Trẻ Không Muốn Tiếp Xúc Với Ai Có Phải Bị Bệnh Tâm Lý?
Trẻ không muốn tiếp xúc với ai có phải bị bệnh tâm lý không chính là băn khoăn của rất nhiều bậc làm cha mẹ hiện nay khi thấy con suốt ngày chỉ ở trong phòng, không chịu ra ngoài nói chuyện với ai. Phụ huynh cần kiên trì trò chuyện, giao tiếp với con nhiều hơn để thấu hiểu những cảm xúc của con hoặc đưa con đi tư vấn tâm lý nếu cần thiết để có được kết quả chính xác nhất.
Trẻ không muốn tiếp xúc với ai liệu có phải là bệnh tâm lý?
Sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ đang được các phụ huynh quan tâm bởi tỷ lệ trẻ gặp các vấn đề tâm lý như stress nặng, trầm cảm hay rối loạn cảm xúc đang ngày càng gia tăng. Phụ huynh ngay khi thấy con bỗng nhiên chán ăn, không muốn trò chuyện với ai là lại sốt sắng không biết liệu việc trẻ không muốn tiếp xúc với ai có phải là dấu hiệu của các bệnh tâm lý nguy hiểm?
Thực tế để giải đáp băn khoăn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như tính cách của con như thế nào, trạng thái này mới diễn ra hay đã diễn ra lâu, liệu có các triệu chứng kèm theo nào khác không. Đôi khi đây không hẳn là bệnh tâm lý mà chỉ do xu hướng tính cách của con mà thôi. Dù vậy đây cũng có thể là dấu hiệu của rất nhiều các vấn đề tâm lý khác nên phụ huynh cũng không nên quá chủ quan.
Trẻ không thích tiếp xúc với ai không phải do bệnh tâm lý
Nếu đột ngột con không muốn nói chuyện với bố mẹ mà chỉ ở lỳ trong phòng thì chắc hẳn con đang có chuyện gì đó buồn phiền hoặc chỉ đơn giản là con đang giận dỗi cha mẹ một điều gì đó mà chẳng ai để ý. Không phải lúc cứ trẻ ít nói, trẻ ngại người lạ là mắc bệnh tâm lý. Phụ huynh cần phải xem xét đánh giá rất nhiều yếu tố bên ngoài khác.
Trẻ có tính cách ít nói, nhút nhát hay hướng nội
Những trẻ vốn có tính cách nhút nhát, sống khép kín, lạnh lùng hay hướng nội thường rất ngại phải giao tiếp, gặp gỡ mọi người kể cả những người thân trong gia đình. Con hiếm khi ngồi tụ họp đông đủ với mọi người mà chỉ nhanh chóng ăn xong và trốn vào phòng, chìm đắm vào trong thế giới riêng của mình. Kể cả khi cha mẹ có cố gắng chia sẻ trò chuyện con cũng thường cố gắng lảng tránh và e dè.
Một số biểu hiện khác của những trẻ nhút nhát hay hướng nội như
- Ít chủ động đưa ra câu hỏi với người khác, đặc biệt là người lạ
- Khi người khác hỏi chuyện cũng trả lời ngắn gọn, không thích nói dài dòng hoặc trả lời rất ít
- Chỉ thích ở một mình, không thích nơi đông người hay các trò chơi tập thể
- Ngại ngùng e dè nếu được người khác chú ý
- Thường chỉ thân thiết với một hoặc vài người nhưng số lượng rất ít
Tuy nhiên khi trẻ có hứng thú với một điều gì đó con có thể trở nên tích cực hơn, thậm chí là chủ động trò chuyện với mọi người. Trẻ hướng nội hay nhút nhát có thể do yếu tố di truyền, do cách giáo dục của cha mẹ hoặc là thường xuyên bị chê bai nên thường e dè, sợ thất bại, không dám thử thách bản thân ở những điều mới.
Dù vậy những trẻ có xu hướng tính cách này cũng rất dễ gặp các vấn đề tâm lý. Do con chỉ thích sống trong thế giới riêng của mình, không chịu chia sẻ với ai nên ngay cả những điều tiêu cực buồn bã cũng chỉ giữ trong lòng. Kể cả khi con có mắc trầm cảm hay các vấn đề khác thì cũng khó phát hiện hơn vì phụ huynh có thể mặc định cho rằng xưa giờ con vẫn vậy.
