Thoát Khỏi Những Suy Nghĩ Tiêu Cực Ở Phụ Nữ Mang Thai Và Sau Sinh
Suy nghĩ tiêu cực khi mang thai và sau sinh thường bắt nguồn từ những vấn đề xảy ra trong cuộc sống như áp lực tài chính, mâu thuẫn với bạn đời, quá bận rộn với việc chăm sóc trẻ,… Dù xảy ra do nguyên nhân nào, mẹ cũng cần cải thiện sớm tình trạng này để phòng tránh những hậu quả lâu dài.
Vì sao phụ nữ mang thai và sau sinh hay suy nghĩ tiêu cực?
Suy nghĩ tiêu cực thường bắt nguồn từ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và sau khi sinh có thể suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn do sự nhạy cảm của tâm sinh lý. Trong giai đoạn này, mẹ có thể hình thành những suy nghĩ bi quan chỉ vì một số vấn đề không đáng kể.
Như đã biết, suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đều ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Đặc biệt khi mang thai và sau sinh, thai nhi và trẻ nhỏ đều cảm nhận được tín hiệu từ tâm trạng của mẹ. Ngoài ra, tình trạng này kéo dài còn là nguồn cơn của hàng loạt các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng Baby Blues, suy nhược thần kinh,…
Theo các chuyên gia, suy nghĩ tiêu cực ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Nội tiết tố thay đổi đột ngột
Phụ nữ mang thai và sau khi sinh phải đối mặt với tình trạng rối loạn nội tiết tố. Trong thời gian này, cơ thể sẽ giảm/ tăng nồng độ của một số loại hormone để thay đổi kích thước, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể nhằm phục vụ cho quá trình mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, sự thay đổi của nội tiết làm ảnh hưởng đến các yếu tố nội sinh bên trong não bộ và “vô tình” làm tăng mức độ nhạy cảm của tâm lý. Do đó, mẹ bầu và phụ nữ sau sinh thường dễ xúc động, buồn bã, bi quan, thậm chí có thể khóc lóc mà không rõ nguyên do. Sự nhạy cảm này cũng khiến cho bà bầu và mẹ sau sinh hình thành những suy nghĩ tiêu cực khi chứng kiến các vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống.
2. Đối mặt với áp lực chăm sóc con
Quãng thời gian mang thai dù không dài nhưng mẹ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên sau khi sinh nở, mẹ tiếp tục phải đối mặt với áp lực chăm sóc con cái. Thực tế, việc chăm sóc trẻ sơ sinh không hề dễ dàng – nhất là với những người làm mẹ lần đầu tiên.
Áp lực từ việc chăm sóc trẻ khiến mẹ sau sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và bi quan. Lúc này, mẹ sẽ hình thành những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực về bản thân, mối quan hệ vợ chồng, tương lai của con và công việc của bản thân.
Thông thường, áp lực sẽ giảm dần khi mẹ đã quen với việc chăm sóc con và nhận được sự hỗ trợ từ bạn đời. Nhưng nếu phải một mình gồng gánh, mẹ khó tránh những vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, các rối loạn liên quan đến stress và trầm cảm sau sinh.
3. Gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống
Mang thai và sau sinh là giai đoạn nhạy cảm. Đặc biệt nếu phải trải qua nhiều vấn đề trong cuộc sống, mẹ rất dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Trong đó, những vấn đề thường gặp nhất là:
- Mâu thuẫn vợ chồng: Do ảnh hưởng của hormone nên phụ nữ mang thai và sau khi sinh thường nhạy cảm, khó kiểm soát cảm xúc và lời nói của bản thân. Nếu người chồng không có sự thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm, mâu thuẫn rất dễ xảy ra trong thời gian này.
- Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu: Sau sinh là thời điểm mẹ chồng và nàng dâu dễ phát sinh mâu thuẫn do quan niệm chăm sóc con cái có phần khác biệt. Nếu không khéo léo, mâu thuẫn có thể trở nên sâu sắc gây ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của mẹ.
- Vấn đề tài chính: Tài chính là một trong những yếu tố mà các cặp đôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng để chào đón sự ra đời của thiên thần nhỏ. Nếu gặp vấn đề tài chính trong thời gian này, phụ nữ mang thai và sau khi sinh khó tránh khỏi những suy nghĩ bi quan và tiêu cực.
