Vô Cảm Với Người Thân Trong Gia Đình: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Vô cảm với người thân trong gia đình thường bắt nguồn từ cách giáo dục không đúng đắn của bố mẹ và nhà trường. Thái độ vô cảm làm mất đi ý nghĩa thực sự của gia đình, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Vô cảm trong gia đình là gì? Thực trạng hiện nay
Vô cảm trong gia đình là tình trạng giữa những người thân thiếu sự quan tâm, chia sẻ và thậm chí không hề có cảm xúc xót thương, buồn bã khi người thân gặp phải những chuyện không may. Tình trạng này có thể xảy ra ở bố mẹ hoặc con cái nhưng tỷ lệ chủ yếu là trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Trong khi đó, những người ở thế hệ trước rất coi trọng những giá trị đạo đức.
Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và nền kinh tế, trẻ em và người trẻ tuổi chỉ hướng đến những giá trị vật chất và xem trọng “cái tôi” thay vì quan tâm đến những người xung quanh. Hiện tại, chưa có thống kê về tỷ lệ người có lối sống vô cảm là bao nhiêu phần trăm nhưng những năm gần đây, các trường hợp con cái sống vô cảm, bỏ mặc ông bà và bố mẹ xảy ra rất thường xuyên.
Sự vô cảm của người trẻ còn được thể hiện trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và xã hội. Về cơ bản, thái độ sống vô cảm không phải là bệnh lý. Tuy nhiên để giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về ảnh hưởng nặng nề của lối sống này, các chuyên gia tâm lý gọi vô cảm là căn bệnh có khả năng “lây lan” cao. Gốc rễ của sự vô cảm thường bắt nguồn từ gia đình, sau đó lan dần ra những mối quan hệ khác và sau cùng sẽ ảnh hưởng đến một tập thể lớn trong xã hội.
Nhận biết thái độ vô cảm trong gia đình
Vô cảm với những người thân trong gia đình được thể hiện qua nhiều biểu hiện khác nhau. Tùy theo mức độ, những biểu hiện có thể gặp phải bao gồm:
- Con cái không quan tâm đến bố mẹ, ông bà và anh chị em trong gia đình mà chỉ quan tâm đến cảm xúc và lợi ích của bản thân.
- Các thành viên trong gia đình không bày tỏ sự quan tâm và tình yêu thương lẫn nhau.
- Khi người thân trong gia đình gặp phải những vấn đề khó khăn hoặc phải đối mặt với sự kiện đau buồn, người vô cảm gần như không quan tâm và không hề an ủi hay thể hiện sự thấu cảm.
- Sống tách biệt, cô lập với những thành viên khác trong gia đình. Người sống vô cảm thường chỉ gặp gỡ các thành viên trong bữa ăn hoặc thậm chí không ăn cùng với gia đình.
- Cảm thấy khó chịu hoặc trò chuyện một cách hời hợt khi người thân quan tâm, hỏi han công việc và vấn đề học tập.
- Trở nên chai lì, không hề có cảm xúc đau buồn và xót thương khi mất đi người thân.
- Lời nói, hành vi thể hiện rõ thái độ bất cần, thờ ơ và không quan tâm đến bất cứ ai trong gia đình.
- Với những người sống xa gia đình, thái độ vô cảm được thể hiện thông qua một số dấu hiệu như không bao giờ gọi điện hỏi han gia đình – ngay cả khi người thân trong nhà bị ốm nặng hoặc đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.
Không chỉ riêng con cái, một số bố mẹ cũng có lối sống vô cảm được thể hiện qua những hành động như không quan tâm đến con, chỉ cung cấp cho con những giá trị về vật chất mà không bao giờ chia sẻ hay hỏi han bất cứ điều gì. Khi con cái chia sẻ những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, bố mẹ chỉ ậm ừ cho qua chuyện hoặc gạt phắt đi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm trong gia đình
Vô cảm trong gia đình là khởi nguồn của nhiều vấn đề. Nếu không ngăn chặn kịp thời, thái độ vô cảm sẽ xảy ra ở những khía cạnh khác như nhà trường và xã hội. Để có biện pháp cải thiện kịp thời, cần xác định những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng vô cảm với người thân trong gia đình:
1. Bố mẹ nuông chiều và bảo bọc quá mức
Ngày nay, nhiều bố mẹ nuông chiều và bảo bọc con vì nghĩ đến tuổi thơ cơ cực của bản thân. Họ không bao giờ la mắng hay đánh con và luôn đáp ứng yêu cầu của con vô điều kiện, với mong muốn con có tuổi thơ êm ấm và được sống, học tập trong môi trường lành mạnh.
Tuy nhiên, trẻ sống trong sự sung túc và đủ đầy sẽ dần hình thành tính ích kỷ, không biết cách quan tâm và chia sẻ đến những người xung quanh. Vì luôn được ba mẹ cưng chiều nên trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí trở nên cáu kỉnh và tức giận khi bố mẹ từ chối không đáp ứng yêu cầu của bản thân.