Trẻ đang bị nghiện mạng xã hội hay nghiện game
Các thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ gặp những vấn đề thay đổi tâm lý bất thường, từ chối tiếp xúc với mọi người rất có thể là do con đang bị nghiện game, nghiện mạng xã hội. Sự phát triển của internet giúp chúng ta tiến xa ra ngoài thế giới hơn nhưng đồng thời cũng gây ra không ít hệ lụy đáng buồn.
Việc tiếp xúc với các trò game online, các chương trình độc hại trên mạng đã khiến rất nhiều đứa trẻ thay đổi hoàn toàn về tính cách, chỉ sống trong thế giới ảo và không chịu bước ra ngoài đời thực. Cụ thể như
- Trẻ không muốn tiếp xúc với ai và chỉ muốn dán mắt vào điện thoại máy tính
- Trẻ không chịu ra khỏi phòng đi học hay đi chơi hoặc nếu đi đâu cũng phải có điện thoại kèm theo
- Học hành sa sút nghiêm trọng do tâm trí con đã bị chìm đắm trong thế giới ảo
- Giảm khả năng nói chuyện, tương tác, suy luận logic ở đời thực
- Sử dụng những ngôn ngữ, lời nói không phù hợp với lứa tuổi và chuẩn mực đạo đức xã hội
- Cãi cha mẹ hoặc thậm chí là đánh lại cha mẹ nếu không được dùng các thiết bị điện tử
- Nghỉ học hoặc trộm cắp để có tiền chơi game
- Có xu hướng bạo lực hơn
Nghiện game, nghiện thế giới ảo có thể tiến đến các bệnh tâm lý nhanh chóng nếu phụ huynh không nhanh chóng phát hiện và có hướng xử lý kịp thời. Không ít trẻ đã mắc phải các rối loạn tâm thần hay chứng tăng động- giảm chú ý đều liên quan đến các tác nhân này.
Tính cách trẻ ở tuổi dậy thì
Nếu trẻ không muốn tiếp xúc với ai đang ở trong độ tuổi từ 12, 13 tuổi trở lên thì rất có thể con đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Lúc này con bắt đầu có những thay đổi lớn về cơ thể, suy nghĩ, có phần “người lớn” hơn nên dễ trở nên ngại ngùng với mọi người hơn. Trẻ có thể bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì do sự thay đổi nhanh chóng của các hormone sinh dục dẫn đến tâm lý con cũng có những chuyển biến lớn.
Một số biểu hiện về tính cách trẻ ở tuổi dậy thì như
- Thường xuyên không muốn nói chuyện với cha mẹ, người lớn hay ngại ngùng nếu gặp người lạ
- Trở nên ương bướng hơn, có thể có những mâu thuẫn với cha mẹ nhiều hơn
- Những điều con cảm thấy bức xúc với cha mẹ ngày càng nhiều nên thường không muốn nói chuyện với cha mẹ, chỉ nhốt mình trong phòng, trẻ không muốn tiếp xúc với ai
- Cảm thấy bi quan, cáu kỉnh, chán ghét mọi thứ, kể cả bạn bè
- Có các hành động tiêu cực hay nổi loạn để chứng tỏ bản thân
Trẻ có thể không muốn tiếp xúc với ai khi ở nhà nhưng khi đến lớp con có thể trở nên vui vẻ nổi loạn hơn. Tuy nhiên cha mẹ không hiểu được những thay đổi của con trong giai đoạn dậy thì dẫn đến những cuộc tranh luận ngày càng lớn hơn. Con luôn muốn khẳng định rằng mình đúng nên chắc chắn sẽ không mở lời xin lỗi cha mẹ và ngược lại cha mẹ cũng ít khi “xuống nước” làm hòa với con. Đây cũng chính là nguyên nhân xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì chưa hẳn là bệnh tâm lý tuy nhiên nếu phụ huynh không có hướng giúp đỡ con đúng cách, giải tỏa những thắc mắc băn khoăn của con thì nguy cơ này cũng rất cao.
