Mục Tiêu Tư Vấn Học Đường Cho Học Sinh Tiểu Học Và THCS
Tư vấn học đường cho học sinh tiểu học, THCS cũng cần được quan tâm như học sinh THPT. Ở lứa tuổi này, các em chưa có nhiều kinh nghiệm sống và thiếu kỹ năng nên dễ bế tắc khi đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Mục tiêu tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS
Tư vấn tâm lý học đường là công tác chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường và các bậc phụ huynh. Ngày nay, với áp lực học tập tăng cao và tâm lý học sinh ngày một phức tạp, việc tư vấn tâm lý là vô cùng cần thiết và phải được quan tâm hơn nữa.
Bên cạnh việc tư vấn tâm lý, các tư vấn viên học đường còn thực hiện một số hoạt động như định hướng tương lai, nghề nghiệp, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết,… Ở nước ta, tư vấn tâm lý học đường đã xuất hiện khá lâu nhưng chỉ mới phổ biến trong những năm gần đây.
Trước đây, tư vấn học đường chủ yếu được thực hiện đối với học sinh THPT vì đây là giai đoạn các em có sự thay đổi rõ rệt về tính cách, suy nghĩ, quan điểm và gặp nhiều thắc mắc trong vấn đề hướng nghiệp. Tuy nhiên, học sinh tiểu học và THCS cũng cần được tư vấn tâm lý vì kinh nghiệm sống non nớt khiến các em gặp không ít vấn đề liên quan đến học tập, gia đình, tình cảm,…
Hiện tại, tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS đã được triển khai với mục tiêu chính sau:
1. Giải tỏa kịp thời những vấn đề tâm lý ở học sinh
Nhiều người cho rằng, học sinh tiểu học ít gặp phải các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên trên thực tế, học sinh ở giai đoạn này phải đối mặt với khá nhiều vấn đề như áp lực học tập, bị bắt nạt, thiếu tự tin và thiếu kỹ năng kết bạn, giao tiếp. Ngoài ra, một số học sinh tiểu học còn gặp phải một số vấn đề như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối,…
Khi lên cấp 2, trẻ sẽ trưởng thành hơn do đã quen với các quy tắc trong trường học. Tuy nhiên, sự thay đổi của nội tiết tố trong quá trình dậy thì vô tình khiến tâm lý của trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Ở giai đoạn này, trẻ luôn muốn khẳng định cái tôi và tỏ ra trưởng thành với những suy nghĩ, quan điểm riêng thay vì nghe lời người lớn hoàn toàn.
Sự nhạy cảm này có thể khiến trẻ mâu thuẫn với thầy cô, gia đình và bạn bè. Khác với trẻ ở giai đoạn tiểu học, gia đình cần thay đổi phương pháp giáo dục để trẻ THCS không bị nhạy cảm quá mức và cảm thấy được tôn trọng. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh và giáo viên không hiểu được tâm lý và cho rằng trẻ hư hỏng nên mới có các hành vi tiêu cực.
Khách quan mà nói, hiểu biết về các vấn đề tâm lý ở người Việt rất hạn chế. Điều này dẫn đến rất nhiều vấn đề tâm lý học đường làm cản trở quá trình học tập của các em và khiến học sinh phải tự mình đối mặt với stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng Self-Harm. Do đó, mục tiêu đầu tiên của tư vấn học đường cho học sinh tiểu học, THCS là giải tỏa kịp thời những vấn đề tâm lý.
2. Giúp học sinh có những kỹ năng cần thiết
Chương trình giáo dục chỉ tập trung cung cấp kiến thức cho học sinh và rất ít khi trang bị cho các em những kỹ năng mềm. Chính vì vậy, mục tiêu thứ hai của tư vấn tâm lý học đường cho học sinh tiểu học, THCS là giúp học sinh có những kỹ năng cần thiết.
- Trang bị học sinh kỹ năng giải tỏa cảm xúc, kiểm soát căng thẳng và biết đồng cảm, thấu hiểu với người khác. Đây là kỹ năng rất quan trọng đối với học sinh tiểu học.
- Kỹ năng giao tiếp và xử lý những vấn đề trong cuộc sống.
- Kỹ năng học tập để đạt kết quả cao và quản lý việc học một cách hiệu quả nhất.
- Kỹ năng định hướng để có thể xác định bản thân muốn gì và yêu thích môn học nào. Ngoài ra, kỹ năng này còn giúp học sinh đánh giá được năng lực của bản thân và cố gắng hơn trong quá trình học tập.
- Kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi các chấn thương, lạm dụng và quấy rối tình dục.
Trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết là mục tiêu rất quan trọng trong tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS. Việc chủ động trang bị cho các em những kỹ năng này sẽ hạn chế được nhiều vấn đề tâm lý và giảm thiểu tối đa các tình huống đáng tiếc. Hơn nữa khi học sinh có đầy đủ kỹ năng, các em sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, rèn tinh thần trách nhiệm và không phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô, bố mẹ.
3. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa giáo viên và học sinh
Trong chương trình giáo dục, giáo viên không chỉ truyền đạt những kiến thức sách vở mà còn phải giúp các em hiểu về những tiêu chuẩn đạo đức, biết đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những người xung quanh. Đồng thời giúp các em ý thức được hành vi của mình và sống có trách nhiệm hơn.
Chính vì vậy, tư vấn học đường còn được thực hiện cho các giáo viên – đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Trong giai đoạn dậy thì, các em không thể tránh khỏi những quan niệm và hành vi sai lệch. Lúc này, giáo viên cần hiểu rõ tâm lý và lý do vì sao các em lại có những hành vi như vậy.
