Hưng Cảm Có Triệu Chứng Loạn Thần: Chẩn Đoán Và Hướng Điều Trị
Hưng cảm có triệu chứng loạn thần là một dạng hưng cảm nặng. Ngoài các triệu chứng hưng cảm điển hình, người bệnh còn gặp phải các biểu hiện loạn thần như ảo thanh, ảo giác và hoang tưởng với nội dung đa dạng như tự cao, bị hại, bị theo dõi,…
Hưng cảm có triệu chứng loạn thần là gì?
Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc trái ngược với trầm cảm. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng cảm xúc tăng cao bất thường dẫn đến khí sắc hưng phấn, lạc quan, vui vẻ, gia tăng các hoạt động thể chất và những hành vi bản năng.
Hưng cảm chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng kể trên không liên quan đến việc sử dụng chất và đã loại trừ các nguyên nhân thực thể. Khác với trầm cảm, hưng cảm không xuất hiện đơn độc mà là thường một giai đoạn của rối loạn lưỡng cực.
Hưng cảm có triệu chứng loạn thần (hưng cảm loạn thần) là một dạng hưng cảm nặng. Ngoài các triệu chứng đặc trưng, bệnh nhân còn gặp phải biểu hiện loạn thần phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc. Hưng cảm có triệu chứng loạn thần dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý điển hình bởi triệu chứng loạn thần như tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn hoang tưởng,…
Trạng thái hưng cảm loạn thần gây ra các triệu chứng rõ rệt nên thường được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, gia đình cần phải theo dõi chặt chẽ trong và sau quá trình điều trị để ngăn chặn hậu quả nặng nề do những hành vi bản năng bộc phát trong các giai đoạn bệnh.
Nhận biết hưng cảm có triệu chứng loạn thần
Hưng cảm loạn thần đặc trưng bởi các triệu chứng hưng cảm điển hình kết hợp với tình trạng loạn thần. Mức độ triệu chứng sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên nhìn chung, người mắc chứng bệnh này sẽ có những triệu chứng như sau:
- Tăng khí sắc rõ rệt, vui vẻ, lạc quan và phấn chấn
- Khí sắc tăng quá mức dẫn đến các hành suồng sã, khiêu gợi, thiếu đứng đắn hoặc cáu gắt, gây hấn với những người xung quanh.
- Tư duy dồn dập biểu hiện qua hành vi nói nhiều, nói liên tục nhưng lời nói không rõ ràng.
- Đứng ngồi không yên và tăng các hoạt động thể chất mặc dù nhu cầu ăn và ngủ giảm đi đáng kể.
- Tư duy phi tán và thay đổi suy nghĩ rất nhanh. Sự gia tăng của khí sắc khiến người bệnh đặt ra nhiều mục tiêu cho cuộc sống nhưng tất cả đều thiếu tính thực tế và xa vời.
- Không kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Đặc biệt, người bệnh có những hành vi không phù hợp với hoàn cảnh (thường là những hoàn cảnh yêu cầu phải giữ yên lặng và sự tôn nghiêm như nhà tang lễ, cuộc họp cổ đông, tòa án,…).
- Ý tưởng khuếch đại, tự cao như bản thân có tài năng, ngoại hình hơn người,…
- Hưng cảm làm gia tăng các hành vi bản năng, liều lĩnh mà không nghĩ đến hậu quả như đua xe, đầu tư rủi ro, chi tiêu hoang phí, quan hệ tình dục không an toàn, chửi thề, nói năng không suy nghĩ,…
- Người mắc chứng hưng cảm nói chung và hưng cảm có triệu chứng loạn thần nói riêng đều tăng ham muốn tình dục. Nhiều người phô trương tình dục bằng cách kể lại “chiến tích” của bản thân cho những người khác và cố ý ăn mặc quyến rũ để kích thích ham muốn.
