Sốc Tâm Lý Sau Khi Sinh Con Đầu Lòng: Nguyên Nhân Và Phòng Tránh
Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng là nguồn cơn của nhiều rối loạn tâm lý – tâm thần. Tình trạng này thường xảy ra ở những trường hợp thiếu sự chuẩn bị khi mang thai, chồng vô tâm, áp lực quá mức về việc chăm sóc con,…
Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng – Dấu hiệu nhận biết
Sốc tâm lý là tình trạng tổn thương tâm lý nghiêm trọng do phải đối mặt với những sự kiện không mong muốn hoặc sự việc xảy ra không theo hình dung của bản thân. Tình trạng này thường gặp ở những người vừa thay đổi môi trường sống, việc làm, sau khi kết hôn và đặc biệt là sau khi sinh con đầu lòng.
Sốc tâm lý có biểu hiện rất rõ rệt. Tuy nhiên, nếu không chú ý, gia đình dễ nhầm lẫn các biểu hiện này với sự nhạy cảm tâm lý do tác động của hormone.
Các biểu hiện sốc tâm lý ở phụ nữ sau khi sinh con đầu lòng:
- Căng thẳng quá mức, khuôn mặt lộ ra sự chán nản, lo lắng và buồn rầu
- Tâm trạng bất ổn, dễ nóng giận, cáu kỉnh, đôi khi bộc lộ rõ sự bi quan, chán chường và buông bỏ, không bận tâm đến bất cứ điều gì.
- Nhạy cảm quá mức và khóc lóc không rõ nguyên do
- Cảm nhận rõ ở sự ngột ngạt trong lời nói và hành động
- Sợ hãi, lo lắng quá mức về sức khỏe của bản thân và đứa trẻ. Ngoài ra, một số người còn lo lắng về tương lai của con (nhất là khi gia đình vừa trải qua những sự kiện như chồng mất việc, công việc làm ăn thua lỗ, mất người thân đột ngột,…)
- Bỏ bê việc chăm sóc bản thân và con cái. Thiếu sự gần gũi với chồng và người thân trong gia đình.
Sốc tâm lý thường xảy ra sau khi sinh con đầu lòng vì mẹ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi trong cuộc sống, sức khỏe và hình thể. Tình trạng này thường không xảy ra ở các lần sinh tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có không ít phụ nữ quá ám ảnh về việc sinh nở và chỉ quyết định sinh con một lần duy nhất.
Nguyên nhân gây sốc tâm lý khi sinh con đầu lòng
Sinh con là sự kiện lớn trong cuộc đời của người phụ nữ. Thực tế, dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng, mẹ cũng khó tránh khỏi sốc tâm lý khi con chào đời. Theo các chuyên gia, sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng thường có liên quan đến những vấn đề sau:
1. Do áp lực về việc chăm sóc con
Sau khi sinh con, sức khỏe của mẹ bị giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, mẹ hầu như không có thời gian nghỉ ngơi mà phải dành hàng giờ mỗi ngày để cho con bú, ru con ngủ, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo và thực hiện hàng loạt các công việc không tên khác. Những việc này chiếm hết quỹ thời gian khiến mẹ bỉm không tránh khỏi tình trạng áp lực, căng thẳng quá độ.
Với những người trước đây có cuộc sống tự do và thoải mái, việc đối mặt với cuộc sống có con nhỏ thật sự không dễ dàng. Vì vậy trong thời gian đầu, mẹ có thể bị sốc tâm lý.
Ở nước ta, nhiều người vẫn giữ quan niệm việc chăm sóc con là của phụ nữ. Trong lần đầu sinh nở, mẹ khó có thể tránh khỏi sai sót trong việc chăm sóc. Trước sự việc này, người phụ nữ sẽ là đối tượng bị gia đình và bạn đời chì chiết, trách móc. Những lời nói này gây ra tổn thương và khiến mẹ dằn vặt, tự trách bản thân. Thậm chí, một số phụ nữ sau khi sinh bị khủng khoảng trước những lời nói trách móc và đay nghiến từ mẹ chồng.