Trẻ không muốn tiếp xúc với ai do bệnh tâm lý
Thông thường nếu việc trẻ không muốn tiếp xúc với ai do bệnh tâm lý có thể kèm theo một số triệu chứng như mất ngủ, suy giảm khí sắc, trẻ có thể khóc với bất cứ lý do nào, luôn tìm cách làm đau bản thân, khó tập trung, thường xuyên lơ đãng. Tùy theo độ tuổi, triệu chứng mà các bệnh tâm lý con có thể gặp phải sẽ rất khác nhau.
Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những dạng bệnh tâm lý – tâm thần được phát hiện ở nhóm trẻ từ 3 – 10 tuổi được biểu hiện bằng dấu hiệu yếu kém trong các kỹ năng giao tiếp xã hội thông thường. Mặc dù các triệu chứng của bệnh khá rõ ràng nhưng do chủ quan nên nhiều phụ huynh đã không phát hiện ra bệnh.
Cụ thể một số dấu hiệu điển hình như
- Trẻ không muốn tiếp xúc với ai, chỉ sống trong thế giới riêng của mình
- Lơ khi được người khác gọi tên, thờ ơ với tất cả mọi người
- Hạn chế giao tiếp bằng ánh mắt, không thích người lạ
- Thiếu các biểu cảm cần có và cũng không hiểu được các biểu cảm trên khuôn mặt của người khác
- Chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, 5 tuổi vẫn đang ê a
- Phản ứng chậm hoặc tiếp thu chậm
- Thường lặp đi lặp lại các hành động trong vô thức, chẳng hạn như liên tục vỗ tay
- Không thích nơi đông người, thường thích tự chơi một mình, không thích người khác đụng vào đồ của mình
Nguyên nhân gây tự kỷ được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc các bất thường ở mẹ khi mang thai. Đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị tự kỷ hoàn toàn, mọi biện pháp hiện nay vẫn chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao nhận thức để người bệnh có thể tự chăm sóc mình. Tuy nhiên ở những mắc chứng tự kỷ thông thái nếu được hướng dẫn đúng cách vẫn có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Trẻ bị trầm cảm
Trầm cảm cũng là một trong những vấn đề tâm lý có rất nhiều trẻ em mắc phải hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm mà đôi khi chính bản thân họ cũng chẳng biết vì sao mình cảm thấy mệt mỏi và tuyệt vọng đến như vậy. Con có thể bị trầm cảm bởi cha mẹ luôn gây áp lực cho con quá nhiều, không công nhận con, do bị bạn bè trêu chọc hay bắt nạt… Những điều tiêu cực nho nhỏ nếu không được giải quyết ngay sẽ tích tụ lại thành một nỗi buồn thật lớn choán lấy toàn bộ tâm trí của con, khiến con không còn cảm nhận được niềm vui hay hạnh phúc.
Một số triệu chứng điển hình khi còn bị trầm cảm như
- Trẻ không muốn tiếp xúc với ai, từ cha mẹ, bạn bè, anh chị em hay cả những người con yêu quý
- Mất hứng thú với mọi thứ, mọi hoạt động, không điều gì có thể khiến con vui vẻ và hạnh phúc
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường, lơ đãng, không tập trung
- Việc học tập ngày càng sa sút
- Thiếu ngủ, mất ngủ nghiêm trọng
- Không muốn nói chuyện với ai cũng cũng dễ trở nên kích động, cáu gắt hoặc khóc bất cứ lúc nào
- Có xu hướng làm đau bản thân thông qua các hành động như bứt tóc, đập đầu vào tường hay thậm chí là rạch tay chân để giải tỏa cảm xúc
- Con có thể suy nghĩ và thực hiện các hành vi tự tử
Trẻ bị rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu ở trẻ em có thể xuất hiện do những nguyên nhân di truyền, ảnh hưởng từ cách cư xử của cha mẹ, bị bạn bè bắt nạt hoặc ám ảnh bởi các sự kiện kinh hoàng. Trẻ cũng gặp những nỗi lo lắng vô hình, sợ hãi khi gặp những người lạ nên có xu hướng trốn tránh và không muốn gặp ai. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn ở những trẻ bị rối loạn ám ảnh sợ xã hội hay stress sau chấn thương.