- Hưng cảm loạn thần sẽ đi kèm với các biểu hiện loạn thần phù hợp với khí sắc như xuất hiện ảo thanh, ảo giác về việc bản thân có quyền lực, tài năng hơn người, hoang tưởng tự cao,… Cũng có những trường hợp xuất hiện loạn thần không phù hợp với khí sắc như ảo thanh là những lời bình phẩm, chỉ trích bản thân, hoang tưởng bị hại và các hoang tưởng với nội dung tình dục.
Đặc điểm chính của hưng cảm có triệu chứng loạn thần là tình trạng cảm xúc thiếu ổn định và dễ bị kích thích. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện cơn hưng cảm mê sảng (mất tỉnh táo, không còn nhận thức được hành vi và mọi thứ xung quanh).
Nguyên nhân gây hưng cảm có triệu chứng loạn thần
Nguyên nhân gây hưng cảm, hưng cảm nhẹ và hưng cảm có triệu chứng loạn thần vẫn chưa được xác định. Nhưng nhìn chung, các dạng của hưng cảm đều có liên quan đến yếu tố sinh học và tâm lý – xã hội.
Các yếu tố dẫn đến hưng cảm có triệu chứng loạn thần:
- Di truyền: Rối loạn cảm xúc là bệnh lý có khả năng di truyền. Do đó, nguy cơ bị hưng cảm có triệu chứng loạn thần sẽ tăng lên nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh. Nhiều bằng chứng cho thấy, gen di truyền có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của các rối loạn tâm thần nói chung và hưng cảm nói riêng.
- Bất thường về cấu trúc não bộ: Khi nghiên cứu não bộ và hệ thần kinh của người bị hưng cảm, các chuyên gia nhận thấy có sự thiếu hụt về mật độ của tế bào đệm và tế bào thần kinh, tính toàn vẹn của các tế bào thần kinh, mức độ hoạt động của tế bào đậm và các chất sinh hóa riêng cho vỏ não thùy trán. Bên cạnh đó, tiểu não có hiện tượng tăng hoạt động tương đối, mất điều hòa vùng đồi thị, hạch nhân nhân và vùng thể vân bụng có hiện tượng tăng hoạt động. Những bất thường này giải thích phần nào hiện tượng tăng cảm xúc ở bệnh nhân hưng cảm.
- Các yếu tố sinh học: Cảm xúc được hình thành bởi các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh được xem là yếu tố trực tiếp dẫn đến rối loạn cảm xúc. Hiện tại, nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng giữa các chất này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết cho rằng, tổn thương thực thể ở não bộ, bất thường của hệ trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận và rối loạn tuyến giáp có vai trò đáng kể gây ra tình trạng này.
- Các sang chấn tâm lý: Tương tự như trầm cảm, các biến cố xảy ra trong cuộc sống cũng có thể là yếu tố khởi phát hưng cảm có triệu chứng loạn thần. Các biến cố có thể là mất người thân, bản thân bị chẩn đoán mắc các bệnh nan y, ly hôn, vỡ nợ, trải qua tai nạn khủng khiếp,…
Hưng cảm có triệu chứng loạn thần có nguy hiểm không?
Hưng cảm là một giai đoạn của rối loạn lưỡng cực bên cạnh trầm cảm. Trong đó, một số trường hợp gặp phải hưng cảm có triệu chứng loạn thần. Đây là một dạng hưng cảm có mức độ nặng vì ngoài các triệu chứng điển hình, bệnh nhân còn có biểu hiện loạn thần phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc. Loạn thần khiến cho cảm xúc của bệnh nhân trở nên bất ổn hơn, người bệnh không kiềm chế được hành vi và gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Ảnh hưởng đầu tiên của chứng hưng cảm có triệu chứng loạn thần là nguy cơ đối mặt với chấn thương và nhiều vấn đề sức khỏe thể chất do các hành vi liều lĩnh, bản năng như quan hệ tình dục không an toàn, gây hấn, bạo lực, đua xe,… Người bệnh hoàn toàn không ý thức được mức độ nguy hiểm của các hành vi này đối với sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.