2. Bạn đời vô tâm
Hơn ai hết, người chồng có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và thể chất của phụ nữ sau khi sinh. Sau khi trải qua sinh nở lần đầu tiên, không ít phụ nữ sốc khi nhận thấy những vết rạn, da bụng chùng não, đen sạm và xấu xí. Ngoài ra, sự nhạy cảm do thay đổi nội tiết cũng khiến mẹ sau sinh buồn bã, bi quan và cảm thấy ngột ngạt khi có con nhỏ.
Lúc này, phụ nữ cần nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ từ người chồng. Những hành động quan tâm rất nhỏ từ bạn đời cũng giúp xoa dịu tâm trạng căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực mà phụ nữ sau khi sinh phải đối mặt.
Ngược lại, sự vô tâm của người chồng có thể khiến tâm lý của mẹ bỉm trở nên bất ổn. Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ phải đối mặt với việc tự mình chăm sóc bản thân và con trẻ trong khi trước đây người chồng đã hứa hẹn về cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Đối mặt với thực tế khác xa với hình dung, không ít mẹ bỉm bị sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng.
3. Ngột ngạt với quan niệm ở cữ lạc hậu
Mặc dù xã hội đã phát triển nhưng các bà, các mẹ vẫn giữ quan niệm ở cữ lạc hậu. Rất nhiều phụ nữ sau sinh cảm thấy ngột ngạt và sốc tâm lý do phải thực hiện những quan niệm ở cữ vô lý. Chẳng hạn mẹ phải kiêng tắm rửa, chỉ được lau người bằng khăn, mặc quần áo dài tay, ở trong phòng kín, không được sử dụng điện thoại, nói chuyện với người lạ, hơ than,…
Những quan niệm lạc hậu này gây ra sự khó chịu đáng kể đối với phụ nữ sau khi sinh. Với những người có lối sống phóng khoáng và tự do, khó có thể tránh khỏi tình trạng sốc tâm lý và căng thẳng. Tuy nhiên dưới sự chì chiết và trách móc của mẹ chồng, nhiều phụ nữ sau sinh đành phải chấp nhận ở cữ theo quan niệm lạc hậu.
Trong trường hợp này, nếu không nhận được sự quan tâm và chia sẻ từ chồng, phụ nữ sau khi sinh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý. Ngoài ra, việc không được sử dụng điện thoại và trò chuyện với bạn bè khiến mẹ khó tránh khỏi cảm thấy ngột ngạt, bí bách.
4. Không chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mang thai
Mang thai là hành trình không quá dài nhưng có rất nhiều vấn đề phải đối mặt. Hơn nữa sau khi sinh nở, mẹ cũng cần có những kiến thức cần thiết để chăm sóc con trẻ và phục hồi sức khỏe bản thân. Ngoài ra, bố mẹ cần tính toán trước chi phí cho việc sinh nở và chăm sóc con.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, tâm lý và thể chất, mẹ rất dễ bị sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng. Khác với cuộc sống 2 người, việc có con thật sự là vấn đề lớn cần có đủ tài chính và tâm lý vững vàng. Nếu một trong hai chưa sẵn sàng, sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra trong quá trình mang thai và sau khi sinh.
Hậu quả của sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng
Sốc tâm lý là tình trạng khủng hoảng, tổn thương tâm lý khi phải đối mặt với áp lực quá lớn. Tình trạng này rất phổ biến sau khi sinh con đầu lòng vì cả hai đều chưa có kinh nghiệm chăm sóc con trẻ. Nếu không lấy lại sự cân bằng về mặt tâm lý, phụ nữ sau khi sinh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như:
- Trầm cảm sau sinh: Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn cảm xúc phổ biến. Áp lực từ việc chăm sóc con trẻ, vấn đề tài chính, bạn đời vô tâm, không chung thủy,… là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này. Trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé. Do đó, gia đình cần có sự quan tâm đúng mực với phụ nữ sau khi sinh và bản thân mẹ cũng cần biết cách điều chỉnh cảm xúc kịp thời.
- Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh: Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh còn được gọi là loạn thần sản khoa. Tỷ lệ sản phụ gặp phải hội chứng này tương đối thấp chỉ khoảng 0.001 – 0.002% và thường gặp ở người có tiền sử cá nhân, gia đình bị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực. Loạn thần sản khoa có các biểu hiện như ảo giác, hoang tưởng, lo lắng, mất ngủ, cáu kỉnh, bỏ bê con trẻ và thậm chí có những hành vi làm hại con hoặc chính bản thân.
- Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu là một trong những rối loạn tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh – nhất là khi sốc tâm lý không được giải quyết kịp thời. Rối loạn lo âu đặc trưng bởi tình trạng lo lắng quá mức về những vấn đề xoay quanh cuộc sống như sức khỏe, tài chính, tương lai của đứa trẻ,… Sự lo lắng quá mức và kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng cũng ảnh hưởng đến cách chăm sóc con trẻ và những mối quan hệ trong gia đình. Nếu không nhận được sự quan tâm và thấu hiểu, phụ nữ sau khi sinh có thể đưa ra những quyết định như ly hôn, ly thân,…
Cách vượt qua sốc tâm lý khi sinh con đầu lòng
Sốc tâm lý khi sinh con đầu lòng là vấn đề mà nhiều mẹ bỉm phải đối mặt. Để vượt qua tình trạng này, mẹ có thể thử một cách sau đây:
1. Thay đổi suy nghĩ của bản thân
Việc đầu tiên cần làm là mẹ nên thay đổi suy nghĩ của bản thân. Thay vì nghĩ rằng bản thân mất đi cuộc sống tự do, phóng khoáng, hãy nghĩ rằng mình đã hoàn thành tốt quá trình mang thai và sinh nở. Việc chăm sóc con cái dù khó khăn nhưng sẽ được cải thiện và quen dần theo thời gian.
Ngoài ra, mẹ không nên chăm chăm vào những mất mát mà bản thân phải gánh chịu và tìm kiếm cho mình niềm vui từ những điều nhỏ nhất như sự quan tâm của chồng, người thân, bạn bè, trẻ sinh ra khỏe mạnh, bú giỏi và ngủ ngoan.
Khi xuất hiện các ý nghĩ tiêu cực, mẹ nên nghĩ về con để tìm thấy khoảng bình yên trong tâm hồn. Hơn ai hết, con rất cần sự chăm sóc và tình yêu thương của mẹ. Vì vậy, mẹ nên tập trung chăm sóc con trẻ và bản thân thay vì bận tâm về những vấn đề khác.
2. Nhờ sự hỗ trợ của người thân
Việc chăm sóc con nhỏ có thể gây ra áp lực và căng thẳng cho cả hai vợ chồng. Nếu cảm thấy không thể gồng gánh, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân. Trong trường hợp có mâu thuẫn với mẹ chồng, nên nhờ mẹ đẻ hoặc chị em gái để tránh tình trạng sốc tâm lý trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần trao đổi thẳng thắn với chồng về trách nhiệm và việc chăm sóc con cái. Bởi đàn ông đôi khi khá vô tâm, thiếu trách nhiệm và vẫn giữ quan niệm việc chăm sóc con cái là của phụ nữ. Thay vì đôi co, bạn nên đề nghị đối phương chăm sóc con và phụ giúp công việc trong gia đình.
3. Trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết
Chưa bao giờ là quá muộn để trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết. Thực tế, khá nhiều mẹ bỉm không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình sinh nở và chăm sóc con. Để tránh bỡ ngỡ khi chăm sóc trẻ sơ sinh, bạn có thể đọc sách và trao đổi thêm với các chuyên gia trong thời gian sớm nhất (có thể trao đổi qua điện thoại).
