Lợi Ích Và Tác Hại Của Cảm Xúc Tiêu Cực Bạn Nên Biết
Trên thực tế, cảm xúc tiêu cực không chỉ gây ra tác hại mà còn mang đến một số lợi ích. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ xuất hiện khi cảm xúc tiêu cực diễn ra trong một thời gian ngắn và bạn biết cách kiểm soát, giải tỏa lành mạnh.
Bất ngờ với lợi ích của cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực được định nghĩa là tất cả các cảm giác gây ra sự đau khổ, lo âu, buồn bã, chán nản, bi quan,… Các cảm xúc này tồn tại bên cạnh cảm xúc tích cực như một phần tất yếu của cuộc sống. Ngược lại với cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực xảy ra khi phải đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng, các áp lực và vấn đền nan giải trong cuộc sống.
Tùy theo hoàn cảnh và tính cách của từng người, cảm xúc tiêu cực có thể được bộc lộ một cách chân thực hoặc được kìm nén ở bên trong. Như tên gọi, cảm xúc tiêu cực gây ra cảm giác không hề thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên trên thực tế, các cảm xúc này cũng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe. Chính vì vậy, bạn không nên quá lo lắng nếu nhận thấy bản thân đang phải đối mặt với sự lo âu, căng thẳng, ganh ghét, đố kỵ, tức giận,…
Một số nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng, cảm xúc tiêu cực mang lại khá nhiều lợi ích đối với sức khỏe và cuộc sống như:
1. Gia tăng sự tập trung khi học tập, làm việc
Cảm xúc là trạng thái xảy ra khi con người phải đối mặt với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Nếu sự kiện này có tính chất nghiêm trọng và xảy ra một cách không mong muốn, việc có những cảm xúc tiêu cực là hoàn toàn không tránh khỏi. Thực tế cho thấy, các cảm xúc tiêu cực len lỏi vào đời sống của con người qua nhiều hoàn cảnh khác nhau như áp lực công việc, kết quả học tập kém, mối quan hệ tình cảm không được như mong muốn,…
Bên cạnh cảm giác khó chịu, cảm xúc tiêu cực cũng giúp gia tăng sự tập trung khi học tập và làm việc. Cụ thể khi đối mặt với áp lực công việc, bạn sẽ tăng khả năng tập trung và nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc khi bài kiểm tra đạt kết quả không tốt, phản ứng chung của mọi người là xem xét lại bản thân và nỗ lực hơn để cải thiện.
Như vậy, sự lo lắng, căng thẳng, tức giận hay đố kỵ không chỉ gây ra những tác động tiêu cực mà còn mang đến những lợi ích đáng kể. Thậm chí, một số người cảm nhận rõ hiệu suất lao động tăng lên đáng kể sau khi trải qua tâm trạng tiêu cực.
2. Tăng sự nhạy bén
Cảm xúc có chức năng truyền tín hiệu để các cơ quan điều chỉnh hoạt động, từ đó tạo ra những phản ứng giúp cơ thể thích nghi với các điều kiện khác nhau. Các chuyên gia nhận thấy, những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, vui vẻ mang lại cảm giác an toàn và thoải mái. Trong khi đó, cảm xúc tiêu cực truyền đến tín hiệu hoàn toàn mới giúp cơ thể tràn trề năng lượng và nhạy bén hơn so với bình thường.
Nhiều người cũng nhận thấy rằng, bản thân nhạy bén, sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn khi bị căng thẳng, lo âu và sau khi phải trải qua những sự kiện có tính chất buồn bã như chia tay, mâu thuẫn với bạn bè, gặp phải áp lực về tài chính, mất người thân (đặc biệt là người có vai trò trụ cột gia đình),… Các chuyên gia cho rằng, khi phải đối mặt với khó khăn, cơ thể sẽ biết cách điều chỉnh để bản thân trở nên mạnh mẽ nhất. Hơn nữa, nguồn động lực “vô hình” từ ý chí cũng giúp cho cơ thể tràn trề năng lượng và nhạy bén, linh hoạt hơn trong công việc.
3. Cải thiện trí nhớ ngắn hạn
Cải thiện trí nhớ ngắn hạn là một trong những lợi ích của cảm xúc tiêu cực. Sau khi đối mặt với những tâm trạng tiêu cực như buồn bã, lo âu, căng thẳng, não bộ sẽ truyền tín hiệu kích thích đến các cơ quan, từ đó giúp tăng trí nhớ ngắn hạn và tăng sự nhạy bén khi học tập, làm việc.
Trong khi đó, nếu cuộc sống chỉ toàn những cảm xúc tích cực, não bộ sẽ hoạt động theo thói quen và có thể giảm sự nhạy bén đáng kể. Vì vậy khi đối mặt với một số tâm trạng tiêu cực, tín hiệu của não bộ sẽ bị thay đổi, từ đó tạo ra kích thích mới giúp não bộ cải thiện trí nhớ ngắn hạn và hoạt động tốt hơn.
4. Phát triển kỹ năng giao tiếp
Ngoài ra, thay đổi đường truyền của não bộ khi phải đối mặt với tâm trạng tiêu cực cũng giúp phát triển kỹ năng giao tiếp. Cụ thể khi bị căng thẳng, tức giận và nổi nóng, khả năng sử dụng ngôn ngữ trở nên linh hoạt. Thậm chí, một số người trở nên khéo léo hơn trong cách cư xử khi phải đối mặt với áp lực và khó khăn trong công việc.