Trong các cơn hưng cảm, bệnh nhân có biểu hiện kích động, tự cao và phô trương quá mức. Tình trạng này khiến cho người bệnh gặp nhiều phiền toái trong các mối quan hệ và nhiều khả năng sẽ bị cô lập do mọi người đều không thoải mái với những lời nói, hành vi khiếm nhã. Ngoài ra, việc chi tiêu quá mức, không tính toán và đầu tư rủi ro cũng khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính.
Bệnh nhân hưng cảm có triệu chứng loạn thần thường có những hoang tưởng, ảo giác và ảo thanh về việc bản thân có năng lực hơn người chẳng hạn như là siêu nhân, nhân viên FBI,… Một số trường hợp xuất hiện loạn thần không phù hợp với khí sắc như hoang tưởng bị hại, bị theo dõi. Các biểu hiện loạn thần khiến cho bệnh nhân trở nên ngờ vực, đề phòng những người xung quanh và rất dễ nảy sinh các hành vi bạo lực.
Trong các cơn hưng cảm, bệnh nhân có xu hướng sử dụng rượu bia và chất gây nghiện. Về lâu dài, lối sống tiêu cực sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, rối loạn giấc ngủ, tiểu đường, viêm loét dạ dày – tá tràng,… So với trầm cảm, hưng cảm bao giờ cũng có tiên lượng tốt hơn và tỷ lệ tự sát khá thấp. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể tử vong và đối mặt với nhiều di chứng do các hành vi liều lĩnh bộc phát trong các giai đoạn bệnh.
Chẩn đoán hưng cảm có triệu chứng loạn thần
Tương tự như các dạng hưng cảm khác, hưng cảm có triệu chứng loạn thần thường được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng. Ngoài các triệu chứng hưng cảm điển hình, bệnh nhân phải có các biểu hiện loạn thần phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc.
Các triệu chứng tồn tại dai dẳng và kéo dài ít nhất trong 7 ngày. Đồng thời phải gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với các hoạt động thường ngày, hiệu suất học tập, lao động và các mối quan hệ. Trước khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ khả năng những biểu hiện trên được gây ra bởi các vấn đề sức khỏe thể chất và lạm dụng chất gây nghiện.
Các kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện trong quá trình chẩn đoán hưng cảm có triệu chứng loạn thần:
- Các xét nghiệm thường quy bao gồm xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm hormon tuyến giáp, xét nghiệm máu,…
- Chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng bao gồm siêu âm tuyến giáp, điện não đồ, điện tim đồ, đo đa ký giấc ngủ, lưu huyết não, X quang tim phổi, MRI sọ não, CT sọ não, siêu âm ổ bụng,…
- Các trắc nghiệm tâm lý bao gồm thang đánh giá nhân cách (MMPI), thang đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI), thang đánh giá hưng cảm Young,…
Hưng cảm có các triệu chứng loạn thần rất dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác. Do đó song song với chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý như:
- Rối loạn cảm xúc gây ra do các bệnh cơ thể hoặc lạm dụng chất
- Rối loạn khí sắc chu kỳ
- Tâm thần phân liệt
- Rối loạn hoang tưởng
- Rối loạn phân liệt cảm xúc
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
Các phương pháp điều trị hưng cảm có triệu chứng loạn thần
Hưng cảm có triệu chứng loạn thần thường có biểu hiện nặng và đôi khi phải nhập viện do các hành vi liều lĩnh, đe dọa đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. So với trầm cảm, hưng cảm thường có đáp ứng tốt hơn nhưng tỷ lệ tái phát cao. Do đó, bệnh nhân cần phải điều trị dự phòng để tránh bệnh tái phát và duy trì chất lượng cuộc sống lâu dài.
Các phương pháp điều trị hưng cảm có triệu chứng loạn thần bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Thuốc là lựa chọn ưu tiên khi điều trị hưng cảm loạn thần – đặc biệt là trong giai đoạn cấp tính. Sử dụng thuốc giúp kiểm soát cảm xúc tăng cao, kích động và giảm các hoạt động bản năng, liều lĩnh. Sau khi triệu chứng được kiểm soát, bệnh nhân cần dùng thuốc duy trì để phòng ngừa tái phát.
