Tư Duy Sai Lệch Là Gì? Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Khắc Phục
Tư duy sai lệch là lối suy nghĩ chủ quan, cảm tính về một vấn đề, sự việc hoặc con người. Thực tế, tình trạng này khó có thể tránh khỏi khi đối mặt với những tình huống bất lợi trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu giữ lối tư suy sai lệch một cách cứng nhắc, bản thân sẽ gặp phải các cảm xúc tiêu cực dai dẳng và nhiều vấn đề khác.
Tư duy sai lệch là gì?
Tư duy sai lệch được hiểu nôm na những suy nghĩ thiếu khách quan về mức độ, tính chất của vấn đề, sự việc và con người. Thông thường, lối tư duy sai lệch bị chi phối nhiều bởi cảm tính so với lý tính. Chẳng hạn như khi đứng trước những tình huống bất lợi, chúng ta sẽ cố ý suy nghĩ sai lệch để phòng vệ và an ủi bản thân. Ngoài ra, tư duy sai lệch cũng có liên quan đến những vấn đề tâm lý, đặc điểm tính cách,…
Thực tế, bất kỳ ai cũng có những tư duy sai lệch trong một vài tình huống. Tuy nhiên, sau khi đã ổn định về cảm xúc, chúng ta thường nhìn nhận lại và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Nếu giữ những tư duy sai lệch về lâu dài, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống và rất dễ gặp phải thất bại.
Các loại tư duy sai lệch và cách nhận biết
Tư duy sai lệch chi phối đến cảm xúc và hành vi. Nếu giữ những suy nghĩ sai lầm này lâu dài, bạn có thể phải đối mặt dai dẳng với các cảm xúc tiêu cực và quên mất những điều tích cực trong cuộc sống. Tư duy sai lệch thường gặp ở những người có vấn đề tâm lý hoặc cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý, tâm thần.
Dưới đây là một số loại tư duy sai lệch và cách nhận biết:
1. Khái quát hóa quá mức
Khái quát hóa quá mức là lối suy nghĩ có tính chất khái quát chỉ thông qua một sự việc nhỏ. Người có lối suy nghĩ này có thể cho rằng bản thân mãi là kẻ thất bại chỉ vì không hoàn thành tốt bài thi. Ngoài ra, người có lối tư duy khái quát hóa quá mức cũng có thể quy chụp người khác xấu – tốt chỉ thông qua vài tình huống.
Lối suy nghĩ khái quá hóa quá mức khiến bạn dễ lặp đi lặp lại những hành vi không lành mạnh và trở nên thiếu tự tin. Ngoài ra, việc đánh giá người khác chỉ qua một vài tình huống có thể dẫn đến việc kết bạn với một số người không thực sự phù hợp và bỏ qua những người bạn chân thành. Đồng thời lối suy nghĩ này cũng gia tăng những mâu thuẫn và thành kiến trong cuộc sống.
Trên thực tế, khái quát hóa quá mức là lối tư duy sai lệch thường gặp ở người Việt và đặc biệt gặp nhiều ở người trưởng thành. Bên cạnh những vấn đề trong các mối quan hệ, lối suy nghĩ này cũng khiến bạn đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống.
2. Lối tư duy cá nhân hóa
Lối tư duy cá nhân hóa hiểu nôm na là lối suy nghĩ luôn đổ lỗi và cho rằng bản thân là nguyên nhân của mọi việc. Suy nghĩ này khiến cho bản thân tự ép mình thực hiện một số việc để tránh hậu quả.
Người có lối tư duy cá nhân hóa thường chịu thiệt thòi vì lúc nào cũng cho rằng lỗi là do mình. Ngoài ra, lối tư duy cá nhân hóa cũng khiến cho bạn bị giới hạn trong cuộc sống và không dám trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ vì sợ bản thân lại gây ra nhiều chuyện không mong muốn.
3. Tư duy sàng lọc
Tư duy sàng lọc là lối suy nghĩ chỉ tập trung đến chi tiết tiêu cực và phóng đại ra mà quên mất những mặt tích cực khác. Ví dụ như khi trải qua một sự việc, bạn sẽ không chú ý đến mọi thứ xung quanh mà chỉ chăm chăm vào sự tiêu cực (dù chỉ là rất nhỏ). Sau đó, bạn tách riêng sự tiêu cực ra bối cảnh khiến chúng bị phóng đại quá mức so với thực tế.
Lối tư duy này gặp chủ yếu ở những người bị stress, căng thẳng thường xuyên, người bị trầm cảm và rối loạn lo âu. Việc chăm chăm vào điều tiêu cực dẫn đến sự bất ổn về cảm xúc, bi quan, buồn chán và tuyệt vọng.
4. Tự tham chiếu
Tự tham chiếu là lối suy nghĩ mà bản thân tin rằng mọi người chú ý đến hành vi của mình và bản thân là nguyên nhân dẫn đến biểu cảm của những người xung quanh. Chẳng hạn như khi bị cấp trên phê bình, chỉ trích, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ và cho rằng biểu cảm của mọi người đều nhắm vào bạn.