Dần dần trẻ sẽ trở nên vô cảm, không quan tâm đến bố mẹ, ông bà và anh chị em trong gia đình. Những trẻ được gia đình bảo bọc quá mức thường nghèo nàn về cảm xúc và không biết thương xót cho những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Trẻ hầu như chỉ biết “nhận” mà không biết “cho” đi vì luôn nghĩ rằng bản thân có đặc quyền riêng không ai có quyền xâm phạm.
2. Gia đình bỏ bê, không quan tâm
Ngoài ra, thái độ sống vô cảm trong gia đình cũng có thể xảy ra do bố mẹ quá bận rộn và không quan tâm đến con cái. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh không có thời gian để hỗ trợ con cái học tập do bận rộn với công việc. Vì nghĩ con đã lớn nên bố mẹ muốn tập trung làm việc để ổn định cuộc sống và giúp con được học tập trong ngôi trường tốt nhất.
Tuy nhiên, bản thân con không có mong muốn giống bố mẹ. Con chỉ đơn giản muốn có bố mẹ ở bên cạnh, quan tâm và chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Nếu bố mẹ bỏ bê và ít quan tâm đến con cái, con sẽ không cảm nhận được tình yêu thương và dần dần trở nên vô cảm với những người thân trong gia đình.
3. Bố mẹ là người vô cảm
Nếu bố mẹ vốn dĩ là người vô cảm, con cái cũng sẽ học theo suy nghĩ và hành vi của chính những người thân trong gia đình. Bản thân trẻ chưa có hiểu biết về cuộc sống nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Khi sống chung với bố mẹ là người thờ ơ, lãnh đạm và vô cảm với mọi thứ, con cái cũng sẽ lớn lên với những suy nghĩ và tính cách tương tự.
4. Sống với cha mẹ độc hại
Cha mẹ độc hại thực sự nỗi ám ảnh của con cái. Tùy vào đặc điểm, cha mẹ độc hại sẽ được chia thành nhiều dạng khác nhau. Dù ở dạng nào, con cái cũng sẽ phải đối mặt với những tổn thương về thể chất, tinh thần khi sống chung với gia đình.
Những lời nói, hành động từ cha mẹ độc hại sẽ khiến trẻ trở nên chai sạn và vô cảm với mọi thứ xung quanh – đặc biệt là gia đình của mình. Những bậc cha mẹ này thường không biết cách giáo dục đúng đắn khiến con cái không ý thức được các giá trị về đạo đức và không được rèn những tính cách tốt. Về lâu dài, con cái có xu hướng sống hời hợt, vô tâm với những người thân trong gia đình.
5. Ảnh hưởng của mạng xã hội
Sự ra đời của mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích cho cuộc sống. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ cũng đi kèm với nhiều hệ lụy. Trên các mạng xã hội, người trẻ được thể hiện bản thân và chạy theo vật chất mà bỏ quên những giá trị thật của cuộc sống.
Nhiều trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi trở nên vô cảm với gia đình vì giam mình quá lâu trong thế giới ảo. Thậm chí, một số thành phần thù ghét bố mẹ do sinh con ra trong gia đình không khá giả. Bởi trẻ bị ám ảnh về những tấm hình “lung linh” và cuộc sống đủ đầy mà mọi người update trên mạng xã hội.
Vô cảm trong gia đình và hệ lụy không ngờ đến
Vô cảm không chỉ là cảm xúc và thái độ sống đơn thuần mà là mối nguy hại của gia đình và xã hội. Tình trạng này cho thấy sự suy đồi về đạo đức và nhân cách. Đồng thời phản ánh cách giáo dục không đúng đắn từ gia đình và nhà trường.
Thái độ sống vô cảm sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của gia đình và khiến khoảng cách giữa bố mẹ – con cái trở nên xa cách hơn. Lối sống vô cảm khiến bản thân mỗi người trở nên nghèo nàn về cảm xúc, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, mất đi hứng thú và động lực trong cuộc sống. Người vô cảm thậm chí không quan tâm đến tương lai của bản thân vì không có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Những người này thường không thể thành công do không có động lực và quyết tâm.
Nếu một bộ phận lớn có lối sống vô cảm, xã hội sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề. Thái độ sống vô cảm khiến cho nền kinh tế thụt lùi và làm xói mòn những giá trị đạo đức được truyền lại từ thế hệ trước. Chính vì vậy, gia đình cần phải có biện pháp khắc phục khi nhận thấy con cái đang có lối sống và thái độ vô cảm với người thân.
Cách cải thiện tình trạng vô cảm trong gia đình
Vô cảm trong gia đình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về lâu dài. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, gia đình và bản thân người sống vô cảm cần thực hiện các biện pháp cải thiện để bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn.
Các biện pháp cải thiện thái độ sống vô cảm trong gia đình:
1. Hướng khắc phục dành cho bố mẹ
Phần lớn những trường hợp con cái sống vô cảm với người thân trong gia đình đều do bố mẹ giáo dục sai cách. Ngoài thái độ sống vô cảm và thờ ơ, giáo dục không đúng đắn còn khiến con cái hình thành những suy nghĩ và quan niệm sai lệch. Điều này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hiện tại và tương lai.