– Các loại thuốc được sử dụng khi điều trị hưng cảm loạn thần cấp tính:
- Thuốc chống loạn thần điển hình bao gồm Levomepromazin, Chlorpromazine, Haloperidol,…
- Thuốc chống loạn thần không điển hình bao gồm Olanzapine, Risperidone, Clozapine, Aripiprazole, Quetiapine,…
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepin bao gồm Clonazepam, Bromazepam, Lorazepam, Diazepam,…
- Thuốc chống co giật bao gồm Carbamazepine, Valproate,…
Đối với hưng cảm có triệu chứng loạn thần, bệnh nhân thường được chỉ định dùng phối hợp thuốc chống loạn thần với thuốc chống co giật. Thuốc an thần thường được xem xét sử dụng khi bệnh nhân có biểu hiện kích động và gây hấn.
– Các loại thuốc điều trị hưng cảm loạn thần được dùng trong giai đoạn duy trì:
- Thường lựa chọn các loại thuốc đã được sử dụng trong giai đoạn cấp
- Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Carbamazepine, Valproate, Quetiapine, Olanzapine, Risperidone,…
- Sử dụng phối hợp với các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, một số bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng thể chất do hưng cảm có triệu chứng loạn thần gây ra.
2. Liệu pháp sốc điện (ECT)
Liệu pháp sốc điện thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, những trường hợp hưng cảm có biểu hiện kích động mạnh và không có cải thiện khi sử dụng thuốc cũng được cân nhắc thực hiện liệu pháp này.
ECT là phương pháp tác động đến não bộ không xâm lấn. Phương pháp này sử dụng dòng điện có kiểm soát tác động vào bên trong não bộ, nhằm tạo ra các cơn rung giật với mục đích điều hòa và cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Khi yếu tố nội sinh trở về mức cân bằng, các biểu hiện hưng cảm và loạn thần sẽ giảm đi đáng kể.
Liệu pháp sốc điện thường phải thực hiện nhiều lần và số lần điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ triệu chứng, khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Nhìn chung, phương pháp này mang lại hiệu quả tốt nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu và mất trí nhớ tạm thời.
3. Liệu pháp tâm lý
Tương tự các rối loạn cảm xúc khác, bệnh nhân hưng cảm có triệu chứng loạn thần sẽ được can thiệp trị liệu tâm lý bên cạnh sử dụng thuốc. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân ổn định cảm xúc, biết cách chế ngự tâm trạng và giải tỏa stress. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý còn giúp phục hồi chức năng tâm lý xã hội để bệnh nhân nhanh chóng hòa nhập với mọi người và bình thường hóa cuộc sống.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân có triệu chứng loạn thần bao gồm:
- Liệu pháp gia đình
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp xã hội
- Giáo dục sức khỏe tâm thần
- Hướng dẫn các kỹ năng giải tỏa stress và đối phó với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống
Liệu pháp tâm lý thường được áp dụng sau khi hưng cảm loạn thần được kiểm soát. Ngoài hình thức trị liệu cá nhân, chuyên gia thường khuyến khích gia đình cùng tham gia trị liệu cùng để hiểu được cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Từ đó gia đình có thể hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị và ngăn chặn kịp thời hậu quả của những hành vi liều lĩnh, bản năng.
Thông thường, hưng cảm có triệu chứng loạn thần sẽ thuyên giảm nhanh sau khi can thiệp điều trị. Tuy nhiên, các chức năng tâm lý xã hội sẽ mất một khoảng thời gian mới có thể phục hồi trở lại. Hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc có tỷ lệ tái phát cao. Do đó, việc trang bị kiến thức cho chính bản thân người bệnh và những người xung quanh là vô cùng cần thiết.
Hưng cảm có triệu chứng loạn thần là một dạng hưng cảm nặng với các biểu hiện loạn thần đi kèm. Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân đều có đáp ứng tốt sau khi can thiệp điều trị. Tuy nhiên, vì bệnh có khả năng tái phát cao nên bệnh nhân cần điều trị dự phòng và có chế độ chăm sóc hợp lý.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!