên biết rằng, bản thân họ bị nỗi sợ và sự lo lắng chi phối nên không dám tiến xa hơn trong mối quan hệ tình cảm.
Trong trường hợp bạn cũng là người không thích ràng buộc, cả hai có thể duy trì mối quan hệ như hiện tại. Tuy nhiên, hội chứng sợ kết hôn không chỉ cản trở đời sống tình cảm mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với những khía cạnh khác như học tập, nghề nghiệp, bạn bè,… Vì vậy, bạn nên khuyến khích người yêu thăm khám và can thiệp điều trị.
Nếu bạn muốn tiến xa hơn, hãy nỗ lực để đối phương có động lực tham gia trị liệu. Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia trị liệu tâm lý cùng để hiểu hơn về tâm lý và suy nghĩ của đối phương. Từ đó sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc điều trị và giúp cả hai thấu hiểu hơn khi bước vào đời sống hôn nhân.
Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống, đời sống tinh thần và sức khỏe của người bệnh. Nếu bản thân mắc chứng bệnh này, cần trang bị những kiến thức hữu ích để biết cách kiểm soát và vượt qua nỗi sợ. Ngoài ra, những người xung quanh cũng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ để bệnh nhân có động lực trong quá trình điều trị.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!