Để giúp con bồi dưỡng tâm hồn và gạt bỏ lối sống vô cảm, gia đình cần:
- Cải thiện bản thân: Bố mẹ là người thầy đầu tiên của con. Trong quá trình trưởng thành, con sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi lối suy nghĩ và quan niệm sống của gia đình. Chính vì vậy để con dừng lối sống vô cảm, bố mẹ cần cải thiện bản thân mỗi ngày và thể hiện những đức tính tốt qua các hành động nhỏ như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bày tỏ sự xót thương với người gặp phải nghịch cảnh, quan tâm khi con cái gặp chuyện buồn, biết ơn ông bà,… Dần dần, trẻ cũng sẽ học cách chia sẻ và quan tâm hơn đến những người xung quanh.
- Nghiêm khắc với con cái: Trong trường hợp con cái được nuông chiều quá mức, bố mẹ cần nghiêm khắc để con thay đổi tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân mà không biết chia sẻ và đồng cảm với người khác. Bố mẹ nên nghiêm khắc hơn trước những đòi hỏi của con và có thể khuyến khích con học tập siêng năng, rèn những đức tính tốt để được nhận phần thưởng từ gia đình. Tuy nhiên, cần điều chỉnh sự nghiêm khắc phụ thuộc vào độ tuổi và tính cách của từng trẻ. Tránh giáo dục hà khắc khiến trẻ trở nên trơ lì và chai sạn cảm xúc.
- Tôn trọng và lắng nghe con: Tôn trọng và lắng nghe con là cách đơn giản để giúp con biết cách quan tâm, chia sẻ với những người thân trong gia đình. Ngoài ra, khi bố mẹ lắng nghe con cái, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm từ gia đình và nuôi dưỡng cho bản thân tình cảm tương tự. Hơn nữa, việc tôn trọng trẻ cũng sẽ con nâng lòng tự trọng, nhận thức được những bất công trong xã hội và bày tỏ sự phẫn uất khi nhìn thấy người khác bị chèn ép, sỉ nhục.
- Bồi dưỡng nhân cách cho con: Bên cạnh việc học tập, gia đình cũng cần bồi dưỡng nhân cách cho con. Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ việc nuôi dưỡng tâm hồn mà ép buộc trẻ phải học tập thật giỏi để đạt được thành tích cao. Hệ quả là con trẻ nghèo nàn cảm xúc và sống vô cảm với gia đình. Chính vì vậy, gia đình cần bồi dưỡng nhân cách cho con bằng cách yêu cầu trẻ làm việc nhà, học cách nhận lỗi, biết quan tâm, chia sẻ với bố mẹ, anh chị em,… Nếu có thể, nên cho trẻ tham gia các chương trình xã hội để biết xót thương cho những hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn.
Gia đình là điểm tựa vững chắc về tinh thần cho con cái. Khi bố mẹ thay đổi cách giáo dục, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi trở về nhà thay vì cảm giác ngột ngạt và tù túng như trước đây. Ngoài ra, không khí gia đình vui vẻ cũng sẽ giúp trẻ cảm nhận sâu sắc niềm vui, cảm giác hạnh phúc và biết xót thương với những trẻ không được sống trong gia đình trọn vẹn.
2. Các biện pháp cải thiện cho con cái
Bên cạnh những biện pháp khắc phục từ gia đình, con cái cũng cần tự cải thiện bản thân. Hãy bắt đầu bằng việc nâng cao ý thức về những giá trị đạo đức và học cách quan tâm đến những người xung quanh.
- Nâng cao ý thức về các giá trị đạo đức: Ngày nay, chương trình giáo dục nặng khiến các em không được bồi dưỡng về nhân cách và tâm hồn. Chính vì vậy, các em nên đọc sách để tự nâng cao ý thức về những giá trị đạo đức cao đẹp như tinh thần tương thân tương ái, lòng nhân cách, vị tha, bao dung,…
- Học cách chia sẻ và quan tâm với người khác: Cách đơn giản nhất để thay đổi lối sống vô cảm là học cách quan tâm đến những người xung quanh. Khi quan tâm đến người khác, bản thân con trẻ sẽ cảm nhận được cảm xúc mất mát và buồn bã, từ đó dần hình thành sự thấu cảm và chia sẻ. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự hỗ trợ từ gia đình vì bản thân con trẻ không tự biết cách chia sẻ nếu gia đình sống vô tâm và thờ ơ.
Vô cảm với người thân trong gia đình khiến cho tình cảm giữa những thành viên bị sứt mẻ, phai nhạt. Về lâu dài, thái độ vô cảm cũng sẽ “lây lan” trong các mối quan với thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp,… Để xây dựng gia đình hạnh phúc và xã hội lành mạnh, bố mẹ cần chú trọng đến việc bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho con. Cá nhân mỗi người cũng cần nâng cao ý thức về chuẩn mực đạo đức và hướng bản thân đến những giá trị bền vững thay vì chỉ quan tâm đến vật chất, quyền lợi.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!