5. Tư duy trắng – đen (suy nghĩ tuyệt đối hóa)
Lối tư duy trắng – đen rất thường gặp ở người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách ranh giới. Người có lối suy nghĩ này thường đánh giá sự việc, con người một cách rạch ròi giữa trắng – đen; tốt – xấu.
Khi có ấn tượng tốt với một người và người này có nhiều phẩm chất tốt, người có lối tư duy trắng – đen sẽ cho rằng đây là người tốt hoàn toàn. Ngược lại chỉ với một số lời nói và hành vi lệch chuẩn, họ dễ dàng kết luận người này có tính cách không tốt. Tương tự như vậy đối với sự việc và các vấn đề khác trong cuộc sống.
Sự rạch ròi quá mức trong lối tư duy này gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Đối với những sự việc, con người được đánh giá tốt, bản thân người có lối suy nghĩ này sẽ có sự tin tưởng tuyệt đối dẫn đến những tình huống đáng tiếc như bị lừa gạt. Ngược lại với người bị đánh giá không tốt, họ phớt lờ hoàn toàn và vô tình đánh mất những người bạn thật sự.
Ở một số người, lối tư duy trắng – đen có thể phát triển đến mức cực đoan dẫn đến rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Lối tư duy này khiến cảm xúc trở nên bất ổn, khi thì vui vẻ, lạc quan khi lại thể hiện rõ sự thù ghét, khinh miệt, bi quan. Những người có lối tư duy trắng – đen không thể duy trì các mối quan hệ lâu dài và khó thành công trong cuộc sống.
6. Chú ý quá mức vào chi tiết
Một dạng tư duy sai lệch thường gặp khác là quá chú ý vào những chi tiết nhỏ. Những người có lối tư duy này thường dành sự quan tâm của mình cho những chi tiết không đáng kể mà bỏ qua bối cảnh chung của vấn đề. Lối suy nghĩ chú ý quá mức vào chi tiết dẫn đến nhiều vấn đề như đánh giá sai sự việc, con người và chậm trễ trong công việc do chú tâm đến những chi tiết không quan trọng.
7. Suy luận tùy tiện
Suy luận tùy tiện là lối tư duy sai lệch thường gặp ở những người có lối sống cẩu thả và vô phép tắc. Những người này dễ dàng đưa ra kết luận mà không có đầy đủ bằng chứng chứng minh được kết luận của chính mình. Lối suy luận này cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ vì đôi khi trẻ có niềm tin mãnh liệt về việc bố mẹ chán ghét mình chỉ vì những hành vi rất nhỏ.
8. Tiên đoán sai lầm, tiêu cực
Tiên đoán sai lầm, tiêu cực là lối suy nghĩ tiêu cực, luôn cho rằng mọi việc sẽ có kết cực bi thảm nhất. Ngoài ra, lối suy nghĩ này còn cho rằng bản thân sẽ luôn gặp thất bại nếu không có sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Về cơ bản, tiên đoán sai lầm, tiêu cực sẽ xảy ra trong một số tình huống hoặc thời gian nhất định – chẳng hạn như khi bạn liên tục gặp phải những chuyện xui xẻo. Tuy nhiên nếu giữ lối tư duy này trong một thời gian dài, bạn có thể đối mặt với thất bại hoặc không dám thử bất cứ điều gì mới mẻ vì nghĩ rằng bản thân luôn có kết cục xấu nhất.
9. Phóng đại hoặc thu nhỏ
Lối tư duy phóng đại hoặc thu nhỏ đề cập đến cách suy nghĩ mà bạn bi kịch hóa sự tiêu cực, phóng đại thành công của bản thân hoặc người khác. Ngoài ra, bạn cũng có thu nhỏ tính chất sự việc và cho rằng sự việc này hoàn toàn không phải là vấn đề đáng lưu tâm.
Lối tư duy phóng đại hay gặp ở người bị rối loạn nhân cách ái kỷ khi luôn phóng đại thành tựu của bản thân và thu nhỏ thành công, năng lực của người khác. Ngoài ra, một số người mù quáng trong tình yêu cũng có thể thu nhỏ những điểm không hoàn hảo của đối phương và phóng đại quá mức những ưu điểm.
10. Lập luận cảm tính
Lập luận cảm tính là lối tư duy bị chi phối nhiều bởi cảm tính thay vì lý tính. Những người có lối lập luận này thường đánh giá vấn đề thông qua cảm xúc của chính mình. Nếu sự việc mang đến sự tiêu cực thì đây chắc chắn là sự việc có bản chất không tốt và ngược lại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số lối tư duy sai lệch khác không được đề cập trong bài viết. Về cơ bản, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có những suy nghĩ lệch chuẩn và không phù hợp trong một số hoàn cảnh.