- Các vấn đề trong công việc: Trong thời gian mang thai và sau sinh, mẹ cần phải giảm khối lượng công việc để tránh áp lực và suy nghĩ tiêu cực. Trên thực tế, những vấn đề xảy ra trong cuộc sống ở thời điểm này đều khiến mẹ bị căng thẳng, lo lắng và có xu hướng suy nghĩ bi quan.
Ngoài ra, mẹ cũng có hình thành suy nghĩ tiêu cực do tiếp cận với những thông tin tiêu cực, chứng kiến bạn bè và người thân phải đối mặt với nhiều biến cố trong cuộc sống,… Bên cạnh đó, những vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi/ trẻ cũng là yếu tố dẫn đến cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ bi quan.
Cách thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực cho bà bầu và mẹ sau sinh
Suy nghĩ tiêu cực gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Ở phụ nữ mang thai và người đang cho con bú, suy nghĩ bi quan còn gây ra nhiều tác hại đối với thai nhi và trẻ nhỏ như thai nhi chậm phát triển, dễ sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, chất lượng sữa giảm khiến trẻ chậm lớn,…
Nếu đang phải đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực khi mang thai và sau sinh, mẹ có thể thử một số biện pháp đơn giản sau:
1. Chia sẻ và nhờ sự hỗ trợ từ những người xung quanh
Khi đối mặt với khó khăn, phụ nữ mang thai và sau khi sinh nên tìm cách chia sẻ với bạn bè, người thân và nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh. Khi giãi bày hết suy nghĩ và cảm xúc dồn nén, mẹ sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần và bình tâm hơn trước những vấn đề trong cuộc sống.
Đối với mẹ sau sinh, việc chăm sóc trẻ chiếm gần hết thời gian trong ngày. Hơn nữa, lúc này thể trạng của mẹ còn khá yếu nên dễ bị suy nhược. Bên cạnh việc chia sẻ với những người xung quanh, mẹ nên nhờ sự hỗ trợ của bạn đời và người thân để có thời gian nghỉ ngơi – ít nhất là trong 1 đến 2 tháng đầu sau sinh.
Đôi khi những thành viên trong gia đình quá bận rộn với công việc nên không thể ở bên cạnh mẹ 24/24 khi mang thai và sau sinh. Tuy nhiên, sự quan tâm của mọi người sẽ giúp mẹ cảm thấy được yêu thương, từ đó gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và giữ được tinh thần ổn định.
2. Trang bị kiến thức vững vàng
Mang thai và sinh con là sự kiện lớn trong cuộc đời của người phụ nữ. Tuy nhiên ngoài cảm xúc hạnh phúc và mong chờ, mẹ cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lạ lẫm khi mang trong mình sinh linh bé nhỏ.
Ngay từ khi mang thai, mẹ nên trang bị những kiến thức cần thiết để có đủ kinh nghiệm chăm sóc bản thân và con ngay sau khi chào đời. Khi có đủ kiến thức, mẹ có thể giảm bớt sự lo lắng về sức khỏe của mẹ và bé. Từ đó cải thiện tình trạng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
3. Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục mỗi ngày là cách đơn giản giúp mẹ thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực. Trong thời gian mang thai và sau khi sinh, mẹ nên thực hiện các bài tập có cường độ nhẹ như bơi lội, đi bộ, yoga,…
Các bài tập này giúp cải thiện phần xương chậu, giảm đau nhức lưng và vai gáy. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên còn giảm những vấn đề sức khỏe liên quan đến cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực như mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ, ăn uống kém,…
Khi tập thể dục, cơ thể sẽ sản sinh một lượng hormone endorphine có tác dụng thư giãn cơ và xua tan cảm xúc tiêu cực. Hormone này còn có vai trò giảm nồng độ cortisol và adrenaline (các hormone gây stress). Bằng cách tập thể dục 20 – 30 phút mỗi ngày, mẹ có thể chế ngự suy nghĩ tiêu cực trong thời gian mang thai và sau khi sinh.
4. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là cách đơn giản để dừng những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian mang thai và sau khi sinh. Chất lượng giấc ngủ có mối tương quan với cảm xúc và nhận thức (suy nghĩ) của con người. Ngủ đúng giờ, đủ giấc giúp kiểm soát tốt cảm xúc và giải phóng những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian ngắn.
Ngược lại, tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ muộn,… đều làm gia tăng mức độ căng thẳng và lo âu. Với những người đang có những suy nghĩ tiêu cực, chất lượng giấc ngủ kém sẽ gây khó khăn trong việc chế ngự cảm xúc. Hậu quả là dẫn đến những hành vi, lời nói không phù hợp và gia tăng mâu thuẫn trong cuộc sống.
Ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Vì vậy để vượt qua suy nghĩ tiêu cực, mẹ nên ngủ trước 22:00 và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Phụ nữ sau khi sinh khó có thể ngủ một giấc dài. Tuy nhiên, mẹ có thể tranh thủ thời gian trẻ ngủ để nghỉ ngơi và thư giãn.
5. Tránh xa những thông tin tiêu cực
Việc tiếp xúc với những thông tin tiêu cực trong thời gian mang thai và sau sinh có thể khiến mẹ bầu hình thành suy nghĩ bi quan. Do đó, mẹ nên tránh tiếp xúc với thông tin về những sự việc có tính chất đau buồn qua báo đài và mạng xã hội. Quan trọng nhất lúc này, mẹ cần giữ cho mình tinh thần thoải mái và ổn định.
Việc tránh xa những thông tin tiêu cực giúp mẹ bầu tránh suy nghĩ bi quan, giữ được cảm xúc vui vẻ và lạc quan. Ngoài ra, mẹ cũng có đọc những câu truyện truyền cảm hứng hoặc xem các bộ phim truyền tải thông điệp tích cực để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
6. Thay đổi suy nghĩ
Những biện pháp trên có thể giúp mẹ chế ngự suy nghĩ tiêu cực và bi quan. Tuy nhiên để ngăn chặn tình trạng này, mẹ cần thay đổi suy nghĩ của bản thân. Thực tế, phụ nữ mang thai và người đang cho con bú sẽ phải đối mặt với sự thay đổi tâm sinh lý do ảnh hưởng của hormone. Do đó, việc có những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian này là điều có thể hiểu được.
Để thay đổi suy nghĩ của bản thân, mẹ nên nghĩ đến những niềm vui trong cuộc sống thay vì chỉ chăm chăm vào những vấn đề tiêu cực. Bên cạnh đó, cần ý thức được rằng suy nghĩ tích cực mang đến nhiều lợi ích. Trong khi suy nghĩ tiêu cực chỉ gây ra cảm xúc buồn bã, chán nản, hơn nữa còn ảnh hưởng đến sức khỏe và gia tăng mâu thuẫn trong cuộc sống.
7. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Những vấn đề tâm lý khi mang thai và sau sinh diễn tiến nhanh hơn so với các giai đoạn khác. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên xem xét việc tìm gặp chuyên gia tâm lý nếu nhận thấy bản thân không chế ngự được suy nghĩ tiêu cực. Can thiệp tham vấn và trị liệu tâm lý kịp thời sẽ giúp điều chỉnh suy nghĩ bi quan, nâng đỡ tinh thần và giúp mẹ giải tỏa cảm xúc bị dồn nén.
Suy nghĩ tiêu cực thường có liên quan đến biến cố trong quá khứ hoặc hiện tại. Để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và giúp mẹ hình thành tính cách tốt, chuyên gia sẽ áp dụng các phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp.
Ngoài việc chữa lành tổn thương tâm lý, phương pháp này còn giúp mẹ trang bị kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng kiểm soát stress,… để chủ động hơn trong cuộc sống. Nếu cảm thấy tâm lý chưa vững vàng, phụ nữ mang thai cũng có thể tham gia tư vấn hoặc trị liệu tâm lý để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.
Thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực khi mang thai và sau sinh là điều không dễ dàng. Hy vọng qua những chia sẻ trên, mẹ có thể chế ngự suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Để ngăn chặn suy nghĩ bi quan, mẹ nên nhờ đến sự hỗ trợ của bạn đời và những người thân trong gia đình.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!