Một số nghiên cứu còn cho thấy khi cơ thể bị căng thẳng, não bộ sẽ trở nên nhạy bén hơn với ngôn ngữ cơ thể. Lúc này, bạn có thể cảm nhận được đối phương đang lo lắng, căng thẳng hay hài lòng với cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, đôi khi sự tức giận và nóng nảy quá mức cũng khiến bạn mất kiểm soát trong hành vi và lời nói.
5. Tạo động lực để hoàn thiện bản thân
Có thể thấy, những cảm xúc tích cực mang lại cảm giác an toàn nhưng ít khi là lý do để bạn cố gắng học tập, làm việc. Trong khi đó, các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo âu, phiền muộn, đố kỵ, tức giận,… chính là nguồn động lực để mỗi cá nhân nỗ lực hoàn thiện mình và cố gắng hơn trong học tập, làm việc.
Tác hại của cảm xúc tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống
Bên cạnh lợi ích, cảm xúc tiêu cực cũng gây ra không ít tác hại – đặc biệt là khi những cảm xúc này kéo dài. Nếu không biết cách giải tỏa và kiểm soát, cảm xúc tiêu cực có thể gây ra những ảnh hưởng như:
1. Gây căng thẳng thần kinh kéo dài
Cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng thần kinh (stress). Ngày nay, stress được xem là một phần tất yếu của cuộc sống khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu stress kéo dài dai dẳng, bạn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý, thể chất do stress làm gia tăng một số hormone như cortisol, adrenaline,…
2. Gia tăng mâu thuẫn, xung đột
Khi phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực, tâm trạng sẽ trở nên bất ổn và khó kiểm soát được lời nói, hành vi. Vì vậy chỉ với một tác động nhỏ, bạn có thể nổi giận vô cớ và gây gổ với những người xung quanh. Do đó, gia tăng mâu thuẫn, xung đột được xem là tác hại phổ biến của cảm xúc tiêu cực.
Thậm chí, một số mâu thuẫn có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc như mâu thuẫn vợ chồng có thể đi đến quyết định ly hôn, ly thân, xung đột với cấp trên dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, khó khăn trong việc thăng tiến,… Chính vì vậy, mỗi người cần phải trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để kiểm soát và giải tỏa cảm xúc tiêu cực một cách hiệu quả.
3. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng khi cơ thể phải đối mặt với căng thẳng, chán nản, lo âu, buồn bã, bi quan,… Những cảm xúc này khiến não bộ bị kích thích liên tục dẫn đến tình trạng khó chìm vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và mệt mỏi sau khi thức dậy.
Chất lượng giấc ngủ giảm thấp khiến cơ thể trở nên mệt mỏi hơn, đồng thời gia tăng mức độ lo âu và căng thẳng. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống ngày một giảm thấp. Chính vì vậy, bạn cần học cách kiểm soát để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực trong thời gian sớm nhất.
4. Giảm khả năng tập trung
Về cơ bản, một số cảm xúc tiêu cực xảy ra trong thời gian ngắn có thể tăng mức độ tập trung, linh hoạt và nhạy bén. Tuy nhiên nếu như căng thẳng, lo lắng kéo dài, suy nghĩ sẽ bị chi phối dẫn đến hiện tượng giảm khả năng tập trung và thường xuyên gặp phải sai sót.
Hơn nữa, tâm trạng tiêu cực kéo dài cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và tác động đáng kể đến trí nhớ. Điều này khiến cho hiệu suất lao động ngày một giảm thấp và tăng nguy cơ thất nghiệp, giáng chức, thu nhập không ổn định,…
5. Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý
Cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể làm thay đổi nồng độ hormone và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Nếu không có biện pháp điều trị sớm, bạn có thể phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như:
- Đau nửa đầu: Tức giận, căng thẳng, lo âu,… kéo dài làm giảm lưu lượng máu lên não. Về lâu dài, bạn có thể bị đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não. Ngoài ra, một số người còn có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiền đình và làm nghiêm trọng các bệnh lý thần kinh sẵn có.
- Các bệnh tiêu hóa: Tâm trạng tiêu cực ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng gia tăng dịch vị, rối loạn nhu động ruột, kháng insulin, giảm khả năng hấp thu,… do căng thẳng, lo âu kéo dài có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiểu đường, rối loạn nhu động ruột, bùng phát các bệnh tiêu hóa mãn tính như bệnh Crohn, Celiac.
- Các vấn đề về tim mạch: Tâm trạng tiêu cực kéo dài có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và gia tăng các biến cố tim mạch ở những người có bệnh lý nền. Đây cũng là lý do vì sao người có các bệnh lý tim mạch cần phải giữ tinh thần thoải mái để tránh các biến chứng và rủi ro.
- Các bệnh lý về phổi: Khi tức giận, lưu lượng máu đến phổi bị rối loạn dẫn đến sự bất thường trong quá trình trao đổi khí. Vì vậy khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, bạn thường gặp phải tình trạng nghẹn thở, khó thở và ngột ngạt. Nếu kéo dài, bạn có thể phải đối mặt với những bệnh lý liên quan đến phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, kích thích hen suyễn bùng phát,…
- Các bệnh tâm lý, tâm thần: Tâm trạng tiêu cực là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát, cảm xúc có thể bị ức chế trong thời gian dài dẫn đến những vấn đề liên quan đến tâm lý – tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, stress (căng thẳng thần kinh),…
Cảm xúc tiêu cực có thể mang lại những lợi ích đáng kể đối với hiệu suất lao động – học tập. Tuy nhiên nếu để kéo dài, tình trạng này gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, bạn cần học cách kiểm soát tâm trạng tiêu cực và tìm cho bản thân niềm vui từ những điều nhỏ nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!