Một số triệu chứng khi trẻ bị rối loạn lo âu mà phụ huynh có thể tham khảo như
- Trẻ không muốn tiếp xúc với ai, hoảng sợ khi gặp những người lạ
- Nỗi lo lắng xuất hiện thường xuyên làm trẻ thường xuyên bị giật mình, hoảng hốt, kích động
- Ớn lạnh toàn thân, luôn có những nỗi lo sợ vô hình, xuất hiện một cách vô lý
- Khi đứng trước vấn đề nào đó mà con sợ hãi sẽ toát mồ hôi hột, tim đập nhanh, mặt tái mét, chân tay run rẩy không tự chủ được
- Thường xuyên bị mất ngủ do lo lắng hay suy nghĩ quá mức đến một vấn đề nào đó
Một số vấn đề khác
Bệnh cạnh các vấn đề trên, trẻ không muốn tiếp xúc với ai cũng có thể liên quan đến các tác nhân tâm lý khác như
- Rối loạn cảm xúc
- Rối loạn khí sắc
- Rối loạn hành vi
- Rối loạn liên quan đến căng thẳng
Xử lý thế nào nếu trẻ không muốn tiếp xúc với ai?
Thực tế thì việc trẻ không muốn tiếp xúc với ai đều là vấn đề tâm lý, tuy nhiên để có thể được xác định là bệnh còn phải trải qua nhiều yếu tố. Khoảng cách từ vấn đề tâm lý đến bệnh lý không quá ngắn nhưng cũng không quá dài, tuy nhiên một khi được xác định là bệnh thì việc điều trị sẽ không hề đơn giản.
Để có thể giúp con trước tiên phụ huynh cần phải xác nhận được vấn đề thực sự của con nằm ở đâu. Nếu chỉ đơn giản là xu hướng tích cách của con thì phụ huynh cần tích cực động viên con tự tin và trải nghiệm thế giới nhiều hơn, nếu là do tính cách trẻ của con ở độ tuổi dậy thì thì cần dành trò chuyện với con, nếu là do con nghiện internet thì cần tìm cách “cai nghiện”. Nhưng nếu do bệnh tâm lý thì cần phải đến bệnh viện tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý trị liệu mới có thể giúp con điều trị khỏi.
Phụ huynh cần phải học cách lắng nghe, trò chuyện với con hằng ngày. Khoảng cách về tuổi tác khiến cả hai ngày càng trở nên xa cách, không còn tìm ra những điểm chung để trò chuyện. Mỗi người sống trong thế giới riêng của mình mà không ai chủ động mở cánh cửa phòng “bí mật” của nhau thì mãi mãi không thể kết nối, không thể nào hiểu được người kia muốn gì.
Bậc làm cha mẹ đôi khi cần phải học cách chấp nhận, “cương” với con thôi là chưa đủ mà còn cần phải “nhu” đúng lúc. Bước chân vào thế giới của con, học cách lên mạng, học cách chơi game, tìm hiểu về sở thích của con cũng là cách để phụ huynh hiểu hơn về con cái. Khi cha mẹ có thể kết nối được với con có thể dắt con ra khỏi cánh cửa tâm hồn đóng chặt bao lâu nay để trở về thế giới hồn nhiên đúng tuổi của mình.
Dù vậy như đã nói, nếu việc trẻ không muốn tiếp xúc với ai là do bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu thì bắt buộc con phải thực hiện trị liệu tâm lý hay dùng thuốc thì mới có thể lấy lại sức khỏe tinh thần hoàn toàn. Gia đình cần phát hiện và đưa con đi điều trị càng sớm càng tốt để gỡ rối tinh thần, phòng tránh nguy cơ tự con hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Trẻ không muốn tiếp xúc với ai không phải lúc nào cũng là bệnh tâm lý, tuy nhiên phụ huynh không nên vì vậy mà chủ quan. Lắng nghe, trò chuyện và chia sẻ với con nhiều hơn hằng ngày chính là cách giúp phòng tránh được tối đa các nguy cơ này để tinh thần con luôn thật thoải mái, sống đúng với lứa tuổi của mình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!