Ngoài ra, học sinh THCS cũng bắt đầu có các mối quan hệ tình cảm. Ở lứa tuổi này, việc cấm cản có thể tạo cho các em tâm lý chống đối và thù ghét. Do đó, giáo viên cần hiểu rõ tâm lý của các em, từ đó đưa ra lời khuyên hợp lý và cách xử lý thấu đáo để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trong quá trình học tập, thầy cô giáo có vai trò quan trọng không kém so với gia đình. Việc trang bị cho giáo viên những kiến thức cần thiết sẽ giúp các em thoải mái hơn khi học tập và được giải tỏa tâm lý kịp thời.
Thực tế, rất nhiều em học sinh cảm thấy ngột ngạt trong gia đình và tìm đến thầy cô như một chỗ dựa tinh thần. Sự quan tâm kịp thời của giáo viên sẽ giúp các em tránh khỏi tâm lý bi quan, stress, trầm cảm và quan trọng giữ được tinh thần ham học, khát khao đạt được ước mơ của mình.
4. Giúp phụ huynh hiểu rõ tâm lý con cái
Thực trạng chung của phụ huynh Việt Nam là không hiểu rõ tâm lý của con cái. Khi thấy con buồn chán, nhiều phụ huynh còn cho rằng cho con lười học, hư hỏng và đua đòi. Bố mẹ thường quan tâm đến thể chất và kết quả học tập mà quên rằng, con cũng cần được quan tâm về mặt tinh thần – nhất là trong giai đoạn THCS khi trẻ đang phải đối mặt với nhiều sự thay đổi của tâm sinh lý.
Ngoài ra, việc cư xử không khéo khi con cái yêu đương sớm hoặc có các hành vi lệch chuẩn cũng có thể tạo ra mâu thuẫn, khiến con sống xa cách và tách biệt với gia đình. Hơn nữa, cách giáo dục khắc nghiệt có thể khiến trẻ không dám nói với bố mẹ bản thân là nạn nhân của bạo lực học đường, đe dọa trực tuyến và xâm hại tình dục. Bởi trẻ lo sợ khi nói ra sẽ bị bố mẹ tránh phạt và chì chiết.
Do đó ngoài tư vấn tâm lý cho giáo viên và học sinh, phụ huynh cũng có thể tham gia các hội thảo, chương trình tư vấn tâm lý học đường. Thông qua các chương trình này, phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn tâm lý của con cái và xóa bỏ cách giáo dục truyền thống.
Khi con trẻ có hành vi sai lệch và kết quả học tập đi xuống, bố mẹ nên hỏi han và tìm hiểu nguyên nhân thay vì đổ lỗi hoàn toàn cho trẻ, sau đó thực hiện các hình phạt khắc nghiệt. Việc thấu hiểu con cái thực sự không dễ dàng. Do vậy, phụ huynh cần phải kiên trì đồng hành cùng con trong giai đoạn phát triển cả về thể chất và tinh thần.
5. Giúp nhà trường có hướng giáo dục phù hợp
Tư vấn học đường cũng sẽ được thực hiện đối với cán bộ quản lý của nhà trường. Bởi cách thức giáo dục cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của học sinh và giáo viên. Mục tiêu của tư vấn học đường cho các cán bộ quản lý bao gồm những điểm chính sau:
- Xây dựng các hoạt động phù hợp để khơi gợi tinh thần nhân ái, chia sẻ và đồng cảm ở các em học sinh.
- Biết cách dung hòa các mâu thuẫn giữa giáo viên – giáo viên, giáo viên – học sinh và giữa các học sinh với nhau.
- Biết cách tạo tinh thần làm việc tích cực, xây dựng tập thể hòa đồng và luôn nỗ lực vì mục tiêu chung.
- Điều chỉnh các quy tắc phù hợp hơn với tâm lý của các em học sinh để tạo cho các em tinh thần thoải mái khi học tập, tránh những trường hợp sang chấn tâm lý khi bị nhà trường thực hiện các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
6. Giảm thiểu các vấn đề trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ
Song song với việc tiếp thu kiến thức, môi trường giáo dục cũng ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Các sự kiện xảy ra xung quanh, cách cư xử của giáo viên, cán bộ nhà trường và bạn bè đều tác động đến quan niệm, tư duy của trẻ.
Nhiều trẻ có thể bị méo mó trong nhân cách khi phải chịu đựng áp lực học tập và phải tự mình đối phó với những tổn thương tâm lý như bị bố mẹ chì chiết, la mắng, thầy cô giáo quá nghiêm khắc, bị cô lập, tẩy chay,… Nếu được tư vấn học đường kịp thời, trẻ có thể lấy lại tinh thần và chữa lành tổn thương tâm lý.
7. Cải thiện sức khỏe tinh thần của học sinh, giáo viên và phụ huynh
Nhìn chung, mục tiêu bao trùm của tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS là cải thiện sức khỏe tinh thần cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh. Tinh thần tốt cho các em học tập thoải mái, hứng thú và luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh có tinh thần tốt cũng sẽ giáo dục trẻ đúng cách và biết cách xử lý khéo kéo khi con trẻ sai phạm.
Để hoàn thành mục tiêu tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS, nhà trường cần tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và cán bộ có cơ hội tiếp cận. Ngoài ra, tư vấn tâm lý cũng là bước đầu để các em biết đến trị liệu tâm lý – giải pháp vàng trong cải thiện các vấn đề tâm lý học đường.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!