Ngoài ra trong các đợt tiêm ngừa cho trẻ, bạn có thể đăng ký tư vấn chuyên gia tại các bệnh viện và trung tâm. Tại đây, chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc cho mẹ bỉm, đồng thời hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc trẻ và xây dựng lối sống phù hợp để phục hồi sức khỏe.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể liên hệ với người thân và bạn bè đã từng sinh nở để có thêm kinh nghiệm. Việc chủ động trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết sẽ giúp mẹ bỉm tự tin hơn khi chăm sóc con và nhanh chóng vượt qua tình trạng sốc tâm lý trong thời gian đầu.
4. Từ chối những việc bản thân không muốn thực hiện
Trong trường hợp bị người thân bắt ép thực hiện các quan niệm ở cữ lạc hậu, mẹ bỉm nên nói rõ quan điểm và từ chối thực hiện. Nếu người thân tiếp tục chì chiết, hãy chọn lời nói nhẹ nhàng để giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ chồng làm cầu nối để hòa giải.
Việc tự ép bản thân làm những điều mình không muốn thực hiện có thể gây ra sự ngột ngạt và bí bách. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của phụ nữ sau khi sinh. Vì vậy, mẹ nên chủ động từ chối thay vì chịu đựng để tránh gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,… Nếu người thân liên tục có những lời nói chì chiết, bạn nên bỏ ngoài tai và tập trung vào việc chăm sóc con cái.
5. Tham vấn và trị liệu tâm lý
Về cơ bản, tâm lý của mẹ sau sinh nhạy cảm hơn so với bình thường do tác động của hormone. Do đó, mẹ bỉm khó có thể vượt qua sốc tâm lý nếu liên tục phải đối mặt với những sự kiện như người thân trách móc, chì chiết vì không biết cách chăm sóc con, bạn đời vô tâm,…
Nếu cần thiết, mẹ nên can thiệp tham vấn và trị liệu tâm lý để vượt qua sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng. Biện pháp này được thực hiện với mục đích nâng đỡ tinh thần, thay đổi suy nghĩ tiêu cực và giúp phụ nữ sau khi sinh tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Ngoài ra, tham vấn và trị liệu tâm lý còn giúp mẹ bỉm dễ dàng hóa giải mâu thuẫn trong gia đình.
Phòng ngừa sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng
Những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý và cuộc sống sau khi sinh con đầu lòng ít nhiều đều ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ. Tuy nhiên, mẹ có thể giảm nguy cơ bị sốc tâm lý thông qua các biện pháp sau:
- Chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, thể chất và tâm lý trước khi mang thai. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bạn đời để cả hai thống nhất trước khi quyết định có con.
- Nên trao đổi trước với người thân sẽ chăm sóc bạn sau khi sinh nở về vấn đề ở cữ. Để tránh mâu thuẫn xảy ra vào những thời điểm nhạy cảm, nên giải quyết vấn đề này trước khi mang thai và sinh nở.
- Đánh giá tính trách nhiệm của bạn đời và trao đổi trực tiếp về nhiệm vụ của cả hai sau khi có con. Nếu không đi đến quyết định thống nhất, bạn nên trì hoãn việc sinh con để tránh tình trạng tự mình đối mặt với những vấn đề phát sinh khi mang thai và sau khi sinh con đầu lòng.
- Trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết để có thai kỳ khỏe mạnh và biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Trong thời gian mang thai và sau khi sinh, một số sự kiện sẽ xảy ra không như mong muốn. Thay vì chìm đắm trong đau khổ, bi quan và tuyệt vọng, bạn cần nỗ lực vượt qua để chăm sóc con và bản thân một cách tốt nhất.
Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng là vấn đề khá phổ biến. Nếu nhận được sự chia sẻ và yêu thương từ bạn đời cùng với người thân, mẹ bỉm sẽ dễ dàng vượt qua tình trạng này. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mẹ có thể phải tự mình đối mặt. Nếu cần thiết, phụ nữ sau khi sinh nên can thiệp tư vấn – trị liệu tâm lý để tránh những hậu quả và biến chứng nặng nề.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!