Tư duy – suy nghĩ bị chi phối nhiều bởi cảm xúc nên khách quan mà nói, điều này chỉ có tính tạm thời. Do đó khi lấy lại bình tĩnh và ổn định cảm xúc, suy nghĩ thường sẽ được điều chỉnh một cách tích cực hơn. Tuy nhiên, một số người có các vấn đề tâm lý, tâm thần có thể giữ các tư duy sai lệch một cách cứng nhắc.
Nguyên nhân của những tư duy sai lệch
Tư duy sai lệch là lối suy nghĩ thiếu khách quan và không chính xác về sự vật, sự việc và con người. Thực tế, bất kỳ ai cũng có tư duy sai lệch dù ít hay nhiều. Tư duy là hoạt động suy nghĩ, đánh giá, lập luận của não bộ nhưng bị chi phối cảm xúc, trải nghiệm sống và nhiều yếu tố khác.
Các yếu tố, nguyên nhân có thể dẫn đến tư duy sai lệch:
- Đối mặt với những tình huống bất lợi sẽ gia tăng tư duy sai lệch. Bởi lẽ, suy nghĩ sai lệch lúc này sẽ là cách duy nhất để an ủi và bảo vệ bản thân.
- Do cách giáo dục và năng lực, kiến thức của mỗi người
- Trải nghiệm sống
- Bị ảnh hưởng bởi gia đình, thầy cô, bạn bè, anh chị em,…
- Do di truyền cấu trúc và cách thức hoạt động của não bộ
- Do ảnh hưởng của một số bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách và rối loạn tâm thần do chất gây nghiện
- Ngoài ra, tư duy sai lệch cũng có thể là hậu quả do bị thao túng và kiểm soát tâm lý. Các nghiên cứu cho thấy, những người có vấn đề về nhân cách có thể thao túng tâm lý để điều khiển tư duy và hành vi của người khác nhằm đạt được mục đích.
Cách khắc phục tư duy sai lệch
Tư duy sai lệch không hẳn là xấu bởi trong một số trường hợp, lối tư duy này cũng mang đến những tác động tích cực. Hơn nữa, sai lệch trong tư duy thường chỉ xuất hiện tạm thời khi phải đối mặt với những tình huống bất lợi.
Khi lấy lại bình tĩnh, bạn sẽ đánh giá lại sự việc và điều chỉnh suy nghĩ phù hợp hơn. Tuy nhiên, một số người có thể giữ tư duy sai lệch một cách cứng nhắc dẫn đến nhiều phiền toái và vấn đề trong cuộc sống.
Để khắc phục tư duy sai lệch, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Đánh giá lại bản thân
Lối tư duy sai lệch kéo dài sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như bi quan, chán nản, tội lỗi, lo âu, stress,… Nếu nhận thấy bản thân quẩn quanh với những suy nghĩ gây ra các cảm xúc tiêu cực, bạn nên đánh giá lại bản thân. Điều này sẽ giúp bạn xác định được liệu bản thân mình có đang tư duy lệch lạc hay không.
Quá trình đánh giá lại bản thân có thể mất khá nhiều thời gian. Một số người có thể phát hiện ra bản thân đang có lối suy nghĩ sai lệch và chủ động sửa đổi. Tuy nhiên, cũng có người không mảy may để tâm đến vấn đề này và vẫn giữ suy nghĩ một cách cứng nhắc ngay cả khi được những người xung quanh khuyên ngăn.
2. Xem xét trị liệu tâm lý
Tư duy sai lệch ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc và hành vi. Tuy nhiên, khi bạn đang mơ hồ và không biết liệu bản thân có đang gặp phải vấn đề về tư duy hay không, đừng nên chia sẻ với người khác.
Thứ nhất là vì những người xung quanh cũng sẽ có lối tư duy sai lệch khác. Thứ hai một số người có thể lợi dụng để thao túng tâm lý và khiến bạn có những quan niệm sai lầm dẫn đến các hành vi lệch chuẩn.
Nếu tư duy sai lệch gây ra những cảm xúc tiêu cực dai dẳng, bạn nên xem xét trị liệu tâm lý. Trị liệu tâm lý là phương pháp sử dụng hình thức giao tiếp để điều chỉnh tâm lý. Đối với tư duy sai lệch, liệu pháp hành vi nhận thức là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.
Phương pháp này tập trung vào việc điều chỉnh những nhận thức sai lệch, từ đó có thể ổn định cảm xúc và hành vi. Khi tạo được mối liên kết giữa 3 yếu tố này, tư duy cũng sẽ ít bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực.
Tư duy sai lệch là lối suy nghĩ không đúng đắn, thiếu khách quan mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Những người trải qua nhiều sang chấn tâm lý và không được giáo dục lành mạnh sẽ gặp phải tình trạng này nhiều hơn. Nếu không thay đổi lối tư duy sai lệch, cả sức khỏe thể chất – tinh thần và cuộc sống sẽ gặp phải nhiều vấn đề.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!